Thứ sáu 08/11/2024 03:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Bài tham dự cuộc thi “Phát triển công trình xanh”

Kích hoạt thị trường công trình xanh: Bây giờ hay bao giờ?

19:18 | 17/09/2023

(Xây dựng) - Từng nổi tiếng với phát ngôn “phát triển công trình xanh ở Việt Nam như chiếc xe buýt không có bộ khởi động tự nổ mà phải nhiều người đẩy”, Kiến trúc sư (KTS) Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban cố vấn Hội đồng công trình xanh Việt Nam, Giám đốc Công ty TTT Architecs đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về một thị trường tiềm năng đối với người Việt. Đó là thị trường công trình xanh. Làm thế nào và bao giờ kích hoạt được thị trường này?

Kích hoạt thị trường công trình xanh: Bây giờ hay bao giờ?
Kiến trúc sư Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban cố vấn Hội đồng công trình xanh Việt Nam, Giám đốc Công ty TTT Architecs.

PV: Là một trong những người tiên phong, đã dành hơn 10 năm tâm huyết để truyền thông và phát triển công trình xanh ở Việt Nam, chắc hẳn câu hỏi Việt Nam đã có thị trường công trình xanh chưa, không làm khó ông chứ?

KTS Trần Khánh Trung: Ở Việt Nam, công trình xanh xuất hiện ngày càng nhiều. Tới thời điểm năm ngoái đã có hơn 260 công trình đạt các chứng chỉ LEED, EDGE, LOTUS… Tuy nhiên, không có nghĩa, có công trình xanh là xuất hiện thị trường công trình xanh. Một thị trường chỉ thực sự hình thành khi có cung và có cầu, có sự mua bán trao đổi. Nhìn lại công trình xanh, cho đến nay nhiều công trình ở Việt Nam đã đạt chứng nhận xanh nhưng giá mua, giá thuê vẫn không có biến động, không có khác biệt so với những công trình bình thường cùng loại. Nhu cầu xã hội về công trình xanh chưa thực sự xuất hiện, có nghĩa là thị trường công trình xanh chưa có.

Một cách xác định khác về sự hình thành “thị trường công trình xanh” là nhìn vào các tập đoàn đa quốc gia đang khai thác thị trường địa phương ứng xử thế nào với công trình xanh. Ở Thái Lan, Toyota và Starbucks đã có hàng chục cửa hàng đạt chứng nhận xanh của LEED, còn tại Việt Nam họ chưa hề có cái nào. Có lẽ bởi ở Thái Lan, việc họ nhận chứng nhận xanh đã làm tăng thêm sự tin tưởng của khách hàng, nâng cao giá trị thương hiệu. Hiện nay các tập đoàn chưa có động tĩnh gì tại Việt Nam được hiểu là thị trường công trình xanh chưa hình thành.

Nói tóm lại, thị trường công trình xanh tại Việt Nam chỉ mới có trên giấy, trên văn bản của Chính phủ nhưng chưa có trên thực tế.

PV: Theo ông, tiềm năng của thị trường công trình xanh ở Việt Nam như thế nào?

KTS Trần Khánh Trung: Là 1 quốc gia đang phát triển, nhu cầu xây dựng mới tại Việt Nam rất nhiều. Do vậy, nếu chúng ta cùng chuyển hướng xây dựng công trình xanh theo xu hướng tất yếu của thế giới hiện nay thì chắc chắn đây sẽ là một thị trường rất tiềm năng.

PV: Muốn hình thành thị trường công trình xanh thì trước tiên phải phát triển nó. Ông có thể giải thích tại sao ông lại ví phát triển công trình xanh ở Việt Nam như một chiếc xe buýt không có bộ khởi động tự nổ, mà phải nhiều người đẩy không?

KTS Trần Khánh Trung: Tôi ví sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam giống như chiếc xe buýt không có bộ khởi động vì nó không thể tự nổ máy để chạy, đòi hỏi rất nhiều “khách đi xe” phải cùng nhau đẩy để tạo ra lực đủ mạnh khiến xe chuyển động, có trớn rồi mới nổ được máy. Những vị khách trên xe bao gồm: Chủ đầu tư (cả Chính phủ và tư nhân); các tổ chức, hiệp hội, các nhà tư vấn thiết kế; nhà thầu xây dựng; nhà cung cấp vật liệu xây dựng, các nhà đầu tư địa ốc, các trường đại học, báo chí truyền thông và người sử dụng. Trong số các “vị khách” này theo tôi vai trò của Chính phủ là quan trọng nhất, vì đó là người chỉ huy và cũng là người có lực đẩy mạnh nhất. Khi tất cả các vị khách cùng đẩy một cách đồng bộ theo người chỉ huy thì xe buýt sẽ dễ dàng lăn bánh và tạo ra trớn, khi có đủ trớn thì xe sẽ nổ được máy tự chạy (có nghĩa thị trường công trình xanh đã hình thành). Tuy nhiên, cho đến nay, có vẻ như Chính phủ chỉ mới tham gia được 50% lực đẩy của mình. Do vậy, dù xe buýt công trình xanh Việt Nam đã lăn bánh nhưng chưa đủ trớn để có thể nổ máy và tự chạy được.

Kích hoạt thị trường công trình xanh: Bây giờ hay bao giờ?
Chiếc xe buýt công trình xanh không có bộ khởi động để tự nổ máy mà cần nhiều người cùng đẩy.

PV: Trong bức ảnh ông minh họa việc Chính phủ tham gia được 50% lực đẩy giống như người đẩy chính phía sau xe buýt bằng một tay đúng không? Vậy ông muốn nói điều gì ở cánh tay còn lại?

KTS Trần Khánh Trung: Vị khách “Chính phủ” mới đẩy một tay là vì hiện “ông ấy” chỉ mới kêu gọi, phát động phong trào phát triển công trình xanh, chỉ mới ban hành một vài văn bản nêu mục tiêu phát triển công trình xanh chứ chưa có một lực đẩy cụ thể nào. Lực đẩy cụ thể nằm ở cánh tay còn lại. Cánh tay này chính là những chính sách, hành động thiết thực. Ví dụ, Chính phủ nên ban hành các Quy chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển công trình xanh (ưu đãi về thuế, vốn vay, tăng hệ số sử dụng đất, ưu tiên về thủ tục cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành,…) như nhiều quốc gia khác. Chính phủ cần xây dựng hoàn chỉnh bộ tiêu chí công trình xanh làm cơ sở để xét ưu đãi cho các chủ đầu tư muốn đầu tư công trình xanh. Chính phủ cũng cần xây dựng hệ thống công trình chuẩn về năng lượng làm cơ sở để đánh giá mức độ hiệu quả năng lượng trong công trình xanh. Đồng thời, bổ sung đơn giá xây dựng cơ bản về các chi phí đặc biệt trong công trình xanh giúp các công trình xanh vốn ngân sách có thể giải ngân dễ dàng. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thực hiện thí điểm công trình xanh mẫu làm cơ sở để tất cả các bên liên quan tham chiếu… Theo tôi thì lực đẩy của cánh tay thứ 2 này quan trọng hơn nhiều.

PV: Như ông nói, Chính phủ mới “đẩy xe buýt công trình xanh một tay” nên xe lăn bánh mà chưa thể tự nổ và tự chạy được. Vậy theo ông, thị trường công trình xanh đã được kích hoạt chưa, kích hoạt bây giờ hay bao giờ?

KTS Trần Khánh Trung: Chính phủ đã kích hoạt thị trường công trình xanh (thông qua Quyết định 385-QĐ-BXD/2022), tuy nhiên chỉ mới là kế hoạch, mục tiêu như hiện nay thì chưa đủ. Có lẽ cho đến khi Chính phủ ban hành được chính sách ưu đãi công trình xanh một cách cụ thể, cũng như những quy định bắt buộc xây dựng công trình xanh vốn ngân sách, thì khi đó thị trường công trình xanh mới được kích hoạt thực sự.

PV: Để kích hoạt thị trường công trình xanh, ông có nghĩ rằng “chữ lợi” cần được giải quyết đối với tất cả các bên tham gia không?

KTS Trần Khánh Trung: Nếu được sử dụng công trình xanh thì đương nhiên các bên cùng có lợi. Nhưng cái lợi ấy người sử dụng phải thấy thật cụ thể, rõ rệt thì nhu cầu sử dụng mới được kích thích. Vậy nên, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ. Nếu chính sách ưu đãi cho công trình xanh được ban hành thì nên tập trung vào người sử dụng thay vì vào nhà đầu tư. Cụ thể, thay vì ưu đãi thuế cho chủ đầu tư tòa nhà văn phòng xanh hay Trung tâm thương mại xanh thì hãy ưu đãi thuế cho người thuê văn phòng, thuê gian hàng; Thay vì giảm thuế cho chủ đầu tư chung cư xanh thì hãy tặng tiền cho người mua căn hộ (giống như một số quốc gia đã tặng tiền cho người mua xe điện). Khi người sử dụng được nhận chính sách ưu đãi, chắc chắn nhu cầu mua, thuê, sử dụng công trình xanh sẽ được kích thích và lúc ấy thị trường công trình xanh sẽ hình thành nhanh.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Thực hiện: Mimoza Trần

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load