Thứ sáu 19/04/2024 18:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chủ trương đầu tư tuyến đường 240 tỷ tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Huyện có “ưu ái” Tập đoàn Xuân Thiện?

08:28 | 02/10/2021

(Xây dựng) - Gần đây, dư luận tại Thanh Hóa đang xôn xao về việc UBND huyện Ngọc Lặc chủ trương đầu tư 2 tuyến giao thông, có tổng mức đầu tư lên tới 240 tỷ đồng nhằm phục vụ cho dự án chăn nuôi của Tập đoàn Xuân Thiện. Có ý kiến cho rằng, việc chi số tiền quá lớn để làm đường phục vụ dự án của doanh nghiệp đối với một huyện nghèo như Ngọc Lặc, liệu có thật sự cần thiết và có hay không sự “ưu ái” dành cho nhà đầu tư?

chu truong dau tu tuyen duong 240 ty tai ngoc lac thanh hoa huyen co uu ai tap doan xuan thien
Phối cảnh Dự án chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện.

Trước đó, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 12/12/2020, tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc. Tập đoàn Xuân Thiện và UBND huyện Ngọc Lặc đã khởi công xây dựng Khu Liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện – Thanh Hóa 1. Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư trên 23.000 tỷ đồng (tương đương 01 tỷ USD). Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ sản xuất mỗi năm 180.000 tấn sản phẩm từ thịt lợn; 50.000 tấn sản phẩm từ trái cây, rau củ quả; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600.000 tấn phân vi sinh hữu cơ; hình thành tổng đàn lợn 67.500 lợn nái và cung cấp 1,5 triệu con lợn thịt/năm.

Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đạt doanh thu 38.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, sẽ thu hút khoảng 1.000 lao động với việc làm ổn định. Quan trọng hơn, các nhà máy thuộc khu liên hợp sẽ thu mua số lượng lớn nông sản của người nông dân địa phương để phục vụ chế biến nước trái cây, trái cây ép dẻo, sấy, mứt các loại và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Qua đó, tạo thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho nông dân… từ đó, đưa huyện miền núi còn nhiều khó khăn Ngọc Lặc thành điểm sáng của cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững, ổn định, nhà đầu tư đã lựa chọn các khu thung lũng, biệt lập ngăn cách với bên ngoài bằng các dãy núi, đồi cách xa khu dân cư để xây dựng khu chăn nuôi, chế biến thức ăn… Ngoài ra, chuỗi dự án đều được sử dụng công nghệ cao 4.0 tiêu chuẩn châu Âu, áp dụng công nghệ sinh học trong tất cả các công đoạn của khu liên hợp. Mục đích nhằm tận dụng hết phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất một số sản phẩm thuộc các tiểu dự án khác, tạo nên sự thân thiện với môi trường và tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.

chu truong dau tu tuyen duong 240 ty tai ngoc lac thanh hoa huyen co uu ai tap doan xuan thien
Lễ khởi công dự án.

Trở lại với con đường 240 tỷ, trước đó, HĐND huyện Ngọc Lặc đã thông qua Nghị quyết đồng ý với tờ trình của UBND huyện về việc xin bố trí vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 1, công trình Dự án đường giao thông dân sinh, kết hợ hỗ trợ phát triển cụm dự án Xuân Thiện tại địa phương. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 240 tỷ đồng, với 2 tuyến đường, gồm tuyến số 01: Nâng cấp, cải tạo tuyến giao thông từ đường Hồ Chí Minh thuộc xã Kiên Thọ đến dự án Xuân Thiện (tại xã Nguyệt Ấn) dài 9,5km.

Tuyến số 5: Xây dựng tuyến giao thông từ đường Hồ Chí Minh thuộc xã Quang Trung đến xã Ngọc Liên dài 7,7km. Theo đó, tổng chiều dài hai tuyến 17,2km, qua các xã Kiên Thọ, Ba Si, Nguyệt Ấn, Ngọc Liên, Quang Trung, có tổng số 30.000 nhân khẩu. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở mang cơ hội thu hút đầu tư, kích thích phát triển sản xuất, cả thiện đời sống nhân dân các xã có con đường đi qua. Nguồn vốn thực hiện thuộc ngân sách huyện và các nguồn huy động hợp pháp của chủ đầu tư.

Nói về mục đích đầu tư hai tuyến đường trên, UBND huyện Ngọc Lặc cho rằng đầu tư dự án này, vào thời điểm này là cần thiết, đối tượng hưởng lợi ngoài nhà đâu tư còn là 30.000 người dân sở tại. Hơn nữa, đối với một dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tổng mức đầu tư lên tới tỷ USD, đem lại cơ hội việc làm, tiêu thụ sản phẩm và tạo nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Việc hỗ trợ hạ tầng giao thông đến chân hàng rào dự án là bình thường và cần thiết. Phù hợp với chính sách chung của tỉnh về hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư, nhất là đầu tư dành cho sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn và miền núi.

Cũng về vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm “Chủ trương đầu tư tuyến giao thông dân sinh, kết hợp hỗ trợ cụm công nghiệp Xuân Thiện tại Ngọc Lặc là cần thiết, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa và thu hút đầu tư”. Tuy nhiên, theo các quyết định chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh đối với dự án này đều nêu rõ “nhà đầu tư hợp tác với UBND huyện Ngọc Lặc để thỏa thuận đầu tư xây dựng đường vào các dự án và đường dân sinh trong phạm vi thực hiện dự án, phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch của địa phương; kinh phí xây dựng do nhà đầu tư đảm bảo...”

Như vậy, quan điểm của UBND huyện cũng như Sở Kế hoạch và Đầu tư, về sự cần thiết của việc đầu tư dự án giao thông 240 tỷ đã rõ ràng (ngoài vấn đề trách nhiệm đầu tư kinh phí xây dựng). Ngoài ra, dư luận vẫn còn một số băn khoăn, lo ngại, đó là việc chi khoản tiền lớn như vậy đối với một huyện miền núi còn nghèo liệu có khả thi, số kinh phí này sẽ lấy từ nguồn nào, có ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác hay không? Thêm nữa, về phía nhà đầu tư, liệu có đủ năng lực tài chính, có quyết tâm triển khai thực hiện để dự án đi vào hoạt động. Nếu dự án lâm vào cảnh dở dang, “đắp chiếu” kéo dài, số tiền đầu tư làm đường sẽ trở thành lãng phí và ai phải chịu trách nhiệm?

chu truong dau tu tuyen duong 240 ty tai ngoc lac thanh hoa huyen co uu ai tap doan xuan thien
Khu vực 1 của dự án đang được thi công.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về vấn đền này, ông Lê Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc khẳng định, việc đầu tư hai tuyến đường trên là cần thiết, phù hợp với thực tế. Đồng thời nhấn mạnh, theo Luật Đầu tư công, đối với dự án đầu tư thuộc ngân sách của huyện, thì huyện có toàn quyền quyết định, tất nhiên là trên cơ sở xem xét, nghiên cứu, đánh giá toàn diện về lợi ích mà dự án đem lại, cùng với nhu cầu giao thông, đi lại của người dân.

Về bố trí nguồn vốn cho dự án, Bí thư Tuấn cho hay, kinh phí làm đường sẽ được lấy chủ yếu từ nguồn khai thác quỹ đất và số vượt thu từ thuế. Thêm nữa, dự án sẽ kéo dài trong 5 năm nên huyện đã tính toán, cân nhắc và xây dựng phương án giải ngân theo giai đoạn một cách phù hợp. Do đó, việc đầu tư nguồn vốn cho dự án sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động khác trên địa bàn.

Về mục đích đầu tư, ông Tuấn trao đổi thêm, trong chiều dài 17,2km của hai dự án giao thông, chỉ có khoảng 1km đi qua khu số 2 của dự án chăn nuôi công nghệ cao. Do đó, đối tượng hưởng lợi từ dự án không chỉ riêng nhà đầu tư, mà gồm cả 30.000 dân vùng dự án. Cùng với đó, khi hai tuyến đường trên hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư cho địa phương. Thêm nữa, việc đầu tư hai tuyến đường là do chủ trương của huyện, Tập đoàn Xuân Thiện hoàn toàn không có gợi ý hoặc đề nghị gì.

Liên quan đến vấn đề năng lực, quyết tâm của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Bí thư Tuấn thông tin: Do dịch Covid-19 nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án, lý do vì lệnh giãn cách khiến các chuyên gia nước ngoài và công nhân kỹ thuật gặp khó khăn trong việc trở lại làm việc. Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ đầu tư và nắm bắt thực tế tại công trường, cho đến thời điểm này, tuy thời gian thi công chính thức khu vực 1 của dự án mới được trên một tháng (do thời gian giãn cách xã hội), nhưng doanh nghiệp đã giải ngân, đầu tư vào các hạng mục của dự án tới 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang đề nghị UBND huyện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng khu vực 2 (mới được 50%), bàn giao mặt bằng sạch trong thời gian tới để triển khai thi công các tiểu dự án tiếp theo, đảm bảo đưa dự án vào hoạt động cơ bản đúng tiến độ.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load