Thứ bảy 21/12/2024 19:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Long Biên (Hà Nội): Hàng loạt khu vui chơi, nhà hàng hoạt động ngay trên không gian thoát lũ

15:46 | 24/09/2024

(Xây dựng) – Thời gian qua, tại khu vực ven sông thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội “mọc” lên rất nhiều các địa điểm vui chơi, cắm trại được xây dựng khang trang, kiên cố. Điều đáng nói, hoạt động của các khu vui chơi này có dấu hiệu vi phạm quy định về mục đích sử dụng đất, cũng như bảo đảm an toàn cho không gian thoát lũ.

Long Biên (Hà Nội): Hàng loạt khu vui chơi, nhà hàng hoạt động ngay trên không gian thoát lũ
Khu cắm trại được dựng lên tại bãi đất ngay sát mép sông Đuống.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại một khu vui chơi giải trí tại ven sông Đuống thuộc địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, khu vui chơi được xây dựng trên khu đất gần 1.000m2 ngay trên bãi đất thuộc không gian thoát lũ sông Đuống. Tại đây, bên cạnh nhiều cây hoa trang trí được trồng, còn xuất hiện một số công trình xây dựng kiên cố, cùng nhiều lều, lán cắm trại. Bên cạnh đó, bàn ghế, bếp nướng và vật trang trí lớn được lắp đặt xung quanh khu vui chơi, hệ thống đường đi được đổ bê tông kiên cố.

Nhân viên khu vui chơi “Lãng Garden” cho biết: Khu vui chơi này có sức chứa lên tới hơn 600 người. Số lượng khách tới tham quan, cắm trại rất đông mỗi dịp cuối tuần và ngày lễ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vào các dịp cao điểm, khách đến đông, cần phải đặt trước mới có chỗ.

Long Biên (Hà Nội): Hàng loạt khu vui chơi, nhà hàng hoạt động ngay trên không gian thoát lũ
Nhiều lều, lán được dựng lên, đường đi được đổ bê tông, lát gạch chắc chắn.
Long Biên (Hà Nội): Hàng loạt khu vui chơi, nhà hàng hoạt động ngay trên không gian thoát lũ

Cách đó không xa, dọc tuyến phố Bắc Cầu cũng mọc lên hàng loạt các khu vui chơi, nhà hàng có dấu hiệu vi phạm không gian thoát lũ bao gồm: Khu cắm trại “Mix campsite” (Vivipucha) tại ngõ 264, khu cắm trại “Koen Camp” tại ngõ 339, khu “Riverside” tại ngõ 404.

Long Biên (Hà Nội): Hàng loạt khu vui chơi, nhà hàng hoạt động ngay trên không gian thoát lũ
Long Biên (Hà Nội): Hàng loạt khu vui chơi, nhà hàng hoạt động ngay trên không gian thoát lũ
Long Biên (Hà Nội): Hàng loạt khu vui chơi, nhà hàng hoạt động ngay trên không gian thoát lũ
Nhiều bàn ghế, non bộ, vật trang trí được bày ra sát mép nước tại khu vui chơi trên phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy.

Theo quy định, không gian thoát lũ bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa 2 đê. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng tràn lan các công trình trên bãi sông, không tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều sẽ dẫn đến mất không gian chứa lũ, thoát lũ. Đồng thời gây co hẹp dòng chảy, khi có lũ cao sẽ gia tăng mực nước, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hệ thống đê điều, nguy cơ vỡ đê là hiện hữu.

Có thể thấy, các khu vui chơi mà phóng viên nêu trên hoạt động ngay trong không gian thoát lũ sông Đuống và sông Hồng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, bất chấp những hệ lụy có thể xảy ra khi mưa lũ tràn về.

Điều đáng nói, những hoạt động này diễn ra đã lâu và giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng chính quyền phường Ngọc Thụy và quận Long Biên lại không hề có những động thái xử lý dứt điểm.

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ đặt lịch làm việc tới UBND phường Ngọc Thụy. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, UBND phường Ngọc Thụy vẫn chưa có thông tin phản hồi.

Trao đổi với Báo điện tử Xây dựng, Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Công ty Luật TNHH Phúc Nguyễn (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hiện nay các khu vui chơi quy mô lớn trên bãi đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều tại sông Đuống được xây dựng ngày càng nhiều, làm co hẹp không gian thoát lũ, chứa lũ, gia tăng mực nước, gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ như vỡ đê, mất an toàn hệ thống đê điều. Hành vi này là vi phạm quy định pháp luật và cần được xem xét xử lý kịp thời.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật đê điều, sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2021:

“Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

5. Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không gồm bãi nổi hoặc cù lao, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt”.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 23 Luật Đê điều quy định về phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ đê điều như sau:

“Điều 23. Phạm vi bảo vệ đê điều

1. Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê”.

2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau:

a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển;

b) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5 mét tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng.

3. Hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50 mét”.

Đồng thời, theo Quyết định 2207/QĐ-BNN-TCTL năm 2012 về việc phân loại, phân cấp đê trên địa bàn thành phố Hà Nội thì đê tả Đuống và hữu Đuống được phân vào đê cấp I. Vì vậy, hành lang bảo vệ đê sông Đuống đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng, hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông.

Việc xây dựng các công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều nêu trên là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Đê điều 2006. Căn cứ theo mức độ và hành vi vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều.

Phạm Nguyên – Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load