Thứ ba 25/06/2024 13:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trà Vinh: Con đường “ma” và vụ tiêu cực bị “chìm xuồng”

Bài 1: Lời khẩn cầu của người dân bị thu hồi đất

15:00 | 21/05/2024

(Xây dựng) - Năm 2004, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường số 1, giao cho Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. 20 năm qua, hàng trăm người dân bị thu hồi đất không biết đến bao giờ Nhà nước giao nền tái định cư. Nhiều hộ bám trụ trên khu đất Nhà nước thu hồi còn sót lại bị mất quyền lợi, không được sửa nhà, không sổ đỏ. Con đường số 1 hoàn thành giờ như con đường “ma” bởi hai bên cỏ dại mọc đầy cùng lời than của người dân lao động. Song, việc thực hiện dự án phát hiện tiêu cực bởi 2 lần thanh tra điều kết luận có sai phạm nhưng có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Bài 1: Lời khẩn cầu của người dân bị thu hồi đất
Tuyến đường bị “bẻ” cong vào đất “quan” để nhận bồi thường.

Mỏi mòn chờ nhận nền tái định cư

Năm 2004, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt, lập hồ sơ, dự án giao cho Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư tuyến đường số 1. Ban Quản lý các dự án giao thông được chỉ định thầu tư vấn, lập dự án, hợp đồng thiết kế. Tuyến đường này nằm song song ở giữa hai con đường đã có là Quốc lộ 54 và đường Mậu Thân, có tổng chiều dài 2.200m, điểm đầu tiếp giáp hương lộ 11, cách Quốc lộ 915m; điểm cuối giáp đường số 3 cách Quốc lộ 54 khoảng 235m thuộc khu vực phường 6, chiều rộng toàn tuyến là 108m. Dự án được thực hiện, người dân có đất dính vào quy hoạch không giấu bức xúc nói: “Trong khi hai bên đường này đã có đường thẳng sẵn, một bên là đường đi Châu Thành, một bên đường vào khu hành chính, tại sao không mở rộng 2 đường này mà lại mở đường mới cho tốn tiền”.

Ông Nguyễn Hùng (59 tuổi, ngụ phường 9, thành phố Trà Vinh) chỉ chúng tôi căn nhà xiêu vẹo, nói như mếu: “Đất của chúng tôi không dính vào quy hoạch nhưng bị cán bộ “bẻ” cong con đường vào đất của họ. Họ giàu thêm giàu. Nông dân mất đất chẳng được tái định cư. Thân phận chúng tôi bị treo hàng chục năm trời. 20 năm qua, cán bộ địa phương “bẻ” cong con đường, người dân có đất dính vào quy hoạch sống như thân tầm gửi. Nhà dột không sửa, xây mới. Mùa nắng thì nắng chiếu khắp nhà. Mùa mưa dột tứ tung. Mang tiếng chủ đất nhưng bị tước quyền làm chủ”.

Ông Hùng nhớ lại, năm 2009, địa phương tiến hành thu hồi đất để thực hiện dự án tuyến đường số 1, gia đình có hơn 1.300m2/1.400 m2 đất bị thu hồi. Theo quy định lúc bấy giờ, ông Hùng được bồi thường gần 440 triệu đồng và được bố trí 300m2 đất tái định cư trên tuyến đường này. “Tôi còn lại vỏn vẹn 100m2 đất. Từ đó đến nay đã hơn 15 năm, nhưng không thấy chính quyền giao đất tái định cư. Tôi nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có kết quả. Tôi cũng mong sớm giải quyết để ổn định cuộc sống. Lúc trước ở đây cũng đông người sống lắm. Tuy nhiên, lúc làm đường họ bị lấy đất phải đi ở trọ, đợi làm đường xong cất nhà nhưng đợi lâu quá, có người đi tỉnh khác mưu sinh. Tôi cũng có đi đòi đất, đi chỗ này họ chỉ chỗ kia, đi chỗ kia họ chỉ chỗ nọ, mãi rồi mất tinh thần luôn”, ông Hùng tâm sự.

Bà Sơn Thị A (49 tuổi) cho biết thêm, trước khi tiến hành đo đạc, chính quyền địa phương đến nhà vận động bà giao đất làm đường. Lúc đó, viễn cảnh tươi sáng sau khi tuyến đường hoàn thành, hai bên đường sẽ là khu đô thị sầm uất. Trước những lời “rót mật vào tai”, bà A đồng ý cho Nhà nước thu hồi hơn 1.000m2 đất. “Cũng may, tôi còn 100m2 che cái chòi để ở. Nếu giao hết cho Nhà nước đến giờ không biết ở đâu. Đã hơn 15 năm nhưng chính quyền vẫn không bố trí tái định cư cho tôi. Tôi đã rất nhiều lần đi hỏi, nhưng họ chỉ qua chỉ lại đổ trách nhiệm cho nhau. Giờ tôi quá chán nản rồi”, bà A cho hay.

Bài 1: Lời khẩn cầu của người dân bị thu hồi đất
Ông Nguyễn Hùng bên khu đất bị thu hồi nhưng chưa nhận được nền tái định cư.

Người dân địa phương cho biết, lúc triển khai dự án, sau khi đo đạc, áp giá bồi hoàn… tỉnh đã phê duyệt hạn mức giao đất là 22,5% đối với các hộ thuộc phường 6, 24% đối với các hộ dân ở phường 9. Nghĩa là, cứ 1.000m2, sẽ được bố trí lại 225 và 240m2 đất ở đô thị. Nhưng theo quy định hiện nay, mỗi hộ chỉ được giao tối đa 150m2 đất ở đô thị. Người dân địa phương cho biết, thành phố vào thế khó, không thể giao đất cho dân, dù dự án đã được triển khai hàng chục năm.

Cũng như ông Hùng, những người dân đủ điều kiện tái định cư phải nộp tiền cơ sở hạ tầng như mua lại giá rẻ. Do đó, tiền bồi thường sau khi nộp cơ sở hạ tầng, người dân còn lại không được bao nhiêu. Thế nhưng, chính quyền địa phương không thực hiện lời đã hứa. Đất thì bị mất làm đường, tiền đền bù nộp cho Nhà nước đóng tiền cơ sở hạ tầng nhưng nền tái định cư không biết bao giờ nhận. Lúc thu hồi đất của dân, tỉnh Trà Vinh dự kiến bố trí tái định cư và phân phối lại quỹ đất 65.029m2 cho 253 hộ gia đình và cá nhân, tất cả đều thuộc diện tái định cư tại chỗ. Thực tế đến nay vẫn chưa có một khu đất tái định cư nào được giao.

20 cán bộ có đất trong dự án

Đến nay, tuyến đường số 1 đã hoàn thành, nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố Trà Vinh. Tuy nhiên, hai bên đường vắng hoe, cỏ mọc um tùm, nhà cửa thưa thớt, xe cộ cũng ít khi qua lại. Theo điều tra, tổng số đất bị thu hồi bởi dự án là hơn 264.000m2. Dự án có 253 hộ dân và 3 tổ chức bị thu hồi đất để làm dự án, tổng kinh phí bồi thường hơn 22 tỷ đồng. Trong số này, có hơn 40.700m2 đất thuộc quyền sở hữu của 20 cán bộ và chủ doanh nghiệp trong tỉnh sau khi “bẻ” cong đường.

Bài 1: Lời khẩn cầu của người dân bị thu hồi đất
Hiện xung quanh tuyến đường, cỏ dại mọc đầy.

Chỉ riêng ở Sở Giao thông vận tải đã có 8 cán bộ bị thu hồi hơn 17.000m2 đất để làm đường dài thêm và tăng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trong đó, ông Phan Thanh Sơn (thời điểm thực hiện dự án là Giám đốc Sở Giao thông vận tải) có hơn 7.300m2; ông Trần Minh Hiếu - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông có 761m2 và thân nhân ông này có gần 775m2 . Chủ doanh nghiệp trúng thầu thực hiện DA là ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vạn Thành, có gần 29.600m2…

Bài 2: Một dự án quá nhiều sai phạm

Đào Văn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load