(Xây dựng) – Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xi măng. Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, Bộ Xây dựng đã đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp xi măng vượt khó thời Covid.
Thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do “cung” vượt “cầu”. |
Doanh nghiệp xi măng gặp nhiều khó khăn
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhu cầu xi măng giảm, chi phí logistics tăng. Thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do “cung” vượt “cầu”. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao so với đầu năm 2021 như: Than tăng (than nhập khẩu tăng gần 200%), thạch cao tăng 37%... Xuất khẩu xi măng, clinker gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19, tình trạng phong tỏa, kiểm dịch tại nhiều cảng biển Philippines, Trung Quốc; cước tàu biển ở mức cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Nhận - phụ trách Hội đồng thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM ) cho biết: Trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh, VICEM đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, các chương trình tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, chi phí quản lý... Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, ước sản lượng sản xuất clinker năm 2021toàn VICEM đạt 21,547 triệu tấn, bằng 98,3% kế hoạch năm 2021 và bằng 99,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ước sản lượng sản xuất xi măng là 23,886 triệu tấn, đạt 90,6% kế hoạch năm 2021 và bằng 97,8% so với thực hiện năm 2020. Ước tổng sản phẩm tiêu thụ (xi măng, clinker) năm 2021 là 29,245 triệu tấn, đạt 95,3% kế hoạch năm 2021, bằng 99,7% so với thực hiện năm 2020. Ước tổng doanh thu cả năm đạt 33.638 tỷ đồng, bằng 94,7% kế hoạch năm 2021, đạt 99,6% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế là 2.011 tỷ đồng, bằng 96,8% so với năm 2020.
Trong giai đoạn vừa qua, VICEM tập trung triển khai thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, mô hình tổ chức; sắp xếp, đổi mới các đơn vị thành viên; tài chính và đầu tư; quản trị doanh nghiệp theo Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2017-2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. VICEM đã thoái vốn các đơn vị theo Đề án, tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, mang lại hiệu quả cao…
Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2017 - 2025 đã từng bước tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh của VICEM theo hướng phát huy thế mạnh, lợi thế của từng đơn vị và hiệu quả chung của VICEM, dần hình thành các đơn vị sản xuất xi măng quy mô đủ lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh thương hiệu xi măng VICEM trong khu vực. Công tác nghiên cứu phát triển, tìm kiếm giải pháp tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường được quan tâm, dần hình thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng.
Trong công tác cổ phần hoá, hiện nay, vấn đề vướng mắc lớn nhất liên quan đến việc phê duyệt phương án sắp xếp xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa đối với 02 lô đất còn lại tại Thành phố Hà Nội và 01 lô đất tại tỉnh Nghệ An. Do thủ tục về đất đai phụ thuộc vào quy trình và thời gian xử lý hồ sơ của các địa phương (trong đó có UBND Thành phố Hà Nội), Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền nên VICEM không chủ động được về thời gian hoàn thành. VICEM kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất của VICEM như đề nghị của VICEM tại Văn bản số 1619/VICEMHĐTV ngày 23/9/2021.
Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cho biết: VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hải Phòng, VICEM Tam Điệp đã làm việc với các địa phương để bàn giao tài sản không cần dùng về địa phương quản lý. Các địa phương có văn bản đồng ý tiếp nhận tài sản, nhưng do chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục cũng như quy định cụ thể việc ghi giảm vốn, tài sản của doanh nghiệp đã đầu tư sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển giao nhà, đất về địa phương…nên việc chuyển giao bị vướng. Việc này, VICEM đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.
Về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn của VICEM tại Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú - Kratie; Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai - Kratie về SCIC, các Bộ, ngành chưa chấp thuận phương án chuyển giao vốn của VICEM tại 02 Công ty Cao su về SCIC do liên quan đến đối tượng chuyển giao và trách nhiệm kế thừa bảo lãnh vay vốn.
Theo Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh, thời gian qua, VICEM đã triển khai thành lập Tổ rà soát, cập nhật, điều chỉnh nội dung Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2018 - 2025 và nghiên cứu, xây dựng Đề án tái cơ VICEM giai đoạn 2021 – 2025. Sau khi hoàn thành, VICEM sẽ báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, VICEM rà soát, xây dựng và trình Bộ Xây dựng xem xét, phê duyệt Phương án điều chỉnh và xác định vốn điều lệ của công ty mẹ VICEM. Cụ thể, điều chỉnh vốn điều lệ của Công ty mẹ VICEM tại thời theo số liệu vốn chủ hữu thực có trên báo cáo tài chính là 16.016,52 tỷ đồng; phê duyệt vốn điều lệ của Công ty mẹ VICEM đến 31/12/2023 là 18.430 tỷ đồng, tăng 2.413,48 tỷ đồng so với vốn điều lệ điều chỉnh tại 31/12/2020.
Trên cơ sở đó, VICEM kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khích để tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong sản xuất xi măng. Hỗ trợ các Công ty thành viên sản xuất xi măng của VICEM trong việc xin cấp giấy phép khai thác các mỏ nguyên liệu (đá vôi, đá sét).
Bộ Xây dựng đồng hành cùng doanh nghiệp xi măng “vượt khó”
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa VICEM tiếp tục giữ vững vị trí “con chim đầu đàn”, dẫn dắt ngành Xi măng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, VICEM cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, VICEM cần tập trung xây dựng và thực hiện đề án tái cấu trúc và kế hoạch 5 năm. Trong đề án tái cấu trúc, VICEM tiếp tục lấy sản xuất kinh doanh xi măng làm cốt lõi, không đầu tư ngoài ngành;
Hai là, cần tập trung quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh , đặc biệt là phát triển khoa học công nghệ, tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong xây dựng kế hoạch 5 năm, VICEM cần lưu ý lựa chọn tỷ lệ vốn Nhà nước từ 51% đến 65%, từ đó, xây dựng 2-3 kịch bản khác nhau. Tiếp tục nâng cao năng lực.
Ba là, VICEM cần rà soát lại đề án tái cấu trúc. Bộ Xây dựng đồng ý cho VICEM tăng vốn điều lệ nhưng cần xây dựng rõ phương án. Những tồn tại về thể chế, đề nghị VICEM lưu ý đến thẩm quyền đề xuất. Bộ Xây dựng sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Cũng trong tháng 11, Bộ Xây dựng và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan. Hội nghị là cơ hội để các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, đưa ra các giải pháp cải thiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi lại sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 góp phần vào phục hồi kinh tế đất nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra và đang ưu tiên thực hiện. Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã liên tục ban hành và triển khai thực hiện các Nghị quyết thường niên về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Trong nhiều nhiệm vụ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương được giao trong các Nghị quyết, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng là một trong các chỉ số được Ngân hàng thế giới đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế.
Thực hiện nhiệm vụ này, thông qua công tác xây dựng và hoàn hiện thể chế, Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 03 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 05 Nghị định, 07 Thông tư vào 02 Nghị định. Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Thực hiện thành công Phương án này hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của Ngành năm 2021, 2022. |
Bài: Bộ Xây dựng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xi măng tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Khánh Hòa
Theo