Thứ ba 16/07/2024 21:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Trì (Hà Nội): Cần làm rõ việc dựng nhà, công xưởng trên đất bồi và hành lang đê điều

22:06 | 12/07/2024

(Xây dựng) - Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng nhận được phản ánh, một số hộ dân tại xã Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) đã lợi dụng việc tạm giao đất bồi ven sông, sau đó dựng nhà xưởng kiên cố. Việc này diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý, thực hư câu chuyện ra sao?

Thanh Trì (Hà Nội): Cần làm rõ việc dựng nhà, công xưởng trên đất bồi và hành lang đê điều
Khu vực đất bãi bồi, mà theo người dân thời gian qua bỗng mọc lên các công trình lợp tôn, nhà lợp mái cọ.

Nhà gỗ, nhà xưởng “mọc” sát bờ đê, bãi bồi

Theo như phản ánh, người dân tại xã Yên Mỹ thời gian qua hết sức bất ngờ khi thấy một công trình “mọc” lên trên diện tích đất bãi bồi ven sông Hồng, tiếp giáp trạm biến thế hợp tác xã rau sạch.

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã ghi nhận thực tế vị trí người dân phản ánh. Theo đó, diện tích này nằm bên cạnh con đê bối, chạy dài ra gần mép sông Hồng. Ngoài khuôn viên, công trình có cổng và tường bao kín mít che khuất bởi nhiều loại cây xanh. Phía bên trong, diện tích chủ yếu được chủ nhân trồng cây ăn quả lâu năm như ổi, cam, bưởi, chuối…

Qua hình ảnh vệ tinh, bên trong khuôn viên đang tồn tại một nhà xưởng sát đê bối và một nhà lợp mái cọ nằm ở trung tâm mảnh đất. Khi được hỏi, một số người dân trong khu vực đều cho biết, diện tích đất này đã được một gia đình sử dụng từ rất lâu. Do có cổng, tường bao kín mít nên cũng không ai biết bên trong có những gì.

Thanh Trì (Hà Nội): Cần làm rõ việc dựng nhà, công xưởng trên đất bồi và hành lang đê điều
Ngôi nhà bên trong khu đất bãi bồi UBND xã Yên Mỹ tạm giao cho một hộ dân sản xuất.

Một nguồn tin của PV cho hay, dù bên ngoài có vẻ “đổ nát, hoang sơ”, được ngụy trang mái lá cọ nhưng trên thực tế, đây là một ngôi nhà kiên cố được xây dựng và ốp gỗ hoàn toàn. Bên trong, ngoài một số phòng ngủ, căn nhà lá đơn sơ này còn có khu tiếp khách, trang bị cả máy tập thể thao chuyên dụng. Đồng thời, công trình này cũng đầy đủ hệ thống điện chiếu sáng và nước sinh hoạt.

Ngoài công trình nêu trên, một số người dân cũng phản ánh, dọc bờ đê nhỏ nối từ đê Hữu Hồng ra tới sông Hồng, thuộc xóm 1 (xã Yên Mỹ), nhiều năm qua cũng bị một số cá nhân lấn chiếm xây dựng nhà xưởng dài cả trăm mét. Những nhà xưởng này nằm sát đê, uy hiếp an toàn hành lang đê điều, đặc biệt là mỗi khi đến mùa bão lũ. Dù vậy, việc này đã tồn tại hàng chục năm nhưng vẫn chưa thể xử lý.

Theo quan sát của PV, khu vực nhà xưởng người dân phản ánh, bên ngoài toàn bộ được quây kín, mỗi đầu có một lối ra vào. Bên trong, vẫn có công nhân, máy móc hoạt động sản xuất. Khi được hỏi, một người dân tại đây cho biết, khu vực này là của ông C, người địa phương, dựng lên từ lâu để kinh doanh đồ mộc.

Đơn thuần là công trình tạm?

Để làm rõ những phản ánh của người dân, PV đã liên hệ làm việc với UBND xã Yên Mỹ. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho biết, toàn bộ dải đất dọc sông Hồng ở đấy bản chất là đất bồi. Từ rất lâu, người dân đã sử dụng để canh tác, sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2019, chính quyền xã Yên Mỹ đã tạm giao khu vực này cho các hộ dân để sản xuất nông nghiệp theo từng năm và các hộ dân sẽ có những đóng góp tự nguyện cho xã.

Thanh Trì (Hà Nội): Cần làm rõ việc dựng nhà, công xưởng trên đất bồi và hành lang đê điều
Bên trong ngôi nhà lợp mái lá là một kết cấu kiên cố, hoàn chỉnh với nhiều tiện nghi hiện đại mà theo lãnh đạo xã Yên Mỹ nói là công trình tạm.

Theo ông Long, toàn bộ diện tích khu đất mà phóng viên phản ánh là của bà Liên cùng một hộ dân người địa phương kết hợp đầu tư sản xuất. Lần gần đây nhất, vào cuối năm 2023, UBND xã đã xuống kiểm tra theo định kỳ. Ông Long cho rằng, nhìn ngoài thì rất giống nhà gỗ, nhưng vào bên trong thì chỉ có bộ khung lợp mái cọ và dưới nền đổ đất phẳng để cây cối, hoa màu. Còn cái nhà xưởng mái tôn xanh thì là nhà bảo vệ từ trước!

“Khi đi kiểm tra thì chỉ toàn là công trình tạm, lợp mái cọ, không phát sinh các công trình kiên cố nào cả. Người dân sử dụng đúng mục đích là trồng cây, hoa màu… Hằng năm, cứ khoảng từ tháng 7 thì nước sông Hồng dâng lên ngập chỗ đấy, nên là cây cối, hoa màu sẽ được đưa vào những cái nhà đấy để bảo quản” – ông Long chia sẻ.

Vị này khẳng định, sau khi nhận thông tin phản ánh của báo chí và người dân, UBND xã sẽ tiến hành kiểm tra lại xem có những gì phát sinh ở đấy không. Nếu để phát sinh xây dựng công trình kiên cố bằng bê tông, cốt thép thì là vi phạm và chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định.

Thanh Trì (Hà Nội): Cần làm rõ việc dựng nhà, công xưởng trên đất bồi và hành lang đê điều
Dãy nhà xưởng mọc sát hành lang đê điều, dài cả trăm mét. Một người dân cho hay, chủ sở hữu là ông C, người địa phương, dựng lên để kinh doanh đồ gỗ.

Về dãy nhà xưởng mọc lên áp sát bờ đê, ông Long cho biết, dải đấy này là do Công ty Cấp thoát nước Thành phố Hà Nội quản lý vì nằm trong khu vực công trình quốc gia. Thông tin quản lý cụ thể ra sao, có vi phạm hay không, đề nghị PV làm việc với Công ty Cấp thoát nước Thành phố Hà Nội. Nhưng với chính quyền địa phương vẫn có trách nhiệm theo dõi, phối hợp khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Theo ông Long, dãy nhà xưởng, nhà kho này đã tồn tại từ lâu, chỉ là những công trình tạm, không có công trình kiên cố. Nguyên nhân là bởi, trước đây, có một số hộ dân làm mộc trong khu dân cư. Trong quá trình sản xuất, bị người dân phản ánh nhiều quá vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, mùi sơn và bụi nên họ chuyển ra gần để tránh ảnh hưởng dân sinh.

Thanh Trì (Hà Nội): Cần làm rõ việc dựng nhà, công xưởng trên đất bồi và hành lang đê điều
Bên trong một nhà xưởng ven đê, mọi hoạt động vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Lãnh đạo xã Yên Mỹ chia sẻ, thời điểm đó, Hạt quản lý đê điều Hoàng Mai - Thanh Trì cũng có ý kiến. Nhưng sau căn cứ vào đơn kiến nghị của người dân, mong muốn có chỗ sản xuất để không gây ảnh hưởng đến các khu dân cư, thì Hạt đê điều chỉ yêu cầu làm nhỏ quy mô lại.

Tại buổi làm việc, ông Long cũng cho biết, xã Yên Mỹ đã chính thức được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và quyết định công nhận Yên Mỹ là điểm du lịch của thành phố.

Trong tương lai, toàn bộ khu vực đất bãi bồi ven sông sẽ được địa phương quy hoạch thành các khu, điểm du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, việc này sẽ được tiến hành từng bước, từng hộ dân (nhóm hộ) sẽ phải lập phương án, kế hoạch phát triển du lịch. Sau đó xã sẽ nghiên cứu và gửi lên huyện báo cáo. Và không phải hộ nào, vị trí nào cũng được xây dựng thành điểm du lịch bởi chưa đạt các tiêu chí theo yêu cầu.

Hiện tại, đề án về các điểm du lịch của địa phương đã tương đối hoàn chỉnh và chờ được các cấp phê duyệt. Đối với vị trí đất bà Liên và một hộ khác được tạm giao như đã nêu bên trên, ông Long khẳng định, hiện chưa được quy hoạch thành điểm du lịch trong đề án này.

Tiến Hào - Kế Toại

Theo

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load