Thứ bảy 20/04/2024 07:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tập đoàn Thiên Thanh lật lại pháp lý của dự án tại Sân vận động Chi Lăng

09:28 | 10/07/2020

(Xây dựng) – Ngày 9/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) tổ chức họp báo nhằm làm rõ một số nội dung liên quan Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng (dự án tại Sân vận động Chi Lăng).

tap doan thien thanh lat lai phap ly cua du an tai san van dong chi lang
Luật sư Phan Trung Hoài – Luật sư bảo vệ quyền lợi của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phát biểu tại họp báo.

Về việc Đà Nẵng bán dự án tại Sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh, ông Đỗ Văn Quất - Thành viên Hội đồng cố vấn Tập đoàn Thiên Thanh dẫn giải: Năm 2010, HĐND thành phố Đà Nẵng đã có Nghị quyết số 105/2010/NQ-HĐND trong đó di dời Sân vận động Chi Lăng, triển khai dự án xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân mới tại Khu đô thị Nam cầu Cẩm Lệ, đồng thời kêu gọi đầu tư dự án tại địa điểm Sân vận động Chi Lăng để tạo nguồn kinh phí phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Đây là thời điểm kinh tế thế giới, khu vực, Việt Nam và tại chính thành phố Đà Nẵng hết sức khó khăn vì nguyên nhân khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2010.

Trên tinh thần đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Sơ đồ ranh giới sử dụng đất dự án (Quyết định số 6638/QĐ-UBND ngày 6/9/2010), quyết định thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng (Quyết định số 6754/QĐ-UBND ngày 7/9/2010), quyết định thu hồi đất giao đất cho Công ty quản lý và khai thác đất thành phố Đà Nẵng để thực hiện (Quyết định số 6836/QĐ-UBND ngày 9/9/2010), quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các khu tái định cư...

Đặc biệt, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt các chỉ tiêu quản lý kiến trúc xây dựng (loại hình công trình: phức hợp, mật độ xây dựng: 60%, chiều cao tầng tối đa: 60 tầng, tầng hầm: từ 3 - 4… (Quyết định số 5708/QĐ-UBND ngày 17/9/2010) và quyết định về giá đất là đất ở để kêu gọi đầu tư dự án (Quyết định số 7104/QĐ-UBND ngày 17/9/2010).

Từ các quyết định trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã đăng thông tin mời gọi đăng ký đầu tư dự án tại Sân vận động Chi Lăng với thời hạn cuối là 16h ngày 06/10/2010, liên tiếp trên nhiều số thuộc Báo Người Lao động và Công an Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Dự án này trên thông tin mời gọi đăng ký đầu tư đã bao gồm đầy đủ các chỉ tiêu quản lý kiến trúc xây dựng, đơn giá đất là đất ở và UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố chi tiết nội dung này (Báo cáo số 147/BC-UBND ngày 22/9/2010).

Từ thông tin này, Tập đoàn Thiên Thanh đã đăng ký tham gia. Căn cứ từ các văn bản và các quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng (Công văn số 6381/UBND-QLDTh ngày 12/10/2010), khẳng định Tập đoàn Thiên Thanh là nhà đầu tư đã trúng trong đợt mời gọi đầu tư này. Thực tế, tại thời điểm kinh tế khó khăn năm 2010 chỉ có duy nhất 01 nhà đầu tư là Tập đoàn Thiên Thanh đăng ký tham gia đợt mời gọi đầu tư.

Về chính sách giảm 10% tiền sử dụng đất cho dự án, vị đại diện Tập đoàn Thiên Thanh cho biết: Nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào Đà Nẵng nộp tiền sử dụng đất một lần trong vòng 60 ngày để tạo nguồn kinh phí phát triển thành phố, ngay từ tháng 8 năm 2009 các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đà nẵng như HĐND, UBND thành phố đã có chủ trương và các quyết định về việc giảm 10% cho tất cả các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khi nộp tiền sử dụng đất trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng (Quyết định số 6644/QĐ-UBND ngày 28/8/2009). Chính sách này là của Đà Nẵng, các doanh nghiệp chỉ thực hiện theo các văn bản và quyết định đã có và được sự cho phép của Đà Nẵng.

Từ chủ trương của thành phố Đà Nẵng về giảm 10% nói trên và quyết định được trúng trong đợt mời gọi đầu tư, Tập đoàn đã ký kết Hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất và Phụ lục hợp đồng với Công ty quản lý và khai thác đất thành phố Đà Nẵng vào ngày 29/10/2010 (Hợp đồng số 328/HĐ-GQSDĐ/KTQĐ và Phục lục hợp đồng số 01/PLHĐ-GQSDĐ).

Theo đó, khi Tập đoàn đã nộp tiền sử dụng đất theo giá đất ở trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, Tập đoàn sẽ được giảm 10% số tiền này (Công văn số 7536/UBND-QLĐTh ngày 26/11/2010). Các chứng từ chuyển tiền và các xác nhận của UBND thành phố Đà Nẵng cùng Công ty quản lý và khai thác đất thành phố Đà Nẵng khẳng định, đúng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, số tiền của Tập đoàn đã chuyển vào tài khoản của Công ty quản lý và khai thác đất thành phố Đà Nẵng (Công văn số 4060/QĐ-UBND ngày 7/6/2012).

“Tập đoàn đã thực hiện theo đúng chủ trương của Đà Nẵng”, ông Đỗ Văn Quất khẳng định.

tap doan thien thanh lat lai phap ly cua du an tai san van dong chi lang
Toàn cảnh họp báo chiều 9/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án, ông Đỗ Văn Quất tiếp tục giải thích, chủ trương của thành phố Đà Nẵng đối với tất cả các dự án mời gọi đầu tư tại thời điểm 2010 là thành phố Đà Nẵng thu tiền sử dụng đất và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Việc cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trách nhiệm của Đà Nẵng khi nhà đầu tư đã hoàn tất đúng trách nhiệm của mình theo quy định của thành phố Đà Nẵng (Công văn số 6851/UBND-QLĐTh ngày 01/11/2010 và Điều khoản tại HĐ số 328/HĐ-GQSDĐ/KTQĐ và PL HĐ số 01/PLHĐ-GQSDĐ).

Điều này được thể hiện tại các quyết định, các văn bản và chính trên Hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất và Phụ lục hợp đồng đã ký, trả tiền cho đất là đất ở lâu dài. Đặc biệt, vì lý do phải giải phóng mặt bằng trên khuôn viên dự án, UBND thành phố Đà Nẵng đưa ra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo các đợt khác nhau (CV số 7120/UBND-QLĐTh ngày 10/11/2010, QĐ số 9388/QĐ-UBND ngày 03/12/2010).

Đây cũng là một nguyên nhân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thành nhiều lần, nhiều sổ (10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Căn cứ Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP thì việc tách thửa theo nhu cầu của người sử dụng là đúng luật định.

Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án, UBND thành phố Đà Nẵng cam kết bằng văn bản sẽ bàn giao mặt bằng dự án sạch 18 tháng kể từ ngày ký và thực hiện hợp đồng và đây là trách nhiệm của Đà Nẵng (CV số 6851/UBND-QLĐTh ngày 01/11/2010).

Thành phố Đà Nẵng liên tục có văn bản gửi Tập đoàn để lùi thời hạn này (Thông báo số 63/TB-UBND ngày 19/5/2011 thông báo cuộc họp của UBND thành phố Đà Nẵng với Chủ tịch HĐND thành phố về công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án, Công văn số 149/UBND-QLĐBGT ngày 31/5/2011, Công văn số 3418/UBND-QLĐBGT ngày 14/6/2011 về vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng, Công văn số 3089/TTHLĐTVĐV ngày 15/6/2011 về đề nghị lùi thời gian bàn giao mặt bằng, Công văn số 5396/UBND-QLĐBGT ngày 5/9/2011, Công văn số 568/UBND-QLĐBGT ngày 3/2/2012, Công văn số 43/BQL-TBPMB ngày 13/1/2019 liên quan đến việc còn 29 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng).

Trên thực tế, cho đến hết năm 2014 diện tích được bàn giao cho Tập đoàn chỉ khoảng 5% trên tổng diện tích khuôn viên dự án tại Sân vận động Chi Lăng. Cho đến hôm nay (tháng7/2020), vẫn còn khoảng trên 29 hộ dân xung quanh chưa bàn giao mặt bằng cho Ban Đền bù giải phóng mặt bằng thành phố. Giao đất sạch là trách nhiệm của chính quyền Đà Nẵng, căn cứ các văn bản và hợp đồng đã ký đối với các nhà đầu tư đã nộp đủ tiền sử dụng đất khi mời gọi đầu tư.

Về việc thi hành án dân sự đối với dự án tại Sân vận động Chi Lăng, ông Phan Trung Hoài – Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đưa ra các căn cứ vào các quyết định thi hành án dân sự của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng, dự án tại Sân vận động Chi Lăng hiện đang được kê biên giao cho Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam và Agribank Láng Hạ quản lý để thực hiện các nghĩa vụ có liên quan với Tập đoàn Thiên Thanh tại Ngân hàng Xây dựng theo Bản án sơ thẩm số 332/2016/HSST và Bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT.

Ngày 17/5/2019, tại trụ sở Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng, thực hiện Kết luận cuộc họp do lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì và chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự về tài sản kê biên dự án tại sân vận động Chi Lăng, các bên có liên quan đã tiến hành cuộc họp để thỏa thuận theo Luật Thi hành án dân sự 2014.

Cuộc họp bao gồm đại diện của thành phố Đà Nẵng, các Ngân hàng đã có ý kiến việc thi hành án dân sự theo các quyết định các bản án đã có hiệu lực pháp luật là việc của các Ngân hàng và Tập đoàn, không liên quan đến chính quyền Đà Nẵng. Đây cũng là quan điểm của Tập đoàn Thiên Thanh, trên cơ sở sẽ cùng 02 ngân hàng thỏa thuận thực hiện thi hành án dân sự (Biên bản ghi nhận ý kiến thỏa thuận thi hành án dân sự đối với diện tích đất tại dự án, ngày 17/5/2019 tại trụ sở Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng). Tập đoàn khẳng định nguồn tiền sử dụng đất năm 2010 không liên quan đến vụ án tại các bản án trên.

tap doan thien thanh lat lai phap ly cua du an tai san van dong chi lang
Sân vận động Chi Lăng tọa lạc tại phố Ngô Gia Tự, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Liên quan đến kế hoạch phát triển dự án tại Sân vận động Chi Lăng, đại diện Tập đoàn Thiên Thanh đưa ra quan điểm: Tập đoàn là doanh nghiệp có bề dày gần 60 năm trong lĩnh vực thương mại vật liệu xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính, mà khởi nguồn từ Hãng gạch bông Hương Sơn tại Quảng Ngãi. Cùng với việc nỗ lực khắc phục 100% hậu quả vụ án liên quan đến Tập đoàn, năm 2018, Tập đoàn đã ký kết với Tập đoàn Sakae Singapore để: (a) - thực hiện tái cơ cấu toàn diện và (b) - hợp tác đầu tư đối với dự án tại Sân vận động Chi Lăng, đồng thời ký kết với các định chế ngân hàng tài chính trong và ngoài nước, các tập đoàn thi công xây dựng, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng… để hợp tác đầu tư vào dự án này (Hợp đồng ký kết ngày 11/3/2018).

Là doanh nghiệp dẫn đầu trong việc kết nối chuỗi 4 nhà trong những năm 2013- 2014, Tập đoàn đã thúc đẩy mạnh mẽ mô hình kiểm soát nguồn vốn tập trung và đến mắt xích cuối cùng của 1 dự án xây dựng. Ngoài ra từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã có công văn đồng ý với Tập đoàn về phát triển dự án này thành Khu phức hợp thương mại dịch vụ đa ngành trong đó có Trung tâm Thương mại triển lãm xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng - NNT quốc tế, trở thành một đầu tàu là động lực phát triển ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng và kinh tế khu vực miền Trung (Công văn số 1844/BXD-VP ngày 22/10/2012).

Các cổ đông, đối tác chiến lược của Tập đoàn cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư vào dự án đúng theo chủ trương từ năm 2010 của UBND thành phố Đà Nẵng ngay sau khi nhận được mặt bằng sạch, tạo nên Dự án Khu phức hợp có bao gồm Trung tâm Thương mại quốc tế này, là điểm nhấn kiến trúc đô thị của Đà Nẵng.

Tập đoàn Thiên Thanh cho biết, trong nhiều năm qua, theo đề nghị của thành phố Đà Nẵng (Công văn số 7817/UBND-QLĐTư ngày 5/9/2013, Công văn số 404/TTHLĐTVĐV ngày 10/9/2013, Công văn số 10435/UBND-VX ngày 18/11/2014, Công văn số 10156/UBND-QLĐTư ngày 22/12/2015, Công văn số 56/UBND-VX ngày 6/1/2016, Công văn số 213/UBND-VP ngày 28/11/2016), đã nhiệt tình hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho thành phố Đà Nẵng mượn Sân vận động Chi Lăng để làm nơi luyện tập và tổ chức các sự kiện thể thao toàn quốc và của Đà Nẵng.

Tại họp báo, đối với dự án tại Sân vận động Chi Lăng, Tập đoàn Thiên Thanh nhấn mạnh, đã luôn tuân thủ và luôn thực hiện đúng, đầy đủ các trách nhiệm và nghĩa vụ theo các chủ trương, quy định và hướng dẫn của thành phố Đà Nẵng và luôn nỗ lực hợp tác cùng Đà Nẵng trong mọi lĩnh vực.

Hôm nay, dù vẫn chưa nhận được mặt bằng sạch tại dự án, nhưng Tập đoàn khẳng định cam kết đầu tư dự án này, để gắn bó và góp phần vào sự thịnh vượng của Đà Nẵng hiện tại và trong tương lai.

Báo điện tử Xây dựng tiếp tục đăng tải thông tin về dự án này.

Ninh Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load