Thứ tư 25/12/2024 13:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Người mua nhà 8B Lê Trực (Ba Đình – Hà Nội): “Đề nghị chính quyền đối thoại với dân, trả nhà cho dân”

11:15 | 09/02/2020

(Xây dựng) – Lời kiến nghị khẩn thiết của hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực lại được vang lên như vậy trong chiều 8/2. Sau nhiều năm họ làm đơn kêu cứu, xin được về nhà ở nhưng không được các ngành chức năng xem xét, giải quyết. Các hộ dân cũng bức xúc cho rằng, chính quyền là vì dân nhưng nhiều năm qua, các hộ dân mua nhà 8B Lê Trực lại chưa được chính quyền quan tâm đúng mức.

nguoi mua nha 8b le truc ba dinh ha noi de nghi chinh quyen doi thoai voi dan tra nha cho dan
Hàng loạt băng rôn, biểu ngữ “đòi nhà” trước cửa dự án 8B Lê Trực.

Quyền lợi của dân nằm ở đâu?

Đây là câu hỏi lớn được đặt ra sau nỗi thất vọng không thể kìm nén của các khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực. Mặc cho thời trời giá rét, mặc cho những nguy cơ về dịch viêm phổi cấp Corona đang hoành hành, hàng trăm khách hàng vẫn cùng nhau xuống đường căng băng rôn, biểu ngữ đi tìm quyền lợi.

Những khẩu ngữ “Yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền trả nhà cho cư dân - 5 năm mua nhà nhưng chúng tôi chưa được về nhà ở; đề nghị Chủ tịch thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm để trả nhà cho dân 8B Lê Trực…” lại được căng lên.

nguoi mua nha 8b le truc ba dinh ha noi de nghi chinh quyen doi thoai voi dan tra nha cho dan
Đây đã là bước đường cùng vì các khách hàng chưa một lần được chính quyền đối thoại.

Các hộ dân cũng cho biết, họ không nhớ nổi đây là lần thứ bao nhiêu họ phải căng băng rôn “đòi nhà” và cũng chưa có lần nào họ được các ngành chức năng nào đứng ra giải quyết. Lần này xuất phát từ thông tin cơ quan chức năng đưa cẩu tháp vào công trình để thực hiện cưỡng chế giai đoạn 2, phá dỡ tầng 17, 18 của công trình nhưng chưa có phương án cưỡng chế phá dỡ được phê duyệt.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, chủ căn hộ 1503 bức xúc cho biết: “Về phía chính quyền, chúng tôi chưa thấy chính quyền quan tâm gì đến chúng tôi cả. Họ chỉ quan tâm tới việc đập phá rồi cắt ngọn chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc cư dân là một thành phần của 8B Lê Trực. Đây là nhà của chúng tôi…”.

Các hộ dân cũng đề nghị chính quyền khi phá dỡ thì phải có phương án phá dỡ và phương án phá dỡ phải được thông qua người dân. “Không ai hết, chúng tôi sẽ là những người sinh sống tại đây nên phương án phá dỡ chúng tôi phải biết. Chính quyền cũng không thể đập nhà của chúng tôi bởi đó là tài sản hợp pháp của chúng tôi”, một hộ dân cho biết.

nguoi mua nha 8b le truc ba dinh ha noi de nghi chinh quyen doi thoai voi dan tra nha cho dan
Lời cầu cứu được trưng lên trước cửa UBND Phường Điện Biên.

Chị Nguyễn Thị Hồng Xuân - chủ căn 1002 cũng bức xúc chia sẻ: “Chúng tôi không chấp nhận phương án phá dỡ bởi tầng 18, 17 là tài sản hợp pháp của chúng tôi. 2 tầng đấy đã được cấp phép và có trong quy hoạch xây dựng cho tiết 1/500 được duyệt”.

“Tại sao lại phá, phá trên cở sở nào? Đây là tài sản của dân, được pháp luật bảo hộ”, chị Xuân đặt dấu hỏi.

Chị Xuân cũng bày tỏ: “Chúng tôi chỉ thấy là phường có thông báo là lắp đặt cẩu tháp để phá dỡ gia đoạn 2 tầng 17, 18. Nhưng khi chúng tôi hỏi cả UBND quận và phường rằng phá dỡ dựa trên cơ sở nào thì không ai trả lời được. Mà 2 tầng này đều có trong GPXD và quy hoạch chi tiết 1/500. Vậy cớ gì mà xâm hại tới tài sản hợp pháp của chúng tôi”.

“Đề nghị chính quyền đối thoại với dân và trả nhà cho dân. Ở đây có 2 vấn đề, thứ nhất, không có văn bản nào yêu cầu phá dỡ tầng 17, 18 . Thứ 2 là tất cả những phương án bảo đảm quyền lợi các bên liên quan đều không có. Chúng tôi cho rằng để làm được việc này phải có phương án cụ thể và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Ông Phạm Quang Lung, người mua nhà tại dự án kiến nghị.

“Không có công trình nào cao 18 tầng mà 53m cả”

Đây là khẳng định của ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực. Ông cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên các hộ dân căng băng rôn khẩu ngữ đòi nhà mà đã quá nhiều lần rồi, việc kéo dài quá lâu rồi. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều với thành phố Hà Nội và các cơ quan cấp cao nhưng vẫn chưa được xử lý”.

nguoi mua nha 8b le truc ba dinh ha noi de nghi chinh quyen doi thoai voi dan tra nha cho dan
Ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực chia sẻ bức xúc và kiến nghị các ngành chức năng sớm xử lý dứt điểm vụ việc.

“Chúng tôi sẽ khởi kiện nếu việc này tiếp tục kéo dài. Vì chúng tôi chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, từ tháng 3 năm 2016. Từ giai đoạn 1, cơ quan cưỡng chế phá dỡ đã phá dỡ xong tầng 19, tầng 20 . Cứ coi phần đấy sai so với GPXD, nhưng GPXD đó lại cấp sai, không đúng tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam và chiều cao so với các tầng, kể cả theo quyết định số 11 mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký. Bởi theo quyết định này thì tất cả các công trình trong nội đô, không có công trình nào cao 18 tầng mà 53 m cả. Tất cả đều quy định 18 tầng phải là 65m”, Ông Hùng chia sẻ thêm về thông tin cấp phép sai đối với công trình.

Ông cũng cho rằng, có việc cấp sai nhưng lại không ai xem xét. Việc dùng một GPXD cấp sai, không đúng tiêu chuẩn để xử lý vi phạm trật tự xây dựng như vây là không đúng. Việc này không chỉ khiến cho chính quyền bế tắc mà chủ đầu tư cũng bị “giam chết” 5 năm nay.

Đề nghị dừng phá dỡ tầng 17,18

Theo tìm hiểu được biết, trước đó, liên quan tới thông báo cưỡng chế phá dỡ tầng 17, 18 công trình 8B Lê Trực, ngày 3/2, Công ty CP May Lê Trực đã có văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị không cưỡng chế phá dỡ 2 tầng trên và không lắp dựng cẩu tháp.

Phía Công ty CP May Lê Trực cho rằng, dự án 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng theo quy định. Theo đó, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định áp dụng cưỡng chế của UBND quận Ba Đình trên cơ sở GPXD là trái quy định của pháp luật.

Cũng theo văn bản kiến nghị, dự án 8B Lê Trực được thực hiện theo Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của UBND thành phố Hà Nội được phép xây dựng 20 tầng, chiều cao là 70m (17 tầng chính +2 tầng kỹ thuật + 1 tầng mái); Các tầng 17, 18, 19, 20 mà UBND quận Ba Đình, phường Điện Biên yêu cầu phá dỡ đều có trong Quy hoạch chi tiết.

Thông tin về việc cấp phép sai, nội dung đơn kiến nghị cũng phân tích cụ thể: Giấy phép xây dựng cấp cho dự án 8B Lê Trực là sai quy định pháp luật vì không đúng TCVN và sai với Quy hoạch chi tiết.

Đơn cử: Chiều cao tầng thương mại theo quy định của Nhà nước và Quy hoạch là 4,5m/ tầng nhưng cấp phép chỉ 2,6m/ tầng; Chiều cao các tầng văn phòng theo quy định Nhà nước và Quy hoạch là 3,9m/tầng nhưng cấp phép chỉ 3m/tầng; Chiều cao căn hộ theo quy định Nhà nước và Quy hoạch là 3,3m/ tầng nhưng cấp phép bị thiếu 0,3m/tầng…

“Bởi những căn cứ nêu trên, đề nghị Công an Thành phố Hà Nội, Công an quận Ba Đình, Công an phường Điện Biên không tổ chức bảo vệ cưỡng chế phá dỡ tầng 17, 18 và Thi công lắp dựng cẩu tháp do UBND quận Ba Đình tổ chức cưỡng chế trái quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và tài sản hợp pháp của của các bên liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 11166/VPCP-CN ngày 06/12/2019 về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng tại dự án số 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội”, Công ty cổ phần May Lê Trực kiến nghị.

Phía Công ty cũng cho rằng, việc cưỡng chế phá dỡ giai đoạn 2 của công trình 8B Lê Trực, Công ty CP May Lê Trực yêu cầu việc phá dỡ phải được thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật. Cụ thể, phải có phương án thiết kế tháo dỡ, được đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra, được Phòng Quản lý đô thị xem xét cho ý kiến giải pháp phá dỡ trước khi trình UBND quận ra quyết định phê duyệt. Các ngành chức năng không thể thực hiện theo kiểu nóng vội như hiện nay.

Đại diện lãnh đạo Công ty cũng cho biết, việc phá dỡ giai đoạn 1 trước đó cũng đang vi phạm vì không đúng trình tự pháp luật. Phá tòa nhà từ tháng 3 nhưng đến tháng 10/2016, sau khi phá xong vẫn chưa có phương án phá dỡ, chưa có dự toán vẫn bắt chủ đầu tư trả tiền. “Chúng tôi đã yêu cầu UBND quận, UBND phường hoàn chỉnh hồ sơ phá dỡ giai đoạn 1 để chúng tôi thanh toán tiền nhưng đến nay vẫn không có phương án phá dỡ được thẩm tra và được phê duyệt”, ông Hùng nói.

Được biết, ngày 05/2, UBND quận Ba Đình đã có văn bản gửi Công ty Điện lực, UBND phường Điện Biên về việc tạm ngừng cấp điện cấp điện công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực. Trong đó, UBND quận Ba Đình yêu cầu: Công ty Điện lực phối hợp với UBND phường Điện Biên tổ chức, kiểm tra xem xét việc cắt điện tại công trình 8B Lê Trực trước ngày 8/2/2020; Đồng thời đảm bảo nguồn điện phục vụ công tác cưỡng chế giai đoạn 2 công trình trên. Tuy nhiên, Luật Xây dựng 2014 và các quy định hiện hành đã không còn quy định cắt điện, cắt nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng bởi không đảm bảo tính nhân văn và quyền lợi các bên. Do vậy, việc đề nghị cắt điện đối với công trình này cần phải được xem xét lại.

Việc để những tồn tại, khúc mắc tại công trình 8B Lê Trực kéo dài nhiều năm qua nhưng không được xử lý đã cho thấy những hạn chế trong việc đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi họ đang sống giữa Thủ đô. Việc xử lý vi phạm là cần thiết nhưng tất cả cũng cần phải đảm bảo đúng quy định pháp luật và có tình, có lý. Câu chuyện 8B Lê Trực đã đến lúc cần phải được khép lại để trả lại sự công bằng cho nhân dân, bởi họ là những người đã bỏ tiền mua nhà, họ cần được sống và cần được bảo vệ. Hy vọng Hà Nội sẽ sớm xử lý được việc này!

Kim Thoa – Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
  • Thanh Trì (Hà Nội): Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn “ung dung” tồn tại

    (Xây dựng) – Hiện nay, trên địa bàn xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội đang tồn tại nhiều vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, san lấp và sử dụng đất sai mục đích. Dù những vi phạm đã được xác định rõ, nhưng dường như chính quyền địa phương đang thiếu quyết liệt trong công tác xử lý.

  • Hoàng Mai (Hà Nội): Đề nghị xử lý dứt điểm sai phạm tại Khu tập thể Trương Định

    (Xây dựng) - Ông Hoàng Ngọc Tuấn, công dân phường Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có đơn phản ánh về việc chủ nhà C2 tầng 2 Khu tập thể Trương Định có hành vi vi phạm trật tự xây dựng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình nhà ở của gia đình. Sự việc diễn ra đã lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

  • Cần xem xét thấu đáo quyết định thu hồi đất đối với 2 dự án tại thị xã Sa Pa

    (Xây dựng) - Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai xem xét một cách thấu đáo và minh bạch hơn nữa đối với quyết định thu hồi đất của 02 dự án mà Công ty này đã được giao đất từ cách đây hơn 2 thập kỷ.

  • Nguy cơ vỡ trận dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

    (Xây dựng) - Sau hơn 3 tháng phát hành hồ sơ mời thầu, hai gói thầu xây lắp thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ QL56 đến nút giao Vũng Vằn) do Ban Quản lý dự án (QLDA) chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư đã buộc phải hủy thầu khiến dự án cấp bách này có nguy cơ rơi vào cảnh vỡ trận.

  • Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định): Liệu có “khuất tất” trong lựa chọn nhà thầu?

    (Xây dựng) – Là một doanh nghiệp còn non trẻ (được thành lập từ năm 2022), không có trụ sở văn phòng, không có biển hiệu Công ty… thế nhưng Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thái Bình ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) vẫn được UBND xã Hoài Sơn lựa chọn làm đơn vị chấm thầu cho dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Trận tập kích Trụ sở Ngụy quyền xã Hoài Sơn năm 1961 (giai đoạn 1). Từ đây, việc chấm thầu của đơn vị này đã gây nhiều nghi vấn, bức xúc cho các nhà thầu.

  • Hưng Yên: Dự án Nhà máy Anshine Việt Nam xây dựng không phép

    (Xây dựng) – Mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư dự án Nhà máy Anshine Việt Nam trong Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng vẫn tổ chức thi công rầm rộ.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load