Thứ sáu 26/07/2024 20:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đống Đa (Hà Nội): Cần làm rõ việc cấp Giấy phép xây dựng tại số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà?

12:21 | 11/07/2024

(Xây dựng) – Liên quan đến việc phá dỡ công trình cũ để xây mới tại số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) không đảm bảo an toàn, gây ảnh hưởng tới công trình liên kế, người dân cũng đã đặt ra nhiều nghi vấn liên quan đến công tác cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) của UBND quận Đống Đa đối với công trình này.

Đống Đa (Hà Nội): Cần làm rõ việc cấp Giấy phép xây dựng tại số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà?
Hiện trạng công trình sau khi phá dỡ tại số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa.

Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng đã có bài viết “Đống Đa (Hà Nội): Phá dỡ công trình gây nứt nẻ nhà liền kề, trách nhiệm thuộc về ai?” phản ánh về việc công trình nhà ở của gia đình ông Lê Trí Hải (có địa chỉ tại số 4 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà) bị nứt nẻ, phồng rộp, bong tróc tường do công trình liên kế của ông Ngô Tuấn Anh (số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà) thi công phá dỡ để xây mới.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Trí Hải còn cho biết: Sau khi xem GPXD số 230571/GPXD do UBND quận Đống Đa cấp cho ông Ngô Tuấn Anh và bà Đỗ Thị Quỳnh Hương ngày 31/10/2023 và nghiên cứu các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, thì nhận thấy một số nội dung trong GPXD được cấp có những điểm “bất cập” liên quan đến chiều cao công trình và tầng hầm.

Theo ông Lê Trí Hải, nội dung GPXD số 230571/GPXD cấp cho gia đình ông Ngô Tuấn Anh và bà Đỗ Thị Quỳnh Hương xây dựng công trình tại số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà, phường Láng Hạ thể hiện chiều cao công trình là 21,7m với 5 tầng, 1 hầm, 1 lửng và tum thang; diện tích xây dựng 84,9m2, mật độ xây dựng là 100%, tổng diện tích sàn 590,05m2…Ông Lê Trí Hải đặt nghi vấn: “Quy mô, thiết kế công trình xin cấp phép này không tuân thủ các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về xây dựng”.

Ông Lê Trí Hải viện dẫn: Tại điểm 5.5.1 tiểu mục 5.5 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411:2012 về Nhà ở liên kế - Tiêu chuẩn thiết kế có nêu: “Trong mọi người hợp nhà ở liên kế không được cao hơn 6 tầng. Trong các ngõ (hẻm) có chiều rộng nhỏ hơn 6m, nhà ở liên kế không được xây cao quá 4 tầng”. “Gia đình tôi không rõ trong hồ sơ xin cấp GPXD mà ông Ngô Tuấn Anh gửi tới UBND quận Đống Đa thể hiện con ngách (hẻm) số 2 ngõ 161 phố Thái Hà rộng bao nhiêu mét? Cán bộ chuyên môn của UBND quận Đống Đa có đi thực tế đo đạc hay không? Bởi nếu thực tế có đi thẩm tra thì chắc chắn sẽ biết con ngách này chỉ rộng khoảng 4m. Như vậy, việc cấp GPXD cho công trình của ông Ngô Tuấn Anh lên 5 tầng là bất thường”, ông Lê Trí Hải nhận định.

Đồng thời, công trình nhà ông Ngô Tuấn Anh còn được cấp phép có tầng hầm, nhưng theo ông Lê Trí Hải, khu vực này là khu phố cũ, nền đất trước đây chủ yếu là ao hồ, các công trình xây dựng liền kề cũng đã có tuổi thọ hơn 20 năm. Việc cấp phép cho công trình xây dựng có tầng hầm, thì UBND quận Đống Đa đã tính toán đến các điều kiện an toàn cho các công trình lân cận hay không?

Đống Đa (Hà Nội): Cần làm rõ việc cấp Giấy phép xây dựng tại số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà?
Những mảng tường nhà ông Lê Trí Hải bị phồng rộp, bong tróc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Văn bản số 4218/QHKT-NĐ-HTKT ngày 30/8/2023 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội về việc thông tin quy hoạch khu đất số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà có nêu: “Theo Quy hoạch phân khu đô thị H1-3, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 19/3/2021, khu đất trên thuộc ô quy hoạch ký hiệu D.1-HH2 được định hướng chức năng là đất hỗn hợp (thương mại, dịch vụ, văn phòng, ở…) và nằm trong khu vực hạn chế phát triển với tầng cao đặc trưng 5-7 tầng (chiều cao 22-25m). Tại Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 quy định: Đối với các khu vực dân cư hiện có nằm xen cài trong các ô đất xác định chức năng đất cơ quan, trường đào tạo, viện nghiên cứu… an ninh, quốc phòng, công cộng, hỗn hợp…Ranh giới, chức năng cụ thể sẽ được xác định trên cơ sở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ đất đai…Chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các ô đất sẽ được xác định theo chỉ tiêu đối với khu vực nhóm nhà ở trong cùng ô quy hoạch và phải phù hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.

Cũng theo nội dung văn bản này: “Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cụ thể (mật độ, tầng cao, chiều cao công trình…) sẽ được xác định cụ thể trong quá trình thiết kế, cấp Giấy phép xây dựng công trình trên phần diện tích đất sử dụng hợp pháp còn lại ngoài chỉ giới mở đường theo quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu về khoảng lùi, khoảng cách công trình, yêu cầu về cảnh quan khu vực, giao thông, phòng cháy chữa cháy… tuân thủ các Quy chuẩn: QCVN 01:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD, QCDP 01:2022/TPHN…Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành, các quy hoạch có liên quan và các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố”.

Tuy nhiên, trong Văn bản số 4218/QHKT-NĐ-HTKT của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội không đề cập đến việc xây dựng tầng hầm ở khu vực này. Với thực tế khu đất, dựa vào cơ sở nào để UBND quận Đống Đa cấp GPXD cho ông Ngô Tuấn Anh và bà Đỗ Thị Quỳnh Hương xây dựng công trình có tầng hầm, việc này cần làm rõ?

Đống Đa (Hà Nội): Cần làm rõ việc cấp Giấy phép xây dựng tại số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà?
Với cách làm thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công khiến ông Lê Trí Hải rất lo lắng về sự an toàn ngôi nhà của mình khi công trình liên kế tiếp tục được xây dựng.

Theo chuyên gia về lĩnh vực xây dựng, việc xây dựng tầng hầm của công trình nhà ở riêng lẻ cần phải chú ý tới kích thước công trình có đảm bảo ram dốc (được hiểu là con đường đi lên xuống tầng hầm). Lối ra hầm cũng cần phải có khoảng lùi so với đường đi để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lên xuống hầm và phương tiện lưu thông trên đường. Tuy nhiên, đối với diện tích đất của gia đình ông Ngô Tuấn Anh tại số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà đã nằm rất sát đường đi dân sinh. Nếu không có khoảng lùi thì các phương tiện đi từ dưới hầm lên sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại nạn giao thông.

Bên cạnh đó, việc xây dựng tầng hầm khá phức tạp, trước khi tiến hành thiết kế công trình, cần phải thực hiện công tác khảo sát địa chất, tính toán sơ bộ biện pháp thi công tầng hầm, đánh giá độ ổn định của các công trình hiện hữu lân cận có khả năng bị ảnh hưởng khi thi công và biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình này. Những công tác này cần phải được hoàn thành trước khi thực hiện cấp GPXD, việc đánh giá này đã được thực hiện chưa, kết quả như thế nào, đề nghị UBND quận Đống Đa làm rõ?

Ông Lê Trí Hải cho biết: Khi biết công trình của ông Ngô Tuấn Anh được cấp phép xây dựng tầng hầm, gia đình ông Lê Trí Hải rất lo lắng và hoang mang, vì không biết các công tác khảo sát địa chất, các biện pháp an toàn cho công trình lân cận đã được chủ đầu tư và lực lượng chức năng tính toán kỹ lưỡng, đơn vị thi công có đủ năng lực chuyên môn. Bởi lẽ, với cách làm thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công, chỉ mới thực hiện công tác phá dỡ công trình cũ mà đã khiến một số khu vực tường nhà ông Lê Trí Hải bị hư hỏng, thì không biết khi đào đất làm hầm thì những sự việc gì sẽ tiếp tục xảy ra đối với công trình và sự an toàn tính mạng của gia đình ông.

Được biết, ngày 10/4/2024, Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa đã có Văn bản số 107/QLĐT thông tin đến ông Lê Trí Hải về những kiến nghị của ông. Tại văn bản này, Phòng Quản lý đô thị thông tin, căn cứ vào Quy hoạch phân khu đô thị H1-3, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 19/3/2021. Ngày 30/8/2023, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có Văn bản số 4218/QHKT-NĐ-HTKT về việc thông tin quy hoạch khu đất số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà, quận Đống Đa…Sau đó, ngày 31/10/2023, Phòng đã tham mưu trình UBND quận Đống Đa ký ban hành GPXD số 230571/GPXD cấp cho ông Ngô Tuấn Anh và bà Đỗ Thị Quỳnh Hương là đúng các quy định của pháp luật?

Về việc này, chúng tôi cho rằng cần phải làm rõ một số vấn đề: Thứ nhất, Văn bản số 4218/QHKT-NĐ-HTKT của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội là văn bản cung cấp thông tin về quy hoạch đất tại số 3 ngách 2 ngõ 161 phố Thái Hà, quận Đống Đa do chủ đầu tư đề nghị; do vậy phải hiểu, đây không phải là văn bản mang tính chất quy phạm pháp luật. Nhưng tại Văn bản số 107/QLĐT do Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa trả lời ông Lê Trí Hải ngày 10/4/2024 lại viện dẫn những thông tin của Văn bản số 4218/QHKT-NĐ-HTKT là chưa thỏa đáng.

Mặt khác, cũng trong Văn bản 4218/QHKT-NĐ-HTKT nêu trên, thì Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội còn nhấn mạnh một số vấn đề cần phải nghiên cứu áp dụng như: “…về khoảng lùi, khoảng cách công trình, yêu cầu về cảnh quan khu vực, giao thông, phòng cháy chữa cháy…tuân thủ các Quy chuẩn: QCVN 01:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD, QCDP 01:2022/TPHN…Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành, các quy hoạch có liên quan và các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố”. Vậy tại sao, khi cấp GPXD, UBND quận Đống Đa không nghiên cứu vấn đề này?.

Thứ hai, cũng trong Văn bản 4218/QHKT-NĐ-HTKT của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội không đề cập đến việc xây dựng tầng hầm đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trong quy hoạch 1/2000 khu vực này, vậy tại sao trong GPXD do UBND quận Đống Đa cấp cho ông Ngô Tuấn Anh và bà Đỗ Thị Quỳnh Hương lại được cấp phép xây dựng tầng hầm?

Trong pháp luật về quy hoạch đô thị quy định, một trong những cơ sở cần và đủ để cấp GPXD là quy hoạch chi tiết đô thị 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với những thông tin quy hoạch được nêu trong Văn bản 4218/QHKT-NĐ-HTKT của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chỉ là cơ sở để UBND quận Đống Đa tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực ngõ 161 phố Thái Hà, quận Đống Đa làm cơ sở cấp GPXD cho người dân.

Như vậy có thể nói, Văn bản số 107/QLĐT của Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa trả lời ông Lê Trí Hải và cho rằng: Việc cấp GPXD số 230571/GPXD cấp cho ông Ngô Tuấn Anh và bà Đỗ Thị Quỳnh Hương là đúng các quy định của pháp luật, là chưa thuyết phục, bởi còn nhiều vấn đề không đúng quy định của pháp luật như đã nêu ở trên. Có thể nói, ngách số 2 ngõ 161 phố Thái Hà là lối đi khá nhỏ (chỉ khoảng 4m) và rất khó khả năng mở rộng thêm trong giai đoạn trước mắt, các công trình hiện hữu nơi đây cũng chỉ có chiều cao khoảng 4 tầng. Vậy, việc cấp GPXD cho các công trình tại đây từ 5 - 7 tầng và có tầng hầm là chưa phù hợp với các quy định pháp luật như đã nêu trên, việc này cần làm rõ?

Thời gian qua, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã liên tục xảy ra các vụ cháy thương tâm trong các ngõ, ngách nhỏ. Vì vậy, công tác phòng cháy chữa cháy cũng đang được chính quyền Thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt. Nếu thành phố vẫn tiếp tục cấp các GPXD với chiều cao từ 5 – 7 tầng trong các ngõ ngách nhỏ sẽ tiếp tục gia tăng nguy cơ cháy nổ, trong khi lối vào quá nhỏ, khiến các phương tiện chữa cháy khó tiếp cận hiện trường.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND quận Đống Đa kiểm tra công tác cấp GPXD nói chung và GPXD số 230571/GPXD nói riêng, để đảm bảo công tác cấp GPXD đúng pháp luật đảm bảo an toàn cho công trình, cho người dân xung quanh và cả những công trình được cấp GPXD. Chúng tôi cho rằng, Sở Xây dựng Hà Nội cần vào cuộc làm rõ vấn đề này.

Tiến Hào – Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load