(Xây dựng) - Theo phản ánh của người dân, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Bình Minh (gọi tắt là Công ty Bình Minh), khai thác và sản xuất đá tại núi Lũng Mía, thôn Phúc Trí, thị trấn Yên Lâm (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đã để xảy ra nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động.
Nước từ hoạt động xẻ đá đọng thành vũng, lênh láng bên dưới máy cắt đá trong nhà xưởng, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn về điện. |
Để xác minh thông tin trên, cùng với cán bộ địa chính thị trấn Yên Lâm, PV Báo điện tử Xây dựng đã trực tiếp tới khu mỏ và xưởng chế tác đá của Công ty Bình Minh. Thực tế cho thấy, phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại 2 khu nhà xưởng sản xuất đá xẻ, bên những chiếc máy cẩu, máy xẻ lắp lưỡi cưa lớn đang hoạt động, những người lao động dù làm việc trong môi trường bụi bặm, tiếng ồn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp rất cao, nhưng không trang bị đủ đồ bảo hộ lao động. Thậm chí, nhiều người còn không đeo khẩu trang ngăn bụi. Đáng lo ngại hơn, dưới nền nhà, ngay bên dưới những chiếc máy xẻ đá đang hoạt động, nước lẫn bột đá chảy lênh láng, đọng thành vũng, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn về điện, gây mất an toàn cho người vận hành.
Đá thải, bột đá chất đống ngổn ngang. |
Cũng tương tự như vậy, bên ngoài khu nhà xưởng, nước thải lẫn bột đá từ bên trong nhà xưởng đọng thành vũng lênh láng, trước khi chảy ra những chiếc ô chứa nhỏ, nguồn nước thải này không biết được xử lý, tiêu thoát đi đâu? Cùng với đó là những đống đá thải vứt vương vãi, những đống bột đá múc từ các bể lắng lên, để tích tụ lâu ngày với khối lượng lớn, không được che chắn, nằm lộ thiên trong phạm vi mặt bằng của khu mỏ.
Nước thải chứa trong ao lắng được xây dựng sơ sài. |
Theo tài liệu PV có được, Công ty Bình Minh được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấp phép khai thác khoáng sản và thuê đất số 236/GP-UBND ngày 20/7/2018. Diện tích mỏ 25.719m2, trong đó, diện tích khu vực khai thác 23.318m2, trữ lượng 356.662m3 (gồm đá vôi làm vật liệu xây dựng 331.996m3, đá khối để xẻ 24.996m3), công suất khai thác 30.000m3/năm, cos khai thác +23m, thời hạn khai thác 12 năm 8 tháng. Cũng theo quyết định này, Công ty Bình Minh phải thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung của dự án đầu tư khai thác đã được phê duyệt.
Được biết, vào cuối năm 2023, 2 hộ dân ở thôn Phúc Trí, thị trấn Yên Lâm đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, kiến nghị về việc Công ty Bình Minh và 2 doanh nghiệp khác trong quá trình khai thác, chế biến đá đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của họ. Nội dung chính như sau: “Toàn bộ không gian bị bụi đá bao phủ, cây cối hoa màu không phát triển được, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, mương nước không thoát được nước nên bị đọng bụi đá, ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, mùa mưa diện tích đất của gia đình bị ngập nghiêm trọng… Đề nghị lập biên bản xác định tình trạng ô nhiễm, toàn bộ nước thải, chất thải của 3 công ty và khu làng nghề đổ vào khu đất ở của các hộ dân sống gần khu vực 3 công ty”.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 28/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Yên Định và thị trấn Yên Lâm đã tiến hành kiểm tra hiện trường và tổ chức hội nghị giữa các hộ dân và 3 doanh nghiệp bị khiếu nại. Tiếp đó, ngày 15/12/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo số 11744/STNMT-TNKS gửi UBND tỉnh “về việc báo cáo kết quả giải quyết đơn kiến nghị của bà Trần thị Chúc và Lê Thị Lanh ở khu phố Phúc Trí, thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định”.
Làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn lao động, nhưng người lao động không trang bị đủ đồ bảo hộ an toàn lao động. |
Theo đó, báo cáo có đoạn: Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Hoàng Tú và Công ty Lộc Phúc đã xây tường rào 3m bao quanh khu đất được thuê, trồng cây xanh, hệ thống phun nước giảm bụi khu nghiền sàng, chế biến đá. Riêng Công ty Bình Minh còn 20m chưa xây tường rào (không nêu các biện pháp giảm thiểu tác động đến các hộ dân như hai Công ty Hoàng Tú và Lộc Phúc – PV). Cũng tại báo cáo này, phần nhận xét nêu: “Việc các hộ dân thôn Phúc Trí phản ánh việc khai thác, vận chuyển đá của 3 công ty gây bụi vào nhà dân là có cơ sở (tại thời điểm kiểm tra, hộ bà Chúc, bà Lanh có bụi tại các vật dụng, nền nhà)… toàn bộ nước thải, chất thải của khu làng nghề, vào mùa mưa chảy từ mương nước đổ vào khu đất của hai hộ trên là có cơ sở (xác nhận của UBND thị trấn Yên Lâm).
Từ thực tế trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh: Giao huyện Yên Định bố trí vốn, tiếp tục đầu tư mương thoát nước chảy qua khu vực sinh sống của người dân, để không còn tình trạng đọng nước, ô nhiễm; chỉ đạo các phòng, ban và thị trấn Yên Lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình khai thác, chế biến đá tại khu vực mỏ của các đơn vị; đề nghị 3 Công ty Lộc Phúc, Bình Minh và Hoàn Tú khai thác đảm bảo an toàn, hạn chế khai thác thời điểm có gió mạnh để tránh phát tán bụi đá. Đồng thời, có biện pháp xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, xây dựng các hồ lắng chưa nước mưa chảy tràn, các biện pháp xử lý bụi, khí thải… theo báo cáo đáng giá tác động môi trường đã được phê duyệt”. Căn cứ báo cáo trên, UBND tỉnh đã ra công văn giao Chủ tịch UBND huyện Yên Định xử lý các nội dung theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đường nội bộ ngổn ngang đá thải, nước đọng lầy lội. |
Làm việc với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm cho biết: Thời gian qua, thị trấn cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá trên địa bàn để kịp thời nhắc nhở, xử lý những hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với Công ty Bình Minh cũng như một số công ty khác, thị trấn không kiểm tra vì những đơn vị này đã được cơ quan có thẩm quyền thuộc Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, đang chờ xử lý nên chính quyền địa phương không làm nữa?
Về phía UBND huyện, ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sau khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh công trình mương thoát nước làng nghề (khoảng 700m còn lại, tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng) để giải quyết tình trạng nước đọng gây ô nhiễm ảnh hưởng đến các hộ dân. Đến nay, dự án đã chọn được nhà thầu và sẽ khởi công trong thời gian tới. Cùng với đó, đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các giải pháp hạn chế gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác, chế tác đá. Đồng thời, giao cho UBND thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát, báo cáo UBND huyện những nội dung vượt thẩm quyền giải quyết, xử lý kịp thời.
Để tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, sản xuất và kinh doanh khoáng sản, nhất là giữ gìn, bảo vệ môi trường, không để ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, các cấp, ngành hữu quan cần sớm vào cuộc, kiểm tra hoạt động khai thác, sản xuất của Công ty Bình Minh. Qua đó, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm (nếu có) của doanh nghiệp này.
Đào Nguyên
Theo