Thứ sáu 22/11/2024 23:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nhiều đề xuất được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng

19:13 | 30/11/2021

(Xây dựng) - Tình hình hoạt động xây dựng thuộc các tỉnh khu vực phía Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn bởi: Giá cước tăng theo cấp số nhân; công trường phải tạm dừng thi công; xuất hiện tình trạng đầu cơ, đẩy giá thép; pháp lý liên quan đến bất động sản còn thiếu đồng bộ… là những khó khăn mà các doanh nghiệp ngành Xây dựng đang gặp phải hiện nay do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

nhieu de xuat duoc dua ra nham thao go kho khan trong san xuat kinh doanh cua cac doanh nghiep xay dung
Các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng rất nhiều do đại dịch Covid-19.

Duy trì sản xuất kinh doanh là vấn đề cốt yếu

Nói về điều này, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng cho biết: Cước vận tải đã tăng từ 4 -5 lần trong đại dịch. Hơn nữa, mỗi tỉnh thành đều có quy định khác nhau, không có sự nhất quán trong chỉ đạo giữa Trung ương với các địa phương, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” khá phổ biến. Do đó, trong thời gian vừa qua, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Với cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu, ông Lê Viết Hải chia sẻ: Thực hiện quy định về giãn cách xã hội, nhiều công trình phải dừng thi công. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn bị chủ đầu tư phạt chậm tiến độ. Trong khi, trên thực tế, dự án phải dừng thi công hay thi công cầm chừng thì nhà thầu cũng là bên phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Do đó, Bộ Xây dựng nên có quy định về điều kiện bất khả kháng, quy định cụ thể khi chủ đầu tư chây ì không thanh toán để điều chỉnh, để nhà thầu và chủ đầu tư có cơ sở chia sẻ với nhau.

“Trong điều kiện hiện nay, xin giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là giải pháp tốt. Làm thế nào để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh mới là vấn đề cốt yếu. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc về vấn đề pháp lý cho các dự án cũng là giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản”, ông Hải bày tỏ quan điểm.

Từ thực tế hoạt động ở lĩnh vực bất động sản, ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị 7 vấn đề. Trong đó có vấn đề liên quan đến pháp lý đối với các dự án Condotel. Yêu cầu với condotel là quản lý chuẩn theo mô hình khách sạn và chủ đầu tư sẽ theo suốt quá trình tồn tại của sản phẩm. Bởi vậy, Condotel không thể áp dụng quy định quản lý nhà chung cư để điều hành, không có cơ chế Ban quản trị toà nhà, kinh phí bảo trì khách hàng cũng không phải đóng 2%... Ngoài ra, quy định các dự án chỉ được chuyển nhượng khi có chứng nhận quyền sử dụng đất cũng gây nhiều khó khăn. Vì thế, ông Dũng cho rằng cần có sự thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản, cấp phép giữa Trung ương và địa phương để tránh tình trạng rà soát lại, tốn thêm thời gian, chi phí.

Cũng bàn về tính pháp lý liên quan đến bất động sản, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương chỉ ra bất cập trong quy định phải có bên mua đồng ý khi dự án bán nhà hình thành trong tương lai. Theo ông Ngân, đã bán nhà trong “tương lai” thì chưa thể xác định được người mua cụ thể để đồng ý. Vì thế, cần sửa đổi lại quy định này. “Hiện nay, đã bỏ thanh tra xây dựng cấp huyện, nếu bỏ tiếp cấp tỉnh thành thì rất khó cho công tác quản lý của Sở. Đặc biệt, Bình Dương có 1,2 triệu lao động. Khi xảy ra dịch bệnh Covid, quy định không cho công nhân ở trong khu công nghiệp. Quy định đó cần xem xét lại. Để không bị đứt quãng hoạt động sản xuất kinh doanh, cần cho phép xây khu lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng sẽ tháo gỡ vướng mắc nhanh nhất có thể

Trong khi đó, đại diện các Sở Xây dựng Đồng Nai, Long An… cùng kiến nghị về quy định diện tích phòng trọ tối thiểu cho người lao động thuê đã hết hiệu lực, được thay thế bằng Thông tư 09 từ ngày 1/10/2021. Tuy nhiên, thông tư 09 lại không quy định diện tích nên các địa phương không có cơ sở để chấp nhận các loại dự án này…

Đồng quan điểm với những ý kiến trên, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị, một số quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư Kinh doanh bất động sản nên có điểm thống nhất để công tác thực thi được tốt hơn. Ông Quân cũng cho biết thêm: Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành cơ chế xây dựng các công trình khẩn cấp nên rất nhiều các bệnh viện dã chiến đã được hoàn thành nhanh chóng, phục vụ cho công tác chống dịch của Thành phố. Tại thời điểm đó, TP.HCM làm và làm nhanh nhất có thể nên giá thành sẽ cao hơn so với những ngày bình thường. Đơn cử như việc mua trụ ô xy bình thường khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/trụ nhưng có thời điểm lên đến 4 - 5 triệu đồng/trụ; chi phí nhân công trả gấp 3 - 4 lần cũng không kiếm được người vào làm trong khu có F0. Trên cơ sở đó, ông Quân đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng về vấn đề quyết toán theo đơn giá thực tế.

Liên quan đến các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà trọ, nhà lưu trú cho công nhân cũng như các chính sách cho nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhằm giải quyết các vướng mắc, nếu chưa hợp lý sẽ đề nghị sửa đổi. Bộ đang quan tâm thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng, số hóa toàn bộ hệ thống quản lý, từng bước đáp ứng được thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tốt hơn. Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng đang được nghiên cứu sâu từng phân khúc để xây dựng đặc tính, quy chuẩn phù hợp, chính sách quản lý riêng biệt; nghiên cứu để đưa ra các quy định về quản lý không gian ngầm và không gian trên mặt đất tại các khu đô thị…

Vấn đề kiểm soát chặt giá thép xây dựng, tránh đầu cơ tích trữ để nâng giá thì Bộ Công thương đã có đoàn công tác kiểm tra về vấn đề này. “Rất nhiều vấn đề của ngành Xây dựng đã được Bộ Xây dựng phối hợp làm việc với Bộ, ngành khác nhằm tháo gỡ khó khăn nhanh nhất có thể cho các doanh nghiệp và người dân. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước những khó khăn hiện nay, Bộ sẽ nhanh chóng tìm giải pháp gỡ khó và thúc đẩy kinh tế phát triển”, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh khẳng định.

Để chuẩn bị cho công tác phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, ngày 22/10, tại Cục Công tác phía Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đã chủ trì Hội nghị Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía Nam.

Qua sự kiện này, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tập trung phân tích, đánh giá để có sửa đổi kịp thời, hoặc tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, ban hành chính sách còn tồn tại để đảm bảo tháo gỡ một cách hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Bài Nhiều đề xuất được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load