(Xây dựng) – Thời gian gần đây, một diện tích lớn hồ Đại Lải đã bị nhiều doanh nghiệp ngang nhiên đổ đất, san lấp… vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thủy lợi và gây bức xúc trong dư luận.
Gần 16.000m2 hồ Đại Lải bị nhiều doanh nghiệp “bức tử”. |
Cụ thể, mới đây Tổng cục Thủy Lợi đã có Kết luận số 253/KL-TCTL-PCTTr kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc sau khi kiểm tra 04 doanh nghiệp đang có dự án kinh doanh, du lịch trong phạm vi hồ, cho thấy có nhiều vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi. Cụ thể đối với từng doanh nghiệp như sau:
Dự án Khu biệt thự vui chơi và giải trí Đại Lải – Paradise Đại Lải Resort của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng. Hạng mục Khu biểu diễn nghệ thuật đã đắp đất, ngăn hồ tạo thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m, cao trình mặt đường khoảng +21.07m. Diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2ha. Đối với hạng mục Khu biệt thự nghỉ dưỡng, diện tích quy hoạch chia lô được giao trong phạm vi của mốc ranh giới đất 272, 273,274 và 275 để xây dựng biệt thự có cao trình thấp hơn cao trình mực nước dâng bình thường, chủ đầu tư dự án chưa thực hiện san nền xây biệt thự. Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng chưa có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định.
Dự án Khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến (Công ty Đạt Tiến). Tại hiện trường, Công ty đã đóng cọc chắn sóng kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ (nằm ngoài ranh giới đất được giao) từ khoảng cao trình +19,0m đến +21,70m và đã trồng cây cảnh, làm đường dạo bằng bê tông ven hồ. Theo Kết luận thanh tra số 10/KL-STNMT ngày 02/01/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc diện tích lấn chiếm của Công ty là 15.599m2. Công ty Đạt Tiến không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi) theo quy định.
Dự án Khu nhà ở sinh thái và Biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải của Công ty TNHH Đại Lải. Thời điểm kiểm tra, Công ty đang thi công đổ đất vào lòng hồ theo mốc ranh giới đất, từ mốc 217 đến mốc 243; chiều dai khoảng 700m, chiều cao san lấp từ 2-3m, cao trình từ 19,70m đến 21,05m. Công ty không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.
Kết luận nêu rõ việc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Các doanh nghiệp nêu trên đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đất ngăn hồ… trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, thực hiện các hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Tổng cục Thủy lợi đưa ra kiến nghị với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Phúc Yên: Riêng các doanh nghiệp đang hoạt động trong phạm vi hồ Đại Lải, cần nghiêm chỉnh chấp hành các yêu cầu tại Kết luận kiểm tra và các yêu cầu khác liên quan của cơ quan có thẩm quyền; Lập hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép cho các hoạt động phải có giấy phép trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết và triển khai thực hiện theo quy định; Khôi phục các mốc ranh giới đã mất theo quy định.
Được biết, trong Kết luận thanh tra số 10/KL-STNMT ngày 2/1/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cũng khẳng định diện tích hồ bị lấn chiếm lên tới 15.599 m2.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề trên.
Thiên Trường
Theo