(Xây dựng) - Chuyển dịch kinh tế theo hướng phát thải các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn được coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Tất cả các nước trên thế giới đã đồng thuận cùng nhau giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về không (Net Zero) vào năm 2050. Trong lĩnh vực xây dựng, Công trình xanh trở thành công cụ thiết yếu để thực hiện hóa mục tiêu trên.
Nhà tre (Bamboo Pavilion)- Làng Sen Việt Nam. |
Các hoạt động của con người trên trái đất tạo ra một lượng phát thải khí nhà kính (KNK) vào bầu khí quyển, trong đó khí các-bon là chủ yếu, chiếm 72%. Nồng độ KNK trong khí quyển tăng cao, tạo ra hiệu ứng nhà kính cộng dồn, làm tăng nhiệt độ trái đất, gây ra các vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Sự cấp bách của vấn đề này đã buộc các quốc gia cùng nhau hành động, nổ lực cắt giảm KNK hay phát thải các-bon về mức phát thải ròng bằng không (Net Zero) để duy trì nhiệt độ trái đất tăng ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Việt Nam đã thực hiện cam kết mạnh mẽ hướng tới mục tiêu này vào năm 2050. Theo đó, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải KNK… Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, quy định trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong thực hiện thích ứng BĐKH, giảm phát thải KNK.
Nhà tre (Bamboo Pavilion)- Làng Sen Việt Nam đạt chứng nhận LOTUS tháng 8/2022. |
Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định chi tiết việc cắt giảm KNK, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon. Quyết định 01/2022/QD-TTg ngày 18/01/2022 ban hành danh mục các lĩnh vực, cơ sở có mức phát thải hàng năm từ 3000 tấn CO2 trở lên phải thực hiện kiểm kê KNK. Quyết định 896/QD-TTg ngày 26/7/2022, chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, đưa ra định hướng chiến lược, biện pháp, lộ trình thực hiện đưa phát thải ròng về không vào năm 2050. Quyết định số 942/QD-TTg ngày 05/8/2022, yêu cầu thực hiện giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với năm 2020.
Dựa trên các khung chính sách trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó bao gồm các nội dung: (i) đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh (CTX), công trình phát thải các-bon thấp; khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải các-bon thấp; (ii) đến năm 2030, lĩnh vực đầu tư xây dựng, vận hành nhà ở chung cư giảm ít nhất 25% lượng phát thải KNK so với năm 2020; 100% công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. (iii) đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải các-bon thấp; trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí CTX; 100% các tòa nhà thương mại, chung cư có mức tiêu thụ năng lượng trên 1.000TOE tương đương được chứng nhận tòa nhà phát thải các-bon thấp.
Diamond Lotus Riverside đạt chứng nhận LOTUS Provisional ngày 19/10/2021. |
Phát triển CTX (hay công trình hiệu quả năng lượng, công trình phát thải các-bon thấp) là giải pháp trọng tâm của ngành Xây dựng trong thời gian tới để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero của Việt Nam và thế giới. Theo hướng tiếp cận các-bon toàn vòng đời, CTX sẽ hướng đến cắt giảm phát thải các-bon trên 2 nhóm chính, các-bon vận hành và các-bon hàm chứa. Nói một cách đơn giản, các-bon vận hành là lượng phát thải các-bon (hoặc các-bon được quy đổi tương đương) trong quá trình vận hành tòa nhà thông qua nhu cầu sử dụng năng lượng, các-bon hàm chứa là lượng phát phải các-bon (hay các-bon được quy đổi tương đương) hàm chứa trong vật liệu, quá trình xây dựng, sử dụng, cải tạo, phá dỡ của tòa nhà... Dựa trên sự đánh giá về tỷ trọng phát thải và mức độ khả thi, các giải pháp chiến lược giảm phát thải các-bon đưa ra gồm (i) Tăng hiệu quả năng lượng bằng cách hạn chế nhu cầu sử dụng năng lượng (thiết kế thụ động, lựa chọn vật liệu vỏ công trình - cách nhiệt), sử dụng năng lượng hiệu quả (lựa chọn các thiết bị hiệu suất cao, công nghệ giám sát và kiểm soát năng lượng thông minh…); (ii) Sử dụng năng lượng tái tạo tại chỗ hoặc từ bên ngoài; (iii) Giảm các-bon hàm chứa thông qua việc giảm nhu cầu xây mới, tối ưu hóa sử dụng vật liệu, lựa chọn vật liệu hàm chứa các-bon thấp, giảm phát thải trong quá trình xây dựng, tái sử dụng cuối vòng đời.
Chứng nhận LOTUS – Homes, mẫu nhà M1&M2. |
Các hệ thống đánh giá CTX như: LEED (Mỹ), Green Star (Úc), Green Mark (Singapore), CASBEE (Nhật Bản), EGDE (IFC), LOTUS (Việt Nam)... hầu như đều xây dựng các tiêu chí đánh giá dựa trên các giải pháp này. Ví dụ, tiêu chuẩn EGDE tập trung vào việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, thông qua 3 hạng mục chính yêu cầu giảm sử dụng năng lượng, nước, năng lượng hàm chứa trong vật liệu ở mức tối thiểu 20%. Trong tiêu chuẩn LOTUS, các hạng mục tiêu chí đánh giá bao gồm năng lượng, nước, vật liệu và nguồn tài nguyên, sức khỏe và tiện nghi, địa điểm và môi trường, quản lí, sáng kiến/ hiệu quả vượt trội.
Tại Việt Nam, Phuc Khang Corporation (PKC), được xem là Nhà phát triển CTX ở giai đoạn đầu, đã có những chiến lược và hành động hướng đến thực hiện mục tiêu Net Zero của Việt Nam. Tất cả các dự án bất động sản phát triển bởi PKC đều được cam kết áp dụng tiêu chuẩn CTX (như LEED, LOTUS, EDGE, Green Mark) tùy theo loại hình và phân khúc dự án phù hợp, hướng đến việc áp dụng tiêu chuẩn xanh cho các khu đô thị mới.
Chứng nhận LOTUS – Homes, mẫu nhà M1&M2. |
Các công trình của PKC đã được đăng ký chứng nhận LEED, LOTUS, Green Mark... như dự án Diamond Lotus Riverside (49C, Lê Quang Kim, Quận 8), Rome by Diamond Lotus (Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Quận 2). Các công trình Nhà Tre và mẫu nhà phố tại dự án Làng Sen Việt Nam (Đức Hòa, Long An) đã được đăng kí chứng nhận LOTUS. Trong số đó, Nhà Tre (Bamboo Pavilion) đã đạt được chứng nhận LOTUS SB Gold . Các mẫu nhà phố M1, M2 cũng đã đạt chứng nhận LOTUS Homes. Chung cư cao tầng Diamond Lotus Riverside đã đạt chứng nhận LOTUS Provisional.
Bên cạnh đó, PKC còn thực hiện trách nhiệm lan tỏa nhận thức xanh đến cộng đồng cư dân và xã hội thông qua việc tổ chức hàng loạt các các hội thảo về môi trường, lối sống xanh, CTX, tiêu dùng bền vững...; các chương trình học tập và tham quan trải nghiệm tại các dự án CTX. Sự chung tay của cộng đồng cư dân trong các CTX có vai trò quan trọng, giúp cho các công trình thực sự được xanh và phát triển bền vững, góp phần hướng đến mục tiêu Net Zero.
Hoạt động học tập, tham quan trải nghiệm tại CTX Diamond Lotus Riverside, ngày 31/08/2023. |
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Lê Thị Ngọc Bích
Theo