(Xây dựng) – Ngày 5/7, Bộ Xây dựng ban hành Văn bản số 185/BC-BXD báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tại Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đã triển khai kế hoạch tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu trực tiếp tại một số dự án giao thông. |
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia và các kết luận tại Thông báo số 155/TB-VPCP và 219/TB-VPCP, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 02/CĐ-TTg và một số nội dung đề xuất, kiến nghị, cụ thể như sau:
Tình hình thực hiện nhiệm vụ
1. Về công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hệ thống pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
1.1. Đánh giá chung về kết quả rà soát hệ thống pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị rà soát các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và định mức xây dựng. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan cho thấy hành lang pháp lý cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được ban hành về cơ bản đầy đủ theo quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo minh bạch, rõ ràng, đồng bộ, hạn chế được các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và ngày càng được đổi mới và hoàn thiện theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, phân định rõ quyền và trách nhiệm của các chủ thể, tạo sự chủ động và phát huy vai trò của chủ đầu tư, người quyết định đầu tư, cụ thể:
Về cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng: Đã làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các tỉnh và các chủ thể liên quan trong quá trình quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn đầu tư; cơ bản đã ban hành đầy đủ các phương pháp, hệ thống công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng phục vụ việc xác lập và điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng. Theo đó, hầu hết các địa phương đã thực hiện hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn theo đúng thẩm quyền và nhiệm vụ được giao.
Về hệ thống các công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
Về hệ thống định mức xây dựng: Các quy định về quản lý hệ thống định mức xây dựng đã được hoàn thiện, thể chế hóa rõ ràng hơn theo hướng phân định cụ thể trách nhiệm quản lý, rà soát, cập nhật định kỳ của các cơ quan quản lý Nhà nước và các chủ thể tham gia các dự án đầu tư xây dựng; các phương pháp, hướng dẫn xác định định mức mới, điều chỉnh hoặc rà soát, cập nhật định mức cũng đã được hoàn thiện đầy đủ về trình tự, quy trình, hồ sơ và cách thức triển khai, qua đó đã góp phần hoàn thiện hơn cả về số lượng và chất lượng của hệ thống định mức xây dựng.
Về hệ thống giá xây dựng: Đã quy định cụ thể trách nhiệm, phương pháp xác định, nội dung và tần suất ban hành thông tin về hệ thống giá xây dựng của Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Xây dựng đã định kỳ rà soát, bổ sung, công bố hệ thống giá xây dựng áp dụng chung (Trong năm 2023 đã công bố 565 chỉ tiêu suất vốn đầu tư xây dựng công trình và 166 đơn giá tổng hợp bộ phận kết cấu công trình) và chỉ số giá xây dựng quốc gia; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ về công bố giá, chỉ số giá xây dựng.
Về hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng: Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (Đề án 2038), Bộ Xây dựng đã xây dựng, hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng, trong đó bao gồm hệ thống phần cứng, phần mềm quản lý, thu thập và số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng giai đoạn 2011-2021. Thường xuyên hướng dẫn UBND các tỉnh thực hiện việc cập nhập thông tin dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng.
Về hợp đồng xây dựng: Đã quy định đầy đủ các nội dung cần thiết của hợp đồng xây dựng, cũng như các chế tài, hướng dẫn cụ thể đối với những vấn đề phổ biến, thường phát sinh trong quá trình quản lý và thực hiện hợp đồng, trong đó bao gồm việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý hợp đồng theo hình thức hợp đồng phi truyền thống (Hợp đồng EPC).
1.2. Một số bất cập, tồn tại, nguyên nhân và đề xuất giải pháp
Qua rà soát, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương đều đánh giá, nhận định hệ thống pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện nay đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu về quản lý và thuận lợi trong thực tiễn triển khai và chỉ có một số quy định còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, cần được hướng dẫn rõ, chi tiết hơn, cụ thể như sau:
1.2.1. Về Luật Xây dựng và một số Luật có liên quan
Đối với Luật Xây dựng: Một số nội dung phản ánh khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về “áp dụng hệ thống định mức được ban hành để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng” đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại khoản 51 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 và đề nghị sửa đổi theo hướng “vận dụng, tham khảo hệ thống định mức được ban hành” như quy định tại Điều 136 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 để thuận tiện trong quá trình lập dự toán đối với một số hạng mục công trình chuyên ngành, đặc thù.
Đối với nội dung này: Cơ chế “vận dụng, tham khảo định mức” theo quy định trước đây có một số nội dung hạn chế, tồn tại trong thực tiễn và đã được nhận diện khi rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng. Do đó, việc quy định cơ chế “áp dụng định mức” tại Luật số 62/2020/QH14 nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý chặt chẽ vốn đầu tư công, tránh thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đã có các quy định, hướng dẫn cụ thể về phân cấp, giao trách nhiệm cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND các tỉnh trong việc tổ chức xây dựng, điều chỉnh và ban hành định mức xây dựng cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn các phương pháp xác định định mức để các chủ đầu tư, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương chủ động tổ chức xây dựng các định mức xây dựng mới, điều chỉnh định mức xây dựng phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Như vậy, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nguyên nhân cơ bản của khó khăn, vướng mắc này là do một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chưa nhận thức rõ trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định nên chưa chủ động nhận diện, nắm bắt và tổ chức xây dựng định mức; bên cạnh đó năng lực chuyên môn xác định định mức xây dựng của các tổ chức tư vấn, chủ đầu tư còn hạn chế, còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm trong khâu hậu kiểm nên chưa thực hiện tổ chức xây dựng định mức đúng quy định.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn các nội dung, phương pháp xác định định mức mới, rà soát, cập nhật định mức đặc thù của chuyên ngành, của địa phương. Đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai trong giai đoạn tiếp theo (nếu có) làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất phương án hoàn thiện trong trường hợp cần thiết.
Đối với một số Luật có liên quan: Luật Đầu tư công có quy định về các nhiệm vụ tại giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên tại Điều 82 về Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan Trung ương chưa quy định cụ thể trách nhiệm hướng dẫn về nội dung và phương pháp xác định chi phí thực hiện các nhiệm vụ này theo từng lĩnh vực quản lý Nhà nước dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, đặc biệt là đối với những dự án có cấu phần xây dựng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng và hiện đang lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan về định mức chi phí tư vấn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ sớm ban hành áp dụng trong thời gian tới.
Bộ luật Dân sự có quy định về “bất khả kháng” và “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” tuy nhiên chỉ đưa ra một số tiêu chí xác định về mặt định tính, không có tiêu chí định lượng, không giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về các nội dung này dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là đối với một số trường hợp đặc thù trong giai đoạn vừa qua khi phát sinh các yếu tố tác động từ địa chính trị, dịch bệnh và biến động về giá. Để xử lý những tồn tại, bấp cập này, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí định lượng về “bất khả kháng” và “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” tại Bộ luật Dân sự và Luật Xây dựng để đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật, khả thi trong thực tiễn.
1.2.2. Về Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ
Một số nội dung phản ánh khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về quản lý định mức xây dựng tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, như sau:
Vướng mắc trong việc xác định phạm vi trách nhiệm của các Bộ quản lý công trình chuyên ngành, địa phương trong việc xây dựng, ban hành định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương.
Đối với nội dung này: Khoản 5 Điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP đã quy định rõ về tiêu chí xác định định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương để làm cơ sở cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các tỉnh xác định phạm vi, nội dung các định mức dự toán đặc thù thuộc thẩm quyển, trách nhiệm tổ chức xây dựng. Trong giai đoạn vừa qua, hầu hết các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND các tỉnh đều đã tổ chức xây dựng và ban hành định mức đặc thù đúng quy định, không có phản ánh vướng mắc.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, đây là vướng mắc mới phát sinh trong quá trình xây dựng định mức dự toán của một số công tác đặc thù chuyên ngành giao thông do trong giai đoạn hiện nay nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đang được thực hiện triển khai đồng loạt, khối lượng công việc lớn, cùng với cơ chế đặc thù lần đầu được áp dụng nên đã bộc lộ một số bất cập trong việc xây dựng định mức đặc thù chuyên ngành giao thông.
Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải làm rõ các nội dung vướng mắc này. Đồng thời trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung hướng dẫn làm rõ hơn các quy định về phạm vi, trách nhiệm và công tác phối hợp trong việc tổ chức xây dựng các định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương để các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND các tỉnh xác định rõ phạm vi, trách nhiệm trong công tác xây dựng, ban hành định mức thuộc thẩm quyền làm cơ sở rà soát cập nhật, bổ sung các định mức còn thiếu, hoặc còn bất cập nhằm hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng phục vụ hiệu quả công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Vướng mắc đối với quy định về trách nhiệm của Chủ đầu tư trong việc quyết định áp dụng các định mức dự toán mới, định mức điều chỉnh để lập dự toán xây dựng công trình và kiến nghị bổ sung quy định giao chủ đầu tư thoả thuận với cơ quan ban hành định mức trước khi áp dụng để lập dự toán xây dựng công trình, nhằm bảo vệ chủ đầu tư trong khâu hậu kiểm.
Đối với nội dung này: Điều 21 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đã quy định đầy đủ trách nhiệm cho các chủ thể có liên quan (từ đơn vị tư vấn chuyên môn đến cơ quan chuyên môn về xây dựng) trong việc xác định và thẩm định định mức dự toán làm cơ sở để chủ đầu tư quyết định việc sử dụng định mức phục vụ công tác lập dự toán xây dựng. Đồng thời, khoản 4 Điều 132 Luật Xây dựng đã quy định rõ “việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng phải được thực hiện trên cơ sở điều kiện, cách thức xác định chi phí đầu tư xây dựng đã được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chấp thuận phù hợp với các quy định, hướng dẫn về lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng và trình tự đầu tư xây dựng”.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc đề xuất bổ sung thêm quy định lấy ý kiến thống nhất của cơ quan ban hành định mức nhằm bảo vệ các chủ đầu tư trong khâu hậu kiểm là không hợp lý và sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính, tăng thời gian chuẩn bị dự án khi chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục thỏa thuận với cơ quan ban hành định mức trước khi áp dụng. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát các nội dung phản ánh vướng mắc liên quan đến việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình kiểm toán, thanh tra để nghiên cứu, sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định theo thẩm quyền nhằm hạn chế vướng mắc trong khâu hậu kiểm.
1.2.3. Về các văn bản hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Về hệ thống định mức xây dựng: Một số kiến nghị về việc nghiên cứu, sửa đổi phương pháp xây dựng và ban hành định mức theo nhiều phương pháp như tính toán từ dây truyền công nghệ, thiết bị thi công; tham khảo các định mức đã ban hành có tính chất tương tự; tổng kết từ quá trình thi công…
Đối với nội dung này: Phụ lục III Thông tư số 13/2021/TT-BXD đã quy định cụ thể 03 phương pháp để xác định định mức dự toán, tuy nhiên tại một số dự án phức tạp, có công nghệ thi công mới vẫn còn lúng túng trong khâu tổ chức thực hiện, xây dựng định mức. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về việc giao Bộ Xây dựng “hướng dẫn phương pháp xác định định mức xây dựng”; trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện thêm hướng dẫn làm rõ hơn các quy định về biểu mẫu, hướng dẫn các nội dung khảo sát, xác định định mức xây dựng cho một số trường hợp điển hình để thuận tiện cho các chủ thể áp dụng trong việc tổ chức xác định định mức xây dựng.
Một số định mức xây dựng sử dụng chung đã ban hành nhưng chưa phù hợp; thiếu định mức chi phí cho một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng; chưa quy định định mức chi tiết cho từng công việc khi áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM).
Đối với nội dung này: Để xử lý những tồn tại, bất cập này, Bộ Xây dựng đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD theo nội dung tại mục 2 Phần I Báo cáo này.
Về hệ thống giá xây dựng: Một số kiến nghị về việc bổ sung quy định hướng dẫn khảo sát, xác định giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình công bố để các địa phương thống nhất thực hiện; rà soát sửa đổi phương pháp xác định đơn giá nhân công và khung đơn giá nhân công; bổ sung dữ liệu suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình.
Đối với nội dung này: Bộ Xây dựng đã dự thảo văn bản hướng dẫn về khảo sát giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình và hiện đang gửi xin ý kiến của các cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện ban hành. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát và nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện phương pháp xác định giá nhân công và kiện toàn công tác tổng hợp số liệu, dữ liệu chi phí phục vụ xây dựng bổ sung các dữ liệu về suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá tổng hợp; đồng thời tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá tổng hợp các bộ phận kết cấu công trình trong đó tập trung vào những công trình giao thông trọng điểm, công trình đặc thù, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, dần dần thay thế cho công cụ định mức xây dựng, đơn giá chi tiết.
1.2.4. Về việc hướng dẫn xác định chi phí vật liệu tại mỏ của các dự án trọng điểm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông áp dụng cơ chế đặc thù
Một số cơ chế đặc thù lần đầu được áp dụng nên trong thực tiễn triển khai còn nhiều lúng túng, chưa thống nhất giữa các địa phương, dự án và ngay tại cùng một dự án. Đặc biệt việc áp dụng cơ chế giao trực tiếp cho nhà thầu khai thác mỏ đất, cát để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 311/TB-VPCP ngày 07/8/2023 đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc:
Xác định các chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu xây dựng, trong đó nổi bật là việc xác định chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất tại các mỏ vật liệu.
Phân định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc công bố giá vật liệu xây dựng.
Nguyên nhân cơ bản của các tồn tại, bất cập này là do: Theo quy định hiện hành, việc xác định/công bố giá vật liệu áp dụng chung trên địa bàn thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh; Chủ đầu tư quyết định áp dụng giá khi phê duyệt dự toán xây dựng. Vì vậy, việc giao UBND các tỉnh công bố giá vật liệu xây dựng của từng dự án cụ thể là chưa phù hợp với quy định.
Các mỏ vật liệu khai thác theo cơ chế đặc thù không thuộc các trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai; việc chuyển nhượng được giao cho nhà thầu chủ động thỏa thuận với người dân.
Khi lập tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu, ký kết hợp đồng, các chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu chưa được xác định theo phương án giao mỏ cho nhà thầu thi công khai thác.
Đối với nội dung này: Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của các cơ quan/đơn vị tại Hội nghị trực tuyến ngày 29/01/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản hướng dẫn nguyên tắc tính toán, xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, trong đó đã (i) làm rõ thẩm quyền của UBND các tỉnh, các chủ đầu tư; (ii) hướng dẫn nguyên tắc tính toán, xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù; (iii) hướng dẫn xác định chi phí theo từng giai đoạn triển khai. Đối với vướng mắc về việc xác định chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất liên quan đến các cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể theo nội dung tại mục 4 Phần II Báo cáo này.
Sau khi Bộ Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn, có địa phương tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể hơn về cách xác định từng khoản mục chi phí, ban hành một số định mức trong công tác khai thác vật liệu xây dựng, làm rõ thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt các khoản mục chi phí. Bên cạnh đó, có địa phương đã dự thảo “Hướng dẫn xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù” để áp dụng chung trên địa bàn.
Do các khoản mục chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và việc xác định các khoản mục chi phí này đã cơ bản đầy đủ trong quy định pháp luật. Vì vậy, Bộ Xây dựng chỉ hướng dẫn về nguyên tắc đối với các nội dung thuộc phạm vi quản lý để các địa phương thống nhất về cách hiểu, làm cơ sở áp dụng pháp luật đồng bộ, chưa đủ điều kiện để hướng dẫn cụ thể/ công bố áp dụng chung trên toàn quốc đối với những nội dung khác có liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh để theo dõi, đánh giá và kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư và hợp đồng xây dựng; và kịp thời hướng dẫn các chủ thể có liên quan và/ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất giải pháp xử lý trong trường hợp cần thiết.
2. Về công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức đã được Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền
Trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và kết quả triển khai Đề án 2038, Bộ Xây dựng đã ban hành và định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật hệ thống định mức xây dựng thuộc phạm vi quản lý Nhà nước được phân công phụ trách và về cơ bản đã bao quát được các công tác xây dựng phổ biến, áp dụng chung, dần tiệm cận với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Theo đó, Bộ Xây dựng đã rà soát, ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD khoảng 15.700 định mức xây dựng, với phạm vi rộng bao quát tất cả các công tác xây dựng, các công tác tư vấn xây dựng thuộc 05 loại hình công trình xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD, trong đó đã sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung khoảng 219 định mức xây dựng, trong đó tập trung vào các nhóm định mức sau:
Sửa đổi 129/219 và bổ sung 50/219 định mức dự toán công tác xây dựng công trình giao thông để giải quyết một số vướng mắc do thiếu định mức hoặc định mức ban hành còn bất cập đối với các công tác xây dựng công trình giao thông nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông trọng điểm.
Bổ sung 40 định mức chi phí tư vấn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong công tác lập dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư và bổ sung quy định cụ thể hướng dẫn xác định chi phí áp dụng BIM cho công tác tư vấn thiết kế.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các nội dung bất cập trong hệ thống định mức xây dựng sử dụng chung theo các nội dung phản ánh nhận được, trong đó, tập trung rà soát điều chỉnh, bổ sung một số định mức dự toán các công tác xây dựng cần thiết của công trình giao thông theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. Để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo có đầy đủ thông tin, số liệu, Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để khẩn trương tổ chức khảo sát thực tế tại các dự án, công trình xây dựng giao thông đang triển khai để bổ sung đầy đủ căn cứ, cơ sở dữ liệu phục vụ việc rà soát điều chỉnh, bổ sung các định mức dự toán này.
3. Về công tác phối hợp với các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương tổ chức xây dựng định mức dự toán đặc thù
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương tổ chức rà soát tổng thể hệ thống định mức chuyên ngành, đặc thù nhằm loại bỏ những định mức đã lạc hậu, không còn phù hợp, hiệu chỉnh và ban hành bổ sung các định mức cho các loại vật liệu, công nghệ mới. Qua báo cáo của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương, việc rà soát định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù hiện nay đã được các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Phần lớn UBND các tỉnh đều nhận diện được các nội dung bất cập hoặc thiếu định mức dự toán theo đặc thù của một số vùng, miền để phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn, trong đó một số địa phương đã triển khai rà soát và gửi hồ sơ kết quả thực hiện xin ý kiến Bộ Xây dựng theo quy định; một số địa phương đã lập kế hoạch tổ chức rà soát, xác định các định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù trên địa bàn và gửi về Bộ Xây dựng để phối hợp theo quy định.
Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đã ban hành các định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù chuyên ngành và đều đang triển khai công tác rà soát, cập nhật định mức theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP; tuy nhiên, vẫn còn thiếu định mức dự toán xây dựng trong một số lĩnh vực chuyên ngành và định mức công tác có công nghệ thi công mới.
Riêng đối với các định mức công trình giao thông: Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải về danh mục các định mức dự toán xây dựng còn thiếu hoặc bất cập theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (khoảng 547 định mức gồm: 315 định mức công trình đường bộ; 178 định mức công trình đường sắt và 54 định mức công trình hàng không) để phân định rõ phạm vi, trách nhiệm làm cơ sở tổ chức rà soát theo quy định. Trong đó:
Khoảng 60 định mức dự toán đã được Bộ Xây dựng sửa đổi, cập nhật tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 12/2021/TT-BXD đang gửi lấy ý kiến.
Đối với 487/547 định mức còn lại: Tại cuộc họp ngày 27/5/2024, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đã thảo luận về việc phân định danh mục các định mức thuộc phạm vi trách nhiệm triển khai rà soát của từng Bộ, trong đó đã thống nhất và triển khai một số nội dung:
Về định mức công trình đường sắt: Ngày 14/6/2024, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát và có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất về danh mục định mức đặc thù chuyên ngành đường sắt (128/178 định mức) thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Giao thông vận tải.
Về một số định mức có ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm: Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đã triển khai kế hoạch tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu trực tiếp tại một số dự án giao thông, làm cơ sở bổ sung số liệu điều chỉnh, bổ sung một số định mức của một số công tác xây dựng có ảnh hưởng lớn trong công trình giao thông; dự kiến kế hoạch khảo sát trong tháng 6-7/2024. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành 02 văn bản gửi UBND các tỉnh và gửi các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải đề nghị cung cấp thêm hồ sơ, tài liệu, thông tin liên quan làm cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung định mức cho các công tác này, để kịp thời phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm trong thời gian tới.
Về các định mức còn lại: Một số định mức có sự giao thoa giữa công tác xây dựng chung và công tác xây dựng đặc thù chuyên ngành giao thông vận tải. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án thực hiện trách nhiệm tổ chức xác định định mức công trình theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn phương pháp xác định định mức dự toán công trình xây dựng tại Phụ lục III Thông tư số 13/2021/TT-BXD để cung cấp dữ liệu định mức công trình theo quy định làm căn cứ, cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các định mức này.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục: Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý định mức xây dựng và tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ xác định định mức xây dựng cho các chủ thể có liên quan.
Kiện toàn công tác tổ chức rà soát hệ thống định mức xây dựng trên cơ sở thống nhất kế hoạch rà soát tổng thể các định mức chuyên ngành, đặc thù với các Bộ, ngành, địa phương; quy định, hướng dẫn rõ hơn về phạm vi, trách nhiệm, cách thức phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước để nâng cao chất lượng công tác quản lý, tổ chức thực hiện rà soát, cập nhật định mức xây dựng; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định và danh mục các định mức dự toán xây dựng sử dụng chung và định mức chuyên ngành, đặc thù trong một số lĩnh vực.
Nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung hướng dẫn trong phương pháp xây dựng định mức; bổ sung một số nội dung hướng dẫn trong công tác khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu làm cơ sở xác định định mức để tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cơ quan và các chủ thể có liên quan, tận dụng dữ liệu tại các dự án/công trình và sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin (nếu có) để rút ngắn thời gian, quy trình xây dựng và ban hành các định mức còn thiếu.
Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống mã hiệu định mức xây dựng thống nhất làm cơ sở áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sắp xếp, hệ thống hóa danh mục định mức dự toán xây dựng.
Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc UBND các tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước liên quan đến việc công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công theo định kỳ. |
4. Về công tác hướng dẫn, đôn đốc các địa phương công bố giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng
Trong giai đoạn vừa qua, nhìn chung các địa phương đã ban hành đầy đủ các bộ đơn giá xây dựng; đã thực hiện xác định và công bố các thông tin về giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng cơ bản đúng quy định về danh mục, thời gian và tần suất công bố. Tuy nhiên, trên cơ sở các phản ánh nhận được, hệ thống giá xây dựng vẫn còn một số tồn tại, bất cập, trong đó bao gồm việc chậm công bố chỉ số giá, giá xây dựng theo tần suất quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, đặc biệt là trong giai đoạn biến động giá; chưa công bố chỉ số giá xây dựng cho một số loại hình công trình đặc thù, chưa công bố đầy đủ, đúng theo phương pháp/nguồn dữ liệu quy định dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc xác lập, quản lý chi phí và thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đôn đốc UBND các tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước liên quan đến việc công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công theo định kỳ, nhất là đối với các địa phương có các dự án công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Trong đó:
Đề nghị UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc thực hiện công bố kịp thời, đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định của pháp luật đối với giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy và chỉ số giá xây dựng; đồng thời cập nhật đầy đủ dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.
Đối với các địa phương có các dự án công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, đề nghị Sở Xây dựng các tỉnh chủ động, phối hợp với chủ đầu tư, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy thi công và chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh, bổ sung công bố giá kịp thời; đồng thời hướng dẫn theo thẩm quyền khi chủ đầu tư có yêu cầu cho ý kiến về tính đúng đắn, sự phù hợp của căn cứ, phương pháp xác định đơn giá nhân công, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng để áp dụng cho công trình và các chi phí có liên quan đến khai thác vật liệu xây dựng tại mỏ theo cơ chế đặc thù.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục: Tăng cường phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về việc khảo sát thu thập số liệu, cách thức xác định giá vật liệu, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng; vận hành và khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc công bố hệ thống giá xây dựng trên địa bàn.
Đề xuất, kiến nghị
Để đảm bảo triển khai, thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về “bất khả kháng” và “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” tại Bộ luật Dân sự.
Chỉ đạo các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các tỉnh thống nhất quan điểm, coi nhiệm vụ quản lý hệ thống định mức và giá xây dựng được Chính phủ phân công tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP là các nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên tập trung, chủ động bố trí nguồn lực triển khai thực hiện; lập kế hoạch thực hiện hàng năm, tập trung hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo phân cấp, phân quyền đảm bảo cung cấp đầy đủ công cụ định mức, giá xây dựng, kịp thời phản ánh được các biến động của thị trường và yêu cầu thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý Nhà nước được phân công phụ trách.
Chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tập trung rà soát, xác định các định mức dự toán mới, các định mức dự toán còn bất cập có tính cấp thiết và phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để tổ chức rà soát, khảo sát, cập nhật làm cơ sở lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông.
Đối với các dự án trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông áp dụng cơ chế đặc thù: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, theo chức năng, thẩm quyền, nghiên cứu, xây dựng, ban hành một quy trình thống nhất trong đó phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong việc chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất và xác định, ban hành, công bố khung đơn giá đền bù và thu hồi đất tại các mỏ vật liệu khai thác theo cơ chế đặc thù làm cơ sở triển khai thực hiện.
Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vai trò người quyết định đầu tư/hoặc có dự án trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đi qua: Phối hợp, kịp thời hướng dẫn chủ đầu tư xác định và phê duyệt các khoản mục chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù theo thẩm quyền làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư, phù hợp quy định pháp luật.
Chỉ đạo các cơ quan quản lý tại địa phương kịp thời cho ý kiến đối với các khoản mục chi phí có liên quan do địa phương công bố/quy định theo đề nghị của Chủ đầu tư.
Chỉ đạo các Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chủ động, nâng cao năng lực để thực hiện đầy đủ, đúng trách nhiệm của mình trong việc xác lập chi phí theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với mặt bằng giá thị trường; kịp thời cung cấp các thông tin cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng để có cơ sở hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, định mức và giá xây dựng.
Tuệ Minh
Theo