Chủ nhật 19/05/2024 08:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bài tham dự cuộc thi “Phát triển công trình xanh”

Bài 7: Áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh trong dự án xây dựng – lợi ích và khó khăn

10:04 | 26/08/2023

(Xây dựng) - Công trình xanh (CTX) và tiêu chuẩn CTX ngày càng được áp dụng rộng rãi nhằm hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050. Tuy nhiên bên cạnh các lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn CTX vẫn còn một số rào cản. Bài viết này trình bày về các tiêu chuẩn CTX, phân tích lợi ích cũng như trở ngại khi áp dụng tiêu chuẩn CTX trong dự án xây dựng và đề cập đến các giải pháp về mặt xanh hóa trong công trình cũng như là giải pháp về chính sách, pháp lý cho sự phát triển CTX tại Việt Nam.

Bài 7: Áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh trong dự án xây dựng – lợi ích và khó khăn
Mối quan hệ giữa các tiêu chí đánh giá CTX và môi trường toàn cầu.

Phát triển công trình xanh tại Việt Nam

CTX là công trình trong thiết kế, xây dựng và vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta. CTX bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo Hội đồng CTX Việt Nam (VGBC), Tiêu chuẩn CTX là hệ thống các tiêu chuẩn được sử dụng làm cơ sở để đánh giá hiệu năng của công trình, chứng nhận nhận đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường thông qua bên thứ ba, tạo điều kiện cho quy trình thiết kế - xây dựng tích hợp và đảm bảo công trình tuân thủ những quy định hiện hành.

Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến những tác động tiêu cực đến sự phát triển và kinh tế của đất nước từ sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam về việc đạt phát thải ròng bằng 0 “Net Zero” vào năm 2050. Đến hiện nay đã có nhiều thông tư, nghị định, chính sách… đã được ban hành và áp dụng.

Ngành Xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên, tiêu thụ tài nguyên và sức khỏe con người. Tầm quan trọng của tính bền vững trong ngành Xây dựng đã được công nhận - phát huy cả trên toàn cầu và địa phương. Đáp ứng nhu cầu về các tòa nhà bền vững hơn, Việt Nam đã trải qua sự gia tăng đáng kể về số lượng CTX theo các tiêu chí, tiêu chuẩn LEED (Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), EDGE (IFC, WB), Lotus (VGBC). Theo số liệu thống kê của tổ chức tài chính quốc tế (IFC), tính đến tháng 12/2019, Việt Nam chỉ có khoảng 130 CTX được chứng nhận nhưng đến tháng 6/2023, số lượng công trình đạt chứng nhận tăng lên 296 công trình với tổng diện tích sàn là 7.197.000m2. Điều này làm cho CTX trở thành một yếu tố quan trọng gần đây trong quá trình giảm các tác động bất lợi của ngành xây dựng.

Hệ thống chứng nhận CTX và các tiêu chuẩn CTX

Trên thế giới đã có hơn 100 quốc gia thành lập hội đồng/cơ quan chuyên trách để điều hành công tác phát triển CTX, hỗ trợ việc tham khảo, áp dụng hoặc lập ra hệ thống tiêu chí đánh giá CTX của riêng mình, thường theo 1 trong 2 mô hình quản lý như sau: Mô hình thứ nhất do các tổ chức phi chính phủ điều hành, được sự ủng hộ của chính quyền, thường gọi là các “Hội đồng CTX” (Green Building Council). Mô hình thứ hai do một cơ quan/tổ chức của chính phủ điều hành, hoặc có sự tham gia, phối hợp của các tổ chức phi chính phủ trong việc xây dựng hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ, và đưa ra kế hoạch phát triển CTX. Dù theo mô hình nào thì vai trò của Chính phủ cũng là rất cần thiết, để hỗ trợ về mặt chính sách, kế hoạch phát triển CTX, kết nối với các “mắt xích” khác trong chiến lược chung của quốc gia.

Hiện nay các tiêu chuẩn đánh giá về CTX với các tiêu chí khác nhau, dựa trên 5 yếu tố cơ bản là: Năng lượng, địa điểm bền vững, vật liệu & rác thải, nước và chất lượng không khí trong nhà. Nhiều tổ chức đã đưa ra các bộ tiêu chí để đánh giá CTX, có thể kể đến như: LEED (Mỹ), EDGE (IFC – Thuộc Ngân hàng Thế giới), GREEAM (Anh), Green Star (Úc), GBI (Malaysia), CASBEE (Nhật), Green Mark (Singapore)… Ở Việt Nam có bộ tiêu chí LOTUS được được phát triển bởi Hội đồng CTX Việt Nam (VGBC).

Tại Việt Nam, có 4 hệ thống đánh giá CTX đang được áp dụng nhiều nhất, bao gồm LEED của Mỹ, Lotus của VGBC, EDGE của IFC và Green Mark của Singapore. Trong đó, tiêu chuẩn LEED ra đời năm 1995, EDGE ra đời vào năm 2014, hai tiêu chuẩn này phù hợp cho các dự án tìm kiếm sự công nhận thương hiệu toàn cầu. Việc áp dụng dụng hệ thống chứng nhận CTX yêu cầu một quy trình thiết kế tích hợp, trong đó, các đơn vị tư vấn thiết kế công trình, chuyên gia tư vấn CTX phải tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên. Theo tiến độ dự án từ thiết kế ý tưởng, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế tài liệu thi công, thi công dự án, hoàn thành dự án, cho đến vận hành và bảo trì công trình, các tiến độ đánh giá CTX phải thực hiện xuyên suốt với các hạng mục công việc từ đánh giá tiền khả khi, đăng ký dự án, chứng nhận thiết kế và chứng nhận hoàn công cấp chứng nhận. Để thực hiện các hạng mục công việc như trên, đối với Việt Nam, các công việc phải được thực hiện bởi nhóm dự án, hoặc đơn vị đánh giá chứng nhận SGS Việt Nam.

Bài 7: Áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh trong dự án xây dựng – lợi ích và khó khăn
Diamond Lotus Riverside - dự án áp dụng đồng thời 2 tiêu chuẩn CTX LEED & LOTUS.

Lợi ích và khó khăn của việc áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh tại Việt Nam

Đối với việc áp dụng tiêu chuẩn CTX vào các dự án bất động sản, có thể rút ra được sáu lợi ích chính trong 3 nhóm chính - cũng là 3 yếu tố trong tam giác bền vững của John Elkington.

Bài 7: Áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh trong dự án xây dựng – lợi ích và khó khăn
Sáu lợi ích của ứng dựng tiêu chuẩn CTX tại Việt Nam.

Lợi ích 1 - Áp dụng tiêu chuẩn CTX là tham gia vào quá trình học tập và chia sẻ kiến thức quốc tế về PTBV: PTBV đòi hỏi sự đoàn kết, hợp tác hành động trên phạm vi toàn cầu. Thông qua các hội nghị, hội thảo quốc tế về xây dựng bền vững, các hoạt động hợp tác đầu tư xây dựng, cũng như ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý, thiết kế, xây dựng… các nhà quản lý, doanh nghiệp bất động sản được tham gia vào một quá trình học tập, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về CTX và PTBV.

Lợi ích 2 - Xuất hiện một quá trình chuyển giao kiến thức, công nghệ quản lý CTX từ Chủ đầu tư đến Nhà thầu tới Ban quản trị dân cư và cuối cùng là cư dân - cộng đồng xanh PTBV: CTX đòi hỏi một sự kết hợp giữa kiến trúc và các giải pháp về quản lý, thi công, vận hành… trên nguyên tắc thân thiện với môi trường và tận dụng tối ưu tài nguyên trong suốt toàn bộ vòng đời của tòa nhà: từ lúc lên kế hoạch thiết kế, xây dựng, hoạt động, bảo trì, cải tạo và phá huỷ. Do đó, ý thức về PTBV phải được hình thành ngay từ khi khởi động ý tưởng của chủ đầu tư, kiến trúc sư và được truyền dẫn qua nhà thầu xây dựng rồi đến nhà quản lý, cuối cùng là bộ phận vận hành công trình và người sử dụng.

Lợi ích 3 - Lợi ích bảo vệ sức khỏe, môi trường: Với mục tiêu khuyến khích các giải pháp tiếp cận thông minh về năng lượng, bảo vệ tài nguyên nước, giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, việc ứng dụng các tiêu chuẩn thiết kế CTX mang lại lợi ích trước nhất đối với môi trường, bao gồm: Giảm thiểu phát thải Carbon, Khí nhà kính, Hạn chế hiện tượng đảo nhiệt đô thị, các giải pháp tiết kiệm nước, Đảm bảo điều kiện vi khí hậu bên ngoài nhà và cải thiện chất lượng môi trường bên trong nhà.

Lợi ích 4 - Việc ứng dụng tiêu chuẩn CTX sẽ làm tăng gía trị công trình trong dài hạn: Mục tiêu của thiết kế xanh hướng tới sự tính toán chi phí trong toàn bộ vòng đời của công trình, tùy vào các giải pháp thiết kế mà chi phí đầu tư ban đầu có thể thấp hơn, bằng hoặc cao hơn so với công trình thông thường (không lớn hơn 10%, theo thống kê của năm 2017 của VGBC). Tuy nhiên, với chi phí vượt trội này, có thể được xem xét như một khoản đầu tư dài hạn để rút ngắn thời gian hoàn vốn thông qua tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí vận hành, cải thiện sức khỏe và hiệu suất làm việc của người sử dụng…

Lợi ích 5 - CTX giúp lan toả giá trị cộng đồng: CTX có các tiện ích hướng người sử dụng đến việc quan tâm, có trách nhiệm và các hoạt động bảo vệ môi trường. CTX khuyến khích việc sử dụng phương tiện thân thiện môi trường như xe đạp, xe điện, lưu tâm đến khoảng cách giữa nhà ở và nơi làm việc của người dân cũng như tới những tiện ích khác nhằm giảm thiểu tác động môi trường của phương tiện giao thông cá nhân và lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường, thúc đẩy các hoạt động công cộng giúp kết nối cộng đồng. 

Lợi ích 6 - Ứng dụng tiêu chuẩn CTX là góp phần “xanh hoá” nền kinh tế, “xanh hoá” GDP: Kinh tế xanh được xác định là nền tảng và xu thế tất yếu trong chiến lược PTBV trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, khái niệm “GDP xanh” là một chỉ số được sử dụng để phản ánh kết quả của hoạt động kinh tế có tính đến khấu hao tài nguyên, và các thiệt hại của các nhân tố tăng trưởng gây lên đối với môi trường, như các chi phí cho hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý môi trường, cũng như quy đổi giá trị của đa dạng sinh học mất đi, tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP là 1-1,5% mỗi năm, và đến năm 2030, bằng các nguồn lực trong nước và hỗ trợ quốc tế, sẽ giảm từ 8% - 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Ngành chế tạo - xây dựng trong nước được dự đoán sẽ tăng mức mức phát thải carbon từ 69,3 triệu tấn lên mức 92,5 triệu tấn từ năm 2020-2030 và chiếm 13,69 % trong tổng mức phát thải năng lượng toàn ngành. Với tư cách là ngành có giá trị lớn thứ 4 trong nền kinh tế, việc “xanh hóa” GDP của ngành này có đóng góp rất quan trọng trong việc hiện thực mục tiêu giảm phát thải carbon, thúc đẩy “xanh hóa” nền kinh tế.

Bên cạnh những lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn CTX, thì quá trình áp dụng cũng gặp không ít trở ngại, có thể phân tích các trở ngại gặp phải như sau:

Trở ngại từ chính bộ công cụ đánh giá CTX: Việc lựa chọn hệ thống đánh giá CTX nào phù hợp khiến chủ đầu tư lúng túng. Quy trình đăng ký, xét duyệt và cấp chứng nhận CTX là một quá trình kéo dài, phức tạp và tốn kém (để làm thủ tục) và chủ đầu tư còn phải trả chi phí đăng ký cấp chứng chỉ xanh.

Trở ngại từ chính sách, chiến lược, quản lý nhà nước: Việc đánh giá CTX phục vụ công tác quản lý nhà nước nhìn chung chưa có một công cụ mang tính pháp lý. Điều này dẫn đến việc chứng nhận các CTX đang phát triển tự phát, các công trình sau khi được chứng nhận cũng không được giám sát, kiểm tra cũng như duy trì thương hiệu. Do đó, nhà nước cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng, chính sách trợ giá hoặc tiếp sức đối với các sản phẩm xây dựng xanh, xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ cho việc thiết kế CTX…

Trở ngại từ phía xã hội: Nhiều người vẫn cho rằng CTX đòi hỏi chi phí lớn hơn công trình thông thường rất nhiều. Năng lực đội ngũ thiết kế chưa đáp ứng được yêu cầu và các kỹ năng thiết kế CTX, và thường phải dựa vào các chuyên viên tư vấn. Thị trường xây dựng gồm nhà cung ứng vật tư, nhà thầu xây dựng còn hạn chế về nguồn lực, kỹ năng hoặc nhận thức…Người dân chưa có ý thức sâu sắc về PTBV.

Các giải pháp xanh hóa trong công trình

Các giải pháp áp dụng Tiêu chuẩn xanh trong công trình, dự án bất động sản có thể đề cập đến gồm: một là giải pháp xanh hóa trong công trình, hai là giải pháp về chính sách, pháp lý cho sự phát triển của CTX.

Sử dụng năng lượng, nước và các tài nguyên khác một cách hiệu quả thông qua các thiết bị tiết kiệm điện, nước, các thiết bị thông minh để quản lý hay qua cách lựa chọn vật liệu… Sử dụng năng lượng thay thế, đây cũng là giải pháp tối ưu cho việc giảm phát thải Carbon, hướng đến net zero carbon trong tương lai.

Thiết kế đảm bảo phù hợp với những biến đổi của môi trường, có giải pháp hạn chế ô nhiễm, chất thải và tái chế, tái sử dụng nhằm giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường. Đảm bảo sức khỏe người sử dụng, nâng cao năng suất lao động. Đảm bảo chất lượng không khí của môi trường bên trong công trình; Tính đến yếu tố môi trường trong thiết kế, thi công và vận hành thông qua quá trình tận dụng tự nhiên như thông gió tự nhiên, tối ưu hóa việc sử dụng ánh sáng tự nhiên cho công trình và sử dụng các hệ thống điều hòa không khí có tác nhân lạnh than thiện với môi trường. Đối với vật liệu, sử dụng hiệu quả và bảo tồn nguyên vật liệu, cần sử dụng vật liệu không độc hại, có trách nhiệm và bền vững;

Các giải pháp về chính sách, pháp lý cho sự phát triển CTX

Cần xây dựng tiêu chí chung về đánh giá CTX, ban hành các quy định quản lý CTX trên cơ sở đó các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế có cơ sở để phát triển CTX một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất. Những tiêu chuẩn năng lượng đối với các thiết bị điện trong công trình xây dựng cần được chuẩn hoá mang tính pháp lý, không dừng ở tiêu chí khuyến khích như hiện nay.

Chính sách quốc gia và khu vực nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về PTBV. Chính sách ưu đãi về tài chính xanh, hỗ trợ công nghệ xanh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cần được phát triển.

Từ các giải pháp và chính sách đó, các chủ đầu tư, doanh nghiệp có cơ chế, chiến lược, chính sách kinh doanh có trách nhiệm và tham gia CTX tự nguyện góp phần vào việc xanh hóa công trình, xanh hóa trái đất, giảm phát thải carbon và chung tay trong công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Qua phân tích đánh giá việc áp dụng tiêu chuẩn CTX trong dự án xây dựng về các lợi ích và khó khăn, có thể thấy, để thúc đẩy và ứng dụng rộng rãi các mô hình kiến trúc xanh trong thời gian tới, cần có những giải pháp đồng bộ về mặt chính sách cũng như các yếu tố về mặt kỹ thuật. Trong đó việc xây dựng và hoàn thiện các bộ tiêu chí đánh giá, hệ thống tiêu chuẩn về thiết kế môi trường trong các công trình, tòa nhà là hết sức cần thiết và đóng vai trò quan trọng khi tham gia vào quá trình này.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Lê Thị Ngọc Bích - Hà Thu Thảo

Theo

Cùng chuyên mục
  • Cao Bằng: Rộn ràng ngày hội cho công nhân lao động

    (Xây dựng) - Ngày 18/5, tại Công ty Cổ phần mía đường Cao Bằng (huyện Quảng Hoà), Liên đoàn lao động tỉnh Cao Bằng tổ chức ngày Hội công nhân lao động, hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2024 với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

  • Cảng Chu Lai đưa vào vận hành hệ thống cẩu chuyên dụng

    (Xây dựng) - Công ty Cảng biển Quốc tế Chu Lai - Chu Lai Port (Quảng Nam) thuộc Tập đoàn THILOGI vừa đưa vào vận hành chính thức hệ thống cẩu chuyên dụng mới trị giá hơn 400 tỷ đồng. Đây là bước tiến mới về đầu tư nâng cấp thiết bị chuyên dụng trong chiến lược phát triển của cảng nhằm nâng cao năng lực xếp dỡ, gia tăng hiệu quả chuỗi dịch vụ logistics, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa không ngừng tăng qua khu vực cảng biển tại miền Trung.

  • Petrovietnam sẵn sàng tâm thế chinh phục những đỉnh cao mới

    (Xây dựng) - Ngày 16/5 tại Hà Nội, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đảng ủy Tập đoàn) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đánh giá 05 năm thực hiện Nghị quyết 281 về “Công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp” của Đảng ủy Tập đoàn; phát động thi đua phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

  • Lễ ký kết hợp tác chiến lược cung cấp giải pháp giữa Meey Group và Virva - Land

    (Xây dựng) - Ngày 16/5, Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Meey Land (Meey Group) đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Nirva – Land (Nirva – Land) trong việc cung cấp giải pháp công nghệ bất động sản Meey CRM.

  • Thủ tục mở công ty - Bước đầu xây dựng doanh nghiệp thành công

    (Xây dựng) - Thủ tục mở một công ty mới là một bước quan trọng để hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp của bạn. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ các quy định pháp lý. Bài viết này Tư vấn Quang Minh sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn toàn diện về các thủ tục mở công ty, đồng thời chia sẻ những lưu ý quan trọng và hướng dẫn để bạn có thể hoàn thành quy trình này một cách thuận lợi.

  • Giao thông Đèo Cả (HHV): Mảng xây lắp bứt phá, lãi ròng quý đầu năm tăng 32%

    (Xây dựng) - Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 690 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load