Chủ nhật 12/05/2024 01:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Oai (Hà Nội): Gia đình liệt sĩ “nhọc nhằn” 25 năm đi đòi lại đất để làm nơi thờ cúng

17:16 | 26/07/2023

(Xây dựng) - Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách đền ơn đáp nghĩa nhằm tôn vinh, ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Thực tế, thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những gia đình liệt sĩ rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, khiến ta phải suy nghĩ. Đó là trường hợp của gia đình hai liệt sĩ Phạm Tiến Lợi và Phạm Tiến Thọ tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội suốt nhiều năm “nhọc nhằn” đi đòi lại đất đã cho UBND xã mượn (từ năm 1972) để làm nơi thờ cúng khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng và xót xa.

Thanh Oai (Hà Nội): Gia đình liệt sĩ “nhọc nhằn” 25 năm đi đòi lại đất để làm nơi thờ cúng
Gia đình hai liệt sĩ Phạm Tiến Lợi và liệt sĩ Phạm Tiến Thọ (tức Lê Văn Thọ) nhiều năm đi đòi lại đất để làm nơi thờ cúng.

Chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn quan tâm, dành những tình cảm, trách nhiệm để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng những chính sách cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Điều đó thể hiện đạo lý và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

Gian nan đi đòi lại đất cho UBND xã “mượn”

Phải nhìn nhận rằng, với chủ trương nêu trên, cho đến nay chính sách đối với người có công nói chung và gia đình thương bình liệt sĩ nói riêng trên cả nước đã cơ bản được thực hiện tốt.

Tuy nhiên, trường hợp gia đình bà Lê Thị Nhặt (vợ liệt sĩ Phạm Tiến Lợi), sinh năm 1952 trú tại thôn Quang Trung, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội lại cho thấy rằng việc xử lý, giải quyết của chính quyền địa phương đối với sự việc liên quan đến gia đình liệt sĩ đã không được xem xét một cách thấu tình, đạt lý mà có phần quá “cứng nhắc” khiến quyền và lợi chính đáng của gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi chưa được đảm bảo.

Gặp chúng tôi trong một ngày nắng nóng, oi ả, bà Lê Thị Nhặt kể về câu chuyện hơn 25 năm đi đòi lại đất của gia đình cho UBND xã mượn. Bà Nhặt nói: “Việc đòi đất hương hỏa của gia đình tôi có nhiều gian nan và nhọc nhằn lắm, nhưng còn sống ngày nào tôi vẫn phải tiếp tục. Việc này một phần vì lời trăng trối của chồng tôi - liệt sĩ Phạm Tiến Lợi trước khi mất. Nhưng điều đặc biệt, hiện nay tôi không còn chỗ ở và có nơi thờ cúng hai liệt sĩ là chồng - liệt sĩ Phạm Tiến Lợi và em chồng - liệt sĩ Phạm Tiến Thọ (có tên gọi khác là Lê Văn Thọ); hiện tôi đang ở nhờ nhà con gái”.

Cụ thể về vụ việc của gia đình, bà Lê Thị Nhặt chia sẻ: trước đây, gia đình chồng tôi - liệt sĩ Phạm Tiến Lợi có 01 sào đất ở (360m2) cạnh chân đê và cái ao 240m2 (nay thuộc Đội 2, thôn Chung Chính, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội) với tổng diện tích là 600m2. Phần đất này do ông cha chồng tôi để lại, được quản lý sử dụng từ trước những năm 1960.

Vào năm 1972, do tình hình ngập lụt, xã Phương Trung tổ chức đắp đê nên yêu cầu gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi chuyển vào trong đê, đồng thời cấp đổi cho gia đình ông 05 thước (tức 120m2 đất ở) để dựng nhà sinh sống; phần diện tích 240m2 đất còn thiếu UBND xã sẽ bố trí sau.

Còn cái ao của gia đình ông bà (có diện tích khoảng 240m2) do nằm giữa 2 cái đầm thuộc UBND xã Phương Trung quản lý nên chính quyền xã đã ngỏ lời đề xuất mượn phần diện tích ao này để gộp cùng 2 cái đầm cho thuận tiện công tác đấu thầu nuôi thả cá. Lúc bấy giờ, gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi chưa có nhu cầu sử dụng đến ao này nên đồng ý để UBND xã mượn để tiến hành đấu thầu nuôi thả cá phát triển kinh tế vùng, cải thiện đời sống nhân dân địa phương.

“Khi UBND xã Phương Trung tiến hành mượn ao của gia đình chồng tôi thì không làm một văn bản cụ thể giao nhận mà giữa hai bên chỉ nói và thỏa thuận miệng với nhau. Bởi thời điểm đó, những cán bộ UBND xã Phương Trung cũng đều là người trong làng sống với nhau bao đời, ai nấy đều rất trọng tình cảm và chữ tín nên không mấy khi lập văn bản hay giấy tờ gì để giao kết cả”, bà Nhặt kể chi tiết.

Tháng 4/1976, ông Phạm Tiến Lợi đi bộ đội về, là thương binh 1/4 (tỷ lệ 81%) sinh sống tại quê nhà. Sau hơn 8 năm, đến tháng 8/1984, ông có đề nghị UBND xã Phương Trung trả lại phần đất còn thiếu cho gia đình mình. Thời điểm này, ông Hoàng Văn Bảo - Chủ tịch UBND xã Phương Trung đã chỉ đạo các ông Lê Văn Chiểu, ông Be là cán bộ địa chính xã lúc bấy giờ tiến hành đo trả lại cho gia đình thương binh Phạm Tiến Lợi diện tích 240m2 đất còn thiếu. Phần diện tích ao lúc đó vẫn được ông Lợi tạm cho UBND xã mượn, sử dụng.

Đến năm 1998 (tức sau 14 năm), do nhu cầu sử dụng của gia đình, thương binh Phạm Tiến Lợi tiếp tục làm đơn xin UBND xã Phương Trung trả lại 240m2 đất ao mà gia đình ông đã cho mượn. Tuy nhiên UBND xã không giải quyết, mặc dù việc chính quyền xã có mượn đất ao của gia đình ông đều được các cán bộ xã thời điểm đó xác nhận và làm chứng là sự việc có thật.

Thanh Oai (Hà Nội): Gia đình liệt sĩ “nhọc nhằn” 25 năm đi đòi lại đất để làm nơi thờ cúng
Những bút tích của nguyên cán bộ xã Phương Trung xác nhận sự việc gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi cho UBND xã mượn đất ao (thời điểm tháng 5/1998).

Trong tập hồ sơ, giấy tờ bà Lê Thị Nhặt chia sẻ với chúng tôi, có các đoạn chữ viết tay đề tên các ông gồm: Hoàng Văn Bảo - nguyên Chủ tịch UBND xã Phương Trung (thời điểm năm 1984); ông Lê Văn Doanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung (từ năm 1982 – 1990); ông Lê Văn Chiểu - nguyên cán bộ địa chính xã và ông Đào Văn Canh làm thống kê HTX xã Phương Trung lúc bấy giờ đều xác nhận có sự việc UBND xã tại thời điểm năm 1972 có mượn phần diện tích đất trên nhà gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi, cụ thể:

Trích dòng chữ viết tay đề tên ông Hoàng Văn Bảo - nguyên Chủ tịch UBND xã Phương Trung: “Tôi Hoàng Văn Bảo Chủ tịch cũ chứng thực lúc đó ông Phạm Lợi có số đất kể trên, lúc đó có giao cho ông Doanh – Phó Chủ tịch và ông Chiểu địa chính xuống cụ thể để giải quyết cho ông Lợi đến nay vẫn chưa trả lại cái ao. Vậy đề nghị ông Doanh có ý kiến thêm để UBND xã và địa chính giải quyết cho”.

Ông Lê Văn Doanh cũng có ghi lại ý kiến: “Tôi là Lê Văn Doanh, hồi năm 1984 là Phó Chủ tịch xã Phương Trung theo lệnh của đồng chí Chủ tịch Hoàng Văn Bảo và ý kiến của UBND theo đơn của ông Lợi trình bày là đúng sự thật và đã giải quyết vào sổ địa chính rồi. Vậy đề nghị các đồng chí có thẩm quyền nghiên cứu và giải quyết tiếp cho ông Lợi”.

Trích dòng chữ viết tay của ông Đào Văn Canh đề ngày 16/5/1998: “Tôi Đào Canh năm 1984 có làm thống kê cho HTX Phương Trung, có giúp việc cho ban địa chính xã theo lệnh của ông Hoàng Văn Bảo làm Chủ tịch và ông Chiểu làm địa chính xã. Tôi cùng ông Chiểu có đo trả ông Phạm Tiến Lợi 10 thước Bắc bộ bằng 240m2 là đúng; còn cái ao lúc đó xã tạm mượn cho thả cá đấu thầu cùng đầm của xã là đúng sự thực”.

Đoạn chữ viết tay của ông Lê Văn Chiểu - nguyên cán bộ địa chính xã đề ngày 16/5/1998 cũng xác nhận có sự việc xã mượn ao của gia đình ông Phạm Tiến Lợi như trên.

Với những bút tích trên của các cán bộ xã thời kỳ những năm 1984 đều xác nhận có sự việc UBND xã Phương Trung mượn phần diện tích ao của gia đình ông Phạm Tiến Lợi là đúng sự thật.

Tiếp câu chuyện của gia đình mình, bà Lê Thị Nhặt nức nở kể tiếp: “Từ năm 1998 đến trước khi chồng tôi mất, ông ấy vẫn liên tục xin UBND xã Phương Trung xem xét trả lại diện tích đất ao cho gia đình nhưng chính quyền xã vẫn lừng chừng không giải quyết. Trước khi mất chồng tôi đã dặn dò vợ con phải tiếp tục đề nghị UBND xã giải quyết quyền lợi cho gia đình mình. Từ thời điểm đó đến nay, tôi và con gái vẫn liên tục có đơn đề nghị giải quyết phần đất UBND xã đã mượn trả lại cho gia đình tôi”.

Chính quyền xã giải quyết như thế nào?

Đến ngày 25/5/2023, UBND xã Phương Trung đã xem xét giải quyết đơn của gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi, thời điểm này bà Phạm Thị Phượng (con gái của liệt sĩ Phạm Tiến Lợi) là người đại diện theo ủy quyền đã thay bà Lê Thị Nhặt ra làm việc tại UBND xã. Quá trình làm việc, bà Phượng cũng đã trình bày chi tiết, cụ thể toàn bộ sự việc, từ lúc mượn đất và đề nghị trả đất của gia đình, đồng thời cung cấp các giấy tờ có xác nhận, làm chứng về việc mượn ao từ các cán bộ xã lúc bấy giờ.

Sau đó, ngày 27/6/2023, UBND xã Phương Trung có Thông báo số 38/TB-UBND do Chủ tịch xã Phạm Việt Hùng kí về việc trả lời nội dung đơn đề nghị của bà Lê Thị Nhặt. Theo kết quả xác minh, UBND xã cho rằng diện tích đất mà gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi đang có đơn xin được trả lại là đất công do UBND xã quản lý.

Theo nội dung thông báo, qua hai thời kì đo đạc xây dựng bản đồ (Bản đồ số 299 năm 1986 và Bản đồ số 364 năm 1997) thì vị trí đất gia đình bà Nhặt có đơn đòi trả lại được thể hiện là đất công. Hai thời kỳ đo đạc này, không có hồ sơ lưu tại UBND xã việc UBND có mượn đất của gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi. Và gia đình ông Lợi, bà Nhặt cũng không cung cấp được giấy tờ chứng minh đã cho UBND xã mượn đất. Với các căn cứ trên, kết luận việc bà Lê Thị Nhặt đề nghị UBND xã Phương Trung trả lại 240m2 đất ao là không đủ cơ sở.

Việc trả lời của UBND xã Phương Trung như trên đã khiến cho gia đình liệt sĩ vô cùng bức xúc. Liệt sĩ Phạm Tiến Lợi và em trai là liệt sĩ Phạm Tiến Thọ (có tên gọi khác là Lê Văn Thọ) đều cống hiến thanh xuân, tuổi trẻ, xương máu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Tổ quốc. Liệt sĩ Thọ cũng đã hy sinh anh dũng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước tháng 04/1972 mà không hề mảy may suy tính.

Bà Lê Thị Nhặt thở dài thất vọng: “Cũng vì thế mà chồng tôi – liệt sĩ Phạm Tiến Lợi, cũng đã không ngần ngại khi UBND xã Phương Trung đề xuất mượn ao của gia đình gộp cùng 02 ao, đầm của UBND xã tổ chức đấu thầu nuôi thả cá nhằm tạo nguồn thu cho xây dựng và phát triển kinh tế địa phương”.

Vì “tình người”, tình làng nghĩa xóm và sự tin tưởng lẫn nhau, liệt sĩ Phạm Tiến Lợi và các cán bộ UBND xã Phương Trung lúc bấy giờ đã thỏa thuận về việc cho chính quyền xã mượn ao của gia đình để phát triển kinh tế và khi nào cần thì sẽ được UBND xã trả lại…Đến chính nguyên các cán bộ UBND xã Phương Trung giai đoạn đó khi còn sống và những người hiện tại còn sống đều xác nhận, làm chứng và khẳng định có sự việc UBND xã thời điểm đó có thỏa thuận mượn đất ao của gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi.

Cho đến bây giờ, khi liệt sĩ Phạm Tiến Lợi đã mất, UBND xã Phương Trung lại có thông báo với kết luận do gia đình liệt sĩ không cung cấp được giấy tờ chứng minh đã cho UBND xã mượn đất nên không giải quyết trả lại phần đất này thể hiện sự vô trách nhiệm với quá khứ, lịch sử.

Thanh Oai (Hà Nội): Gia đình liệt sĩ “nhọc nhằn” 25 năm đi đòi lại đất để làm nơi thờ cúng
Thông báo số 38/TB-UBND ngày 27/6/2023 của UBND xã Phương Trung kết luận việc đòi trả lại 240m2 đất ao của gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi và liệt sĩ Phạm Tiến Thọ không đủ cơ sở.

UBND xã Phương Trung cũng cho rằng: “Qua hai thời kỳ đo đạc xây dựng bản đồ thì vị trí đất gia đình bà Nhặt có đơn đòi được thể hiện là đất công”. Thực tế, việc gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi cho UBND xã mượn ao vào năm 1972, tức là sự việc diễn ra trước hai thời điểm đo vẽ Bản đồ địa chính số 299 (năm 1986) và số 364 (năm 1997).

Chính điều này cho thấy, khi UBND xã Phương Trung giải quyết sự việc có thể đã không xem xét đến yếu tố lịch sử, chưa xác minh, lấy ý kiến của người dân và những người làm chứng. Đồng thời, không xét đến các các chứng cứ là các văn bản xác nhận của nguyên các cán bộ xã mà “cứng nhắc” áp dụng các bản đồ đo đạc địa chính được xác định vào thời điểm sau này có thể chưa chính xác.

Ngoài ra, UBND xã cũng yêu cầu những giấy tờ thể hiện sự cho mượn giữa gia đình liệt sĩ Phạm Tiến Lợi và UBND xã Phương Trung từ năm 1972 theo pháp luật hiện hành có lẽ cũng chưa thỏa đáng. Bởi lẽ các thủ tục pháp lý thời kỳ năm 1972 vẫn mang đậm nét tập quán làng xóm và không thể có sự tương đồng như pháp luật hiện hành được.

Như vậy, đến nay đã là 25 năm trên hành trình đi đòi lại đất hương hỏa của gia đình hai liệt sĩ Phạm Tiến Lợi và Phạm Tiến Thọ. Sự việc sẽ được các cơ quan chức năng liên quan giải quyết như thế nào? Quyền lợi chính đáng của gia đình liệt sĩ Lợi và Thọ bao giờ được trả lại hoặc có thể là một cái kết có hậu khác đối với họ chăng? Câu trả lời xin được dành cho các cơ quan chức năng huyện Thanh Oai và thành phố Hà Nội, bởi vì thực hiện tốt chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, ghi nhớ và biết ơn công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ là một trong những chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.

Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công". Các trường hợp được công nhận là liệt sĩ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP:

"i) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp sau:

Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế.

Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên".

Minh Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load