Thứ năm 25/04/2024 20:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nam Định: Nhiều giải pháp để tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp phòng tránh Covid-19

09:49 | 25/06/2021

(Xây dựng) - Doanh nghiệp là một thành phần kinh tế quan trọng, góp phần tăng trưởng, thay đổi diện mạo, tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu công nhân. Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, đã làm cho nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Chia sẻ khó khăn này, Nam Định đã có nhiều giải pháp tiếp thêm động lực giúp cộng đồng doanh nghiệp và người lao động vượt qua những khó khăn.

nam dinh nhieu giai phap de tiep them dong luc cho doanh nghiep phong tranh covid 19
Doanh nghiệp thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Quan tâm đến những người lao động tại các doanh nghiệp xây dựng

Các doanh nghiệp ngành Xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra, từ thị trường bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng đến hoạt động tư vấn và xây lắp trong lĩnh vực xây dựng đều bị sụt giảm về sản lượng, sản xuất, tiêu thụ, hàng tồn kho tăng, hoặc đình trệ hoạt động…Do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động và hoạt động của các cấp công đoàn ngành Xây dựng. Ngành Xây dựng của Nam Định cũng không tránh khỏi tình trạng khó khăn chung đó.

Trước tình hình này, đảm bảo đời sống cho công nhân lao động, Sở Xây dựng Nam Định đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chuyên môn nghiêm túc triển khai thực hiện. Đã có hàng trăm lao động được hưởng trợ cấp theo tinh thần của Quyết định này.

Năm 2021, Sở Xây dựng tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; Tham mưu UBND tỉnh lập các quy hoạch phân khu để cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trên địa bàn và tăng cường công tác quản lý về trật tự xây dựng và đô thị; Tham mưu cho tỉnh về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phục vụ tích cực cho đầu tư và phát triển trên địa bàn tỉnh. Với những cơ chế này, giúp cho các doanh nghiệp xây dựng được phục hồi, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng, trong tháng 6 năm 2021, UBND tỉnh Nam Định đã chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng: 04 hồ sơ. Tham gia ý kiến đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng: 11 hồ sơ. Các đồ án quy hoạch trọng tâm: Lập Quy hoạch phân khu IX.A; Điều chỉnh quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý (đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định); Khu vực phía Bắc đường Nam Định - Phủ Lý và Quy hoạch phân khu IX.B; Điều chỉnh quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý (đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định); Khu vực phía Nam đường Nam Định - Phủ Lý đã tổ chức ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ và dự toán 02 đồ án quy hoạch trên.

Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 và Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070: đã thực hiện đăng tải hồ sơ mời thầu gói thầu tư vấn khảo sát địa hình, lập quy hoạch trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và trả lời đơn vị tư vấn tại yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu trên Hệ thống đấu thầu điện tử. Hội đồng thẩm định Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng, huyện Vụ Bản đã được Hội đồng thẩm định của tỉnh đã tổ chức họp thẩm định Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định khẳng định: “Trong bối cảnh kinh tế toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngành Xây dựng đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo vượt qua khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà UBND tỉnh đã giao, đặc biệt là hoàn thành nhiều quy hoạch trọng tâm. Năm 2021 ngành Xây dựng cần khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác chuyên ngành bám sát các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy để tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là hoàn thành các quy hoạch xây dựng trọng tâm đảm bảo tiến độ, chất lượng; rà soát lại quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã, thị trấn để có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”.

Ngành Công Thương hỗ trợ Doanh nghiệp vượt khó thành công

Theo Sở Công Thương Nam Định, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động. Các doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp, sáng kiến mang tính “tự cứu mình” để duy trì, phát triển sản xuất, giữ thương hiệu, tên tuổi sản phẩm trên thị trường cũng như trong lòng khách hàng trong giai đoạn nhu cầu tiêu dùng giảm sút.

Cùng với chủ trương tập trung hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, chế biến. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thiết lập, duy trì, phát triển mô hình liên kết sản xuất chuỗi với các hộ nông dân, hợp tác xã. Đáng kể đã có 10 mô hình được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Có 12 doanh nghiệp đã tham gia thực hiện chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (HACCP); 41 cơ sở đã xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); 49 cơ sở đã nỗ lực xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 113 nông sản rau, gạo, thủy sản, thịt; 195 sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng, áp dụng tem truy xuất nguồn gốc.

Tiêu biểu như Hợp tác xã Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên), các Công ty VinEco, Tuệ Hương, Rau quả sạch Ngọc Anh… cung cấp rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan), Công ty Hùng Vương cung cấp các sản phẩm hải sản chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 80% sản lượng gạo do doanh nghiệp nội tỉnh cung ứng ra thị trường hiện nay là gạo chất lượng cao.

Ngoài ra, có 29 doanh nghiệp tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên, Trực Ninh và thành phố Nam Định tham gia nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm đảm bảo đạt các tiêu chuẩn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 62 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh và trên 80 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2020.

Việc hỗ trợ kịp thời của các ngành, địa phương đã tác động không nhỏ tới cộng đồng doanh nghiệp và đời sống của người lao động, góp phần vào việc chung tay thực hiện nhiệm vụ “kép” mà Thủ tướng Chính phủ vừa giao là vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân; góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài: Nam Định: nhiều giải pháp để tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp phòng tránh Covid-19 tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Minh Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load