Thứ tư 25/12/2024 13:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Quận Ba Đình không thể khẳng định giấy phép xây dựng công trình 8B Lê Trực cấp đúng hay sai

10:05 | 13/02/2020

(Xây dựng) - Sáng 12/2, UBND quận Ba Đình đã tổ chức buổi cung cấp thông tin về xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực. Tuy nhiên, nội dung quan trọng là giấy phép xây dựng - cơ sở pháp lý xử lý sai phạm công trình 8B Lê Trực được cấp đúng hay sai thì UBND Quận Ba Đình lại không thể khẳng định. Lãnh đạo quận cũng thông tin: “Chưa biết khi nào xử lý xong vụ việc 8B Lê Trực”.

ha noi chua the khang dinh khi nao xu ly xong vu viec 8b le truc
Quận Ba Đình tổ chức buổi cung cấp thông tin về xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực.

Tại buổi cung cấp thông tin báo chí, trả lời phóng viên Báo Xây dựng về việc giấy phép xây dựng cấp có cấp đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn (TCXDVN) hay không, giấy phép xây dựng được cấp đúng hay sai, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết: “Về vấn đề này chủ đầu tư cũng có ý kiến với thành phố. Tuy nhiên, cấp giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng cấp dựa trên cơ sở hồ sơ thiết kế kỹ thuật do chính chủ đầu tư lập và chủ đầu tư phê duyệt, sau đó trình Sở Xây dựng cấp phép”.

Vị này cũng cho rằng, việc cấp phép dựa trên hồ sơ chủ đầu tư tự lập rồi trình lên, do vậy nếu có sai là do chủ đầu tư.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi ngược lại, vì sao lúc Sở Xây dựng cấp dựa vào hồ sơ thiết kế của chủ đầu tư lại không biết rẳng 53m không thể chia cho 18 tầng? Tại sao biết sai, đơn vị không ngăn chặn ngay từ đầu mà lại vẫn cấp giấy phép xây dựng?

“Đó là thẩm quyền của Sở nên quận không đủ thẩm quyền phán xét và không dám khẳng định đúng hay sai”, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho hay.

Cơ sở pháp nào để phá dỡ tầng 17, 18 công trình 8B Lê Trực?

Đây là câu hỏi được nhiều phóng viên đặt ra bởi các tầng công trình này đều nằm trong quy hoạch và giấy phép xây dựng được cấp.

Cụ thể, theo Quyết định số 2452 năm 2008 do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 thì công trình 8B Lê Trực được xây dựng cao 69,1 m với 20 tầng nổi, 4 tầng hầm. Giấy phép xây dựng số 11 của Sở Xây dựng cũng có tầng 18.

Trả lời về nội dung này, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết: “Về cơ sở pháp lý thì chúng tôi bắt buộc phải xử lý theo giấy phép xây dựng. Các Sở, ngành cũng đã xác định những phần sai phạm là những phần nào và căn cứ trên cơ sở đó chúng tôi xử lý.

Đúng là trước đây UBND thành phố Hà Nội có phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường này. Khu vực này cũng nằm trong quy hoạch này, tuy nhiên đến khi có quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1259 thì tất cả các công trình cao tầng trên địa bàn thành phố, đặc biệt là nội đô thì phải rà soát lại, công trình này cũng nằm trong đó, nếu không phù hợp về mặt chiều cao thì phải xem xét lại”.

ha noi chua the khang dinh khi nao xu ly xong vu viec 8b le truc
Người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực cho biết, họ chưa từng được chính quyền đối thoại.

“Đến năm 2014 trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng, ý kiến đồng ý của Thủ tưởng Chính Phủ, UBND thành phố Hà Nội cho phép công trình cao 52m chứ không phải 69m như trước đây. Việc này đã được sự chấp thuận của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội nên Sở Xây dựng mới cấp giấy phép xây dựng với chiều cao công trình như trên.

Về việc có phải cấp giấy phép xây dựng hay không, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản báo cáo và khẳng định đến thời điểm đó là phải cấp giấy phép xây dựng. Chủ đầu tư trước đây cũng không đồng ý và kiện ra tòa sau đó không hiểu tại sao lại rút hồ sơ”, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết thêm.

Ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng thông tin, trong quá trình xử lý, chủ đầu tư công trình đã có những phản biện về mặt pháp lý.

Cụ thể, theo Công ty CP May Lê Trực trước đó, quy hoạch 1/500 được chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2008. Công trình tại 8B Lê Trực được xây dựng cao 69,1 m với 20 tầng nổi, 4 tầng hầm. Năm 2009, công trình được Sở Xây dựng thẩm định với quy mô 4 tầng hầm, 20 tầng nổi. Năm 2010, chủ đầu tư đã thi công xong tường vây, cọc khoan nhồi, móng và 4 tầng hầm đến cos 00; hệ thống thang máy, điện phòng cháy chữa cháy đã được đặt hàng theo thiết kế thì bỗng nhiên quận Ba Đình đình chỉ công trình và yêu cầu phải xin giấy phép xây dựng.

Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp năm 2014 là không đúng quy định về tiêu chuẩn xây dựng khi cấp cho 18 tầng nổi mà chiều cao công trình chỉ là 53 m khiến trung bình mỗi tầng không đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, sử dụng cho các công năng ở, văn phòng, trung tâm thương mại.

Ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng cho biết, phía chủ đầu tư cho rằng, cần căn cứ theo quy hoạch 1/500 được phê duyệt để làm căn cứ pháp lý cho việc xây dựng cũng như xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực. Tuy nhiên, theo quan điểm của quận Ba Đình là căn cứ vào giấy phép xây dựng và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội theo quy định pháp luật.

“Giấy phép cấp sai là do đơn vị chuyên môn hướng dẫn sai”

Đây là khẳng định của đại diện lãnh đạo Công ty CP May Lê Trực. Ông Lê Văn Hùng – Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực cho biết: “Sau khi đình chỉ thi công, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị đến Thủ tướng, sau đó Thủ tướng có văn bản chỉ đạo. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội ra Văn bản số 7539 giao cho Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội hướng dẫn thủ tục cấp phép, sau đó chúng tôi làm theo hướng dẫn của sở này.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc hướng dẫn lập phương án thiết kế kiến trúc là 18 tầng 53 m. Dự án thuộc cơ quan thẩm quyền hướng dẫn của cơ quan quản lý, do vậy giấy phép và phương án kiến trúc công trình 8B Lê Trực được sự hướng dẫn và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại dự án này có sự vô lý và bất cập. Cụ thể việc cấp phép xây dựng của Sở Xây dựng cho dự án này là 18 tầng nhưng chỉ 53m là không đúng theo quy định”, đại diện chủ đầu tư cho biết.

Lý giải về việc sau khi nhận được giấy phép xây dựng không đúng theo quy định nhưng không có ý kiến phản hồi, ông Hùng cho biết:

“Sau khi nhận được giấy phép không đúng tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, doanh nghiệp chúng tôi không ý kiến vì doanh nghiệp thì phải thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý. Nếu ý kiến thì chúng tôi bị đình chỉ dự án mà đình chỉ thì chúng tôi sẽ thua lỗ nên cứ phải chấp nhận cho trôi dự án. Nói đúng, đây là việc “ép” doanh nghiệp phải sai”.

Không có chuyện chủ đầu tư không hợp tác

Trả lời thông tin quận Ba Đình cho rằng, việc chậm trễ trong xử lý vi phạm một phần là do chủ đầu tư không hợp tác. Ông Hùng khẳng định: “Việc nói chủ đầu tư không hợp tác là hoàn toàn không chính xác. Bởi khi xảy ra vụ việc chủ đầu tư đã tự tháo dỡ, tầng 19, 20. Toàn bộ biện pháp thi công, các thiết bị lắp đặt giàn dáo … chủ đầu tư đã lập hoàn toàn để phục vụ phá dỡ. Sau đó chúng tỗi đã phá dỡ gần như xong tầng 20 nhưng UBND quận đuổi chúng tôi và áp dụng cưỡng chế”.

ha noi chua the khang dinh khi nao xu ly xong vu viec 8b le truc
Ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực.

Ông Hùng cũng cho biết: “Năm 2016, sau khi có quyết định cưỡng chế, quận và phường đã lập chốt bảo vệ tại cổng công trình, đồng thời không cho người dân và doanh nghiệp qua lại. Do vậy, nói chủ đầu tư không hợp tác thì có đúng không?

Thứ hai, việc phá dỡ giai đoạn 1 đã xong từ lâu, nhưng hơn 4 năm nay vẫn chưa có phương án phá dỡ. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị quận hoàn thiện hồ sơ nhưng không thực hiện nên chúng tôi không thể quyết toán. Chúng tôi còn phải giục quận làm mà nói không hợp tác thì liệu có đúng hay không?”, ông Hùng nói.

ha noi chua the khang dinh khi nao xu ly xong vu viec 8b le truc
Người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực căng băng rôn khẩu hiệu kêu cứu ngay trước cổng UBND quận Ba Đình.

Chưa thể khẳng định khi nào xử lý xong công trình 8B Lê Trực

Tại buổi cung cấp thông tin, trả lời về tiến độ và phương án phá dỡ, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết: Hiện nay dự toán giai đoạn 2 chưa được phê duyệt với lý do đơn vị thi công sử dụng biện pháp thi công là loại máy rất là mới (máy cắt bằng dây kim cương), do đó chưa có định mức đơn giá. Để thực hiện giai đoạn 2 thì chúng tôi đã báo cáo Bộ Xây dựng, Viện Kinh tế Bộ Xây dựng, khi nào phá dỡ Viện sẽ tiến hành khảo sát lập đơn giá. Trên cơ sở đó mới có thể lập dự toán và quyết toán giai đoạn 2 và dùng chính đơn giá của giá của giai đoạn 2 áp dụng vào giai đoạn 1 qua đó quyết toán của giai đoạn 1 và hoàn thành quyết toán cho đơn vị thi công.

Đến thời điểm này, ông Chiến cũng chưa thể khẳng định khi nào xử lý xong vụ việc 8B Lê Trực.

Liên quan tới thông báo cưỡng chế phá dỡ tầng 17, 18 công trình sai phạm 8B Lê Trực, ngày 3/2 vừa qua, chủ đầu tư - Công ty CP May Lê Trực đã có văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị không cưỡng chế phá dỡ 2 tầng trên và không lắp dựng cẩu tháp.

Theo nội dung văn bản kiến nghị, Công ty CP May Lê Trực cho rằng, dự án 8B lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng theo quy định. Theo đó, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định áp dụng cưỡng chế của UBND quận Ba Đình trên cơ sở giấy phép xây dựng là trái quy định của pháp luật.

Mặt khác, trong quyết định cưỡng chế cũng không có nội dung phá dỡ tầng 17,18. Hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng đã hết hiệu lực.

Cũng trong văn bản kiến nghị, Công ty CP May Lê Trực còn cho rằng, dự án 8B Lê Trực thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của UBND thành phố Hà Nội được phép xây dựng 20 tầng, chiều cao là 70m (17 tầng chính +2 tầng kỹ thuật + 1 tầng mái); Các tầng 17, 18, 19, 20 mà UBND quận Ba Đình, phường Điện Biên yêu cầu phá dỡ đều có trong quy hoạch chi tiết.

Ngoài ra, Công ty CP May Lê Trực lập luận, giấy phép xây dựng cấp cho dự án 8B Lê Trực sai quy định pháp luật vì không đúng TCVN và sai với quy hoạch chi tiết.

Đơn cử, chiều cao tầng thương mại theo quy định của Nhà nước và quy hoạch là 4,5m/tầng nhưng cấp phép chỉ 2,6m/tầng; chiều cao các tầng văn phòng theo quy định Nhà nước và quy hoạch là 3,9m/tầng nhưng cấp phép chỉ 3m/tầng; chiều cao căn hộ theo quy định Nhà nước và quy hoạch là 3,3m/tầng nhưng cấp phép bị thiếu 0,3m/tầng...

Kim Thoa – Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
  • Thanh Trì (Hà Nội): Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn “ung dung” tồn tại

    (Xây dựng) – Hiện nay, trên địa bàn xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội đang tồn tại nhiều vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, san lấp và sử dụng đất sai mục đích. Dù những vi phạm đã được xác định rõ, nhưng dường như chính quyền địa phương đang thiếu quyết liệt trong công tác xử lý.

  • Hoàng Mai (Hà Nội): Đề nghị xử lý dứt điểm sai phạm tại Khu tập thể Trương Định

    (Xây dựng) - Ông Hoàng Ngọc Tuấn, công dân phường Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có đơn phản ánh về việc chủ nhà C2 tầng 2 Khu tập thể Trương Định có hành vi vi phạm trật tự xây dựng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình nhà ở của gia đình. Sự việc diễn ra đã lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

  • Cần xem xét thấu đáo quyết định thu hồi đất đối với 2 dự án tại thị xã Sa Pa

    (Xây dựng) - Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai xem xét một cách thấu đáo và minh bạch hơn nữa đối với quyết định thu hồi đất của 02 dự án mà Công ty này đã được giao đất từ cách đây hơn 2 thập kỷ.

  • Nguy cơ vỡ trận dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

    (Xây dựng) - Sau hơn 3 tháng phát hành hồ sơ mời thầu, hai gói thầu xây lắp thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ QL56 đến nút giao Vũng Vằn) do Ban Quản lý dự án (QLDA) chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư đã buộc phải hủy thầu khiến dự án cấp bách này có nguy cơ rơi vào cảnh vỡ trận.

  • Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định): Liệu có “khuất tất” trong lựa chọn nhà thầu?

    (Xây dựng) – Là một doanh nghiệp còn non trẻ (được thành lập từ năm 2022), không có trụ sở văn phòng, không có biển hiệu Công ty… thế nhưng Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thái Bình ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) vẫn được UBND xã Hoài Sơn lựa chọn làm đơn vị chấm thầu cho dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Trận tập kích Trụ sở Ngụy quyền xã Hoài Sơn năm 1961 (giai đoạn 1). Từ đây, việc chấm thầu của đơn vị này đã gây nhiều nghi vấn, bức xúc cho các nhà thầu.

  • Hưng Yên: Dự án Nhà máy Anshine Việt Nam xây dựng không phép

    (Xây dựng) – Mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư dự án Nhà máy Anshine Việt Nam trong Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng vẫn tổ chức thi công rầm rộ.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load