(Xây dựng) - Tại biên bản làm việc ngày 24/7/2020 do Tổng cục Thủy lợi chủ trì đại diện là ông Vũ Đắc Long – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thanh tra. Ngoài ra, trong Đoàn kiểm tra này còn tương đối đầy đủ các thành phần về chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong đó, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc ông Đinh Gia Thành – Phó Giám đốc Sở; Chánh Thanh tra Sở; Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc ông Phạm Tuệ Minh – Giám đốc Sở và 3 thành viên các phòng, chuyên môn kỹ thuật. Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ông Phan Thế Huy – Phó Giám đốc Sở và Trưởng phòng quy hoạch của Sở. Đại diện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc, ông Đỗ Ngọc Anh Long – Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Phúc Yên. Đại diện Công ty TNHH Đại Lải ông Lê Minh Châu – Phó Tổng Giám đốc; Lê Minh Tân – Giám đốc dự án.
Sau khi kiểm tra hiện trường tại dự án, Đoàn kiểm tra đã thống nhất nội dung sau: Việc san gạt mặt bằng của chủ đầu tư nằm trong phạm vi được giao đất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đã ngừng hoạt động san gạt theo Thông báo số 07/TB-UBND ngày 07/01/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Chủ đầu tư thực hiện và phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải cao trình +23m trở xuống phía lòng hồ theo hiện trạng ban đầu.
Chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đại Lải.
Với kết luận của Đoàn kiểm tra, thì trên thực tế không có chuyện “bức tử” hồ Đại Lải như một số thông tin đã nêu. Mặt khác, cao trình +23m là cao trình đỉnh đập. Những bài báo trước chúng tôi đã thông tin hầu như tất cả các tài liệu trước đây đều xác định cos xây dựng tại hồ Đại Lải là +21.5m. Tuy nhiên, trong những dự án cụ thể còn được xây dựng ở cao trình thấp hơn +21.5m. Điều này đã có sự thống nhất với UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những năm trước đấy.
Mặt khác, các mốc giới để bảo vệ lòng hồ đã bị mất hết, tài liệu cắm mốc giới cũng không còn. Vì vậy, việc xác định phạm vi bảo vệ lòng hồ +23m là thiếu căn cứ thực tiễn và pháp luật. Kết quả kiểm tra này đã lấy lại Kết luận Thanh tra số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20/02/2020 của Tổng cục Thủy lợi. Có lẽ chính vì xác định cos +23m là cao trình bảo vệ hồ chứa Đại Lải vì vậy nhiều nguồn thông tin đã cho rằng hồ Đại Lải bị san lấp quá nhiều diện tích hoặc đang bị “bức tử”.
Hiện trạng khu vực mà Công ty TNHH Đại Lải đang san ủi là đồi Khai Mạn có diện tích san ủi là 41ha. Quả đồi này trước kia là đất lâm nghiệp của Trung tâm khoa học lâm nghiệp Bắc Bộ bàn giao cho tỉnh theo Quyết định số 216 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/7/2004 trong tổng số 147,8ha. Cao độ cao nhất của quả đồi là 42m, thấp nhất là 18m. Hiện tại, công ty này đang san ủi theo chỉ giới được giao và theo bản đồ san nền tỷ lệ 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tức là từ cos +21.5m trở lên, điều này đã được Đoàn kiểm tra do Tổng cục Thủy Lợi chủ trì xác nhận.
Chúng tôi không rõ, hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp ở trong khu vực hồ Đại Lải đang bị đình chỉ xây dựng? Đồng thời, chúng tôi cũng chưa có điều kiện tiếp cận một cách đầy đủ các tài liệu liên quan đến dự án của Công ty TNHH Đại Lải. Nhưng chỉ vì 4 vấn đề nêu trong biên bản của Đoàn kiểm tra mà doanh nghiệp phải đình chỉ vô thời hạn thì sẽ gây nên rất nhiều những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp nhất là trong tình hình hiện nay, gây ảnh hướng đến cuộc sống của hàng trăm người lao động.
Trong 4 kiến nghị của Đoàn kiểm tra, có một yêu cầu là: Chủ đầu tư thực hiện và phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên cắm ranh giới phạm vi hồ Đại Lải từ cao trình cos 23m trở xuống. Chúng tôi cho rằng đây không thể là lý do để đình chỉ thi công của doanh nghiệp. Bởi vì việc cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải từ cao trình nào là việc của các cơ quan quản lý Nhà nước đã được pháp luật phân giao; tổ chức và các nhân của các cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về công việc của mình.
Với yêu cầu này thì không biết đến bao giờ doanh nghiệp mới có thể thực hiện. Vì lý do này mà để doanh nghiệp ngừng hoạt động liệu có thỏa đáng?
Riêng việc yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đại Lải là đúng, nhưng phải có thời hạn.
Việc đình chỉ xây dựng của các doanh nghiệp không có thời hạn sẽ gây ra nhiều hậu quả gây thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm người lao động. Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Việc san gạt 41ha tại đồi Khai Mạn mà Đoàn kiểm tra đã xác nhận là việc san ủi theo đúng mốc giới được giao, đồng thời trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp cũng cần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép hoạt động để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động.
Quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải. |
Trên thực tế, với 41ha đã được san ủi bằng, gây ra phản cảm trong dư luận xã hội là đúng. Tuy nhiên, vùng đất đồi này đã bị phong hóa mạnh; dù chỉ một trận mưa lớn đã có thể gây ra sói lở và tàn phá mặt bằng đã san ủi, đồng thời một lượng đất lớn sẽ bị rửa trôi gây ảnh hưởng đến lòng hồ.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm có yêu cầu doanh nghiệp trồng cây xanh theo quy hoạch đã được duyệt, đủ độ xanh và độ che phủ, đồng thời thực hiện các công việc xây dựng các công trình giao thông, thoát nước… và các công trình hạ tầng khác theo quy hoạch tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt nhằm đưa dự án sớm đi vào hoạt động.
Duy Nguyên
Theo