Thứ ba 24/12/2024 10:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tạo điều kiện cho phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới

06:53 | 07/11/2024

(Xây dựng) - Thúc đẩy mở rộng hạ tầng giao thông, kết nối thương mại và xây dựng khu vực biên giới an toàn, ổn định cũng như chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, bố trí kho bãi gần cửa khẩu là những chính sách đang được nhiều tỉnh biên giới ưu tiên triển khai nhằm khai thác tối đa hiệu quả của hoạt động thương mại biên giới.

Tạo điều kiện cho phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới
Phát triển thương mại biên giới đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Có thể nói, việc phát triển thương mại biên giới đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và gắn kết các khu vực vùng sâu, vùng xa với nền kinh tế quốc gia. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, cần có các chính sách đồng bộ, tập trung vào việc mở rộng hạ tầng giao thông, thúc đẩy kết nối thương mại và xây dựng khu vực biên giới an toàn, ổn định.

Theo đánh giá, Thông tư số 01/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết hàng hóa mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.

Việc quy định chi tiết các loại hàng hóa, đối tượng tham gia và các thủ tục liên quan giúp tăng cường hoạt động quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại biên giới. Đồng thời, giúp thương nhân chủ động trong hoạt động giao dịch, mua bán hàng hóa, hạn chế tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại.

Không chỉ có vậy, Thông tư số 02/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương đã quy định chi tiết Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của cư dân biên giới cũng tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới tham gia vào các hoạt động thương mại nhỏ lẻ, giúp cải thiện đời sống kinh tế của các hộ gia đình tại các vùng biên giới. Điều này cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước thuận tiện trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa; góp phần thúc đẩy giao thương tại các khu vực biên giới.

Để phát triển thương mại biên giới, đẩy mạnh hoạt động giao lưu kinh tế, đổi ngoại, hợp tác đầu tư phát triển thương mại giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới, trên cơ sở tình hình thực tế, nhu cầu của người dân địa phương, mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương rà soát, xem xét bổ sung một số mặt hàng vào Danh mục các hàng hóa được nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu và Danh mục mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với UBND tỉnh biên giới đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng tại các cửa khẩu; có chính sách thúc đẩy hình thành chợ biên giới, nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu. Cùng đó, phối hợp với chính quyền các tỉnh phía nước bạn để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông đến cửa khẩu.

Mặt khác, đầu tư xây dựng, nâng cấp các cửa khẩu phụ, lối mở để đảm bảo về cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước; xúc tiến việc nâng cấp các cửa khẩu, lối mở để có cơ sở cho việc phát triển thương mại biên giới, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn.

Đặc biệt, đối với UBND tỉnh biên giới cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng như bố trí kho bãi gần cửa khẩu phụ để cơ quan Hải quan có địa điểm thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán, trao đối hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Ngoài ra, đầu tư xây dựng, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng phục vụ công tác thông quan, kiểm soát hải quan và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load