(Xây dựng) - Sau 4 năm xây dựng, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) hiện đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để sẵn sàng chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương mại từ đầu năm 2025. Dự án sản xuất, lắp ráp xe ô tô với quy mô công suất 120.000 xe ô tô/năm sẽ mang thương hiệu Skoda Auto đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã biểu dương tinh thần của Tập đoàn Thành Công đã sớm nắm bắt cơ hội, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh để triển khai các kế hoạch đầu tư. |
Nằm trong Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ, nhà máy Thành Công Việt Hưng được đầu tư trên tổng quy mô 400ha tại khu công nghiệp Việt Hưng. Nhà máy ôtô Thành Công Việt Hưng được định vị là dự án hạt nhân trong Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ôtô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng và là một biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Mới đây, trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng đã biểu dương tinh thần đồng hành của Tập đoàn Thành Công, đã sớm nắm bắt cơ hội, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh để triển khai các kế hoạch đầu tư; nỗ lực hoàn thành sớm dự án nhà máy ô tô để đưa vào vận hành.
Nhà máy sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; phù hợp với định hướng của Chính phủ trong mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa, tăng khả năng tự chủ trong sản xuất ô tô; đưa ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành quan trọng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn Thành Công tiếp tục tiếp cận với công nghệ sản xuất ô tô mới theo hướng xanh, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Huy động thêm các doanh nghiệp sản xuất linh kiện hoạt động trong tổ hợp này, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia chuỗi giá trị. Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô, nâng cao chất lượng, quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế để đóng góp vào tăng trưởng của địa phương và quốc gia.
Theo lộ trình hợp tác giữa các bên, nhà máy sẽ cho ra mắt thị trường hai mẫu ôtô CKD đầu tiên là Kushaq và Slavia vào năm 2025, mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm Skoda từ Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN. |
Nhà máy được khởi công vào tháng 9/2020, với tham vọng biến nơi đây thành nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng với hàm lượng công nghệ cao. Dự án sản xuất, lắp ráp xe ô tô với quy mô công suất 120.000 xe ô tô/năm sẽ là nơi lắp ráp, sản xuất ôtô mang thương hiệu Skoda Auto đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Nằm trong Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ, nhà máy Thành Công Việt Hưng được đầu tư trên tổng quy mô 400ha tại khu công nghiệp Việt Hưng. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi cho cả giao thương nội địa và quốc tế với chuỗi cung ứng kết nối hàng chục nhà máy sản xuất, trong đó có lắp ráp ô tô, sản xuất pin và động cơ, phụ trợ, cảng và dịch vụ.
Toàn bộ dây chuyền sản xuất, lắp ráp áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu của Skoda Auto, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu với mức độ tự động hóa cao.
Tháng 4/2024, nhà máy ôtô Thành Công Việt Hưng đã làm lễ tiếp nhận lô linh kiện đầu tiên gồm các linh kiện thép vỏ xe ô tô, phục vụ cho quá trình chạy thử dây chuyền Xưởng Hàn tại nhà máy.
Quá trình chạy thử dây chuyền xưởng hàn được tiến hành bởi các kỹ sư của Chropynska - nhà thầu chính, phối hợp cùng các kỹ sư và công nhân của Nhà máy ôtô Thành Công Việt Hưng. Giai đoạn chạy thử này nhằm đánh giá được độ chính xác của hệ thống đồ gá, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo ra thân xe đạt chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu của Skoda Auto.
Giai đoạn đầu vận hành, nhà máy sẽ lắp ráp những chiếc ô tô Skoda đầu tiên các phân khúc SUV và Sedan hạng B phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng hiện nay của người Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo, nhà máy sẽ mở rộng sang các dòng xe điện thân thiện với môi trường. Đây cũng là dự án nhà máy ô tô đầu tiên tại Quảng Ninh, một trong những sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo mới của tỉnh.
Đây không chỉ là tiền đề thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp ô tô sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường về địa bàn tỉnh, mà còn là đòn bẩy tích cực thu hút, quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô , sản xuất linh kiện và phụ tùng, nhất là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao.
Điều này sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững, phù hợp với định hướng của Chính phủ trong mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng tự chủ trong sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy yêu cầu các sở ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn đất đắp để chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Tổ hợp Công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng; triển khai dự án cải tạo, mở rộng đường 279 để nhà máy đi vào hoạt động thuận lợi, an toàn.
Đồng thời Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành, kịp thời báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp được hưởng các chính sách ưu đãi như các khu công nghệ cao hoặc Khu kinh tế nhằm tạo sự hấp dẫn, nâng cao sức cạnh tranh khi nhà máy đi vào hoạt động.
Vũ Phong Cầm
Theo