(Xây dựng) – Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng có loạt bài phản ánh về việc chậm trễ triển khai xây dựng đường gom dân sinh cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (thuộc giai đoạn 2 Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ do Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ làm chủ đầu tư) việc này khiến đời sống của hàng chục hộ dân quanh khu vực bị xáo trộn. Trước đó, trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng từng vướng nhiều “lùm xùm” trong việc không minh bạch trong hoạt động, doanh thu.
Việc chậm trễ trong thi công đoạn đường gom cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã khiến cuộc sống của người dân xung quanh khu vực bị xáo trộn. |
Huyện nói chủ đầu tư “đùn đẩy”?
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, việc chậm trễ triển khai xây dựng đường gom dân sinh đoạn qua xóm 1, xã Liên Phương (Thường Tín – Hà Nội) đã khiến đời sống của hàng chục hộ dân quanh khu vực bị xáo trộn; tiềm ẩn nỗi lo về tình trạng mất an ninh an toàn đang diễn ra từng ngày.
Đoạn đường gom này có mặt đường rộng từ 5,5 – 6m đạt tiêu chuẩn đường cấp 6 đồng bằng, đảm bảo giao thông thông suốt cho người dân hai bên đường. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân thuộc xóm 1, xã Liên Phương đoạn đường gom tại đây lại dường như đang bị chủ đầu tư “bỏ quên”.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng Tùng – Trưởng phòng Quản lý khai thác và duy tu bảo trì, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ông Tùng cho biết: Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bắt đầu triển khai từ tháng 10/2015, đến thời điểm này Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thành tuyến chính đưa vào khai thác, sử dụng. Tuyến đường gom đã cơ bản hoàn thành nhưng còn một số vị trí chưa thi công được vì còn vướng mặt bằng trong đó có đoạn Km192+500 - Km192+860 bên trái tuyến (đoạn qua Xóm 1 - xã Liên Phương - huyện Thường Tín).
Vị trí này là đất thổ cư, do người dân không đồng ý về chế độ bồi thường, hỗ trợ nên công tác giải phóng mặt bằng kéo dài đến nay vẫn còn tồn tại các trường hợp như: 03 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gồm gia đình bà Đỗ Thị Giang, bà Lê Thị Miên và bà Nguyễn Thị Hương.
“Các hộ đã nhận tiền nhưng chưa cho phá dỡ lấy mặt bằng gồm: Ông Lê Trọng Khải; ông Hoàng Đình Toàn; bà Lê Thị Ninh; Còn 9 ngôi mộ nhà ông Từ Văn Hiếu chưa nhận tiền bồi thường để di chuyển; Tuyến cáp điện ngầm 35KV nằm dọc tuyến giữa đường gom của Công ty điện lực Thường Tín chưa di chuyển.
Với chiều dài bằng 360m nhưng còn tồn tại các vướng mắc như trên lại nằm rải rác nên việc triển khai thi công hoàn thiện đường gom đoạn này là không thể thực hiện được”, ông Tùng cho biết.
Ông Tùng cũng thông tin: Tại Văn bản số 4650/BGTVT-CQLXD ngày 20/5/2019 về một số nội dung vướng mắc Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức Hợp đồng BOT (giai đoạn 2) của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ “Cho phép tạm thời khoanh vùng các vị trí chưa giải phóng mặt bằng và dừng thi công để triển khai thủ tục nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu và thanh quyết toán dự án. Sau khi Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại, yêu cầu nhà đầu tư và các nhà thầu khẩn trương tổ chức thi công hoàn thiện toàn bộ dự án”.
“Vì vậy lúc nào UBND huyện Thường Tín bàn giao đầy đủ mặt bằng thì Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mới chỉ đạo thi công hoàn chỉnh đoạn tuyến này”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng khẳng định: “Việc tuyến đường gom dân sinh đoạn qua xóm 1, xã Liên Phương chậm tiến độ trách nhiệm thuộc về UBND huyện Thường Tín vì chưa cung cấp “mặt bằng sạch” cho Công ty. Hiện nay bên Công ty cũng chưa nhận được biên bản bàn giao mặt bằng “sạch” từ phía chính quyền”.
Khi phóng viên đề cập đến việc, đối với các trường hợp không chịu di chuyển để phá dỡ, Công ty có văn bản yêu cầu địa phương, chính quyền phối hợp phá dỡ hay không? Ông Tùng cho biết: “Chỉ nói chuyện, trao đổi qua điện thoại chứ không có văn bản chính thức”.
Xác thực những thông tin từ phía Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Kiều Xuân Huy -Chủ tịch UBND huyện Thường Tín. Qua điện thoại, ông Huy cho biết: “Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng tại xã Liên Phương cơ bản đã xong nhưng chủ đầu tư không làm. Mấy “ông” BOT không làm cứ đùn đẩy, chứ hiện chỉ có khu vực xã Hà Hồi đang vướng một chút thì huyện đang tập trung giải phóng”.
Làm rõ thêm về nội dung này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng cũng có cuộc trao đổi với ông Lê Tuấn Tú – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín. Ông Tú cho biết: “Chúng tôi đã bàn giao mặt bằng 3 tháng nay rồi, nhưng chắc do tháng Tết nên đơn vị thi công chậm. Hiện tại mặt bằng đã cơ bản có rồi chỉ còn duy nhất hộ bà Miên còn một cái lều rất nhỏ khoảng 3m mặt đường, còn những vị trí khác đã xong hết rồi. Chậm ở đây là chậm so với các đoạn khác, so với toàn tuyến là vị trí này chậm”.
Vị này cũng khẳng định: “Việc chủ đầu tư vin vào cớ chưa giải phóng mặt bằng cũng chưa hoàn toàn đúng vì diện tích của gia đình bà Miên cũng không nhiều”.
Rõ ràng huyện nói đã bàn giao mặt bằng đầy đủ, nhưng chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ lại lý giải “còn vướng”, “mặt bằng chưa giao”? Phía Trung tâm Phát triển Quỹ đất cũng khẳng định, chỉ còn 1 hộ nhưng chủ đầu tư lại viện dẫn con số này “còn nhiều”. Lãnh đạo huyện Thường tín nói sai, hay chủ đầu tư đang cố tình “đùn đẩy” vì một lý do nào đó?
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ bị phát hiện nhiều sai phạm sau khi thanh tra. |
Lùm xùm về việc không minh bạch trong hoạt động, doanh thu
Theo một diễn biến trước đó, báo cáo tháng 5/2019 cho thấy, tổng doanh thu tại các trạm BOT tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ gồm trạm Pháp Vân, Trạm Thường Tín, Trạm Vạn Điểm, trạm Cầu Giẽ có doanh thu trên 57,9 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày trạm có tổng thu gần 2 tỷ đồng.
Đây là con số mà các trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được tương đương trong các tháng thời gian qua. Theo tính toán, với doanh thu này, trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ cần 108 tháng (9 năm) là đủ tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng cho dự án, chứ không cần đến 207 tháng (17 năm 3 tháng) như hợp đồng BOT với Bộ Giao thông vận tải.
Vào thời điểm đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập các tổ giám sát công tác tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Kết quả, những ngày giám sát ngẫu nhiên, tổ công tác đã ghi nhận, mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỉ đồng. So với con số 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/ngày Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với Bộ Giao thông vận tải trước đó, con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng có kết luận về việc đầu tư, quản lý các dự án BOT, BT của Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, kết luận Thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm và điểm bất thường tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Cụ thể, kết luận thanh tra chỉ rõ, Bộ Giao thông Vận tải đã lập và phê duyệt dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thành 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1 cải tạo nâng cấp mặt đường cũ 4 làn xe; Giai đoạn 2 xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Lý do phân kỳ đầu tư là tính cấp bách do đường xuống cấp và nhu cầu giao thông. Tuy nhiên, dự án không có quy trình đánh giá, xác định căn cứ cụ thể là dự án cấp bách và cũng chưa được cấp thẩm quyền xác định vào danh mục dự án cấp bách.
Theo kết luận thanh tra, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội) chưa thực hiện đúng quy định về công bố danh mục dự án để thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ.
Việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã lập và phê duyệt dự án chia thành 2 giai đoạn thực hiện (giai đoạn 1 cải tạo và nâng cấp mặt đường cũ 4 làn xe, giai đoạn 2 xây dựng hoàn chỉnh cao tốc 6 làn xe). Tuy nhiên, dự án không có quy trình đánh giá, xác định căn cứ cụ thể là dự án cấp bách và cũng chưa được cấp có thẩm quyền xác định và danh mục cấp bách. Mặt khác, UBND TP Hà Nội chưa có văn bản thống nhất thỏa thuận cụ thể về việc phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn nên quy mô đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt
Về phương án thu phí, Bộ Giao thông Vận tải duyệt phương án thu phí theo phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn không hợp lý, thu phí ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1 là thảm lại mặt đường nhưng giá thu phí tương đương dự án đường cao tốc xây mới. Như vậy là bất hợp lý và làm sai quy định của Nhà nước.
Sai phạm về giá thu phí được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trước khi thực hiện dự án, Bộ Tài chính đã có văn bản về việc thu phí chỉ được thực hiện khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hợp đồng ký giữa Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư đã thống nhất thu phí ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1. Như vậy, dự án mới đầu tư giai đoạn sửa chữa, rải thảm mặt đường cũ đã thu phí.
Liên quan đến hoạt động tại trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
Ngày 18.2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an cho biết mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan. Theo đó, C03 đã khởi tố thêm 5 bị can là lãnh đạo các gói thầu của dự án. Các bị can đã vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu dẫn đến gây thiệt hại về tài sản khi thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trước đó, ngày 14/11/2019, C03 đã khởi tố 4 bị can là lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số nhà thầu, cũng về tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” trong Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. |
Khánh Hòa
Theo