Thứ năm 26/12/2024 23:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thanh Hóa: Tìm phương án gỡ khó cho các dự án trọng điểm

11:50 | 12/11/2024

(Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp, xây dựng phương án xử lý khó khăn đối với hàng chục dự án trọng điểm đang được triển khai năm nay trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa: Tìm phương án gỡ khó cho các dự án trọng điểm
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp, xây dựng phương án xử lý khó khăn đối với hàng chục dự án trọng điểm.

Ông Lê Sỹ Tần (60 tuổi), xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn chia sẻ: “Dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng được thi công, bà con chúng tôi mong mỏi khi đi vào hoạt động con cháu không phải đi làm ăn xa. Bởi vậy, gia đình tôi có hơn 3.000m2 đất nông nghiệp phải thu hồi để thực hiện dự án, gia đình đã đồng thuận bàn giao đất cho Nhà nước vì nghĩ đến lợi ích chung của tập thể và chính con cháu mình sau này. Do vậy, gia đình tôi đã chấp hành, nhận tiền bồi thường ngay từ những ngày đầu. Đồng thời, tôi còn cùng chính quyền, các hội đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con nhân dân cùng chấp hành, nhiều hộ dân đều đồng tình ủng hộ phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều hộ chưa hiểu hết và nghĩ đến lợi ích chung của tập thể, nên chưa đồng thuận trong khâu giải phóng mặt bằng”.

Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá cho biết, trong tổng số 71 dự án trọng điểm đang được triển khai năm nay trên địa bàn tỉnh này, có 33/71 dự án có phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đơn cử, Dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng có diện tích 491,9ha, nằm trên địa bàn các xã: Tân Trường, Tùng Lâm, Phú Lâm của thị xã Nghi Sơn. Với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, đây là dự án kỳ vọng sẽ được đầu tư đồng bộ và kiểu mẫu, đáp ứng nhu cầu xây dựng các nhà máy có quy mô lớn, mang tính chất “mỏ neo” cho phát triển Khu công nghiệp số 15 của Khu kinh tế Nghi Sơn.

Thanh Hóa: Tìm phương án gỡ khó cho các dự án trọng điểm
Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng khiến máy móc, thiết bị đã tạm dừng hoạt động.

Tuy nhiên, dự án này đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do rất nhiều khó khăn. Theo UBND thị xã Nghi Sơn, tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng dự án này lên tới 467,39ha, ảnh hưởng tới 413 hộ và 12 tổ chức. Tuy nhiên hiện nay, còn gần 200ha chưa bàn giao được mặt bằng.

Việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu chức năng liên quan đến một số dự án còn chậm, điển hình như: Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã; Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam Sông Mã; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En...

Các dự án lĩnh vực văn hóa tại Thanh Hoá phải xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương; một số trường hợp phải tổ chức thi sáng tác hình tượng để lựa chọn mẫu thực hiện, làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư như: Dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường; tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu...

Đối với nhóm các dự án đang triển khai thực hiện, phần lớn dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư chậm, điển hình như: Dây chuyền 4 - Nhà máy Xi măng Long Sơn; Nhà máy Luyện cán thép DST Nghi Sơn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 17 Khu kinh tế Nghi Sơn; Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2...

Một số dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế có quy trình thực hiện nhiều bước, phụ thuộc vào nhà tài trợ và phải thực hiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng như: Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia; Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc...

Thanh Hóa: Tìm phương án gỡ khó cho các dự án trọng điểm
Một số dự án phải điều chỉnh đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở, điều kiện cho các dự án thuận lợi triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá đã có văn bản đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Luật sửa đổi Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 để trình cấp có thẩm quyền theo quy định, làm cơ sở tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, tổng hợp, báo cáo Chính phủ bổ sung quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi dự án PPP sang dự án đầu tư công trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); trên cơ sở chủ trương đầu tư được phê duyệt điều chỉnh, chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư của dự án làm cơ sở để các tỉnh triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ đạo các Phó Chủ tịch UBND tỉnh này căn cứ các quy định của pháp luật, quy chế làm việc, chủ động phối hợp để giải quyết các thủ tục liên quan của các dự án thuộc lĩnh vực phụ trách, đảm bảo điều kiện thực hiện đầu tư dự án đúng tiến độ theo quy định.

Đồng thời, giao các Sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ danh mục các dự án lớn, trọng điểm được giao chủ trì đầu mối, theo dõi, định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, nguyên nhân và đề xuất các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với từng dự án.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load