Thứ sáu 27/09/2024 06:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Tỉnh Thái Nguyên phản hồi về bài báo “Lộ cổ đông nắm quyền kiểm soát dự án thoát nước nghìn tỷ tại Thái Nguyên”

08:37 | 25/10/2017

(Xây dựng) - Phó Trưởng ban Thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước- UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có Văn bản phản hồi về bài báo “Lộ cổ đông nắm quyền kiểm soát dự án thoát nước nghìn tỷ tại Thái Nguyên” được đăng trên Báo điện tử Xây dựng ngày 25/9/2017.


Văn bản phản hồi về bài báo “Lộ cổ đông nắm quyền kiểm soát dự án thoát nước nghìn tỷ tại Thái Nguyên”.

Trong bài viết với tiêu đề “Lộ cổ đông nắm quyền kiểm soát dự án thoát nước nghìn tỷ tại Thái Nguyên”đăng ngày 25/9/2017 Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh: “Ban chỉ đạo cổ phần hóa Cty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng Thái Nguyên đã làm việc một cách thiếu minh bạch khi tổ chức các cuộc họp nhưng đều không có biên bản làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo. Cụ thể chỉ trong 2 tháng 5 và 6/2017 có đến 3 cuộc họp tổ chức vào các ngày 18/5/2017, 22/5/2017 và 9/6/2017 đều không có biên bản. Không những thế, tại cuộc họp ngày 18/5/2017 để thẩm định phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa là ông Dương Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tự mời đại diện Cty CP Tập đoàn Quốc tế Đông Á, ông Nguyễn Quang Mãi tham gia họp tại Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên…”

Liên quan đến bài báo này, ngày 29/9/2017 ông Dương Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư- Phó trưởng ban Thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước - UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Báo cáo số 2410a/SKHĐT-ĐMDN gửi Báo Xây dựng và các cơ quan chức năng “làm rõ thông tin Báo Xây dựng điện tử phản ánh”.

Thực hiện đúng quy định của Luật Báo chí và để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Xây dựng đăng nguyên văn nội dung báo cáo này trước khi tiếp tục cung cấp thông tin về những “lùm xùm” cổ phần hóa tại đây.


Trang 1 văn bản phản hồi về bài báo “Lộ cổ đông nắm quyền kiểm soát dự án thoát nước nghìn tỷ tại Thái Nguyên”.


Trang 4 văn bản phản hồi về bài báo “Lộ cổ đông nắm quyền kiểm soát dự án thoát nước nghìn tỷ tại Thái Nguyên”.

Báo cáo của Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước- UBND tỉnh Thái Nguyên viết: “Thực hiện văn bản số 1143/STTTT-TTBCB ngày 16/9/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên về việc xác minh, xử lý nội dung thông tin về bài báo “Lộ cổ đông nắm quyền kiểm soát dự án thoát nước nghìn tỷ tại Thái Nguyên” trên Báo Xây dựng điện tử ngày 25/9/2017.

Qua nghiên cứu, Thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước (Ban ĐM&PTDNNN) thấy rằng bài báo có nhiều nội dung phản ánh không có cơ sở, thậm chí sai sự thật, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến uy tín của tập thể, cá nhân Ban chỉ đạo cổ phần hóa và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể:

1-Về nội dung báo nêu “ấn định” nhà đầu tư:

Cty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng Thái Nguyên (Cty thoát nước) đang thực hiện quá trình cổ phần hóa theo Quyết định số 869/QĐ-UBND ngày 26/4/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên và Quyết định số 2128/QĐ-UBND ngày 13/7/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc điều chỉnh phương thức và kế hoạch cổ phần hóa Cty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng Thái Nguyên.

Trong quá trình thực hiện các bước cổ phần hóa, Cty và các cơ quan hữu quan đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND tỉnh Thái Nguyên. Việc tổ chức thực hiện được giao cho Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, có sự chỉ đạo sát sao của Ban ĐM&PTDNNN và UBND tỉnh, thực hiện đúng luật, khách quan.

Mặt khác, theo quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Sau khi có phương án cổ phần hóa được phê duyệt, việc tổ chức thực hiện bán cổ phần theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường. Do vậy không có chuyện Ban Chỉ đạo “ấn định” nhà đầu tư như Báo nêu.

2- Về nội dung: Mời đại diện Cty CP Tập đoàn quốc tế Đông Á họp về thẩm định phương án cổ phần tại Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Nội dung báo phản ánh là không đúng. Vì hiện nay Cty chưa trình hồ sơ thẩm định phương án cổ phần hóa, Ban Chỉ đạo không mời nhà đầu tư làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trên thực tế nhà đầu tư có đề nghị được cung cấp thông tin về các hoạt động đầu tư, chủ trương và kế hoạch cổ phần hóa Cty thoát nước. Thường trực Ban ĐM&PTDNNN đã cung cấp thông tin theo yêu cầu của nhà đầu tư theo quy định hoạt động xúc tiến, đầu tư, tuyệt đối không cung cấp thông tin về dự thảo phương án cổ phần hóa. Hơn thế nhà đầu tư cũng không có đề nghị về việc cung cấp thông tin về phương án cổ phần hóa.

3- Xác định giá trị doanh nghiệp 20 tỷ trong khi đó dự án thoát nước là gần một nghìn tỷ đồng:

Dự án thoát nước TP Thái Nguyên được UBND tỉnh giao cho Cty thoát nước là chủ đầu tư, triển khai dự án. Đến nay chuẩn bị hoàn thành, chưa vận hành thử, chưa bàn giao đưa vào sử dụng, chưa quyết toán. Giá trị dự án thoát nước TP Thái Nguyên nằm ngoài giá trị cổ phần hóa, được thể hiện tại văn bản số 361/BTC-TCDN của Bộ Tài chính về việc loại trừ không tính giá trị doanh nghiệp đối với Hệ thông thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên.

Tại văn bản số 361/BTC-TCDN, Bộ Tài chính nêu rõ: “Khi tiến hành cổ phần hóaCty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng Thái Nguyên việc đưa giá trị tài sản là Dự án (với giá trị dự án là 947,074 tỷ đồng chưa hình thành và chưa tăng tài sản cố định của Cty vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện cổ phần hóa Cty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng Thái Nguyên, các nhà đầu tư sẽ không tham gia mua cổ phần tại doanh nghiệp này”.

Và “dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên nêu trên được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là tài sản của Nhà nước. Theo quy định tại khoản 4, Điều 16 Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luạt Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quy định: “Việc điều chuyển tài sản nhà nước chỉ được thực hiện giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”

Vì vậy, Bộ Tài chính thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên không đưa tài sản thuộc kết cấu hạ tầng xã hội là Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Cty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng Thái Nguyên. Để quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ…

Như vậy, việc Báo nêu xác định giá trị doanh nghiệp thấp 21 tỷ có so sánh với dự án một nghìn tỷ đang được triển khai là hoàn toàn không đúng với thực tế đang thực hiện.

4- Báo đề nghị xác định lại giá trị doanh nghiệp theo Điều 26 Nghị định số 59/NĐ-CP của Chính phủ:

Nội dung này Ban Chỉ đạo đã nghiên cứu và thực hiện bảo đảm đúng Luật, sát thực tế.

5- Báo đề nghị phương án cổ phần hóa được thực hiện theo tỷ lệ Nhà nước nắm giữ 49% và 51% sẽ bán cho nhà đầu tư; vốn điều lệ 20 tỷ đồng sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn để có thể nắm quyền quản lý, điều hành Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên có giá trị lên tới gần một nghìn tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo cổ phần có ý kiến như sau:

Do tính chất của dự án thoát nước có giá trị lớn (dự kiến 947,074 tỷ đồng) đầu tư bằng vốn ngân sách, nhằm bảo vệ môi trường, phục vụ an sinh xã hội, không vì lợi nhuận; dịch vụ thu được từ dự án này sau khi nhà máy vận hành thấp vì vậy hàng năm ngân sách tỉnh có thể phải cấp bù chi phí vận hành.

Tại Văn bản số 361/BTC-TCDN Bộ Tài chính nêu rõ cổ phân UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới giao đơn vị quản lý vận hành, Ban chỉ đạo cổ phần hóa đang đề xuất xây dựng phương án theo hướng giao cho Cty, trong phương án có các tiêu chí và các điều kiện ràng buộc để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự, sau cổ phần hóa mới có khả năng quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải có giá trị lớn này; phương án tối ưu để giảm tối đa cấp bù ngân sách.

Trong thời gian tới, khi phương án cổ phần hóa được phê duyệt, sẽ được thông tin đến các nhà đầu tư để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình, thủ tục cổ phần hóa đúng luật, chọn được nhà đầu tư có năng lực, uy tín tham gia đầu tư, quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Cty sau khi cổ phần hóa.

Vì vậy nội dung này Báo nêu là không thực tế, thiếu cơ sở tính toán. Vì tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ nhiều, trong khi bán cho nhà đầu tư ít; quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải có giá trị lớn, nhưng dịch vụ thu quá ít (thu không đủ chi quản lý vận hành), không hấp dẫn nhà đầu tư”.

Trên đây là nội dung văn bản phản hồi bài báo “Lộ cổ đông nắm quyền kiểm soát dự án thoát nước nghìn tỷ tại Thái Nguyên” được đăng trên Báo điện tử Xây dựng ngày 25/9/2017 do ông Dương Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư- Phó trưởng ban Thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước- UBND tỉnh Thái Nguyên ký.

Liên quan đến những nội dung này cũng như những khuất tất trong việc thực hiện cổ phần hóa tại Cty CP nước sạch Thái Nguyên trước đây, Báo Điện tử Xây dựng sẽ thông tin ở các bài viết tiếp sau.

Báo Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load