Thứ bảy 06/07/2024 04:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Việt Nam tăng tốc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn để bắt kịp xu thế

15:47 | 03/07/2024

(Xây dựng) - Là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có giá trị cao và đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ hiện đại, Việt Nam nổi lên như một trung tâm bán dẫn tiềm năng và đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất bán dẫn quốc tế như: Samsung, Intel, LG.

Việt Nam tăng tốc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn để bắt kịp xu thế
Thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Tiềm năng to lớn từ ngành bán dẫn

Ngành bán dẫn ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.

Tại buổi làm việc lấy ý kiến ý kiến dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu đến năm 2030, đội ngũ kỹ sư trong nước có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại (từ front-end đến back-end) đồng thời tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, theo kế hoạch, cả nước sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành tại tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Để đạt được số lượng 50.000 kỹ sư phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn, trả lời ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho hay, trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đề cập thời gian tới ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo cần nguồn nhân lực rất lớn, khoảng 50.000 - 100.000 nhân lực tính đến năm 2030.

Việt Nam tăng tốc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn để bắt kịp xu thế
Kỹ sư người Việt làm việc trong Nhà máy Intel Products. (Ảnh: IPV)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Đây là trọng trách lớn của ngành, sứ mệnh phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch để triển khai đào tạo trong lĩnh vực này". Tuy nhiên, hiện chỉ 35 trường đại học có một số ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực này. Dự kiến năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử sẽ tuyển khoảng trên 7.000 và tăng dần 20 - 30% chỉ tiêu qua các năm. Kỳ vọng đến năm 2030 sẽ đáp ứng được nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Chia sẻ tại một Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, trước tiên cần tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…

Đồng thời, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợn tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…

Bắt tay khởi động ngay để đáp ứng kịp thời

Tại cuộc họp trực tuyến về đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn diễn ra vào tháng 3/2024, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đơn vị có thể đào tạo khoảng 6.000 nhân lực có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Việt Nam tăng tốc đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn để bắt kịp xu thế
Nhu cầu nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn ngày càng cao. (Ảnh minh họa)

Hiện, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng vi mạch bán dẫn, với tổng số hơn 3.300 sinh viên. Lộ trình đào tạo cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6 - 9 tháng xuống 3 - 6 tháng.

Tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), mỗi năm có hơn 1.000 sinh viên được đào tạo ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn - đây là thông tin được GS.TS Chử Đức Trình cung cấp tại cuộc họp. Theo GS.TS Chử Đức Trình, nếu hợp lực giữa các trường thì chúng ta đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo 50.000 người có trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực này.

Còn theo PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2030, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cam kết đào tạo khoảng 1.800 cử nhân/kỹ sư thuộc và 500 thạc sĩ thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Hiện nay, nhiều trường đại học đã có nhiều hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, đối với ngành công nghiệp bán dẫn các trường đại học luôn chú trọng hàng đầu.

Mới đây, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Samsung Electronics trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ Thạc sĩ định hướng bán dẫn và vi mạch. Sự hợp tác này là một trong những chiến lược quan trọng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận chuẩn quốc tế, nhất là đối với ngành công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn và vi mạch. Sự kiện này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Lan Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load