Thứ ba 30/04/2024 02:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Định: Đất xây dựng mồ mả biến thành đất nông nghiệp?

22:17 | 15/04/2024

(Xây dựng) – Dù hơn chục ngôi mộ vẫn còn hiện hữu trên đất, thế nhưng khi Dự án Vlap đi qua, những ngôi mộ này “bỗng dưng” biến mất không dấu tích trên bản đồ. Trên bản đồ Vlap chỉ thể hiện còn lại là đất nông nghiệp... Đây là vấn đề đang diễn ra tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ (Bình Định). Các cấp chính quyền tại địa phương cần lưu tâm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Bình Định: Đất xây dựng mồ mả biến thành đất nông nghiệp?
Một phần mảnh đất có tục danh “Rẫy Huề” được cho có 6 ngôi mộ đã bị san ủi.

Vlap đi qua, đất mồ mả “biến mất”

Thời gian qua, người dân xóm nhỏ thôn Mỹ Trang, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ xôn xao câu chuyện hàng trăm mét vuông đất mồ mả bỗng dưng “biến” thành đất nông nghiệp ở khu đất có tục danh “Rẫy Huề” thuộc thôn Mỹ Trang.

Tìm hiểu vấn đề, phóng viên Báo điện tử Xây dựng được biết, theo tờ bản đồ số 04, bản đồ giải thửa 299/Tg năm 1999, khu đất có tục danh Rẫy Huề này bao gồm các thửa đất số 286, 587, 589, 592. Trong đó, thửa đất số 589 (diện tích 200m2) và 592 (diện tích 78m2) đều xác định là đất mồ mả.

Vậy nhưng, đến năm 2010, khi triển khai Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam tại địa phương này (gọi tắt là Dự án Vlap) khu đất Rẫy Huề chỉ còn 2 thửa (thửa đất số 477 và thửa đất số 545). Cả 2 thửa này được xác định là đất trồng cây lâu năm, đất màu và đều không thể hiện có mồ mả trên bản đồ.

Trong khi đó, theo Văn bản số 3091 của Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 15/9/2023 khẳng định: “Trên cơ sở đối chiếu vị trí và sự đồng dạng của bản đồ giải thửa 299/Tg và tờ bản đồ Vlap thì: Thửa đất số 589 và thửa đất số 286 (năm 1999) thuộc thửa đất số 545 (tờ bản đồ Vlap); Thửa đất số 592 và thửa đất số 587 (năm 1999) thuộc thửa đất số 477, tờ bản đồ Vlap.

Như vậy, đối chiếu với tờ bản đồ 299/Tg thì trong cả 2 thửa đất 545 và 477 (tờ bản đồ Vlap) đáng lý phải có mồ mả nhưng lại không được thể hiện ở tờ bản đồ Vlap.

Bình Định: Đất xây dựng mồ mả biến thành đất nông nghiệp?
Tờ bản đồ 299/Tg thể hiện đất có mồ mả, nhưng tại tờ bản đồ 26 năm 2010 (Dự án Vlap), đất mồ mả đã “biến mất”.

Điều đáng nói, hiện nay, ngay vị trí của khu đất Rẫy Huề hiện còn rất nhiều ngôi mộ được chôn và xây dựng rải rác. Điều này cũng được Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phù Mỹ xác nhận tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 07/QĐ-ĐTTH ngày 5/12/2023. Cụ thể, văn bản ghi rõ: Hồ sơ địa chính thửa đất số 477 và thửa đất số 545 hiện tại không thể hiện phần đất các ngôi mộ là không đúng với hiện trạng thực tế sử dụng đất và không đúng với hồ sơ địa chính lập năm 1999 (bản đồ giải thửa 299 – phóng viên).

Theo ông Phan Xuân Vũ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Mỹ: Theo bản đồ 299/Tg có thể hiện đất mồ mả. Tuy nhiên, sau khi đơn vị thực hiện Dự án Vlap vào năm 2010 thì hiện trạng đã thay đổi, kể cả mồ mả cũng không thể hiện.

Liệu có “mập mờ” ranh giới đo đạc?

Đi sâu tìm hiểu, phóng viên được biết, mảnh vườn với tục danh “Rẫy Huề” này được dòng họ Lâm tộc là Lâm Hanh khai hoang, canh tác, quản lý (theo bản trích lục địa bộ từ thời Đại - Nam Trung - Kỳ Chánh - Phủ, số hiệu miếng đất 339) dùng để chôn cất mồ mả và được gia đình ông Lâm Hữu Mai gìn giữ và canh tác liên tục không ai tranh chấp hơn 30 năm qua.

Bình Định: Đất xây dựng mồ mả biến thành đất nông nghiệp?
Bản trích lục địa bộ từ thời Đại – Nam Trung – Kỳ Chánh - Phủ, số hiệu miếng đất 339 mang tên Lâm Hanh.

Trên thực tế hiện tại, khu đất này có một ngôi mộ đất lớn rõ hình và các ngôi mộ xây kiên cố của dòng họ gia đình ông Lâm Hữu Mai. Theo ông Lâm Hữu Vân (con trai của ông Lâm Hữu Mai), vào ngày 20 tháng Chạp hàng năm, các gia đình trong dòng họ tập trung dẫy cỏ, sửa sang mồ mả ở khu vực Rẫy Huề này.

Tuy nhiên, vào ngày 05/11/2022, ông Võ Văn Phu (giai đoạn này là cán bộ tư pháp xã) đã thuê xe ủi gần 900m trong đó có cây trồng bạch đàn và 06 mộ trên mảnh đất này, khiến các ngôi mộ không còn nữa.

Gia đình ông Vân đi tìm hiểu thì mới biết rằng một phần của khu đất (thửa đất số 477) mà cả dòng họ ông dùng làm nơi chôn cất và trồng cây bạch đàn hàng chục năm qua đã bị ông Võ Văn Phu “hợp thức hóa” đứng tên làm chủ sở hữu. Theo ông Vân, đây là mảnh đất được gia đình ông trồng cây bạch đàn từ năm 1988, canh tác ổn định đến tháng 11/2022 và không có ai tranh chấp. Hơn nữa, khi xã Mỹ Châu thực hiện việc cấp đất cho gia đình ông Phu, gia đình ông không nhận được thông báo thu hồi đất cũng như thông báo di dời mồ mả.

Hơn 1 năm qua, gia đình ông Vân đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng với mong muốn tìm lại đất hương hỏa của dòng tộc, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Tìm hiểu thực hư vấn đề, chúng tôi đã về xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ để xác minh vụ việc. Theo đó, UBND xã Mỹ Châu cũng xác định thửa đất 477 đã được Nhà nước cân đối giao quyền sử dụng đất theo Nghị định 64/CP cho hộ Nguyễn Thị Cúc (vợ ông Võ Văn Phu) vào năm 1993 và đến năm 1997, UBND huyện Phù Mỹ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó được cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2012 sau khi thực hiện Dự án Vlap.

Bình Định: Đất xây dựng mồ mả biến thành đất nông nghiệp?
Ông Phan Xuân Vũ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Mỹ trao đổi cùng phóng viên.

Ông Phan Xuân Vũ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Mỹ cho biết: Đối với thửa đất mà giao quyền sử dụng đất cho bà Cúc và ông Phu, theo bản đồ Dự án Vlap, khi cấp đổi lại có thay đổi về hiện trạng. Cụ thể, bản đồ thể hiện mở quy hoạch đường, tức dịch về phía Đông.

Như vậy, theo bản đồ 299/Tg, thửa đất của gia đình ông Phu chỉ có diện tích 856m2 nhưng khi thực hiện Dự án Vlap diện tích này đã tăng lên 869,2m2 (theo tờ bản đồ 26 năm 2010 – bản đồ Vlap) và khu đất của gia đình ông Võ Văn Phu từ 1 khu đất không tiếp giáp đường nội bộ, nay đã được mở rộng tiếp giáp với đường. Điều đáng nói, vào thời điểm này, ông Võ Văn Phu đang là Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu và phụ trách Dự án Vlap trên địa bàn xã.

Liên quan đến việc thay đổi diện tích (tăng diện tích), Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Mỹ Phan Xuân Vũ cho rằng, diện tích tăng là do thay đổi ranh giới (mở ra phía Đông Bắc), cùng với đó khi đo đạc đã làm chồng lấn 1 phần diện tích mộ. Bản thân ông cũng không nắm rõ vấn đề này vì ông cho rằng, khi gia đình ông Vân khiếu nại, cán bộ chuyên môn đi thực tế và thấy như vậy.

Vùng quê nhỏ Mỹ Trang vốn yên bình, nay lại “dậy sóng” vì Dự án Vlap... Người dân nơi đây vẫn đang chờ câu trả lời rõ ràng từ cơ quan chức năng, tránh để việc khiếu kiện kéo dài, gây phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương.

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load