Thứ sáu 26/04/2024 08:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Hàng chục hộ dân xuống đường trong đêm phản đối việc lắp cẩu tháp phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực

16:07 | 03/01/2020

(Xây dựng) – Mặc dù chưa có phương án phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực, nhưng vào đêm 30, rạng sáng 31/12/2019, UBND phường Điện Biên đã tổ chức cho lắp cẩu tháp tại công trình để phục vụ việc phá dỡ giai đoạn 2. Cho rằng sự việc trên chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật cũng như chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật, mặc cho thời tiết giá rét, hàng chục khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã tập trung tại công trình để phản đối việc lắp đặt cẩu tháp.

ha noi hang chuc ho dan xuong duong trong dem phan doi viec lap cau thap pha do giai doan 2 cong trinh 8b le truc
Hàng chục khách hàng đến can ngăn việc lắp cẩu tháp tại công trình 8B Lê Trực vào đêm 30, rạng sáng ngày 31/12/2019.

Chưa có phương án phá dỡ, vì sao phường Điện Biên đã vội vàng cho lắp cẩu tháp?

Tìm hiểu được biết, tính đến cuối năm 2019, phương án phá dỡ giai đoạn 2 đối với vi phạm tại công trình 8B Lê Trực vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vậy nhưng, từ 24/12 đến 28/12/2019, UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tiến hành quây rào tôn mới bao xung quanh công trình. Đặc biệt, mới đây, trong đêm 30 và rạng sáng ngày 31/12/2019, các lực lượng chức năng của phường tiếp tục tổ chức đưa cẩu tháp tới công trình để phục vụ việc phá dỡ giai đoạn 2.

Bức xúc trước việc lắp cẩu tháp khi chưa có phương án phá dỡ, không đảm bảo an toàn, để bảo vệ tài sản của mình, hàng chục khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã có mặt tại cổng công trình để can ngăn.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một khách hàng cho biết: “Chúng tôi tập trung tại đây để phản đối việc UBND phường Điện Biên tổ chức lắp đặt cẩu tháp. Không hiểu vì lí do gì mà UBND phường không hề thông báo cho chúng tôi biết. Tài sản của chúng tôi nên chúng tôi phải bảo vệ”.

Theo quan sát của phóng viên, vào khoảng 23h đêm, một chiếc xe tải chở cẩu tháp với sự hỗ trợ của công an khu vực tiến sát vào công trình 8B Lê Trực. Tuy nhiên, ngay lập tức, chiếc xe này vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của đám đông khách hàng.

Tiếp đó, khoảng 00h30 phút ngày 31/12, chiếc xe tải thứ 2 tiếp tục di chuyển vào phục vụ việc lắp đặt cẩu tháp. Thế nhưng cũng giống như chiếc xe đầu tiên, chiếc xe này cũng không thể tiến vào được. Đại diện phía UBND phường Điện Biên cũng liên tục thuyết phục nhưng hàng chục khách hàng vẫn giữ thái độ cứng rắn vì cho rằng đây là việc làm chưa đúng quy định pháp luật và không đảm bảo an toàn.

ha noi hang chuc ho dan xuong duong trong dem phan doi viec lap cau thap pha do giai doan 2 cong trinh 8b le truc
Trước sự phản đối mạnh mẽ của các hộ dân, xe tải chở cẩu tháp phải dời đi trong đêm.

Có mặt tại hiện trường, một khách hàng cho biết: “Đề nghị UBND phường cho xem phương án đã được phê duyệt, nếu không thì chúng tôi sẽ tiếp tục đứng đây. Phải có phương án thì mới được làm. Những người mua nhà chúng tôi đang rất mong có thể xử lý dứt điểm vì chúng tôi đã đợi nhà quá lâu rồi. Tuy nhiên làm nhanh nhưng không có nghĩa là làm ẩu, không thể đốt cháy giai đoạn được, phải có phương án cụ thể. Trước kia phá dỡ giai đoạn 1 chỉ có 3 tháng, nhưng cẩu tháp lại để tận 3 năm, gây ra rất nhiều thiệt hại về kinh tế cho các bên”.

Do không thể thuyết phục được người dân, đến khoảng 2h sáng ngày 31/12/2019, 2 chiếc xe tải đã rời khỏi dự án còn hàng chục khách hàng vẫn tiếp tục ở lại đề phòng việc lắp đặt cẩu tháp khi không đảm bảo an toàn.

Lần thứ hai chính quyền thực hiện phá dỡ khi chưa có phương án?

Có thể khẳng định, việc thực hiện phá dỡ công trình trước khi có phương án phá dỡ được cấp có thẩm quyền phê duyệt nêu trên đang dấy lên lo ngại về yếu tố an toàn cho người dân sống quanh tòa nhà 8B Lê Trực. Đặc biệt, đây là lần thứ hai chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện phá dỡ công trình 8B Lê Trực trước khi có phương án phá dỡ.

Cụ thể, trước đó vào tháng 3/2016, UBND phường Điện Biên giao cho Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Hải Anh Phát thực hiện và đến ngày 1/7/2016 thay đổi, đưa nhà thầu khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc tiến hành cưỡng chế phá dỡ tầng 19 và tầng mái 20 của công trình 8B Lê Trực; đến tháng 10/2016 thực hiện phá dỡ xong tầng 19 và tầng mái 20. Tuy nhiên, việc phá dỡ đến nay vẫn chưa có hồ sơ phương án phá dỡ kèm theo dự toán chi phí được các nhà tư vấn có đủ năng lực lập và thẩm định cũng như chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phản ứng về việc UBND phường Điện Biên, UBND quận Ba Đình tiến hành cưỡng chế phá dỡ không tuân thủ các quy định pháp luật, ngày 14/7/2016, Công ty Cổ phần May Lê Trực đã có Công văn số 612/CV-LT đề nghị dừng phá dỡ công trình 8B Lê Trực do chưa có Hồ sơ phương án phá dỡ và các tài liệu kèm theo; yêu cầu các đơn vị liên quan dừng việc phá dỡ khi chưa có phương án phá dỡ được đơn vị tư vấn có đủ năng lực lập và đơn vị tư vấn khác thẩm tra, để tránh ảnh hưởng đến phần kết cấu công trình còn lại sau phá dỡ.

Đến ngày 3/8/2016, UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 6672/VP-ĐT về việc thực hiện xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ số 8B Lê Trực. Đây là công văn “hỏa tốc” yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc khẩn trương hoàn chỉnh phương án phá dỡ theo yêu cầu của UBND quận Ba Đình gửi Sở Xây dựng cho ý kiến đánh giá thẩm định, làm cơ sở để UBND quận Ba Đình phê duyệt. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính khẩn trương có văn bản hướng dẫn UBND quận Ba Đình tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) công trình 8B Lê Trực.

Tiếp đó, vào ngày 10/8/2016, UBND thành phố Hà Nội ra Công văn số 6925/VP-ĐT về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ số 8B Lê Trực. Nội dung công văn nêu rõ: “UBND thành phố nhận được Văn bản số 3965/KH&ĐT-ĐT ngày 4/8/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ số 8B Lê Trực. Sau khi xem xét, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng có ý kiến như sau: Giao UBND quận Ba Đình khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng (giai đoạn 1) tại địa chỉ số 8B Lê Trực theo hình thức chỉ định thầu.

Như vậy, rõ ràng hai Công văn số 6672/VP-ĐT và số 6925/VP-ĐT của UBND thành phố Hà Nội được ban hành vào tháng 7 và tháng 8/2019… để xử lý những phần việc đã được thực hiện từ tháng 3/2019 và thực ra là xử lý những phần việc cơ bản đã hoàn tất? Đây là cách làm không minh bạch, thể hiện sự vòng vo, rối rắm trong việc thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước từ phía cơ quan có thẩm quyền của quận Ba Đình và thành phố Hà Nội.

Hơn nữa, việc thực hiện phá dỡ giai đoạn 1 theo kiểu xử lý xong mới có văn bản đôn đốc hoạch định phương án phá dỡ nêu trên đã và đang khiến cả hai bên (nhà quản lý và chủ đầu tư) loay hoay trong việc thực hiện phương án tài chính thanh toán các chi phí phá dỡ. Phía Công ty Cổ phần May Lê Trực giữ quan điểm sẽ thực hiện đúng các quy định pháp luật; nghiêm túc thanh toán các chi phí phát sinh trong quá trình phá dỡ. Tuy nhiên, họ chỉ thanh toán khi nhận đủ Hồ sơ phương án phá dỡ và Hồ sơ thanh quyết toán chi phí phá dỡ giai đoạn 1. Trong khi đó, về phía UBND phường Điện Biên vẫn không đưa ra được phương án phá dỡ hợp lý và đúng luật; đồng thời đang phải tạm ứng ngân sách cho chi phí nêu trên.

Liên quan đến về vấn đề thanh quyết toán các chi phí phá dỡ công trình giai đoạn 1, ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Lê Trực cho biết: Đến ngày 31/10/2018, Công ty Cổ phần May Lê Trực đã chuyển số tiền chi phí phá dỡ là 1.847.269.000 đồng theo hồ sơ được phê duyệt bởi Sở Xây dựng Hà Nội.

“Đối với các chi phí phá dỡ còn lại chưa có cơ sở và cho đến nay vẫn chưa được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt, mặc dù Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã có văn bản thông báo phong tỏa số tiền hơn 5 tỷ đồng của Công ty Cổ phần May Lê Trực để sẵn sàng thanh quyết toán chi phí phá dỡ. Số tiền này sẽ tự động giải tỏa chuyển vào kho bạc Nhà nước khi ngân hàng nhận được đầy đủ hồ sơ phương án phá dỡ và hồ sơ quyết toán chi phí phá dỡ theo đúng quy định”, ông Lê Văn Hùng khẳng định.

Cần đảm bảo an toàn và đúng pháp luật

Trước những bất cập nêu trên, ngày 31/7/2019, Công ty Cổ phần May Lê Trực đã tiếp tục gửi Văn bản số 966/KTTC đề nghị UBND quận Ba Đình và UBND phường Điện Biên bàn giao cho Công ty hồ sơ phương án phá dỡ và hồ sơ quyết toán chi phí phá dỡ tầng 19 theo đúng quy định. Tuy nhiên đến nay, những đề nghị này vẫn chưa được giải quyết.

ha noi hang chuc ho dan xuong duong trong dem phan doi viec lap cau thap pha do giai doan 2 cong trinh 8b le truc
ha noi hang chuc ho dan xuong duong trong dem phan doi viec lap cau thap pha do giai doan 2 cong trinh 8b le truc

Sau khi UBND phường Điện biên ra Thông báo số 50/TB-UBND về việc tiếp tục phá dỡ công trình, Công ty Cổ phần May Lê Trực đã có đơn khiếu nại đề nghị các ngành chức năng phải đưa ra được phương án phá dỡ.

Trong khi những vướng mắc của giai đoạn 1 còn rối như “tơ vò”, đẩy doanh nghiệp vào thế “tiến thoái lưỡng nan” thì các nhà quản lý lại tiếp tục thực hiện việc phá dỡ giai đoạn 2 với những hạn chế, bất cập đã được nhiều chuyên gia cảnh báo.

Theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Hà Nội xử lý vụ việc 8B Lê Trực rất chậm. Việc vội vàng giao các đơn vị chức năng phá dỡ giai đoạn 2 khi chưa có phương án phá dỡ đã cho thấy cách làm kiểu “đốt cháy giai đoạn” chưa đúng quy định pháp luật, thực hiện chưa nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.

Để tránh những hậu đáng tiếc, đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các ngành chức năng phải đưa ra được phương án phá dỡ đảm bảo an toàn chịu lực kết cấu công trình; đảm bảo các yêu cầu về an toàn sử dụng, an toàn tính mạng, tài sản… cho người dân. Việc phá dỡ nhất thiết phải được giám sát bởi những cán bộ có kinh nghiệm, hiểu biết những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng. Trên hết, không thể tùy tiện xử lý công trình nếu không có phương án phá dỡ để đảm bảo an toàn và đúng quy định pháp luật.

Kim Thoa – Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load