(Xây dựng) – Tập đoàn Đèo Cả và liên danh nhà thầu đặt quyết tâm đến 31/12/2023 sẽ đào thông hầm số 2, dài 698m trên tuyến chính cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, rút ngắn 4 tháng so với kế hoạch, gia tăng sản lượng và đẩy nhanh tiến độ tổng thể của dự án trọng điểm quốc gia.
Đại diện Chủ đầu tư, chính quyền địa phương, Tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và nhà thầu ký cam kết. |
Ngày 10/10, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Lễ Phát động thi đua 100 ngày thông hầm 2 (thuộc gói thầu XL02) và hoàn thành toàn bộ công tác bàn giao mặt bằng dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.
Hoạt động được tổ chức nhằm mục đích tạo khí thế phong trào thi đua, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm cao, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên và truyền thống “đi trước mở đường” của ngành Giao thông vận tải để đưa dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn hoàn thành đúng tiến độ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. |
Việc thi đua cũng nhằm khuyến khích các sáng kiến sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong thi công và động viên đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, các đơn vị liên quan nỗ lực phối hợp, tổ chức thi công ngày đêm trên công trường để tạo ra giá trị thực cho dự án.
Xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng yếu, là điều kiện tiên quyết để nhà thầu tổ chức thi công hoàn thành dự án, hai địa phương có dự án đi qua là Quảng Ngãi và Bình Định đã vào cuộc một cách quyết liệt, có hiệu quả. Đến nay, hai tỉnh đã bàn giao mặt bằng đạt 91,4%, đủ điều kiện để tổ chức thi công trên hiện trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm và phương án tổ chức thi công của Tập đoàn Đèo Cả. |
Tại Lễ phát động, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đều cam kết huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công trước ngày 31/12/2023.
Về phía đơn vị thi công, Tập đoàn Đèo Cả và liên danh thống nhất ký cam kết đến 31/12/2023 sẽ đào thông hầm 2 dài 698m, rút ngắn 4 tháng so với kế hoạch ban đầu. Việc sớm thông hầm số 2 giúp tạo đường công vụ nội tuyến, từ đó giảm đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển thiết bị, vật liệu đào để tận dụng đắp nền đường, đổ thải. Cũng như tận dụng được đá đào hầm cho việc thi công các cầu, cống thuộc Gói thầu XL2 (từ phạm vi phía Bắc hầm 3 và phía Nam hầm 2) với khối lượng rất lớn, ước khoảng 1,7 triệu m3.
Mốc thời gian 31/12 được các bên có liên quan đặt ra nhằm quyết tâm thực hiện. |
Ngoài ra, khi hầm số 2 được đào thông, việc tiếp cận với cửa hầm phía Bắc của hầm số 3 – là hầm lớn nhất trên tuyến (dài 3.200m), để tổ chức thi công sẽ rất thuận lợi, giảm đáng kể cự ly (từ 3,6km đường đèo núi xuống còn 700m đường công vụ nội tuyến). Đây cũng là yếu tố quyết định rất lớn cho việc đẩy nhanh và đảm bảo tiến độ thi công hầm 3, Gói thầu XL2 nói riêng và góp phần thúc đẩy tiến độ chung của toàn dự án. Đồng thời giúp giảm thiểu thiệt hại và an toàn hơn trên cung đường vận chuyển qua đèo dốc, khi phải đối mặt với mùa mưa lũ khắc nghiệt tại miền Trung.
Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện tại toàn dự án đã huy động gần 2.450 nhân sự và 970 thiết bị đến công trường, triển khai 39/43 mũi thi công. Cả 3 gói thầu (XL01, XL02, XL03) đều tổ chức thi công 3 ca, riêng 3 hầm trên tuyến được tổ chức thi công 24/24, không nghỉ.
Đến nay, hầm số 1 (thuộc gói XL02), ống hầm trái đã đào được 59m, ống hầm phải đã đào được 213m. Hầm số 2 có chiều dài 700m (thuộc gói thầu XL02), đến nay ống hầm trái đã đào được 579m, ống hầm phải đã đào được 415m. Hầm số 3 có chiều dài 3.200m (thuộc gói thầu XL03) tiếp giáp tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, đến nay ống hầm trái đã đào được 151m, ống hầm phải đã đào được 141m.
Đến nay, tất cả 6 ống hầm trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đã được khoét sâu vào núi, tổ chức thi công 24/24. |
Ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Giao thông vận tải nhấn mạnh, giải phóng mặt bằng là công tác phức tạp nhất, quyết định sự thành công của dự án kể cả về tiến độ và chất lượng.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định làm rất tốt công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Đặc biệt, là sự đồng thuận của người dân, đã nhường đất, nhường nhà cho việc thi công dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, trong thời gian 1 năm, nhưng tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, với khối lượng cực kỳ lớn. Điều này cho thấy sự nỗ lực quyết tâm của hai địa phương, nhất là cấp huyện, thị xã có dự án đi qua.
“Hiện, khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại ít, khoảng 10% nhưng việc thực hiện là cực kỳ khó khăn, do chủ yếu là đất ở và nhà cửa, vật kiến trúc trên đất. Dẫu vậy, tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phấn đấu đến ngày 31/12/2023 hoàn thành 100% công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, trừ trường hợp phải cưỡng chế”, ông Minh cam kết.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận một số hình ảnh khác tại Lễ phát động:
Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu ký cam kết.
Lễ phát động do Bộ Giao thông vận tải – Chủ đầu tư dự án tổ chức.
Ông Lê Thắng – Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) yêu cầu các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp, thể hiện tinh thần trách nhiệm, hoàn thành dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cam kết bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án trước ngày 31/12/2023.
Ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đại diện nhà thầu nêu ra một số sáng kiến, cải tiến được đơn vị áp dụng trong quá trình thi công hạng mục hầm của dự án. Đồng thời kiến nghị chủ đầu tư tổ chức tổng kết đánh giá và khen thưởng hoặc kiểm điểm các cá nhân và tập thể dựa trên kết quả thi đua.
Nhà thầu cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương kiểm tra, hướng dẫn việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ cấp cho nhà thầu, quy trình nghiệm thu, thanh quyết toán và sẵn sàng phối hợp cùng làm việc với các cơ quan thanh, kiểm tra khi có các bất cập liên quan đến mỏ nguyên, vật liệu và các vướng mắc khác nếu có.
Hầm số 2 là đường găng tiến độ của cả dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.
Việc sớm thông hầm số 2 sẽ giúp gia tăng đáng kể sản lượng, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có tổng chiều dài 88km, trong đó 60,3km thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi và 27,7km thuộc địa phận tỉnh Bình Định. Có tổng mức đầu tư gần 20.470 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, do Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Dự án có tổng cộng 3 gói thầu xây lắp (XL1, XL2 và XL3), với tổng giá trị gần 14.500 tỷ đồng. Khởi công vào ngày 1/1/2023 vừa qua, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026. Trong đó, gói thầu XL1 (km0 – Km30), có giá trị 3.682 tỷ đồng; gói thầu XL2 (Km30 – Km57+200), có giá trị 4.129,61 tỷ đồng và gói thầu XL3 (Km57+200 – Km88), có giá trị lớn nhất với 6.686,42 tỷ đồng. Các gói thầu phần lớn do liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả chịu trách nhiệm thi công. Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là một trong những đoạn tuyến khó thi công trên tuyến cao tốc Bắc – Nam khi có 3 hầm xuyên núi, trong đó có 1 hầm cấp đặc biệt tại lý trình Km60 với chiều dài 3.200m. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hầm 3 sẽ trở thành hầm có chiều dài lớn thứ 3 cả nước, sau các hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả. |
Lê Danh
Theo