(Xây dựng) - Dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã có tới 7 văn bản chỉ đạo về việc xử lý dứt điểm các xưởng gỗ keo vi phạm tại địa bàn toàn tỉnh (trong đó có Thạch Thành) và sự lên tiếng của công luận, cho đến nay, các điểm thu mua, chế biến gỗ keo trái phép tại huyện Thạch Thành vẫn hoạt động bình thường như chưa hề bị kiểm tra, xử phạt.
Cơ sở kinh doanh của hộ ông Đàm Minh Tuyến, xã Thạch Quảng xuất hiện thêm 5 căn lều mái tôn và vẫn hoạt động bình thường sau khi bị xử phạt. |
“Xem nhẹ” chỉ đạo của cấp trên?
Trước thực trạng này, Báo điện tử Xây dựng đã có bài “Thạch Thành (Thanh Hóa): “Trên quyết liệt, dưới thờ ơ” trong xử lý các điểm thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm” đăng tải ngày 01/4/2024. Bài viết phản ánh về tình trạng các xưởng gỗ keo trái phép tại Thạch Thành, mặc dù đã bị kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của chính quyền từ huyện đến cơ sở, sau khi báo chí lên tiếng, cấp trên “đốc thúc” mới tổ chức kiểm tra, xử phạt xong rồi “cho qua”. Dẫn đến các chủ cơ sở vẫn tiến hành sản xuất, kinh doanh một cách “vô tư”, thoải mái.
Đáng nói hơn, nhằm phản ánh một cách khách quan, trung thực và đa chiều, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã trực tiếp đến UBND huyện Thạch Thành đặt lịch làm việc. Nhưng do thời gian chờ đợi quá lâu, phóng viên đã buộc phải tự liên hệ với các cấp, ngành có thẩm quyền để lấy thông tin, cũng như thâm nhập các xưởng gỗ keo vi phạm để xác minh. Sau khi bài viết được đăng tải, mãi đến ngày 16/4, (sau khi đăng ký lịch làm việc hơn nửa tháng), phóng viên mới được đại diện UBND huyện đồng ý tiếp.
Các vi phạm vẫn “giẫm chân tại chỗ”
Với mong muốn sẽ được cung cấp thông tin mới về những chuyển biến sau khi kiểm tra, xử phạt, tuy nhiên, phóng viên đã hoàn toàn thất vọng về cung cách làm việc của chính quyền huyện Thạch Thành. Bởi trong buổi làm việc này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng chỉ được Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện trao cho một văn bản “Cung cấp thông tin theo đề xuất của báo chí”. Nội dung toàn những thông tin “cũ mèm”, được trích từ báo cáo của UBND huyện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ cuối năm 2023. Tất nhiên, để cho đúng “bài bản” văn bản này cũng có thêm một chút thông tin mới, thể hiện “quyết tâm” của huyện trong xử lý vi phạm. Đó là tiếp nhận thông tin từ báo chí, UBND huyện đã ban hành một số công văn “thúc” các chủ cơ sở vi phạm (chưa nộp tiền phạt) chấp hành Quyết định xử phạt.
Bên cạnh đó, cũng như báo cáo trước đó gửi UBND tỉnh, văn bản này cũng thêm đoạn “khẩu hiệu”, thể hiện sự “kiên quyết” của chính quyền “trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn đôn đốc các cơ sở, cá nhân vi phạm chấp hành nghiêm chỉnh việc khắc phục hậu quả, buộc tháo dỡ các công trình đã xây dựng, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm”.
Kết thúc buổi làm việc chóng vánh vì có hỏi thêm cũng vô ích. Có sự đồng hành của một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (được lãnh đạo cử đi theo đề nghị của báo chí), phóng viên đã có chuyến đi thực tế, đến một số cơ sở từng đến trong chuyến đi trước, mục đích để cùng với người của UBND huyện xác minh việc chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các chủ cơ sở. Đáng buồn là tại các nơi này, hoạt động thu mua chế biến gỗ keo vẫn được tiến hành một cách bình thường, ổn định, mặc kệ sự “chỉ đạo, đôn đốc các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tiếp tục vào cuộc” của huyện.
Căn nhà tôn vi phạm (nằm tại khu đất trống cạnh đống gỗ keo) đã được tháo dỡ, chấp hành một phần việc khắc phục hậu quả của hộ ông Bùi Văn Sứ, xã Thạch Sơn. |
Tại cơ sở thuộc hộ ông Đàm Minh Tuyến, xã Thạch Quảng từng bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng do hành vi “chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp” và “hủy hoại đất”. Kèm biện pháp khắc phục hậu quả “buộc pháp dỡ các công trình vi phạm, khôi phục tình trạng ban đầu của đất”. Nhưng trước mắt vẫn là những đống gỗ keo tròn, những đống gỗ ván, vỏ keo chất đống trên mặt bằng láng bê tông rộng tới vài nghìn m2. Đặc biệt, ngoài những công trình vi phạm đang tồn tại, còn xuất hiện thêm 5 căn nhà mái tôn mới tinh. Được chủ cơ sở dựng lên để dùng làm nhà nghỉ cho công nhân, nhà kho và nơi chứa máy móc.
Cũng ở xã Thạch Quảng, cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Tài Lệ (thôn Phố), đã bị phạt vi phạm hành chính 11 triệu đồng do lấn chiếm đất nông nghiệp (đất lúa). Kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình vi phạm, khôi phục tình trạng ban đầu của đất và trả lại đất lấn chiếm cho UBND xã. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chủ cơ sở sở này vẫn ung dung sử dụng khu đất chiếm dụng trái phép, thậm chí số lượng gỗ keo tập kết tại đây còn nhiều hơn vài lần so với khi bị kiểm tra, xử phạt. Đáng quan tâm hơn, hộ kinh doanh này đã ngang nhiên tập kết cả đống gỗ keo lớn, nằm ngay sát mép đường nhựa và trên hành lang an toàn giao thông của đường Hồ Chí Minh, con đường có mật độ xe lưu thông lớn, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ. Nhưng lạ thay, hành vi này không gặp phải bất kỳ sự kiểm tra, xử lý nào của chính quyền xã, huyện và các cơ quan có thẩm quyền.
Gỗ keo chất đống, tràn ra cả mép đường Hồ Chí Minh trên đất chiếm dụng trái phép của hộ kinh doanh Phan Văn Tài, thôn Phố, xã Thạch Quảng. |
Ngoài 2 trường hợp trên, phóng viên cũng đã tới tìm hiểu tại Cty TNHH Đạm Xuân, địa chỉ thôn Quảng Cộng, xã Thạch Quảng. Đây là một doanh nghiệp thu mua, chế biến gỗ keo được cho là quy mô lớn nhất huyện Thạch Thành, có hồ sơ lâm sản, điều kiện sản xuất, kinh doanh đảm bảo quy định. Tuy nhiên do vi phạm về lĩnh vực đất đai, doanh nghiệp này đã bị UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng. Được biết, khu đất sử dụng sai mục đích là đất nông nghiệp (được san lấp, dùng làm sân phơi vỏ keo) đã được điều chỉnh phù hợp quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất năm 2023, hiện doanh nghiệp đang làm thủ tục để xin cấp phép chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Vỏ gỗ keo chất đống trên phần đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi tại Công ty TNHH Đạm Xuân, xã Thạch Quảng. |
Rời xã Thạch Quảng (một điểm nóng về vi phạm trong thu mua, chế biến gỗ keo), phóng viên tiếp tục ghé một số cơ sở khác trong lĩnh vực này, từng bị kiểm tra xử phạt. Tại hộ kinh doanh mang tên Bùi Văn Sứ (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn), đã bị xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng, buộc phá dỡ các công trình vi phạm. Theo quan sát, hoạt động thu mua, chế biến keo tại đây vẫn diễn ra nhộn nhịp. Tuy nhiên hộ kinh doanh này cũng đã chấp hành một phần về khắc phục hậu quả. Đó là đã tiến hành tháo dỡ căn nhà mái tôn rộng khoảng 200m2 (công trình xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm). Có thể nói, mặc dù chủ cơ sở mới chỉ chấp hành một phần nhỏ trong các yêu cầu khắc phục hậu quả, nhưng đây vẫn là một “điểm sáng hiếm hoi” trong số các cơ sở vi phạm tại Thạch Thành cho đến thời điểm này. Bởi ngoài hộ ông Sứ, các cơ sở khác mà phóng viên tìm đến, tất cả hầu như chưa có bất kỳ một động thái nào trong thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Tại cuộc họp giao ban báo chí quý I/2024, nhằm thúc đẩy việc xử lý, chấm dứt tình trạng “quân hồi vô phèng” trong lĩnh vực thu mua, chế biến gỗ keo. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có ý kiến, nêu rõ thực trạng đang diễn ra tại các huyện có đất trồng rừng của tỉnh. Đồng thời đề nghị các cấp, ngành có thẩm quyền, nhất là UBND tỉnh cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa đối với công tác này. Trong đó cần xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu của các địa phương, không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh, để tình trạng vi phạm tiếp tục tái diễn. Nếu không có các biện pháp mạnh của các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” thì dù các báo chí có vào cuộc như thế nào, kể cả “có viết hàng trăm bài phản ánh” cũng không giải quyết được vấn đề.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng phát biểu về nội dung xử lý các điểm gỗ keo vi phạm tại buổi họp báo quý I/2024. |
Trả lời phản ánh của báo chí, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương vào cuộc, nhưng sự việc chưa được xử lý triệt để. Dưới góc độ tham mưu, Sở xin nhận trách nhiệm trong theo dõi, đôn đốc và báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh để xử lý dứt điểm các vi phạm.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng đã yêu cầu các địa phương phải chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo Phó Chủ tịch, mặc dù tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo xử lý các thông tin từ báo chí. Nhưng tại địa phương, việc “hậu kiểm” sự chấp hành của các cơ sở vi phạm làm chưa đến nơi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, giám sát và thực hiện đối với các cơ sở chưa khắc phục vi phạm. Gắn việc này với xử lý trách nhiệm người đứng đầu của Chủ tịch huyện; Chủ tịch xã, thị trấn để xảy ra vi phạm.
Đào Nguyên – Trần Cường
Theo