Chủ nhật 05/05/2024 11:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vì sao Tập đoàn Thiên Thanh muốn tiếp tục thực hiện dự án Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng?

14:07 | 17/07/2020

(Xây dựng) - Tập đoàn Thiên Thanh sau một thời gian dài thực hiện các Quyết định, bản án đã bất ngờ công bố tính pháp lý và kế hoạch muốn tiếp tục thực hiện dự án Sân vận động Chi Lăng tại thành phố Đà Nẵng.

vi sao tap doan thien thanh muon tiep tuc thuc hien du an san van dong chi lang da nang
Nhà đầu tư muốn xây dựng Sân vận động Chi Lăng thành công trình điểm nhấn kiến trúc hiện đại trong tương lai.

Tại buổi họp báo tổ chức mới đây ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đỗ Văn Quất - thành viên Hội đồng cố vấn Tập đoàn Thiên Thanh khẳng định, Tập đoàn Thiên Thanh quyết tâm thực hiện dự án thành công như những gì đã đăng ký với UBND thành phố Đà Nẵng cuối năm 2010. Đó là xây dựng Sân vận động Chi Lăng thành khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng mang tầm cỡ châu lục, tạo điểm nhấn về kiến trúc, có giá trị lâu dài cho thành phố. Đồng thời, Tập đoàn Thiên Thanh hoàn toàn có đủ nguồn lực để tổ chức đầu tư thành công dự án này như đã đăng ký.

“Chúng tôi mong muốn chính quyền cũng như người dân thành phố Đà Nẵng hiểu được những khó khăn, thiệt hại mà Tập đoàn Thiên Thanh phải gánh chịu trong thời gian qua, tiếp tục tạo điều kiện để chúng tôi có thể hỗ trợ, chia sẻ, hợp tác với thành phố thực hiện thành công dự án này, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng”, ông Đỗ Văn Quất bày tỏ.

Luật sư Phan Trung Hoài - Thành viên nhóm Luật sư đại diện ông Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh cho biết: Câu chuyện pháp lý ở đây là để triển khai thực hiện dự án, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh phải tôn trọng, thực thi, phải thực hiện bản án, thanh toán nợ gốc theo quyết định của toà án và để có được pháp lý sạch cho dự án.

Trên tinh thần đó, về phía Tập đoàn Thiên Thanh và sự quan tâm của nhà đầu tư là hướng đến việc triển khai thực hiện với sự đồng thuận cao của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ý nguyện của người dân, tức là phải làm thế nào phát triển dự án không trở thành điểm nóng ở địa phương, phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế Đà Nẵng, do vậy cần sự chia sẻ một cách thấu đáo, một nguồn lực và cách thức giải pháp về pháp lý chuẩn mực theo quy định của pháp luật.

Nộp tiền nhanh giảm 10% là chính sách chung của Đà Nẵng

Liên quan đến các câu hỏi của phóng viên tại họp báo, ông Đỗ Văn Quất dẫn giải, căn cứ vào thông báo của chính quyền Đà Nẵng trong việc mời gọi đầu tư thì dự án có tổng diện tích 55.064m2 bao gồm 4 mặt tiền đường, đơn giá là đơn giá đất ở; không có nội dung nào nêu đây là đất kinh doanh dịch vụ. Vì vậy, sau khi Tập đoàn Thiên Thanh trả tiền thì chính quyền Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời hạn sử dụng là lâu dài. Sau đó, toàn bộ dự án được phân thành 14 lô, trong đó, 10 lô được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc cấp Giấy chứng nhận này là trách nhiệm của thành phố Đà Nẵng, sau khi Tập đoàn Thiên Thanh nộp đủ số tiền trong vòng 60 ngày thì được giảm 10% và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về phía Tập đoàn là không có sai phạm gì.

Về giá trị thực thi bản án, Luật sư Phan Trung Hoài tính toán, tổng số tiền thi hành án theo 15 Quyết định của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng là hơn 3.946 tỷ đồng nợ gốc. Nợ gốc là theo quan hệ các hợp đồng về tín dụng và có tài sản đảm bảo chứ không phải có khoản vay nợ lớn. Kèm theo số nợ gốc sẽ có các khoản lãi phát sinh.

Câu chuyện đặt ra là quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành các Quyết định thi hành án, và với tư cách đối tượng phải thi hành án, hiện nay giữa Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng CB (hiện đang nắm giữ 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đã có nhiều buổi làm việc trao đổi liên quan đến việc tiếp tục thi hành án.

Đặt trong tổng thể thi hành án, sau khi kết thúc giai đoạn 2 của vụ án thì Tập đoàn Thiên Thanh được trả lại 4.500 tỷ đồng và trực tiếp trong Quyết định của bản án năm 2019 đã được đối trừ, ngân hàng CB trả lại 1.200 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện dự án, thực tế Tập đoàn Thiên Thanh chỉ nhận được 5% mặt bằng do đó không thể triển khai thực hiện dự án. Các văn bản pháp lý của UBND thành phố Đà Nẵng là cơ sở để Tập đoàn Thiên Thanh triển khai dự án.

Trong quá trình giải quyết vướng mắc, khi giải quyết và đảm bảo thực hiện bản án phúc thẩm trên cơ sở đối trừ theo phán quyết của bản án đồng thời đảm bảo có cơ sở để giải quyết liên quan đến phần nợ còn tồn đọng.

Để giải quyết những vướng mắc tồn đọng, tạo sự đồng thuận trên cơ sở tính khả thi của dự án, Tập đoàn Thiên Thanh mong muốn mong muốn UBND thành phố Đà Nẵng, các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho Tập đoàn Thiên Thanh bố trí buổi làm việc tháo gỡ những vướng mắc của dự án.

Nhiều đối tác ngoại sẵn sàng tham gia đầu tư vào dự án

Luật sư Trần Minh Hải - đại diện ông Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh nhấn mạnh lý do Tập đoàn Thiên Thanh quyết tâm triển khai đến cùng dự án: Hiện nay, Tập đoàn Thiên Thanh có khả năng giải quyết các khoản công nợ liên quan đến ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh trong tầm tay. Việc triển khai dự án này nằm trong việc xử lý khắc phục khoản nợ tại ngân hàng CB nên không đi lệch lại bản án đã tuyên. Đồng thời, khi triển khai dự án, dự án được đánh giá là vô cùng tiềm năng, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và quan tâm.

Luật sư Vũ Thị Hương Thảo - thành viên nhóm Luật sư đại diện ông Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh cho biết, về tính pháp lý của dự án tại Sân vận động Chi Lăng của Tập đoàn Thiên Thanh thì Tập đoàn có đầy đủ căn cứ pháp lý thực hiện dự án, cụ thể:

Dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền của Đà Nẵng phê duyệt; đã có Quyết định về các chỉ tiêu kiến trúc xây dựng như khu đất xây khu thương mại phức hợp với mật độ xây dựng 60%; chiều cao tối đa 60 tầng với từ 3 - 4 tầng hầm. Trên cơ sở phê duyệt của thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn Thiên Thanh đã thực hiện việc mua khu đất này theo đúng quy định của pháp luật, được cơ quan thẩm quyền của Đà Nẵng phê duyệt.

Trên thực tế, Tập đoàn Thiên Thanh cũng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, thực hiện 1 lần vào ngày 28/10/2010, tức về nghĩa vụ Tập đoàn đã thực hiện 1 cách đầy đủ. Hiện tại, các Giấy chứng nhận tại khu đất này đang được kê biên để đảm bảo nghĩa vụ cho ngân hàng Xây dựng và ngân hàng Agribank chi nhánh Láng Hạ đối với các nghĩa vụ của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.

“Chúng tôi thấy rằng có đầy đủ căn cứ pháp lý về Luật Thi hành án dân sự để Tập đoàn có thể thỏa thuận với 2 ngân hàng này thực hiện nghĩa vụ của mình và nhận lại các tài sản đang được kê biên” – Luật sư Hương Thảo khẳng định.

Tập đoàn Thiên Thanh cũng cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đã có cam kết, ký thỏa thuận bước đầu với Tập đoàn, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ cho ông Phạm Công Danh và Tập đoàn đối với các ngân hàng này, sau đó các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư để xây dựng, thực hiện dự án theo đúng quy hoạch của thành phố Đà Nẵng.

Ninh Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load