Thứ sáu 27/12/2024 00:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng

12:59 | 04/11/2024

(Xây dựng) - Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay chính là xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp đã được cải thiện rõ nét hơn. Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đang có sự tăng trưởng mạnh, tiếp tục thể hiện rõ vai trò động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế và động lực này sẽ còn duy trì và phát huy trong quý IV/2024.

Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng
Kinh tế Việt Nam vượt “gió ngược”, tạo thế, lực và niềm tin để vững vàng tiến lên phía trước.

Kinh tế Việt Nam được đánh giá cao bởi các tổ chức trong và ngoài nước

Trong Báo cáo “Asian Economics Quarterly - Cuộc đua về đích” do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành có nêu rõ, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới bởi sự phục hồi rất vững vàng và nhiều yếu tố tích cực có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế do siêu bão Yagi gây ra.

Theo báo cáo, lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ, chỉ số PMI liên tiếp nằm trong vùng mở rộng; xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số và các ngoại lực thúc đẩy quan trọng cũng đang trên đà tiến tới.

Hơn thế, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành Kinh tế trong nước, từ đó tạo kỳ vọng sẽ vực dậy lòng tin qua thời gian… Do vậy, HSBC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%. Đồng thời, với diễn biến giá cả đang có chiều hướng thuận lợi hơn, HSBC duy trì dự báo lạm phát năm 2024 ở mức 3,6%, khá thấp so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Dự báo lạm phát cho năm 2025 cũng được giữ nguyên là 3,0%.

Phân tích sâu hơn về những dự báo tích cực thời gian tới, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết thêm, công nghiệp định hướng xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Nhiều điểm sáng như: Sản xuất có đà tăng mạnh mẽ, đơn đặt hàng mới dần quay trở lại, tiêu dùng phục hồi, các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo kế hoạch; dòng vốn FDI tích cực tiếp tục tăng và hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu.

Còn theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam: Trong 9 tháng qua, các khu vực công nghiệp, nông - lâm nghiệp, thủy - hải sản, khu vực dịch vụ đều tăng trưởng tích cực, điều này cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế. “Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua là rất ấn tượng. Tôi kỳ vọng động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì trong những tháng còn lại của năm và GDP của Việt Nam có thể ở mức 6,5 - 7% như mục tiêu Chính phủ đề ra”, ông Ngô Đăng Khoa dự báo.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 7%

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Siêu bão Yagi là cơn bão lịch sử với sức tàn phá lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão rất đồng bộ, quyết liệt, bài bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế. "Chúng ta đã nỗ lực hết mình, đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để sớm khắc phục hậu quả của cơn bão, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Các mục tiêu sắp tới là không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hàng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát...

Đặc biệt, Thủ tướng đã kêu gọi tập trung toàn lực nhằm tái thiết cuộc sống để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%, cao hơn mục tiêu 6 - 6,5% do Quốc hội đề ra vào cuối năm 2023. Theo mục tiêu đề ra, tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam khoảng trên 7%, như vậy trong quý IV, GDP phải đạt từ 7 - 8%. Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia kinh tế cho rằng rất cần sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả.

Nhìn về dài hạn, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nước ta cần tiếp tục tăng trưởng các động lực kinh tế trụ cột, tập trung hỗ trợ sự phục hồi hoàn toàn của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý… Từ đó tạo đà vững chắc cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới.

Trung Lâm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load