Thứ ba 24/12/2024 10:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Bắc Kạn: Phấn đấu mục tiêu tăng giá trị nông sản

19:39 | 06/11/2024

(Xây dựng) – Với mục tiêu đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm chế biến sâu nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và các sản phẩm khác của vùng, UBND tỉnh Bắc Kạn đã lựa chọn một số sản phẩm chế biến chủ lực của tỉnh gắn với phát triển cùng nguyên liệu.

Bắc Kạn: Phấn đấu mục tiêu tăng giá trị nông sản
Tỉnh Bắc Kạn tập trung vào phát triển nông sản tại địa phương.

Theo đó, tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư một số dự án: Nhà máy sản xuất ván dán với dây chuyền khép kín từ khâu bóc, sấy, dán và ép thành ván phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước công suất khoảng từ 20.000m3/năm trở lên tại các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn; nhà máy sản xuất gỗ, đồ gỗ phục vụ trong nước và xuất khẩu công suất 5.000m3/năm - 10.000m3/năm; các nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa như: Đồ mộc gia dụng, đồ mộc xuất khẩu, nguyên liệu bột giấy, nguyên liệu sản xuất ván ép, tre, gỗ công nghiệp tại huyện Chợ Mới và các huyện có vùng nguyên liệu; nhà máy chế biến rau quả, nước giải khát tại thành phố Bắc Kạn có công suất khoảng 5 triệu lít/năm sử dụng nguyên liệu địa phương như: Cam, quýt, mơ...; nhà máy chế biến chè phục vụ trong nước và xuất khẩu công suất 1.000 - 6.000 tấn/năm tại huyện Chợ Mới; các cơ sở chế biến thịt gia súc, gia cầm, các loại thức ăn chín như: Giò, chả, thịt hun khói, lạp xưởng, các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm, phở, mỳ, bún, bánh...

Đồng thời, duy trì hoạt động ổn định và tập trung chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất, chế biến gỗ hiện có tại Khu công nghiệp Thanh Bình, đảm bảo vận hành đủ công suất thiết kế 215.000m3 ván dán/năm với nhu cầu nguyên liệu khoảng 360.000m3 gỗ tròn/năm và 170 triệu sản phẩm thìa, dao, dĩa gỗ/năm. Cùng với đó, khuyến khích chuyển đổi mô hình hộ cá thể chế biến gỗ, lâm sản sang mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản.

Trên cơ sở vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến miến dong hiện có, cùng với phát triển vùng nguyên liệu trồng cây dong riềng, cây chè và chế biến sản phẩm, Bắc Kạn đang hướng đến phát triển các cụm sản xuất miến tập trung: Cụm sản xuất miến tại xã Côn Minh, huyện Na Rì công suất từ 1.500 - 2.500 tấn miến/năm; cụm sản xuất miến tại huyện Ba Bể, công suất trên 1.000 tấn miến/năm và cụm sản xuất miến tại thành phố Bắc Kạn, công suất 1.000 tấn miến/năm; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiên cứu, phát triển các sản phẩm miến dong ăn liền, bún, phở ăn liền và các sản phẩm gia vị miến dong…; tăng cường công tác liên kết chuỗi sản xuất từ khâu trồng, chế biến tinh bột và chế biến thành sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, sản lượng để đưa vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn và hướng tới xuất khẩu.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các cơ sở chế biến nông lâm sản hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... lãnh đạo tỉnh, huyện, thành phố và ngành chức năng của tỉnh thường xuyên thăm, nắm tình hình hoạt động của các cơ sở chế biến. Với nhiệm vụ được giao, các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ... đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị; nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, hộ dân đầu tư phát triển các kho bảo quản, kho lạnh, cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ, giảm sức ép việc tiêu thụ sản phẩm quả tươi; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được tham gia đề xuất đặt hàng, chủ trì các nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh, nhất là phát triển sản xuất, chế biến nông sản; rà soát, tư vấn, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu chế biến nông sản đăng ký hỗ trợ theo chính sách khuyến công năm 2025.

Thảo Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load