(Xây dựng) - Sau hơn 4 năm mòn mỏi chờ “về nhà”, trưa 15/01, hàng chục khách mua nhà tại dự án 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội đã tập trung tại dự án, yêu cầu được vào trong đối thoại với chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu công ty, chính quyền Hà Nội sớm trả nhà cho các hộ dân để kịp thời đón Xuân Canh Tý 2020.
Các khách hàng yêu cầu đối thoại với chủ đầu tư. |
Dân khổ vì “giấy phép cấp sai”
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, khoảng 11h trưa 15/01, tại cổng công trình 8B Lê Trực nằm trên phía đường Trần Phú, hàng trăm khách hàng đã ùn ùn kéo qua cổng bảo vệ, yêu cầu được vào công trình để đối thoại trực tiếp lãnh đạo Công ty CP May Lê Trực – chủ đầu tư dự án.
Trước sức ép lớn của đám đông khách hàng, chủ đầu tư đã mời nhóm khách hàng này vào phòng họp của Ban quản lý dự án 8B Lê Trực. Ngay lập tức, tấm băng rôn với dòng chữ “Yêu cầu chủ đầu tư, chính quyền Hà Nội trả nhà cho dân về ở đón Tết Canh Tý 2020” được nhóm khách hàng căng lên tại chính giữa phòng họp.
Khoảng 30 phút sau, những người đứng đầu của Công ty CP May Lê Trực cũng có mặt để lắng đối thoại, lắng nghe những ý kiến của khách hàng mua nhà dự án 8B Lê Trực.
Bắt đầu cuộc đối thoại, rất nhiều ý kiến được các khách hàng đưa ra, nhiều cánh tay được đưa lên với mong muốn được bày tỏ nỗi bức xúc đã kìm nén suốt hơn 4 năm qua.
Ông Phạm Quang Lung - chủ căn hộ 1604 bày tỏ bức xúc: Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu UBND thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm đảm bảo an toàn cho tòa nhà cũng như cư dân và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Thế nhưng, thời điểm hiện tại đã hơn 4 năm nhưng dự án vẫn chỉ là đống bê tông, sắt thép và những người mua nhà chúng tôi vẫn chưa đươc nhận nhà. Đến nay đã chuẩn bị xuân Canh Tý 2020 (âm lịch), chúng tôi đề nghị chủ đầu tư cho biết phương án giải quyết, xử lý để đảm bảo quyền lợi cho những người đã mua nhà tại đây?
Ông Phạm Quang Lung bày tỏ bức xúc khi 5 năm chưa được về nhà ở. |
Lý giải việc này, ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực cho biết: Dự án 8B Lê Trực đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 với quy mô 20 tầng chiều cao chiều cao tối đa là 70 m và đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc là 20 tầng và 69.1m.
Văn bản thẩm định thiết kế cơ sở của Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã thẩm định với quy mô công trình là 20 tầng và chiều cao là 69.1m và dự án thuộc diện không phải cấp phép xây dựng. Sau đó, chúng tôi đã thi công công trình đến cos 00 và đúng theo quy định của Nhà nước.
Nhưng bỗng nhiên Sở Xây dựng Hà Nội và các cấp có thẩm quyền lại yêu cầu cấp phép xây dựng và cấp phép cho chúng tôi với quy mô không đúng với quy hoạch không đúng với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Chính điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực cho rằng có việc cấp phép sai. |
“Các hộ dân đã được nhận nhà từ quý 4/2015, nhưng vì có câu chuyện cấp phép sai nên dự án này trì trệ như thế”, ông Hùng bức xúc cho biết.
Trước câu trả lời này, anh Phong - chủ căn hộ 1506 đặt câu hỏi thêm: “Chúng tôi muốn biết là chính quyền thành phố Hà Nội sai hay là chủ đầu tư sai và sai ở góc độ nào?”.
Lý giải cụ thể vấn đề này, ông Trần Đức Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Lê Trực cho biết: “Giấy phép cấp 18 tầng mà chỉ có 53 m, tôi xin được phân tích một số số liệu cụ thể: Chiều cao của tầng thương mại, theo quy định và quy hoạch là 4 mét rưỡi nhưng mà cấp phép chỉ có 2,6m, sau khi trừ đi 25 cm phần bê tông rồi trừ đi 0,6m dầm, thiết bị cơ điện phòng cháy chữa cháy rồi các cái cốt hoàn thiện như vậy là mất 0,85 m, 2,6m trừ đi 0,85m chỉ còn 1.75 m. Đối với tầng văn phòng, theo quy định và quy hoạch là 3,9m cấp phép có 3 m thiếu 0,9 m, tầng căn hộ quy định 3,3m nhưng cấp thiếu 0,3m. Như vậy so với quy hoạch thì cấp thiếu là 2 tầng. Ở đây là cấp thiếu 16,1m chứ không phải thừa 16,1m”.
“Vấn đề này đã được Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định tại Văn bản số 280 ngày 21 tháng 6 năm 2016. Việc công trình miễn phép mà vẫn cấp phép là cái sai thứ nhất, thứ hai là sai về tiêu chuẩn thiết kế, cái sai thứ ba là sai so với quy hoạch”, ông Minh cho biết thêm.
Sau 4 năm, 130 văn bản được “đá đi đá lại”
Ngoài yêu cầu làm rõ việc cấp phép sai, các hộ dân cũng yêu cầu chủ đầu tư làm rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các hộ dân.
Chị Hương - chủ 1 căn hộ tại dự án đưa câu hỏi: Chúng tôi là công dân, chúng tôi sẵn sàng tuân thủ quy định của pháp luật. Thế nhưng 4 năm qua chúng tôi tuân thủ rồi và họ không làm gì cho chúng tôi cả. Xử lý cho tồn tại hay phá dỡ phải có phương án cụ thể. Tôi được biết nếu phá dỡ sẽ không đảm bảo về mặt kĩ thuật. Những người cư dân như chúng tôi phải chịu những thiệt thòi, liên đới không ít thì nhiều. Nếu không giải quyết cứ để công trình nhếch nhác xuống cấp và nhem nhuốc giữa quận Ba Đình còn xấu hổ hơn là xử lý lại sao cho nó đẹp đẽ gọn gẽ nhất có thể. Ở đây chủ đầu tư sẽ chịu phạt vì những cái sai của mình, nhà nước nếu sai cũng phải chịu phạt. Đề nghị Công ty và chính quyền xem xét 2 vấn đề: Thứ nhất giải quyết để chúng tôi có nhà để ở.Thứ 2 là phải có cam kết chịu trách nhiệm với người dân.
Chị Hương bày tỏ nỗi bức xúc. |
Trả lời câu hỏi này, Ông Trần Đức Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Lê Trực cho biết: Quan điểm của chủ đầu tư chúng tôi sẽ có trách nhiệm cuối cùng với sản phẩm của mình và có trách nhiệm với tất cả người dân mua nhà ở đây. Không những bằng lời hứa mà bằng cả trái tim. Lỗ bao nhiêu chúng tôi sẽ chịu việc đó.
Thứ hai là chủ đầu tư và cư dân sẽ tiếp tục kiến nghị để vụ việc này sớm kết thúc và người dân được nhận nhà. Hơn 4 năm qua, rõ ràng có những bất cập. Đơn thư chúng tôi đã gửi đi rất nhiều, nhưng đều đi theo một vòng luẩn quẩn. Quả bóng trách nhiệm này cứ bị đá đi đá lại không ai giải quyết.
“Theo thống kê, có trên 130 văn bản nhưng hơn 4 năm qua được đẩy qua đẩy lại. Nếu việc này các ngành chức năng chủ tâm giải quyết sẽ không lâu tới mức như thế”, ông Minh cho biết.
Quyết định xử phạt đã hết hiệu lực
Về việc bao giờ công trình được tiếp tục hoàn thiện, ông Minh cho biết: Hiện nay đang vướng ở việc phá dỡ tầng 17, 18 theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
“Thứ nhất là Quyết định số 2673 cấp ngày 12/10/2015 của UBND quận Ba Đình. Sau đó là Quyết định số 32 ngày 09/01/2016 của UBND quận Ba Đình, theo luật hành chính, đến nay đã hiệu lực, vì hiệu lực chỉ có 2 năm.
Quyết định đó được lập trên cơ sở GPXD mà GPXD lại sai. Thứ 2 là tầng 17, 18 cũng không có trong nội dung quyết định phá dỡ năm 2016. Tôi cũng đã kiến nghị rất nhiều lần, tầng 17,18 có trong quy hoạch chi tiết.
Theo quy định pháp luật thì quy hoạch chi tiết là tối thượng chứ không phải GPXD. Tầng 17, 18, 19, 20 đều có trong quy hoạch.Qua quá trình tìm hiểu văn bản pháp lý của cơ quan nhà nước thì tôi được biết không có loại công trình nào 18 tầng mà 53m như hiện nay. Hiện nay chính quyền lại đang căn cứ vào chiều cao 53m/18 tầng để xử lý tầng 17,18. Như vậy là không đúng”.
“Đề nghị chủ đầu tư, chính quyền Hà Nội trả nhà cho dân”
Đây là mong muốn của hầu hết các hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực.
Ông Lê Văn Chương - chủ căn hộ 1088 bức xúc đặt câu hỏi: Gần 5 năm qua chúng tôi đã đồng hành với chủ đầu tư để đấu tranh cho quyền lợi của chúng tôi. 5 năm qua không thể giải quyết một việc, để Thủ tướng Chính phủ phải có văn bản chỉ đạo trực tiếp xuống UBND thành phố Hà Nội. Cần có một câu trả lời rõ ràng để chúng tôi không phải chờ đợi. Nhiều người cũng đã qua đời và sẽ không có cơ hội về đây ở và nếu cứ kéo dài thì chúng tôi cũng có chờ được đến ngày về ở không?
Ông Lê Văn Chương đề nghị chính quyền cho về nhà ở trước Tết. |
Trước nỗi niềm xót xa của các hộ dân, có mặt tại buổi đối thoại, KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng hội KTS Việt Nam bày tỏ:
“Trước hết tôi rất xúc động vì đây là một cuộc họp đặc biệt. Đây là thời điểm cận tết rồi, lẽ ra ngày hôm nay nhiều người đã có thể sắm sửa cúng ông Công, ông Táo ở chính ngôi nhà của mình. Chúng ta tranh cãi nhau quá nhiều về các văn bản. Tòa nhà này là hàng hóa đặc biệt, những khách hàng ở đây họ mua hợp pháp, có hợp đồng nên họ là những người thiệt thòi nhất.
Ở đây có trách nhiệm của chủ đầu tư. Chủ đầu tư bị ám ảnh về việc phạt cho tồn tại như những công trình khác. Việc cắt ngọn này, cắt theo chiều ngang như này thì không nước nào làm. Đây là nhà khung, có kết cấu hoàn chỉnh, chỉ cần động tới là có vấn đề. Ai phá cái này sẽ phải kí vào xem công trình còn tồn tại được bao nhiêu năm. Cái này sẽ cần phải trả lời, các nhà chuyên môn cần phải trả lời.
Chúng ta cần trân trọng ý kiến của người dân và có động thái. Doanh nghiệp làm sẽ cần lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó phải chính đáng, phải đảm bảo được quyền lợi của người mua sản phẩm của mình.
Chủ đầu tư và người dân cần quyết liệt hơn nữa để đầu năm sau chúng ta sẽ có câu trả lời cụ thể. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm với khách hàng của mình. Tòa nhà 8B Lê Trực cần phải là điểm sáng về giải quyết. Trách nhiệm của chính quyền ở đâu phải trả lời, trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu cũng phải trả lời”.
“Chúng tôi sẽ đồng hành với người dân tới cùng”
Đây là lời hứa được thốt lên từ đáy lòng của chủ đầu tư Dự án 8B Lê Trực.
“Thay mặt cho chủ đầu tư, xin trân trọng cảm ơn người dân, những người có lý và có tình. Về phía chủ đầu tư chúng tôi sẽ có trách nhiệm cuối cùng tới sản phẩm của mình. Tôi luôn luôn nợ những khách hàng tại 8B Lê Trực một ân tình”, ông Trần Đức Minh bày tỏ.
Về việc chính quyền yêu cầu phá dỡ tầng 17, 18 như chúng tôi đã nói là quyết định xử phạt đã hết thời hiệu hành chính. Thứ 2, trong các quyết định đó đều không có phá dỡ tầng 17,18. Trải qua gần 5 năm qua thiệt hại chủ đầu tư là rất lớn. Hiện nay tồn tại 18 tầng nhưng chỉ về hình thức, còn chúng tôi đã mất 9 tầng. Quan điểm của chúng tôi cũng rõ ràng, ngày 28/12 chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại tới UBND quận Ba Đình nhưng chưa được trả lời. Ngày 07/01 có mời lên để đối thoại nhưng không đi tới thống nhất.
“Quan điểm của chúng tôi là xử lý dứt điểm, sau khiếu nại chúng tôi sẽ khởi kiện vì phá dỡ tầng 17, 18 vì không có căn cứ. Chúng tôi khẳng định, sẽ quyết tâm khiếu nại để đảm bảo quyền lợi cho người dân và trước ngày 15/4 sẽ tổ chức họp với cư dân. Trong thời gian đó chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa tòa nhà đi vào hoạt động như mong mỏi của các hộ dân”.
Kim Thoa - Thân Nam
Theo