(Xây dựng) - Chưa được cơ quan chức năng ra quyết định giao đất, chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, nhưng nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã xây dựng và đi vào hoạt động từ khoảng cuối năm 2021 đến nay.
Cổng nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch Thọ Ngọc. |
Công ty TNHH Hai thành viên Thái Học (chủ đầu tư nhà máy nước sạch Triệu Sơn) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, địa điểm đầu tư Dự án nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch xã Thọ Ngọc tại Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 9/1/2020. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 66 tỷ đồng, công suất thiết kế 5.000m3 nước/ngày đêm. Mục tiêu cung cấp nước sạch cho người dân 11 xã của Triệu Sơn gồm: Thọ Ngọc, Thọ Cường, Thọ Tiến, Thọ Bình, Xuân Thọ, Thọ Sơn, Bình Sơn, Hợp Lý, Hợp Tiến, Hợp Thành và Triệu Thành. Hiện, nhà máy đang cung cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân thuộc các xã trên.
Từ phản ánh của dư luận, về việc nhà máy đã xây dựng và đi vào hoạt động từ khoảng cuối năm 2021 đến nay, nhưng chưa được giao đất và hồ sơ pháp lý liên quan, PV đã xác minh và ghi nhận phản ánh là có cơ sở. Được biết, đến thời điểm tháng 4/2024, doanh nghiệp này mới có đơn xin thuê đất, diện tích 1,6ha để thực hiện dự án. Cùng với đó, đến thời điểm này, mọi thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật, doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thiện xây dựng các hạng mục công trình của dự án và đi vào sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt cho các khách hàng.
Đáng nói là trong quá trình xác minh, tìm hiểu, với mong muốn có đầy đủ thông tin đa chiều để có thể phản ánh một cách trung thực, khách quan, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, PV đã nhiều lần gọi điện thoại và nhắn tin nói rõ mục đích muốn trao đổi với chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thiện chí cung cấp thông tin, đưa ra nhiều lý do để né tránh.
Giấy biên nhận thu tiền nước của doanh nghiệp phát cho khách hàng. |
Trao đổi với PV, ông Bùi Minh Quốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn xác nhận, đến thời điểm hiện tại, huyện vẫn chưa cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư dự án này. Cũng theo ông Bùi Minh Quốc, do những vi phạm về sử dụng đất đai, huyện đã tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính. Từ tham mưu của huyện, ngày 20/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này số tiền 120 triệu đồng, do hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa tại khu vực nông thôn trên diện tích 1,6ha. Ngoài ra, UBND huyện Triệu Sơn cũng đã buộc doanh nghiệp phải nộp lại 7,1 triệu đồng do thu lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm trên. Đồng thời, yêu cầu phải thực hiện hoàn tất các hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định.
Tiếp tục tìm hiểu, được biết ngoài sai phạm về đất đai, xây dựng, trước và trong quá trình hoạt động, theo phản ánh của khách hàng, doanh nghiệp này còn có biểu hiện vi phạm cần làm rõ. Theo đó, trong quá trình lắp đặt đồng hồ nước, doanh nghiệp đã thu mỗi hộ 3,5 triệu đồng tiền đồng hồ nước và thu tiền nước hàng tháng, nhưng chỉ gửi cho khách hàng tờ “biên nhận thanh toán” mà không có hóa đơn giá trị gia tăng. Ngoài ra, việc tính đơn giá 9.500 đồng/m3 của nhà máy đối với các hộ dân cũng được cho là cao so với giá 7.800 đồng/m3 của các nhà máy nước sạch khác trên địa bàn tỉnh.
Được biết, trước phản ánh của dư luận, mới đây, UBND tỉnh đã có công văn, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Triệu Sơn và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc, đưa ra hướng xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.
Đào Nguyên
Theo