Thứ bảy 27/07/2024 07:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thuyền gia dụng trên vùng hồ sông Đà- tai nạn không còn là chuyện nhỏ

09:55 | 11/10/2007

Theo những người may mắn thoát chết kể lại được biết: Chiều tối ngày 9/9/2007, sau khi giao lưu bóng chuyền tại UBND xã Thái Thịnh, các cháu Nguyễn Thị Hảo, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Hương đều ở xóm Bích xuống bến để lấy thuyền về. Trong khi trời đang có mưa gió thì có thêm 2 người phụ nữ người cùng xóm là Nguyễn Thị Xuyến, Bùi Thị Thơm đi nhờ thuyền. Cũng vì đã muộn, trời lại sắp mưa nên 4 người đã đồng ý cho chị Xuyến và chị Thơm đi cùng. Con thuyền nan với 6 người chậm chạp rời bến trong gió, sóng ào ạt từ phía lòng hồ thổi ngược làm cho đôi lúc chòng chành. Đi cách bờ khoảng 500 mét thì sóng to làm nước tràn vào thuyền có nguy cơ bị chìm. Trong cơn hoảng loạn, người chèo thuyền thì cứ cố sức chèo, còn những người trên thuyền ra sức tát nước. Thế rồi trong cơn mưa bắt đầu nặng hạt, một đợt sóng lớn đã nhấn chìm con thuyền nan giữa bóng đêm mênh mông. Vật lộn giữa sự sống và cái chết trong làn nước sâu thăm thẳm, chỉ có 4 người đước cứu sống. Hai người không may mắn là Nguyễn Thị Hảo (19 tuổi) và Nguyễn Thị Phương (16 tuổi, đang là học sinh lớp 11).

Ông Nguyễn Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh cho biết: Đây là vụ đắm thuyền làm chết người thứ 2 của xã từ đầu năm đến nay. Vụ trước xảy ra vào ngày 8/2/2007 ở xòm Trụ. Vụ tai nạn lật thuyền này đã làm chết 2 người. Theo những người dân sông nước, ở vùng lòng hồ từ trước đến nay đã xảy ra không ít vụ lật thuyền tương tự.

Điều đáng nói là trong 2 vụ lật thuyền xảy ra từ đầu năm đến nay ở xã Thái Thịnh và các vụ lật thuyền xảy ra trước đây thì phần nhiều là do lỗi chủ quan cuả người điều khiểu phương tiện. Trong đó là lỗi chở quá số người quy định. Ví như vụ tai nạn đắm thuyền đêm ngày 9/9 vừa qua, tuy là thuyền nan chèo bằng chân được đan bằng bương tre trát xi măng có tải trọng nhỏ thế nhưng vẫn chở đến 6 người lớn. Vụ đắm thuyền ngay 8/2/2007, mặc dù là thuyền sắt nhưng nhỏ cũng đã chở đến 6 người lớn. Người điều khiển thì lại đang trong tình trạng say rượu. Thực tế, trong các vụ tai nạn này, ý thức và sự chủ quan không mang theo áo phao vẫn là nguyên nhân chính gây nên những tai nạn đáng tiếc đó.
 
* Nan giải an toàn phương tiện chở người
Đại uý Nguyễn Văn Đình, Đội trưởng Đội Cảnh sát tuần tra giao thông đường thuỷ- Công an tỉnh Hoà Bình cho biết: Việc quản lý đảm bảo an toàn giao thông các phương tiện thuỷ chở người ở vùng lòng hồ sông Đà vẫn còn khó khăn, nan giải. Trên thực tế, số lượng các phương tiện thuỷ chở người có trọng tải nhỏ khá nhiều và khó có thể quản lý. Trong số hơn chục xã vùng hồ của 5 huyện, thành phố thì có đến hàng nghìn chiếc thuyền cá nhân. Chỉ tính riêng ở 3 xóm vùng hồ của xã Thái Thịnh là xóm Bích, Vôi, Trụ với hơn 110 hộ dân thì cũng có đến hơn 100 chiếc thuyền nan. Tính trung bình mỗi hộ có một chiếc.

Phương tiện thuỷ gia dụng đã trở thành loại hình phương tiện không thể thiếu, góp phần giao lưu trao đổi kinh tế - xã hội của người dân vùng lòng hồ, cũng thông dụng như xe đạp ở trên cạn vậy. Nhưng trong sự phát triển đó, vấn đề an toàn giao thông hầu như không được người điều khiển phương tiện chú ý. Đại uý Nguyễn Văn Đình cho biết thêm: Chúng tôi đã phối hợp cùng với chính quyền thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân khi tham gia giao thông bằng các phương tiện thuỷ phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ (ATGTĐT). Trong đó, chú trọng vào việc chở đúng số người quy định. Các phương tiện thuỷ gia dụng tải trọng nhỏ, do vậy chỉ có thể chở tối đa khoảng 3 người, kể cả người điều khiển. Tuy nhiên, việc thực hiện của người dân lại không được như mong muốn. Nhiều khi thuyền vẫn chở 4 - 5 người, thậm chí 6 người. Tai nạn xảy ra là điều tất yếu khi người dân vẫn còn chủ quan và thiếu ý thức bảo vệ mình. Đồng nghiệp chúng tôi còn chụp được những kiểu ảnh khá độc đáo: người bố ôm con nhỏ nhảy thoăn thoát trên trên những con thuyền nhỏ tròng trành đậu gần bờ, không có chút sợ hãi nào.

Ngoài ra, tình trạng không mặc áo phao trong các em học sinh vẫn còn khá phổ biến. "Năm 2006, UBATGT quốc gia, Cục đường sông Việt Nam đã tặng áo phao cho các em học sinh trường cấp tiểu học, THCS của xã. Khi đi học, các cháu vẫn mang theo nhưng hầu như không mặc cho dù chúng tôi đã tuyên truyền nhiều"- ông Nguyễn Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh thừa nhận như vậy.

Sau vụ tai nạn vừa rồi, chính quyền địa phương cùng với lực lượng chức năng ngoài việc tích cực đẩy mạnh tuyên truyền đã xiết chặt khâu quản xuất bến của các phương tiện thuỷ chở người. Kiên quyết không cho phương tiện này xuất bến khi chở quá 2 người. Dù vậy, trên thực tế còn có nhiều người cố tình không chấp hành, vẫn chở quá số người quy định./.

Văn Doanh

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load