Thứ ba 28/01/2025 09:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Điểm danh những dự án “ung nhọt” cần được “giải phẫu”:

Bài 33: Ai phải chịu trách nhiệm về công trình xử lý rác thải 12 tỷ đồng tại Thanh Hóa không được vận hành?

17:36 | 26/07/2022

(Xây dựng) - Được bàn giao, đưa vào hoạt động từ tháng 5/2019, nhưng đã hơn 3 năm, công trình chôn lấp, xử lý rác thải trị giá 12 tỷ đồng tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) gần như bị bỏ hoang và xuống cấp từng ngày.

bai 33 ai phai chiu trach nhiem ve cong trinh xu ly rac thai 12 ty dong tai thanh hoa khong duoc van hanh
Nhà bảo vệ, nhà điều hành không người trông coi.

Được biết, tháng 10/2015, UND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư công trình bãi chôn lấp rác thải tại Như Xuân, tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường. Công trình gồm 2 hạng mục là bãi chôn lấp rác và đường vào bãi chôn lấp.

Tiếp theo, ngày 21/6/2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định điều chỉnh dự án trên. Theo đó, công trình được xác định là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, bao gồm các hạng mục: Đường vào công trình; khu xử lý rác (gồm nhà quản lý, nhà đặt lò đốt rác; nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, nhà để xe, bể nước, bể xử lý rác; hố chôn lấp rác tạm thời; nền, cổng và tường rào, sân bê tông, rãnh thoát nước). Tổng mức đầu tư được nâng lên 12 tỷ đồng.

Dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư, công suất thiết kế xử lý từ 7-9 tấn rác thải/ngày. Theo mục tiêu, dự án đi vào hoạt động sẽ xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân sở tại và các xã lân cận địa bàn huyện Như Xuân.

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 5/2019, dự án được UBND huyện giao cho UBND xã Xuân Bình quản lý. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay, sau khi hoạt động và xử lý được… vài xe rác, công trình này đã gần như bị lãng quên, nằm phơi mưa, nắng và dần xuống cấp, hư hỏng.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình Trịnh Xuân Sơn cho biết: “Trước thực trạng của khu xử lý rác thải, huyện cũng như xã đã nhiều lần họp bàn để tìm nhà thầu vận hành công trình này. Sau một thời gian tìm kiếm, vận động, tháng 2 năm nay, đã có Công ty Thành Trung (đóng tại thị trấn Như Xuân) nhận thầu. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp này không thu gom được rác thải để xử lý. Gần đây, tình hình có vẻ “sáng sủa” hơn một chút, tuy nhiên mỗi tháng cũng chỉ gom được vài xe rác, không đảm bảo đủ số lượng vận hành lò đốt”.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, nguyên nhân chính khiến lò rác không hoạt động được là do đặc thù miền núi đất rộng, người thưa, số rác thải phát sinh hàng ngày không nhiều, các hộ thường có thói quen đốt hoặc chôn lấp... Vì thế, chỉ riêng việc vận động dân thu gom rác thải, tập trung để đưa đi xử lý đã khó. Trong khi đó, nhà thầu đưa ra đề xuất mức thu phí 4.000 đồng/khẩu/tháng đối với các hộ dân trên địa bàn (mặc dù mức thu trên có thể chưa chắc bù đắp đủ chi phí) nhưng với thu nhập của người dân sở tại, việc phải bỏ ra vài chục nghìn mỗi tháng cho xử lý rác là không khả quan.

bai 33 ai phai chiu trach nhiem ve cong trinh xu ly rac thai 12 ty dong tai thanh hoa khong duoc van hanh
Lò đốt rác lâu ngày không sử dụng đã có hiện tượng hoen gỉ, xuống cấp.

Trước thực trạng trên, xã đã nhiều lần có văn bản báo cáo UBND huyện và cũng đã có vài cuộc họp được huyện tổ chức để tìm cách tháo gỡ. Mới đây nhất, ngày 15/7, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường và các phòng, ban liên quan đã về họp với xã và Công ty Thành Trung, sau đó đi kiểm tra thực tế và ghi nhận sự xuống cấp của công trình để tìm giải pháp khắc phục. Tại cuộc họp này, phía Công ty Thành Trung đã đề nghị huyện có giải pháp hỗ trợ công ty và sớm thống nhất với các xã lân cận lên danh sách, ấn định mức thu phí và số lượng các hộ tham gia. Về phía xã cũng đề nghị huyện bố trí nguồn kinh phí để khắc phục, sửa chữa những hạng mục xuống cấp bởi càng để lâu càng phát sinh hư hỏng.

Tìm hiểu thực tế tại công trình, sau khi vượt qua đoạn đường gần 2km được xây dựng cho xe chở rác vào bãi, nhiều đoạn đã bong tróc, hư hỏng nặng, mặt đường gồ ghề, cỏ dại mọc dày, hai bên đường nhiều đoạn cây cối vươn cành vướng cả lối đi, chứng tỏ đoạn đường ít khi có người, xe qua lại. Khu xử lý rác cổng mở toang, phòng bảo vệ, nhà điều hành không một bóng người, hạng mục lò đốt, ống khói đã có hiện tượng hoen gỉ, hố chôn lấp rác thải cỏ mọc rậm. Cảnh vật hoang tàn, vắng vẻ, trừ phía sau lò đốt, một làn khói bay lên từ một đống rác nhỏ với những túi rác vứt ngổn ngang.

Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, việc để công trình xử lý rác thải giá trị 12 tỷ đồng bỏ hoang là một sự lãng phí lớn không thể xem nhẹ. Để chấm dứt tình trạng này, đề nghị UBND huyện Như Xuân nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục, bằng mọi cách đưa công trình này vào hoạt động càng sớm càng tốt.

Thêm nữa, theo dư luận, việc thiếu sâu sát, thậm chí quan liêu, không quan tâm đến hiệu quả công trình, dẫn đến lãng phí tiền của của Nhà nước, của nhân dân đối với chủ đầu tư cũng cần được xem xét, xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc. Có như thế mới chấm dứt được tình trạng đầu tư lãng phí đã và đang diễn ra ở một số địa phương, đơn vị, không chỉ riêng ở Như Xuân.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load