Thứ hai 29/04/2024 15:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Giang vì sao “mở đường” cho doanh nghiệp hoạt động trong “tâm dịch”?

Bài 2: Sở Xây dựng tăng cường nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp do dịch Covid-19

19:26 | 01/06/2021

(Xây dựng) – Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, Sở Xây dựng Bắc Giang đã tăng cường nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và từng bước tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

bai 2 so xay dung tang cuong nhieu bien phap thao go kho khan trong hoat dong san xuat tai cac khu cong nghiep do dich covid 19
Đảm bảo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thực hiện phương châm: “Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, Sở Xây dựng Bắc Giang đã tăng cường nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và từng bước tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể:

Một là, áp dụng các điều kiện chặt chẽ tại những doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại. Với phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, Bắc Giang đã có đánh giá rất kỹ các điều kiện, nguy cơ trước khi quyết định mở cửa trở lại hoạt động 4 khu công nghiệp trong thời gian này.

Để có thể thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, Bắc Giang yêu cầu tất cả các doanh nghiệp khi quay trở lại hoạt động phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất và được hướng dẫn đầy đủ các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn trong điều kiện vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

Điều kiện chung tổ chức sản xuất: Chỉ sử dụng người lao động đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5/2021 trở lại đây và có 2 lần xét nghiệm PCR kết quả âm tính với Covid-19 (kể từ ngày 9/5/2021 trở lại đây), trong đó lần gần nhất trước khi quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp 1 ngày.

Nơi lưu trú cho người lao động phải được bố trí tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá riêng biệt của doanh nghiệp cho người lao động. Người lao động ngoài nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung không được tiếp xúc cộng đồng. Trường hợp đi khỏi nơi làm việc, nơi lưu trú tập trung khi quay trở lại doanh nghiệp phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày tại khu cách ly tập trung của doanh nghiệp và xét nghiệm PCR 2 lần có kết quả âm tính với Covid-19 (mỗi lần cách nhau 7 ngày, lần cuối cùng trước khi trở lại làm việc 1 ngày) mới được trở lại làm việc.

Hai là, chủ động tổ chức xét nghiệm và bố trí nơi cách ly tập trung. Trước khi tổ chức sản xuất lại, doanh nghiệp phải bố trí đón người lao động đến nơi ở tập trung của doanh nghiệp ít nhất 3 ngày trước khi làm việc và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ lao động.

Có khu nhà sử dụng làm nơi cách ly tập trung cho người lao động khi cần thiết. doanh nghiệp có ký túc xá riêng biệt với nơi làm việc phải bố trí phương tiện đưa, đón người lao động từ ký túc xá đến nơi làm việc và từ nơi làm việc trở về ký túc xá.

Đối với đơn vị cung cấp suất ăn và những doanh nghiệp thường xuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, người lao động của các đơn vị trên làm nhiệm vụ tại khu vực của doanh nghiệp, nơi ở của công nhân hoặc giao đồ ăn, hàng hóa đến doanh nghiệp phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước 1 ngày trước khi doanh nghiệp hoạt động trở lại; định kỳ 1 lần/tuần phải xét nghiệm tầm soát Covid-19. Hạn chế tối đa sử dụng lao động ngắn hạn, thời vụ.

Ba là, nhân “điểm” ra “diện”. Đối với tháng đầu tiên, doanh nghiệp có quy mô dưới 500 lao động được sử dụng tối đa số lao động theo quy mô hiện có; doanh nghiệp có quy mô từ trên 500 đến dưới 1.000 lao động được sử dụng số lao động = 500 + (số lao động theo quy mô hiện có - 500) x 35%; doanh nghiệp có quy mô từ 1.000 - 5.000 lao động được sử dụng số lao động = 675 + (số lao động theo quy mô hiện có - 675) x 25%; doanh nghiệp có quy mô trên 5.000 lao động được sử dụng số lao động = 1.756 + (số lao động theo quy mô hiện có - 1.756) x 20%.

Các tháng tiếp theo sẽ căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện của doanh nghiệp, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm xem xét có quyết định cụ thể đối với từng doanh nghiệp.

Theo kế hoạch nêu trên, Bắc Giang sẽ tổ chức xây dựng mô hình điểm cho các doanh nghiệp sản xuất trở lại đối với với 8 doanh nghiệp thuộc 4 khu công nghiệp gồm: Vân Trung, Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng và Quang Châu.

Bốn là, thành lập Tổ công tác liên ngành để thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất. Ông Đào Xuân Cường - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết: “Để gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tỉnh đã thành lập 35 tổ công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các công ty để có cơ sở quyết định cho hoạt động sản xuất trở lại. Công việc đánh giá này hoàn tất trong ngày 26/5/2021”.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ có trách nhiệm triển khai kế hoạch tới các doanh nghiệp xong trong ngày 27/5/2021. Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tiễn và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại từ ngày 28/5/2021.

Bắc Giang đã đánh giá rất kỹ các điều kiện, nguy cơ trước khi quyết định mở cửa trở lại hoạt động 4 khu công nghiệp trong thời gian này. Trước đó, tỉnh đã xét nghiệm toàn bộ công nhân 4 khu công nghiệp và đang thực hiện xét nghiệm lần 2 cho toàn bộ công nhân. Hiện nay, các ca F0 tăng đều là tăng trong số người đã cách ly và một số là người nhà tiếp xúc gần với công nhân.

Những công nhân có thể quay trở lại làm việc đều phải là những người đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm và có 2 lần xét nghiệm âm tính với Covid-19. Giai đoạn đầu chỉ ưu tiên các doanh nghiệp bố trí được nơi ở tập trung cho người lao động tại doanh nghiệp hoặc có ký túc xá riêng biệt. Người lao động ngoài nơi ở tập trung và nơi làm việc tuyệt đối không được tiếp xúc cộng đồng.

Như vậy có thể thấy, việc mở cửa trở lại các khu công nghiệp với các biện pháp nghiêm ngặt về phòng, chống dịch trong sản xuất vào lúc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một mặt, góp phần giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội; từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động; khôi phục lại môi trường an toàn cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng được mô hình doanh nghiệp, khu công nghiệp hoạt động an toàn trong điều kiện có dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

Mặt khác, đây là hoạt động nhằm khôi phục lại hoạt động cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà máy ở Bắc Giang dừng hoạt động thì không thể cung cấp nguyên liệu đầu vào hoặc không thể hoàn thiện sản phẩm cuối cùng cho chuỗi các nhà máy khác của các tập đoàn, kéo theo không chỉ doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn Bắc Giang bị ảnh hưởng mà còn làm đứt gãy hoạt động sản xuất tại các địa phương khác, ảnh hưởng chung đến tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của cả nước.

Bắc Giang hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.322ha. Trong đó có 04 khu công nghiệp (Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Quang Châu, Vân Trung) đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định, 01 khu công nghiệp (Hòa Phú) mới bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, 01 khu công nghiệp (Việt Hàn) chưa đi vào hoạt động. Tổng số dự án trong khu công nghiệp là 401, trong đó có 303 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, có 369 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, sử dụng 163.677 lao động. Số lao động nước ngoài là 6.079 lao động.

Nhằm thực hiện “mục tiêu kép" không để dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân, người lao động, Sở Xây dựng Bắc Giang đã khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, ứng dụng công nghệ trong các khu công nghiệp. Ban Quản lý các khu công nghiệp thiết lập phần mềm kết nối trực tiếp với điện thoại lãnh đạo của tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, liên tục cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch đến các doanh nghiệp 24/24 giờ.

Thứ hai, các doanh nghiệp xây dựng chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại nơi làm việc, cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19, triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên cho công nhân có nguy cơ cao tại các nhà trọ, ký túc xá, nhà máy và đang tiếp tục xét nghiệm cho toàn bộ người lao động.

Thứ ba, Ban Quản lý các khu công nghiệp liên tục kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào ko đủ điều kiện phòng, chống dịch yêu cầu dừng hoạt động. Với những biện pháp siết chặt công tác quản lý, mặc dù có nhiều khu công nghiệp, số lượng công nhân rất lớn, Bắc Giang vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp tập trung.

Loạt bài: Bắc Giang vì sao “mở đường” cho doanh nghiệp hoạt động trong “tâm dịch”? tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Kim Thoa – Chương Huyền – Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hưng Yên: Khi ý Đảng hợp lòng dân

    (Xây dựng) - Giải phóng mặt bằng phần đất nghĩa địa vốn là công việc khó nhất trong công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 qua xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Thế nhưng bằng cách tuyên truyền, vận động hợp lòng người, nhân dân thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở đã đồng lòng di chuyển mồ mả tổ tiên từ nghĩa trang cũ sang nghĩa trang mới, bàn giao toàn bộ diện tích cho đơn vị thi công trong một thời gian rất ngắn.

  • Bình Dương: Hỏa hoạn lớn ở xưởng pallet gỗ, huy động 7 xe chữa cháy dập lửa

    7 xe chữa cháy, 1 xe Robot, 1 xe chỉ huy, 47 cán bộ, chiến sỹ đã nỗ lực khống chế đám cháy lớn tại xưởng pallet gỗ ngoài trời rộng khoảng 400m2 thuộc Công ty TNHH MTV Minh Thành Trung.

  • Như hoa xương rồng

    (Xây dựng) – Nếu không có tình yêu tha thiết với biển đảo quê hương, hẳn những thế hệ thanh niên xung phong trên đảo Bạch Long Vĩ ngày ấy không bao giờ làm được những điều diệu kỳ đến thế. Dành cả cuộc đời để tận hiến, những nữ thanh niên xung phong trên đảo Bạch Long Vĩ giống như những bông hoa xương rồng luôn khoe sắc rực rỡ, dù thời tiết có khắc nghiệt, đất cằn, nắng cháy…

  • Hạ Long: Rút ngắn khoảng cách vùng cao với thành thị

    (Xây dựng) - Khu vực vùng núi của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gọi là vùng rừng Hoành Bồ hiện có 12 xã, số đông là người thiểu số. Các xã đang sôi nổi hưởng ứng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 78-NQ/TU của Thành ủy ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Đồng bào rẻo cao phấn khởi gọi là Nghị quyết rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cao với thành thị.

  • Lộc Hà (Hà Tĩnh): Hỗ trợ xây mới 1.054 ngôi nhà cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn

    (Xây dựng) - Chương trình hỗ trợ sửa chữa xây dựng nhà ở cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong những năm qua đã đem lại ý nghĩa thiết thực, giúp người dân thuộc diện khó khăn trên địa bàn huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) sớm ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

  • Chính quyền thành phố Okayama thăm Cảng quốc tế Long An

    (Xây dựng) - Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại tỉnh Long An, Đoàn công tác chính quyền thành phố Okayama (Nhật Bản) đã đến thăm Cảng quốc tế Long An do Dongtam Group đầu tư. Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hợp tác và giao lưu giữa hai địa phương.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load