Thứ sáu 29/03/2024 02:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Mặt bằng đã xong, đường vẫn chưa chịu làm?

18:27 | 18/02/2020

(Xây dựng) – Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về việc chậm trễ trong việc xây dựng đường gom dân sinh đoạn xóm 1, xã Liên Phương (Thường Tín – Hà Nội) khiến đời sống của hàng chục hộ dân quanh khu vực bị xáo trộn, ông Kiều Xuân Huy - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết: “Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng tại xã Liên Phương cơ bản đã xong nhưng chủ đầu tư không làm. Mấy "ông" BOT không làm cứ đùn đẩy, chứ hiện chỉ có khu vực xã Hà Hồi còn vướng một chút, nhưng huyện đang tập trung giải phóng”.

ha noi mat bang da xong duong van chua chiu lam
Việc chậm trễ triển khai xây dựng đường gom dân sinh đoạn xóm 1, xã Liên Phương (Thường Tín – Hà Nội) đã khiến đời sống của hàng chục hộ dân quanh khu vực bị xáo trộn.

Chủ đầu tư nói chậm là do huyện?

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, việc chậm trễ trong việc đường gom dân sinh đoạn xóm 1 xã Liên Phương (Thường Tín – Hà Nội) đã khiến đời sống của hàng chục hộ dân quanh khu vực bị xáo trộn; tiềm ẩn nỗi lo về tình trạng mất an ninh an toàn đang diễn ra từng ngày.

Cụ thể, đường gom hai bên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, một bộ phận của đường cao tốc, thuộc giai đoạn 2 Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ do Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ làm chủ đầu tư.

Đoạn đường gom này có mặt đường rộng từ 5,5 – 6m đạt tiêu chuẩn đường cấp 6 đồng bằng, đảm bảo giao thông thông suốt cho người dân hai bên đường. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân thuộc xóm 1, xã Liên Phương đoạn đường gom tại đây lại dường như đang bị chủ đầu tư “bỏ quên”, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt và đi lại của người dân.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hoàng Tùng – Trưởng phòng Quản lý khai thác và duy tu bảo trì, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ông Tùng cho biết: Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bắt đầu triển khai từ tháng 10/2015, đến thời điểm này Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thành tuyến chính đưa vào khai thác, sử dụng. Tuyến đường gom đã cơ bản hoàn thành nhưng còn một số vị trí chưa thi công được vì còn vướng mặt bằng trong đó có đoạn Km192+500 - Km192+860 bên trái tuyến (đoạn qua Xóm 1 - xã Liên Phương - huyện Thường Tín).

Vị trí này là đất thổ cư, do người dân không đồng ý về chế độ bồi thường, hỗ trợ nên công tác giải phóng mặt bằng kéo dài đến nay vẫn còn tồn tại các trường hợp như: 03 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gồm gia đình bà Đỗ Thị Giang, bà Lê Thị Miên và bà Nguyễn Thị Hương.

“Các hộ đã nhận tiền nhưng chưa cho phá dỡ lấy mặt bằng gồm: Ông Lê Trọng Khải; ông Hoàng Đình Toàn; bà Lê Thị Ninh; Còn 9 ngôi mộ nhà ông Từ Văn Hiếu chưa nhận tiền bồi thường để di chuyển; Tuyến cáp điện ngầm 35KV nằm dọc tuyến giữa đường gom của Công ty điện lực Thường Tín chưa di chuyển.

Với chiều dài bằng 360m nhưng còn tồn tại các vướng mắc như trên lại nằm rải rác nên việc triển khai thi công hoàn thiện đường gom đoạn này là không thể thực hiện được”, ông Tùng cho biết.

Ông Tùng cũng thông tin: Tại Văn bản số 4650/BGTVT-CQLXD ngày 20/5/2019 về một số nội dung vướng mắc Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức Hợp đồng BOT (giai đoạn 2) của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ “Cho phép tạm thời khoanh vùng các vị trí chưa giải phóng mặt bằng và dừng thi công để triển khai thủ tục nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu và thanh quyết toán dự án. Sau khi Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại, yêu cầu nhà đầu tư và các nhà thầu khẩn trương tổ chức thi công hoàn thiện toàn bộ dự án”.

“Vì vậy lúc nào UBND huyện Thường Tín bàn giao đầy đủ mặt bằng thì Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mới chỉ đạo thi công hoàn chỉnh đoạn tuyến này”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cũng khẳng định: “Việc tuyến đường gom dân sinh đoạn qua xóm 1, xã Liên Phương chậm tiến độ trách nhiệm thuộc về UBND huyện Thường Tín vì chưa cung cấp “mặt bằng sạch” cho Công ty. Hiện nay bên Công ty cũng chưa nhận được biên bản bàn giao mặt bằng “sạch” từ phía chính quyền”.

Khi phóng viên đề cập đến việc, đối với các trường hợp không chịu di chuyển để phá dỡ, Công ty có văn bản yêu cầu địa phương, chính quyền phối hợp phá dỡ hay không? Ông Tùng cho biết: “Chỉ nói chuyện, trao đổi qua điện thoại chứ không có văn bản chính thức”.

Huyện nói chủ đầu tư “đùn đẩy”?

Xác thực những thông tin từ phía Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Kiều Xuân Huy -Chủ tịch UBND huyện Thường Tín. Qua điện thoại, ông Huy cho biết: “Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng tại xã Liên Phương cơ bản đã xong nhưng chủ đầu tư không làm. Mấy “ông” BOT không làm cứ đùn đẩy, chứ hiện chỉ có khu vực xã Hà Hồi đang vướng một chút thì huyện đang tập trung giải phóng”.

Làm rõ thêm về nội dung này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng cũng có cuộc trao đổi với ông Lê Tuấn Tú – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín. Ông Tú cho biết: “Chúng tôi đã bàn giao mặt bằng 3 tháng nay rồi, nhưng chắc do tháng Tết nên đơn vị thi công chậm. Hiện tại mặt bằng đã cơ bản có rồi chỉ còn duy nhất hộ bà Miên còn một cái lều rất nhỏ khoảng 3m mặt đường, còn những vị trí khác đã xong hết rồi. Chậm ở đây là chậm so với các đoạn khác, so với toàn tuyến là vị trí này chậm”.

Vị này cũng khẳng định: “Việc chủ đầu tư vin vào cớ chưa giải phóng mặt bằng cũng chưa hoàn toàn đúng vì diện tích của gia đình bà Miên cũng không nhiều”.

“Việc giải phóng mặt bằng trước đây gặp khó khăn do không nhận được sự đồng thuận của người dân về giá đề bù. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ chúng tôi đã tiến hành họp dân, người dân rất gay gắt và đòi hỏi nhiều chế độ chính sách không thể đáp ứng được. Đến thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã xong và chỉ còn 2 trường hợp vướng.

Vấn đề này huyện đã làm việc rất nhiều và nhiều lần xin văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Trong đó có trường hợp gia đình bà Lê Thị Miên và còn một số ngôi mộ của người dân nằm ở rìa đường và nằm trong diện tích giải phóng mặt bằng. Nếu tiến hành thi công sẽ hơi phức tạp nhưng nếu trong trường hợp làm vẫn sẽ làm được bởi chỉ nằm ở lề đường. Chỉ có duy nhất trường hợp bà Lê Thị Miên chúng tôi đã gặp và vận động nhiều lần. Thực ra về mặt pháp lý thành phố Hà Nội đã có kết luận Thanh tra và có văn bản cụ thể, hiện tại thành phố không tiếp nhận đơn của bà Miên nữa. Trong trường hợp cuối cùng thì sẽ bắt buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế nhằm sớm giải phóng mặt bằng”, ông Tú lý giải thêm.

Ông Lê Tuấn Tú cũng cho rằng: “Việc một số hộ đã nhận tiền đền bù và không cho tháo dỡ thì tôi chưa nắm được thông tin đó. Cái đó phải phối hợp với chính quyền địa phương, đã nhận tiền thì không có cớ gì mà không cho phá dỡ”.

Tại sao huyện nói đã bàn giao mặt bằng đầy đủ, nhưng chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ lại lý giải “còn vướng”, “mặt bằng chưa giao”? Phía Trung tâm Phát triển Quỹ đất cũng khẳng định chỉ còn 1 hộ nhưng chủ đầu tư lại viện dẫn con số này “còn nhiều”, thậm chí “mới chỉ trao đổi qua điện thoại”. Lãnh đạo huyện Thường tín nói sai, hay chủ đầu tư đang cố tình “đùn đẩy” vì một lý do nào đó?

Quả bóng trách nhiệm nếu cứ bị đá đi đá lại thì hàng chục hộ dân tại xã Liên Phương biết khi nào mới hết khổ và có đường để đi? Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, các ngành chức năng sớm có phương án chỉ đạo kịp thời, tránh những lý giải bất nhất gây mất niềm tin trong nhân dân; qua đó sớm đẩy nhanh tiến độ và “trả đường” cho dân.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Khoa – Hòa Luân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load