Thứ năm 28/03/2024 21:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với bảo vệ rừng

22:36 | 04/04/2023

(Xây dựng) – Ngày 4/4, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh uỷ Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với bảo vệ rừng
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW phát biểu khai mạc Hội thảo.

Rừng vàng, biển bạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Ban Chỉ đạo chọn Tây Nguyên là vùng đầu tiên trên cả nước để tổ chức chuỗi Hội nghị, Hội thảo phục vụ sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Lý do là Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với bảo vệ rừng
Đồng chí Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu chào mừng Hội thảo.

Trọng tâm của chiến lược phát triển lần này là cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số; chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ 2 cả nước, có tiềm năng lớn về phát triển tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho vùng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhưng thực tế vẫn chưa thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho người dân, chưa trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có quỹ đất rừng lớn. Năm 2017, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trên cả nước, trong đó chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là các Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị

Trong giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045, Trung ương đề ra mục tiêu đạt tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Riêng khu vực Tây Nguyên đến năm 2030 cần đạt tỷ lệ che phủ rừng trên 47% và trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn vào năm 2045. Hệ sinh thái rừng cần được bảo tồn và phát triển, hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Tây Nguyên cũng phải hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng.

Do đó, Hội thảo lần này có mục đích đánh giá thực trạng, trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới, phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với bảo vệ rừng
Đồng chí Y Biêr Niê - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tham luận tại Hội thảo.

5 nội dung trọng tâm phát triển kinh tế Tây Nguyên bền vững

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày 10 tham luận. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 2 tham luận. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng trình bày 3 tham luận. Các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp có 4 tham luận.

Nội dung các tham luận xoay quanh các nội dung chủ yếu là chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và định hướng bổ sung, hoàn thiện; khai thác tiềm năng, dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 13 của tỉnh Đắk Nông; Lâm Đồng chuyển đổi kép xanh và công nghệ số ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; Định hướng chủ đạo trong phát triển bền vững tại Tây Nguyên; Phát triển nông lâm nghiệp bền vững từ mô hình cà phê vườn hữu cơ theo hệ sinh thái rừng….

Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với bảo vệ rừng
Các đồng chí đồng chủ trì Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đồng tình với các kiến nghị, đề xuất và nhấn mạnh 5 nội dung trọng tâm. Thứ nhất là định hướng bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Thứ hai là các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam.

Thứ ba là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng. Thứ tư là khai thác tiềm năng Tây Nguyên dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thứ năm là một số giải pháp, kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên; sản xuất, canh tác nông nghiệp hữu cơ theo phương thức phát triển của hệ sinh thái rừng Tây Nguyên.

Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa những nội dung được trình bày và ý kiến đóng góp để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên và công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

Tây Nguyên phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với bảo vệ rừng
Hội thảo có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, các cơ quan liên quan của 5 tỉnh Tây Nguyên; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đại diện một số Hiệp hội; các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, đồng chí Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/02/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load