Bài 1: Vinamilk với định hướng nhà máy xanh, thân thiện với môi trường
(Xây dựng) - Từ 3 nhà máy ban đầu khi thành lập, đến nay, Vinamilk đang có 13 nhà máy trong nước được đầu tư quy mô và ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới. Hệ thống nhà máy này giúp Vinamilk có thể phát triển hơn 250 loại sản phẩm sữa thuộc 13 nhóm ngành hàng từ sữa đặc, sữa nước, sữa bột, sữa chua, kem, nước giải khát... Trong đó, có thể kể đến hai cái tên sáng giá là Nhà máy sữa Việt Nam và Nhà máy sữa bột Việt Nam, đều thuộc hàng “siêu nhà máy”. Cả hai nhà máy này được Vinamilk đưa vào vận hành năm 2013, tạo nên sự đột phá lớn cho Công ty trong giai đoạn phát triển sau đó.
Điểm nổi bật của các nhà máy Vinamilk không chỉ về mặt công suất, sản lượng, mà còn ở cách doanh nghiệp này ứng dụng công nghệ 4.0, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn như ISO 9001, FSSC 22000, ISO 17025. Ngoài ra các nhà máy còn có những chứng nhận đặc biệt như Halal, Organic châu Âu, FDA (Mỹ), tiêu chuẩn của Trung Quốc… phục vụ thị trường nội địa và sẵn sàng cho việc mở rộng kinh doanh quốc tế.
Hệ thống 13 nhà máy được Vinamilk xây dựng kết nối với 13 trang trại bò sữa trên cả nước, kết hợp với hệ thống phân phối “khủng” đã thực sự tạo nên một thế mạnh lớn cho Vinamilk về chuỗi cung ứng.
Kiểm kê khí nhà kính cho toàn bộ 13 nhà máy
Để có thể quản lý hiệu quả khía cạnh phát thải khí nhà kính, nền tảng cơ bản cần bắt đầu chính là hiểu về dữ liệu và dữ liệu kiểm kê chính xác. Với phương châm những gì đo lường được thì quản lý được, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chuẩn hóa phương pháp đo lường và kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064 cho toàn bộ 13 nhà máy.
Việc đo lường, kiểm kê khí nhà kính theo chuẩn mực không chỉ giúp Vinamilk tìm ra nhiều cơ hội giảm phát thải mà còn khẳng định trách nhiệm và định hướng không ngừng cải tiến và hướng đến minh bạch, chính xác và khách quan nhất về thông tin cung cấp đến các bên liên quan.
Theo bà Nguyễn Đình Minh Tâm, đại diện của tổ chức BSI (Viện tiêu chuẩn Anh Quốc): “Vinamilk là một trong số ít các đơn vị đã bắt đầu từ việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính chính xác, kĩ lưỡng từ sớm, từ đó xây dựng các lộ trình giảm phát thải. Với sự cam kết mạnh mẽ của Vinamilk cho mục tiêu Net Zero 2050, sẽ sớm có thêm nhiều đơn vị của Vinamilk đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong tương lai gần”.
Tháng 5 vừa qua, Nhà máy Vinamilk tại Nghệ An đã nhận được chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014 do BSI chứng nhận. Kết quả trên có được do "hành động kép" nỗ lực cắt giảm phát thải trong sản xuất của Vinamilk và duy trì quỹ cây xanh của Vinamilk để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua. Doanh nghiệp này cũng cam kết đạt Net Zero – Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo
Năng lượng là một trong những lĩnh vực tạo nên phát thải khí nhà kính lớn nhất toàn cầu. Để có thể thực hiện được mục tiêu đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050, bên cạnh sử dụng hiệu quả thì việc chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ trọng điểm mà Vinamilk kiên định phải hoàn thành.
Vinamilk đã hiện thực hóa định hướng về chuyển đổi sử dụng năng lượng bền vững bằng hàng loạt biện pháp tổng thể, toàn diện với nhiều dự án mang quy mô lớn. Vinamilk đã trang bị hơi bão hòa, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi đốt bằng nguyên liệu xanh Biomass thay cho năng lượng truyền thống, sử dụng khí CNG thay thế cho lò hơi đốt dầu DO/FO ở chuỗi các Nhà máy.
Năng lượng mặt trời được lắp đặt tại Nhà máy Vinamilk Lam Sơn. |
Trong 2022, Vinamilk cũng đã hoàn thiện nhân rộng mô hình lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho hệ thống 11 nhà máy, cung cấp 8 triệu kWh/năm. Một trong các hệ thống điện mặt trời mới nhất được lắp đặt có công suất 3.394 kWp tại Nhà máy Sữa Việt Nam. Hệ thống này sử dụng 7.542 tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, 27 inverters 110 kW cùng khung phụ trợ và dây dẫn đạt chất lượng cao độ bền thiết kế trên 25 năm.
Nhà máy Sữa Việt Nam còn được gọi là siêu nhà máy “Mega factory” do có công nghệ tự động hiện đại, công suất cực lớn 800 triệu lít/năm (khoảng 2,2 triệu lít/ngày) và sẽ được nâng lên đạt hơn 1 tỷ lít sữa/năm trong tương lai gần. Năng lượng sạch từ hệ thống điện mặt trời đang được sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhà máy, từ đó tiết kiệm lượng lớn năng lượng truyền thống, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi sang năng lượng bền vững, giảm dấu chân carbon trong hoạt động sản xuất.
• 86,8% tỷ lệ năng lượng xanh, sạch/ nhiên liệu trong hoạt động sản xuất tại Nhà máy Vinamilk. • 36,8% tỷ lệ Biomass/ tổng năng lượng sử dụng trong hoạt động sản xuất tại Nhà máy Vinamilk • 10,3% tỷ lệ Biomass/ tổng năng lượng sử dụng trong hoạt động sản xuất tại Nhà máy Vinamilk • 100% nhà máy đều xây dựng hê thông quản lý năng lượng theo ISO 50001:2018 • 09 nhà máy sử dụng năng lượng từ Biomass • 11 nhà máy sử dụng năng lượng mặt trời |
Đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải
Vinamilk đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến và tối ưu hóa thời gian hoạt động máy móc thiết bị, áp dụng nhiều sáng kiến đổi mới giúp tiết kiệm và sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả như dây chuyền, máy móc thiết bị nhập khẩu từ EU/G7 với các tiêu chuẩn khắt khe về khí thải; 100% nhà máy và trang trại sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn led; sử dụng robot chạy điện thay thế dần các động cơ diezel; triển khai phần mềm giám sát năng lượng để phân tích tối ưu hóa nhu cầu tiêu thụ, tổn thất; triển khai phần mềm tính toán vận hành để tăng hiệu suất máy móc thiết bị.
Vinamilk đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ giảm thải, thân thiện với môi trường. |
Tại “siêu nhà máy” sữa Việt Nam của Vinamilk với công suất 800 triệu lít sữa/năm cũng giảm phát thải tới 10.000 tấn CO2/năm. Hệ thống thu hồi và tái sử dụng nhiệt giúp thu hồi tới 92% lượng nhiệt, giảm bớt năng lượng đầu vào, chi phí vận hành cũng như những tác động tiêu cực tới môi trường. Hay việc ứng dụng robot LGV tự hành tiết giảm tới 62% lượng khí thải CO2 so với xe nâng truyền thống do tiết kiệm năng lượng và có thể tính toán con đường ngắn nhất để di chuyển.
Robot LGV hiện đại giúp giảm 62% khí thải phát ra so với xe nâng truyền thống. |
Vận dụng kinh tế tuần hoàn
Khai thác và sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả
Với phương châm khai thác sử dụng nước đúng nơi, đúng lúc, đúng mục đích và khối lượng hợp lý, lượng nước khai thác sử dụng tại Vinamilk luôn được kiểm soát chặt chẽ để tránh gây rò rĩ lãng phí. Vinamilk cũng đẩy mạnh công tác sử dụng tiết kiệm và tuần hoàn nước hướng đến tối ưu hóa. Trong đó, sử dụng tiết kiệm nước đã được Vinamilk triển khai từ những hành động nhỏ nhất như tắt vòi nước khi không sử dụng, kiểm tra bảo trì bảo dưỡng thường xuyên các đường ống để tránh rò rỉ, tận dụng nguồn nước mưa vào tưới cây và vệ sinh; theo dõi đồng hồ đo với tần suất hợp lý. Bên cạnh đó, Vinamilk không ngừng cố gắng nghiên cứu cải tiến công nghệ, thiết bị để tuần hoàn tái sử dụng nước, trong năm đã có rất nhiều sáng kiến nổi bậc được ứng dụng, giúp tiết kiệm lượng lớn nước như:
Thiết kế hệ thống thu hồi nước giải nhiệt và tái sử dụng
Hệ thống thanh trùng Past 15000 lít/h trung bình một ngày thải bỏ khoảng 250 m3 nước giải nhiệt. Lượng nước này sẽ không còn sử dụng được mà đi về hệ thống xử lý nước thải. Để tránh gây hao phí nguồn nước sạch, tận dụng được nguồn nước sẵn có, đơn vị đã nghiên cứu và thiết kế hoàn thiện mô hình tuần hoàn nước bằng cách lắp đặt đường ống thu hồi nước giải nhiệt sau vĩ thanh trùng đưa về tháp giải nhiệt và tuần hoàn tái sử dụng nước. Nhờ vào sáng kiến cải tiến trên, năm 2022 đơn vị đã tiết kiệm được tổng 91.250 m3 nước sạch.
Hấp mứt sữa chua ăn bằng nước nóng tuần hoàn
Trước đây, cứ mỗi mẻ mứt sữa chua, đơn vị sẽ bơm nước vào bồn hấp, kế tiếp hơi sẽ được sục trực tiếp vào bồn nhằm gia nhiệt làm cho nước nóng lên để hấp mứt, sau khi kết thúc quá trình hấp này, lượng nước nóng tồn lại được xử lý bằng cách xả bỏ ra bên ngoài. Nhằm hướng đến mục tiêu tối ưu hóa lượng nước sử dụng trong quá trình sản xuất, đơn vị đã nghiên cứu cải tiến quy trình hấp trên, theo đó lắp đặt thêm bồn trung gian dùng để chứa lượng nước nóng tuần hoàn lại sau mỗi mẻ hấp, đồng thời tiến hành xử lý gia nhiệt và tái sử dụng cho đợt hấp mứt sữa chua tiếp theo. Sáng kiến cải tiến trên đã mang lại thành quả cực cao cho đơn vị, giúp đơn vị tiết giảm gần 300 triệu VND chi phí và tiết kiệm được 4.573 m3 nước sử dụng trong năm.
Thu hồi và tuần hoàn nước từ hệ thống chế biến sữa
Trong quá trình chế biến sữa, tại giai đoạn sữa đuổi nước sẽ đẩy hết nước ra ngoài thành nước thải. Tuy nhiên, nhận thấy được rằng lượng nước này có thể tái sử dụng, đơn vị đã cải tiến lại chương trình thiết kế, ở bước này nước sẽ được tuần hoàn vào bồn bán thành phẩm để nấu sữa hoàn nguyên. Sau khi áp dụng cải tiến, những hạn chế trước đó đã được cải thiện, hệ thống được vận hành hiệu quả và mang lại giá trị cao, tiết kiệm được tổng 1.229 m3 nước trong năm.
Tiết kiệm và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường
Các nhà máy của Vinamilk đã tiến hành thay đổi bao bì theo hướng bảo vệ môi trường: bỏ vòng nhựa bao quanh nắp chai nước, giảm số lượng muỗng sữa chua trong thùng sản phẩm, giảm sử dụng màng co, giảm lượng nhựa sử dụng cho bao bì sản phẩm,… Bao bì hộp giấy Vinamilk sử dụng bao bì giấy theo công nghệ Tetra Brick Aspeptic và chuyển đổi bao bì hộp giấy dạng Slim Leaf tiết kiệm bao bì sử dụng. Bao bì có thể tái chế toàn bộ và được chứng nhận FSC - chứng nhận sản phẩm mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội.
Sử dụng các túi mua hàng được làm từ 100% nhựa tái chế tại các cửa hàng Giấc mơ Sữa Việt. |
Để giảm thiểu thấp nhất các tác động xấu đến môi trường, Vinamilk hạn chế sử dụng các nguyên phụ liệu không thân thiện môi trường như thay đổi chất liệu nắp nhựa chai PET từ có sử dụng màu thành không màu.
Giảm giấy từ thay đổi thùng chứa sản phẩm
Ngoài đề cao giảm nhựa, Vinamilk còn không ngừng cố gắng trong việc nghiên cứu tiết giảm tối đa các nguyên vật liệu khác như là giấy, để hạn chế việc phát sinh các chất thải ra môi trường. Sau nghiên cứu, đơn vị đã điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật của thùng, giảm chiều cao thùng giấy nhưng vẫn đảm bảo dung tích chứa sản phẩm, mặt khác còn giúp đơn vị tiết kiệm được chi phí, giảm khối lượng thùng giấy phát sinh. Sau 2 tháng triển khai, Vinamilk đã tiết giảm được 1,4 kg giấy và tiếp tục nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật thêm cho các thùng giấy của các sản phẩm khác có cùng quy cách bao gói.
Giảm nhựa từ thay đổi lớp màng co quấn pallet sản phẩm
Nhận thấy rằng việc quấn pallet sản phẩm bằng lớp màng co đã phát sinh nhiều nhựa thải, bên cạnh đó, lượng nhựa này có khả năng tiết giảm được. Vì vậy, đơn vị đã tiến hành nghiên cứu cải tiến thiết kế của lớp màng co quấn quanh pallet sản phẩm, từ chất liệu, bề dày đến chiều cao, chuyển đổi chất liệu từ nhựa thông thường sang màng co chất liệu Nano. Qua đó, doanh nghiệp giảm gần 40% kích thước và 50% khổ màng co, từ đó, tiết giảm được 29.499 kg nhựa. Qua nhiều lần thử nghiệm, kết quả cho thấy rằng việc thay đổi kích thước này vẫn duy trì cho Pallet chứa sản phẩm được quấn chắc chắn và sản phẩm không bị đổ ngã khi di chuyển.
Tính đến năm 2022, Đơn vị đã triển khai ứng dụng trên tất cả các sản phẩm có dung tích 220ml, 180ml, 110ml và 1 lít, từ đó đã giúp đơn vị tiết giảm được 29.499 kg nhựa phát sinh.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Châu Anh
Theo