(Xây dựng) – Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng, đại diện các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp đã cùng nêu lên những khó khăn, đưa ra các kiến nghị để phát huy lợi thế, tạo thêm nguồn việc cho doanh nghiệp và đối mặt thách thức trong thời gian tới.
Tăng trưởng ngành Xây dựng phụ thuộc vào thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công. |
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc Bộ cho thấy, ngay từ đầu năm, nhận định tình hình thị trường bất động sản (BĐS), vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn rất khó khăn, giá vật liệu, nhiên liệu biến động tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng cao, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp… đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nhất là VLXD và BĐS.
Nhờ sự cố gắng, nỗ lực quyết tâm của các doanh nghiệp, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra; trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận vượt xa so với kế hoạch. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu vẫn còn hết sức khó khăn, thua lỗ do thị trường kém khả quan. Theo báo cáo, tổng giá trị sản xuất kinh doanh các tổng công ty ước đạt hơn 54,5 nghìn tỷ đồng, bằng 95,32% kế hoạch năm 2024 và bằng 92,29% so với thực hiện năm 2023.
Mặc dù tăng trưởng ngành Xây dựng năm 2024 là động lực chính cho tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường BĐS, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng thống nhất với các chỉ tiêu kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng và đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục cụ thể hóa số lượng, chỉ tiêu nhà ở xã hội theo đúng quyết định của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng lưu ý, ngành Xây dựng cần quan tâm đến nội dung đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao, từ đó triển khai phối hợp với ngành Giao thông vận tải trong việc chuẩn bị văn bản quy phạm pháp luật và nguồn lực để thực hiện.
Các nhà thầu ngành Xây dựng rất cần tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, qua đó thể hiện năng lực, trách nhiệm đóng góp với đất nước, đồng thời đào tạo được lực lượng lao động, doanh nghiệp đảm nhiệm các công trình lớn trong tương lai…
Doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn. |
Năm 2024, với chức năng quản lý Ngành, Bộ Xây dựng đã làm được rất nhiều việc, đặc biệt xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Nhà ở. Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, một số Thông tư, Nghị định ban hành đã quan tâm sát sao đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, riêng về các doanh nghiệp xây dựng hiện nay đang rất khó khăn, trừ những doanh nghiệp đảm đương công trình hạ tầng có thể đảm đương các gói thầu như cao tốc, giao thông, sân bay; còn lại, các công ty dân dụng rất khó khăn. Gần như các gói thầu đầu tư công đều có hiện tượng phá giá. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét lại cơ chế phá giá, nếu không các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị phá sản.
Các doanh nghiệp đảm đương công trình hạ tầng cao tốc, giao thông, sân bay… có cơ hội việc làm cao hơn. |
Ngành Xây dựng đang có cơ hội và thách thức lớn, đó là Quốc hội quyết định thông qua xây dựng đường sắt tốc độ cao. Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu kiến nghị nghiên cứu lại hình thức lập dự án đầu tư và điều kiện lựa chọn nhà thầu của các dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao vì năng lực của nhà thầu Việt Nam hiện nay không đủ điều kiện tham gia dự thầu theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC và thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED).
Đối với thị trường BĐS, nguồn cung nhà ở năm 2025 sẽ có biến động và công việc cho các nhà thầu xây dựng sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS đang gặp vướng mắc trong quy trình định giá đất, rất cần sự can thiệp của Nhà nước để ổn định thị trường BĐS.
Doanh nghiệp trong quá trình triển khai xây dựng nhà ở xã hội cũng gặp nhiều bất cập. |
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải đã chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình triển khai xây dựng nhà ở xã hội như vướng mắc về cơ chế, thủ tục đầu tư, thủ tục xin duyệt giá thành xây dựng, giá bán...
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải đề xuất, Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền cần xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, phù hợp; cập nhật kinh nghiệm phát triển thành công nhà ở xã hội của một số nước trên thế giới; triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng; ứng dụng AI vào trong ngành Xây dựng...
Yên Thư
Theo