Thứ sáu 27/09/2024 06:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Gia Lâm (Hà Nội): Trùng tu nhà Mẫu chùa Kiêu Kỵ đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”

14:15 | 16/06/2020

(Xây dựng) – Việc tu sửa nhà Mẫu chùa Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) đang bị rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi thiết kế ban đầu là được phục dựng bằng vật liệu gỗ, tuy nhiên khi triển khai xây dựng UBND xã Kiêu Kỵ lại xây dựng không đúng thiết kế được duyệt. Chính vì vậy, công trình này đã bị các cơ quan chức năng huyện Gia Lâm đình chỉ tuyệt đối thi công công trình, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý khi để xảy ra vi phạm.

gia lam ha noi trung tu nha mau chua kieu ky dang roi vao the tien thoai luong nan
Nhà Mẫu chùa Kiêu Kỵ được khởi công xây dựng từ tháng 9/2019 (hình ảnh do trụ trì chùa Kiêu Kỵ cung cấp).

Xây dựng không theo thiết kế

Khu di tích Đình – Đền – Chùa Kiêu Kỵ tọa lạc tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Kiêu Kỵ còn có tên nôm là Cầu Cậy, vốn là Thái ấp nhà Trần ban cho Nguyễn Chế Nghĩa (thế kỷ XIII) – Tùy tướng của Phạm Ngũ Lão. Trước năm 1945 là xã Kiêu Kỵ, tổng Đa Tốn, Gia Lâm; sau là thôn thuộc xã Tân Hưng. Năm 1965 đổi lại là xã Kiêu Kỵ; làng thờ nàng Quốc, tướng của Hai Bà Trưng và Nguyễn Chế Nghĩa.

Kiêu Kỵ là làng cổ có 2 nghề thủ công truyền thống là dát vàng và làm mực Nho bằng keo da trâu. Nơi đây cũng là nơi đang thờ bài vị của Tổ nghề dát vàng bạc – Tiến sĩ Nguyễn Đức Trinh. Ông làm đến chức Binh bộ Tả thị lang trực học sĩ. Trong một lần đi sứ Trung Quốc, ông đã học được ở Yên Kinh nghề dát vàng, bạc, còn gọi là nghề làm bạc quỳ, vàng quỳ đem về truyền lại cho dân làng. Đây là một nghề độc đáo, truyền thống nổi tiếng của người Kiêu Kỵ.

Nghệ thuật kiến trúc của khu Di tích Đình – Đền – Chùa Kiêu Kỵ vừa giản dị, khoáng đạt, vừa mang tính chất dân tộc đậm đà. Đặc biệt, các di vật trong Đình, Đền hiện còn 32 đạo sắc phong, sớm nhất là sắc Đức Long 1, đời Lê Thần Tông (1629), 3 cỗ kiệu bát cống mang phong cách nghệ thuật thế kỉ XVIII, XIX, khám thờ, sập thờ, hương án, hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ tự khác…Quần thể di tích Đình - Đền - Chùa Kiêu Kỵ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 310-QĐ/BT ngày 13/2/1996.

gia lam ha noi trung tu nha mau chua kieu ky dang roi vao the tien thoai luong nan
gia lam ha noi trung tu nha mau chua kieu ky dang roi vao the tien thoai luong nan
Công trình đã xây dựng gần xong phần thô, tuy nhiên không đúng với thiết kế và vị trí xây dựng (hình ảnh do trụ trì chùa Kiêu Kỵ cung cấp).

Trải qua những biến cố của khí hậu, thời gian, một số công trình trong cụm Đình - Đền - Chùa Kiêu Kỵ đã bị xuống cấp. Trong đó, nhà Mẫu thuộc chùa Kiêu Kỵ đã bị sập sau một trận mưa từ năm 2018. Việc xây dựng lại nhà Mẫu thuộc chùa Kiêu Kỵ cấp thiết, là mong mỏi của phật tự trong xã Kiêu Kỵ. Tuy nhiên, xung quanh việc xây dựng lại nhà Mẫu đang gặp rất nhiều "lình xình".

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trụ trì chùa Kiêu Kỵ Thích Đàm Khuê cho biết: Trải qua những biến cố của khí hậu, thời gian, ngôi nhà thờ Thánh Mẫu của cụm Đình – Đền – Chùa Kiêu Kỵ đã bị sụp đổ hồi tháng 6/2018. Sau đó, tôi đã có ý kiến đến các cơ quan chức năng để khôi phục lại cho chùa. Đến năm 2019, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng cùng với nguồn kinh phí xã hội hóa, tháng 9/2019 UBND xã Kiêu Kỵ (chủ đầu tự dự án) đã xây dựng lại ngôi nhà thờ Mẫu này. Tuy nhiên, hồ sơ thiết kế gửi về Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội được phê duyệt vật liệu xây dựng bằng gỗ nhưng khi xây dựng lại được làm bằng bê tông. Chính vì vậy, khoảng tháng 11 công trình này đã bị ngừng thi công, phá dỡ toàn bộ trở lại nguyên trạng ban đầu.

Từ đó đến nay, nhà thờ Mẫu vẫn chưa được triển khai xây dựng lại. Tất cả đang ngổn ngang, mỗi khi trời mưa, nước mưa đổ xối xả vào nơi thờ phụng làm nhà chùa và người dân bất an. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan có liên quan, xong hiện nay nhà thờ Thánh Mẫu vẫn chưa được xây dựng và toàn thể con nhang đệ tử của toàn dân không có nơi để hầu thánh và dâng hương Thánh Mẫu, nhiều phật tử đề nghị khẩn trương xây dựng nhà thờ Thánh Mẫu để nhân dân có nơi hành đạo.

“Khi khởi công mời xã, xã không vào, mời thôn cũng không đến, nhưng khi làm sai, lại bảo do thầy, nhưng chủ đầu tư là UBND xã, tiền xã cầm, thợ cũng do xã, thầy không được biết” – thầy Thích Đàm Khuê bức xúc chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, nhà thờ Mẫu chỉ còn lại phần móng, các dấu tích việc phá dỡ vẫn còn nguyên. Các cột trụ bê tông chất thành đống bên cạnh móng công trình.

gia lam ha noi trung tu nha mau chua kieu ky dang roi vao the tien thoai luong nan
Sau khi phát hiện ra sai phạm, công trình đã bị đình chỉ thi công đồng thời hạ giải về nguyên trạng ban đầu (hình ảnh do trụ trì chùa Kiêu Kỵ cung cấp).

Trách nhiệm của chủ đầu tư ở đâu?

Trao đổi nhanh với Báo điện tử Xây dựng ngày 26/5, ông Trường Thành - Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội (trực thuộc Sở Văn hóa và Thể Thao thành phố Hà Nội) cho biết: Phương án thiết kế trình lên ban đầu là làm bằng gỗ, sau đó phát hiện sai phạm trong quá trình thi công, Sở đề nghị UBND huyện đình chỉ, đồng thời có báo cáo lên Sở những đến nay huyện vẫn chưa báo cáo. Được biết, huyện đã phá dỡ toàn bộ công trình sai phạm, đồng thời lên phương án mới để duyệt và giao cho địa phương thực hiện.

Ông Trường Thành cũng cho rằng: Phòng Quản lý xây dựng đô thị của huyện có trách nhiệm thẩm định thiết kế và dự toán trình UBND huyện phê duyệt. Trong công tác phối hợp kiểm tra dự án tu bổ, Sở vẫn thường xuyên đi kiểm tra các địa phương, khi phát hiện ra Sở đã yêu cầu UBND huyện, UBND xã lập biên bản và đình chỉ hoạt động xây dựng. Việc tháo dỡ là UBND huyện yêu cầu khắc phục sai phạm, còn Sở chỉ khuyến cáo kiểm tra, khắc phục theo đúng quy định.

“Từ thời điểm đấy, UBND huyện cũng chưa có báo cáo lên Sở. Về công trình nhà thờ Mẫu thiết kế kiến trúc đã được Sở thẩm định rồi, còn nếu huyện, xã muốn thay đổi chất liệu thì phải được cấp có thẩm quyền cho phép, hình thức phải đúng với thiết kế. Nếu chủ đầu tư và huyện muốn xây lại, khác so với phương án ban đầu cần phải được cơ quan thẩm quyền cho phép theo quy định” - ông Trường Thành thông tin thêm.

gia lam ha noi trung tu nha mau chua kieu ky dang roi vao the tien thoai luong nan
Hiện nay, nhà Mẫu chỉ còn lại móng, các dấu tích việc phá dỡ vẫn còn nguyên.

Để khách quan thông tin sự việc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ với UBND xã Kiêu Kỵ. Ngày 8/6, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Đinh Văn Giảng - Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ cho biết: Việc trùng tu, tôn tạo nhà thờ Mẫu chùa Kiêu Kỵ được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa, từ quỹ của một đơn vị bất động sản tài trợ. Vì vậy, đơn vị này phải làm cho chúng tôi "từ A-Z". Từ tư vấn thiết kế, triển khai, giám sát và bàn giao đưa vào sử dụng. Trong quá trình thi công xây dựng, đơn vị thi công xây dựng chưa đúng thiết kế ban đầu, chúng tôi yêu cầu phải tháo dỡ và xin lại thủ tục của Sở Văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội vì công trình này được xếp hạng cấp quốc gia.

“Trước kia công trình này làm bằng bê tông, bây giờ chúng tôi cũng khắc phục lại bằng bê tông, nhưng toàn bộ cửa và mái bằng gỗ, sẽ làm to hơn, nhân dân đều đồng thuận, chỉ chờ xong các thủ tục pháp lý mới được triển khai. Quá trình triển khai xây dựng công trình, chủ đầu tư là UBND xã, xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, tổng dự toán kinh phí là 5 tỷ đồng. Từ tư vấn thiết kế, xin chủ trương, giám sát...tất cả các thủ tục đó đề nghị đơn vị xã hội hóa làm. UBND xã chỉ ký các hồ sơ để trình các cấp, xin thủ tục pháp lý” – Ông Giảng giải thích.

Phương án thiết kế ban đầu là 3 gian bằng gỗ, nhưng sau đó nhân dân lại không đồng tình, nhà chùa cũng đề nghị làm theo định hướng của Ban Quản lý danh thắng (Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội - PV) làm theo 7 gian để tương xứng với Tam Bảo, sau đó cũng dự kiến là làm bằng gỗ. Nhưng đơn vị đầu tư hỗ trợ có ý kiến đề nghị chuyển hạng mục sang bê tông, chỉ có cửa, kèo, đòn tay, mái là làm bằng gỗ.

Cũng theo ông Đinh Văn Giảng cho biết: Quá trình xây dựng nhà Mẫu, Sở Văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội chấp thuận tính cấp thiết trùng tu, cải tạo rồi nhưng quá trình xây dựng, đơn vị thi công sai thiết kế, chúng tôi yêu cầu làm lại thủ tục từ đầu. Chúng tôi chỉ lập biên bản, đơn vị thi công tự tháo dỡ, trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công.

UBND xã Kiêu Kỵ đồng ý chủ trương, nhưng việc phê duyệt chủ trương thay đổi, thiết kế, dự toán mới thì phải được UBND huyện Gia Lâm, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội phê duyệt, nhưng đến nay chưa có văn bản hồi âm.

Đối với việc làm lại hồ sơ, ông Giảng cho rằng: Đơn vị xã hội hóa phải lo từ đầu, mình không có tiền nên mình chỉ giám sát, nhận bàn giao và thụ hưởng công trình. Về việc triển khai xây dựng nhà Mãu trong thời gian tới, chúng tôi đang đề nghị trong tháng 6 là phải tiến hành xây dựng theo phương án mới làm 7 gian bằng bê tông, mọi người dân đều đồng thuận không ai ý kiến gì cả.

Đối với trách nhiệm của chủ đầu tư? ông Giảng khẳng định: “Chúng tôi phát hiện ra sai thì chúng tôi yêu cầu dừng lại, còn trách nhiệm gì nữa. Chúng tôi là người giám sát, khi phát hiện ra sai thì đã yêu cầu dừng lại rồi. Trách nhiệm thuộc về đơn vị xã hội hóa. Phần tiền đầu tư cho thiệt hại đó thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm”.

Tìm hiểu thêm được biết, ngày 31/10/2019 UBND huyện Gia Lâm đã có Văn bản số 233/VP-TH gửi phòng Văn hóa và Thông tin; Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị; UBND xã Kiêu Kỵ về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại chùa Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ. Theo đó, hiện nay dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, tuy nhiên việc triển khai thi công không đúng thiết kế và vị trí xây dựng. Về việc này đồng chí Trương Văn Học – Phó Chủ tịch UBND huyện có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao UBND xã Kiêu Kỵ đình chỉ tuyệt đối thi công công trình, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định trước ngày 30/11/2019. Giao phòng Văn hóa và Thông tin, Đội Quản lý trật tự xây dựng, UBND xã Kiêu Kỵ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý để công trình thi công không đúng hồ sơ thiết kế được duyệt. Có biên bản báo cáo huyện trước ngày 30/11/2019.

Trách nhiệm sẽ thuộc về tổ chức, cá nhân nào? Nhà thờ Mẫu chùa Kiêu Kỵ bao giờ tiến hành khởi công theo phương án mới? Tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm những tổn thất về vật chất do việc phá dỡ công trình đã xây dựng?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Thanh Thanh - Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load