Thứ bảy 04/05/2024 07:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bến Tre: Gia đình chính sách “bị yêu cầu” mở lối đi trên đất của mình

17:08 | 07/12/2023

(Xây dựng) – Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kêu oan của bà Phan Thị Biệp, sinh năm 1947 có địa chỉ tại ấp Kinh Mới, xã Tân Hưng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là vợ Liệt sỹ Trần Văn Rê hy sinh năm 1969, con của Liệt sỹ Phan Văn Hên hy sinh năm 1959. Bà Biệp trình bày, ngày 04/12/2023 nhận được Thông báo số 1330/TB-THADS về việc mở lối đi qua bất động sản liền kề của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Tri. Thông báo có nội dung “vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 08/12/2023 tại thửa đất số 112, tờ bản đồ số 4 (xã Tân Hưng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Tri phối hợp với ngành chức năng sẽ mở lối đi qua bất động sản liền kề với diện tích 53,8m2”.

Bến Tre: Gia đình chính sách “bị yêu cầu” mở lối đi trên đất của mình
Bà Phan Thị Biệp chỉ lối đi trên đất của bà mà Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre buộc bà phải mở lối đi cho các hộ phía sau theo hướng mũi tên trong ảnh.

Nguồn gốc đất và việc hình thành đường đi gây tranh chấp

Bà Biệp cho biết, bà là bị đơn trong vụ án “yêu cầu mở lối đi chung qua bất động sản liền kề” số 263/2017/DS-PT ngày 31/10/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre.

“Theo nội dung bản án buộc tôi phải mở lối đi cho các nguyên đơn là bà Cao Thị Lắm sinh năm 1943, bà Trần Thị Thủy sinh năm 1968, bà Võ Kim Tuyền sinh năm 1982, bà Phan Thị Rết sinh năm 1942 trên phần diện tích đất thuộc thửa đất số 112, tờ bản đồ số 4, do tôi sở hữu. Diện tích đất mà Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre buộc tôi mở lối đi có chiều ngang là 1,1m, chiều dài là 44,89m, tổng diện tích là 53,8m2 thuộc một phần thửa đất số 112, tờ bản đồ số 4 (ấp Kinh Mới, xã Tân Hưng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)”, bà Biệp nói.

Theo đơn kêu oan của bà Biệp, nguồn gốc thửa đất 112, tờ bản đồ số 4 được Nhà nước cấp để làm ruộng trước năm 1986, do đất gò trồng lúa không được nên bà Biệp đắp bờ để trồng dừa. Giáp ranh với đất bà Biệp là đất của ông Lê Văn Nữ thửa 111, tờ bản đồ số 4. Ông Nữ cũng đắp bờ sát đất bà Biệp để trồng dừa. Thấy bờ ruộng rộng nên các hộ bà Cao Thị Lắm, Trần Thị Thủy, Phan Thị Rết cùng đi trên đất bờ dừa này của bà Biệp và ông Nữ. Sau đó ông Nữ rào đất không cho các hộ đi qua đất của mình thì chuyển qua đi trên đất của bà Biệp.

Bến Tre: Gia đình chính sách “bị yêu cầu” mở lối đi trên đất của mình
Bà Phan Thị Biệp đứng trước lối đi từ đường công cộng qua đất của bà vào các hộ phía sau.

“Từ đó các nguyên đơn đi toàn bộ trên đất tôi, trời mưa làm đất thành đường nước. Mặt khác tôi thấy nhà tôi giáp lộ, con cháu hay chạy ra lộ nguy hiểm và để bảo vệ tài sản nên tôi nói với bà Lắm, bà Thủy là rào đất làm cửa rào trên lối đi. Ban ngày thì mở suốt, ban đêm đến giờ cố định sẽ đóng cửa để bảo quản tài sản và tính mạng người thân gia đình. Tôi sẽ đưa cho các bà Lắm, Thủy, Rết chìa khóa để tiện sử dụng khi có nhu cầu nhưng các bà không nói gì, sau đó vài ngày thì có thư của xã mời tôi giải quyết yêu cầu tôi mở lối đi”, bà Biệp kể.

Ông Lê Văn Nữ, hàng xóm kế bên bà Biệp kể ngày 3/8/2017, ông gửi bản Tường thuật tới Tòa án nhân dân huyện Ba Tri và Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xác nhận: “Năm 1986, Nhà nước cấp đất cho tôi và bà Biệp để trồng lúa nhưng vì đất gò không trồng lúa được nên chúng tôi lên bờ để trồng dừa. Thấy bờ rộng nên các bà Cao Thị Lắm, Phan Thị Rết đi nhờ phần đất sát chung của tôi và bà Biệp. Năm 2011 Trần Thị Thủy và Võ Kim Tuyền mua đất của bà Lắm.

Năm 2015 tôi có kêu các hộ đi nhờ trên phần đất của chúng tôi (bà Lắm, Rết, Thủy, Tuyền) hùn nhau để đổ đá, tráng xi măng làm đường đi chung trên lối đi này. Nhưng những người này không đồng ý nên vợ chồng tôi mới đổ đá, tráng đường xi măng bên phần đất khác làm lối đi vào nhà tôi. Đồng thời tôi kéo dây chì gai làm hàng rào bao quanh đất của tôi dọc theo phần đất lối đi sát với đất nhà bà Biệp và bít luôn lối đi vào đất của tôi.

Bến Tre: Gia đình chính sách “bị yêu cầu” mở lối đi trên đất của mình
Lối đi trên đất bà Biệp đang tranh chấp và Tòa án buộc chủ đất phải mở đường đi cho các hộ phía sau.

Sau khi tôi rào trên lối đi dọc theo đất giáp ranh với đất của bà Biệp thì bà Biệp cũng rào trên phần đất của bà nằm dọc theo hàng rào của tôi, nhưng phía sát đường lộ bà Biệp không rào, từ đó 4 hộ phía trong đi nhờ trên phần đất của Biệp.

Khi thấy tôi rào phần đất của tôi (mặt sát lộ), thì những người đi nhờ đất của tôi và của bà Biệp (Lắm, Thủy, Rết, Tuyền) cự cãi, phản dối, yêu cầu UBND xã Tân Hưng giải quyết buộc gia đình tôi phải mở lối đi cho họ. Tại buổi làm việc ở UBND xã ngày 09/01/2016 âm lịch (16/2/2016) tôi đồng ý cho những người này đi nhờ trên phần đất của tôi theo chỉ dẫn của tôi và đi chung đường đi ra lộ nhà tôi, nếu những người này xin tôi cho đi nhờ, nhưng những người này không chịu”.

Hai bản án yêu cầu bà Biệp mở lối đi trên đất của mình

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 48/2017/DS-ST ngày 20/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Ba Tri, buộc gia đình bà Biệp phải di dời tài sản (hàng rào, cổng rào và mái che tiền chế), mở lối đi qua bất động sản liền kề có diện tích 53,8m2 cho các hộ bà Lắm, Thủy, Tuyền và bà Rết. Bà Biệp được đền bù thiệt hại toàn bộ giá trị đất hơn 9,6 triệu đồng và 30% giá trị tài sản theo định giá là hơn 8,5 triệu đồng.

Không đồng ý với nội dung quyết định của bản án sơ thẩm, bà Biệp kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bởi lẽ lối đi qua đất nhà bà không phải là lối đi duy nhất.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 263/2017/DS-PT ngày 31/10/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre một lần nữa buộc bà Biệp phải mở lối đi cho các bà nêu trên và nhận bồi thường số tiền là 31,7 triệu đồng.

“Tòa án cấp phúc thẩm đã không xem xét đến tình hình thực tế để đưa ra quyết định hợp lý và công bằng cho tôi, bởi lẽ nhiều lần tôi khẳng định lối đi qua đất nhà tôi không phải là lối đi duy nhất. Hơn nữa, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Lê Văn Nữ cũng đồng ý cho các nguyên đơn đi qua phần đất chung như từ trước đến nay nhưng Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm vẫn buộc tôi phải mở lối đi chung trên phần đất của tôi, như vậy là hoàn toàn không thỏa đáng”, bà Biệp kể.

Thực tế thửa đất 112 tờ bản đồ số 4 do bà Biệp đứng tên sở hữu có 4 hướng giáp với đường đi công cộng, ông Lê Văn Nữ, bà Cao Thị Lắm và ông Đoàn Ngọc Thắng, còn lại không giáp với đất của các bà Thủy, Tuyền và Rết. Đường điện sinh hoạt của bà Lắm cũng đi qua đất ông Nữ chứ không phải qua đất bà Biệp.

Trong phần nhận định của Tòa phúc thẩm tỉnh Bến Tre cũng thừa nhận: “trên đất bà Biệp có xây hàng rào, mái che tiền chế có chiều cao 3m, do đó mái che tiền chế không ảnh hưởng đến lối đi nên không cần phải di dời. Đối với hàng rào nằm sát đất ông Nữ là cần thiết để bảo vệ đất bà Biệp nên các nguyên đơn sử dụng lối đi phải có nghĩa vụ bồi hoàn chi phí xây mới hàng rào, nền đan, cửa rào cho bà Biệp”.

Bến Tre: Gia đình chính sách “bị yêu cầu” mở lối đi trên đất của mình
Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre.

Từ nhận định của tòa có thể hiểu là đất của bà Biệp là hợp pháp, việc xây dựng công trình trên đất là cũng hợp pháp. Vậy không hiểu vì lý do gì mà tòa vẫn quyết định buộc bà Biệp mở lối đi cho các hộ khác sử dụng khi bà Biệp không tự nguyện.

“Trong thời gian từ ngày 22/11/2023 đến nay, cứ cách một hôm thì Công an viên xã Tân Hưng đến nhà tôi làm phiền với lời lẽ đe dọa, xúc phạm, cảnh cáo. Tôi thấy rất bất an và áp lực. Ngày 29/11/2023, chưa có thông báo cưỡng chế của “Thi hành án”, nhưng vẫn đến làm phiền tôi. Ngày 01/12/2023, Công an viên xã lại đến và thông báo bằng miệng với tôi rằng ngày 04/12/2023 gửi giấy quyết định, ngày 8/12/2023 lực lượng sẽ thi hành cưỡng chế thật, dọa gia đình tôi đừng chủ quan”, bà Biệp buồn bã.

Bà Biệp mong muốn là giữ nguyên hiện trạng đất đang sử dụng, không ai thưa kiện để yên ổn sống thờ phụng chồng và cha là Liệt sỹ.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load