Thứ năm 16/05/2024 00:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chuyện hy hữu ở Kiên Giang: Vì sao một doanh nghiệp có nhiều sai phạm nhưng vẫn được “ưu ái”?

Bài 2: Đề nghị “giải cứu” khi hoạt động không phép

07:40 | 23/11/2023

(Xây dựng) - Dư luận cho rằng, Công ty cổ phần nước và môi trường Thạnh Lộc Kiên Giang (gọi tắt là Công ty Thạnh Lộc, trụ sở đặt tại số 08A, đường Lý Thái Tổ, phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá) đang được chiếu cố hết sức bất thường. Sản phẩm của công ty kém chất lượng, công ty bán ra ngoài sai quy định, hoạt động không có phép nhưng vẫn đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang “giải cứu”.

Bài 2: Đề nghị “giải cứu” khi hoạt động không phép
Nhà máy Cấp nước Thạnh Lộc cung cấp nước trong Khu công nghiệp Thạnh Lộc.

Những đề nghị bất thường

Như bài trước, chúng tôi phản ánh, Công ty Thạnh Lộc thực hiện Dự án Nhà Máy cấp nước Thạnh Lộc chỉ phục vụ cho Khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, Kiên Giang). Cụ thể, các quy hoạch cấp nước của UBND tỉnh Kiên Giang năm 2025 và Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không có Nhà máy cấp thoát nước Thạnh Lộc. Đồng thời, giấy phép khai thác và sử dụng mặt nước của UBND tỉnh Kiên Giang cấp cho Công ty Thạnh Lộc hết hạn tháng 7/2020. Công ty nhiều lần đề nghị cấp lại nhưng chưa được chính quyền địa phương đồng ý. Thay vì, công ty cải tạo lại nhà máy, tăng chất lượng để được cấp phép thì phía công ty lại hoạt động không phép, bán nước ra thị trường với giá rẻ hơn công ty khác.

Ngày 31/10/2022, Công ty Thạnh Lộc ký hợp đồng mua bán sỉ nước sạch với Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang (gọi tắt là Công ty cấp thoát nước Kiên Giang). Đến ngày 18/4/2023, Công ty cấp thoát nước Kiên Giang có tờ trình gửi UBND tỉnh Kiên Giang xem xét chủ trương mua 10.000 m3/ngày đêm của Công ty Thạnh Lộc để cung cấp cho người dân thành phố Rạch Giá mà trước đó công ty này đã mua nước Công ty Thạnh Lộc. Đến ngày 19/5/2023, Công ty Thạnh Lộc có công văn gửi UBND tỉnh Kiên Giang xin chủ trương nâng công suất Nhà máy cấp nước Thạnh Lộc để cung cấp cho thành phố Rạch Giá.

Thật bất ngờ, trước những đề xuất bất thường trên nhưng được UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét cho một công ty hoạt động không có giấy phép, không có trong quy hoạch. Từ 02 đề xuất trên, lúc 13 giờ 30 phút ngày 28/6/2023, tại Hội trường Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp xem xét nâng công suất Nhà máy cấp nước Thạnh Lộc và chủ trương mua nước của Công ty cấp thoát nước Kiên Giang. Tại cuộc họp ngoài lãnh đạo Sở Xây dựng cùng Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật, Phòng Quy hoạch Kiến trúc có Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh, ông Lâm Minh Vương - Giám đốc Công ty cấp thoát nước Kiên Giang, ông Nguyễn Nhựt Ngân - Giám đốc Công ty Thạnh Lộc…

Bài 2: Đề nghị “giải cứu” khi hoạt động không phép
Các thiết bị bên trong Nhà máy cấp nước Thạnh Lộc.

Ông Nguyễn Nhựt Ngân - Giám đốc Công ty Thạnh Lộc đề nghị, tỉnh cho chủ trương điều chỉnh quy mô công suất Nhà máy cấp nước Thạnh Lộc từ 5.000 m3/ngày đêm lên 18.000 m3/ngày đêm. Hiện công ty cung cấp cho Khu Công nghiệp Thạnh Lộc 3.000 m3/ngày đêm với giá 8.059 đồng, cung cấp cho Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang là 4.000 m3/ngày đêm là 4.500 đồng. Điều lạ, không có ý kiến nào xác nhận, Công ty Thạnh Lộc đang hoạt động không phép. Thế nhưng, các cơ quan chuyên môn tiếp tục có ý kiến xung quanh hợp đồng mua bán giữa Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang và Công ty Thạnh Lộc. Cuộc họp không đi đến thống nhất. Và đến nay, Công ty Thạnh Lộc chưa được cấp phép. Công ty đã hơn 3 năm khai thác nước mặt hoạt động không phép.

Các cơ quan chức năng nói gì?

Vì sao một Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang lại ký hợp đồng mua bán với một công ty không giấy phép hoạt động, không có trong quy hoạch cấp thoát nước. Ngày 14/11, PV đến Công ty cấp thoát nước Kiên Giang liên hệ làm việc. Đại diện cán bộ Văn phòng của công ty cho biết, lãnh đạo công ty đi học nên không tiếp được. Tìm đến Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi, vì sao, Công ty Thạnh Lộc được bán nước ra ngoài khu công nghiệp. Một vị cán bộ Sở thừa nhận, quy hoạch tỉnh và Trung ương đều không có Nhà máy cấp nước Thạnh Lộc. “Nhưng ngày 16/8/2018, UBND tỉnh có Kế hoạch 133 về việc thực hiện Chương trình bảo đảm cấp nước an toàn và Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 cập nhật thêm Nhà máy cấp nước Thạnh Lộc nhưng vùng phục vụ Khu công nghiệp Thạnh Lộc. Còn việc buôn bán bên ngoài phải có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh theo điều 44 của Nghị định 117”, vị cán bộ này giải thích.

Tại buổi làm việc với PV, vì sao Nhà máy cấp nước trong khu công nghiệp nhưng lại ký hợp đồng bán ra ngoài, ông Nguyễn Hữu Sương - Phó Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kiên Giang cho rằng, Ban quản lý Khu kinh tế chỉ quản lý về mặt Nhà nước. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận đầu tư không ghi phạm vi hoạt động nhưng Bản đăng ký đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Thạnh Lộc ghi rõ “Mục tiêu và quy mô của dự án: Cung cấp nước sạch cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Thạnh Lộc và một phần bán qua đồng hồ tổng cho Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang”. Về giấy phép Công ty đã hết hạn 03 năm chưa được cấp mới, ông Sương ngạc nhiên sẽ kiểm tra lại.

Bài 2: Đề nghị “giải cứu” khi hoạt động không phép
Bản hợp đồng giữa Công ty Thạnh Lộc và Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang.

Đến bao giờ Công ty Thạnh Lộc bị xem xét xử lý đúng theo quy định, xin nhường câu trả lời cho UBND tỉnh Kiên Giang. Không gì một lý nào, một công ty hoạt động không phép, sản phẩm kém chất lượng, hợp đồng buôn bán sai quy định… lại ngang nghiên bán giá thấp hơn thị trường gây bức xúc dư luận. Điều hết sức quan trọng, chất lượng nước phục vụ trong khu công nghiệp lại cung cấp cho người dân thành phố Rạch Giá thì liệu có bảo đảm đúng chất lượng hay không? Vì sao Công ty Thạnh Lộc được ưu ái bất thường?

Nhóm phóng viên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load