Thứ năm 26/12/2024 19:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hòa Bình: Công trình Nhà máy nước sạch Xuân Mai chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đã thi công làm nứt nhà dân

09:42 | 21/11/2019

(Xây dựng) – Sau sự cố nước sạch ở Hà Nội bị nhiễm styren do hành vi đổ trộm dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà cho thấy công tác quản lý, giám sát “an ninh nguồn nước” còn nhiều “lỗ hổng” đáng báo động. Bên cạnh đó, việc được chính quyền “ưu ái” đang là các điều kiện để các doanh nghiệp vi phạm các quy định trong hoạt động đầu tư xây dựng tại các dự án Nhà máy nước. Dự án Nhà máy xử lý nước (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) là một ví dụ.

Người dân “tố” dự án thi công gây lún nứt nhà

Mấy ngày qua, dư luận chưa kịp lắng xuống về việc hệ thống nước sạch ở Hà Nội bị nhiễm styren do hành vi đổ trộm dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà, thì lại dấy lên sự việc dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty Cổ phần nước Aqua One chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng và việc giá bán nước sạch của nhà máy này “đắt kỷ lục”.

Hòa Bình: Công trình Nhà máy nước sạch Xuân Mai chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đã thi công làm nứt nhà dân
Dự án đã triển khai thi công, bên cạnh lối lên là biển bảng ghi thông tin dự án Nhà máy xử lý nước thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch.

Ngày 20/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2055/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô năm 2030, tầm nhìn 2050. Ngày 6/6/2018, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần nước Aqua One thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần tuyến ống truyền tải và trạm bơm tăng áp công suất 120.000 m3/ngày đêm.

Cũng trong văn bản mới đây trả lời kiến nghị cử trị huyện Ứng Hòa, UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện đang giao cho Công ty Cổ phần nước Aqua One của Shark Liên triển khai dự án nước sạch Xuân Mai. Theo đó, Nhà máy nước mặt Xuân Mai là nhà máy có quy mô cấp nước vùng với công suất: 600.000 m3/ngày đêm; tổng công suất dự kiến: 900.000 m3/ngày đêm.

Trong đó có nội dung xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 27 xã nói trên thuộc huyện Ứng Hòa. Để đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân huyện Ứng Hòa, hiện nay thành phố Hà Nội đã giao Công ty Cổ phần nước Aqua One triển khai dự án nhà máy nước Xuân Mai, giai đoạn trước mắt sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống, thông qua tuyến truyền dẫn trên đường trục phát triển kinh tế phía Nam và đường 21B để kết nối hệ thống cấp nước bổ sung nguồn cấp cho huyện Ứng Hòa và khu vực dự kiến triển khai trong năm 2019.

Trong quá trình tìm hiểu về các hoạt động đầu tư xây dựng của dự án Nhà máy xử lý nước thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) được biết, hiện dự án chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhưng phía nhà thầu đã tổ chức thi công san gạt nền, hạ cốt đồi. Ngoài ra, việc tổ chức thi công xây dựng dự án này đã gây lún, nứt nhà dân liền kề của dự án.

Phản ánh sự việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một số người dân tại xóm Dụ 5 (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã bức xúc trước việc đơn vị thi công cho máy múc, triển khai thi công, san lấp đồi, hạ cốt nền gây nứt nhà, sụt lún mà chưa hề được đền bù, giải quyết.

Chị Tuyết - xóm Dụ 5 xã Mông Hóa cho biết: “Nhà chúng tôi sát ngay dự án, được biết đây là dự án Nhà máy nước sạch của Công ty Aqua One, dự án được triển khai được mấy tháng rồi. Khi triển khai dự án, máy móc hoạt động làm đá rơi vào nhà, gây nứt nhà, chưa kể việc thi công gây bụi bặm và tiếng ồn, khi chúng tôi kiến nghị thậm chí còn bị dọa nạt. Dù bị ảnh hưởng bởi dự án, nhưng đến giờ phút này chưa thấy đền bù gì cả. Hôm trước, khi đơn vị thi công rơi đá làm chết của nhà một con chó nhưng họ còn bảo “đấy là chuyện nhỏ thôi, nếu xảy ra mạng người sẽ có trách nhiệm”. Tôi được biết, Công ty Huy Trang là đơn vị thi công san lấp tại dự án này”.

Hòa Bình: Công trình Nhà máy nước sạch Xuân Mai chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đã thi công làm nứt nhà dân
Một số nhà dân tại xóm Dụ 5, xã Mông Hóa đang bị ảnh hưởng đến cuộc sống bởi việc thi công của dự án?

Tìm hiểu được biết, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình được UBND tỉnh Hòa Bình trao Quyết định chủ trương đầu tư số 37/QĐ-UBND ngày 23/5/2018 cho Công ty Cổ phần nước Aqua One.

Tuy nhiên, ngày 24/1/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án điều chỉnh tên thành: Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch.

Hòa Bình: Công trình Nhà máy nước sạch Xuân Mai chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đã thi công làm nứt nhà dân
Tường nhà dân nằm sát lối lên dự án đã bị nứt.

Quy mô đầu tư cũng được điều chỉnh với công suất thiết kế: 600.000m3 nước sạch/ngày/đêm (trong đó giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày/đêm, giai đoạn 2 là 300.000m3/ngày/đêm. Các hạng mục xây dựng gồm: Công trình thu và trạm bơm, nhà máy xử lý nước, bể chứa trung gian, tuyến đường ống dẫn nước.

Diện tích đất sử dụng khoảng 52,4ha, cụ thể: Công trình thu và trạm bơm khoảng 3,4ha (xóm Miều, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình); nhà máy xử lý nước khoảng 45,5ha (xóm Dụ 5, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình); bể chứa nước trung gian khoảng 3,5ha (xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Hòa Bình: Công trình Nhà máy nước sạch Xuân Mai chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đã thi công làm nứt nhà dân
Tường nhà dân bị nứt dọc, ngoài ra khi thi công còn rơi đá, bụi làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Dự án có hệ thống đường ống truyền dẫn nước sạch dài 58km chạy dọc theo Quốc lộ 16 thuộc địa phận Hòa Bình và Hà Nội, cung cấp nước sạch cho quận Hà Đông, một phần quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức; Phía Nam: Từ vành đai 3 theo Quốc lộ 1A về phía Nam gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên; Phía Tây và Tây Nam: huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa; Phía Đông: Bổ sung cho các quận nội thành cũ và một số huyện tỉnh Hòa Bình (Kỳ Sơn, Lương Sơn, một phần thành phố Hòa Bình) dọc tuyến ống.

Ngày 21/8/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 1787/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hạng mục nhà máy xử lý nước thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch.

Theo đó, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần nước Aqua One, diện tích lập quy hoạch là 45,5ha. Mục tiêu: Làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch. Tính chất: Là một nhà máy xử lý nước sạch được đầu tư xây mới, góp phần hoàn chỉnh các hạng mục của hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch nằm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình: Công trình Nhà máy nước sạch Xuân Mai chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đã thi công làm nứt nhà dân
Vết nứt chạy dài dọc sân của nhà dân.

Có hay không việc chưa hoàn thiện thủ tục đã thi công xây dựng?

Để khách quan thông tin, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ và có cuộc trao đổi nhanh với lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn và một số cơ quan của tỉnh Hòa Bình.

Theo một lãnh đạo của UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Thẩm quyền và trách nhiệm của huyện rất đơn giản thôi, tất cả các thủ tục có liên quan (nhà máy nước sạch Xuân Mai – PV) là của tỉnh. Ở huyện mọi việc liên quan đến trình tự thì đến thời điểm hiện nay người ta chỉ thông báo một số thủ tục ban đầu”.

Tuy nhiên vị lãnh đạo UBND huyện cũng cho rằng: “Người ta đang hoàn thiện các thủ tục, về cơ bản cũng đã hoàn thiện các tiêu chí rồi, tuy nhiên thời điểm hiện nay để chính thức thì tôi sẽ thông tin tới các bạn sau”.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiệp - Bí thư huyện Kỳ Sơn cũng thông tin thêm: “Dự án Nhà máy nước trước đây định xây dựng trong khu công nghiệp, nhưng sau lại chuyển ra ngoài. Nhà máy này lấy nguồn nước từ sông Đà, hiện nay chưa triển khai xây dựng đường ống. Dù nhà máy đặt tại địa bàn huyện nhưng nguồn nước lại được cấp toàn bộ cho Thủ đô Hà Nội, người dân huyện Kỳ Sơn cũng không được dùng nước sạch từ nhà máy này. Vừa qua phía hyện có đề xuất, nhà máy nằm trên địa bàn nếu được thì cung cấp nước sạch cho huyện Kỳ Sơn, nhưng không được chấp thuận. Hiện trên địa bàn huyện chỉ có Nhà máy nước nhỏ của Nhà máy nước sạch Hòa Bình đặt tại đây để phụ vụ cho thị trấn, còn các xã thì bà con tự lo thôi”.

Trao đổi về thủ tục pháp lý để triển khai dự án, ông Trần Hải Lâm – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho biết: “Hiện tại, dự án chưa lắp đặt đường ống, bây giờ họ mới đang lên phương án thi công là khoan hay đào. Thủ tục pháp lý đến thời điểm này họ đang triển khai ở tỉnh, trình tự thủ tục vẫn đang triển khai”.

Trước câu hỏi của phóng viên, đến thời điểm này thủ tục pháp lý của dự án đã hoàn thiện để triển khai thi công dự án hay chưa? Ông Lâm cho biết: “Việc hạ cốt nền, chỗ đấy còn một số dự án của huyện cấp cho họ san lấp đất, san hạ của một số hộ gia đình ở đấy, chứ không phải hạ cốt đâu”.

Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp thông tin, vị trí san lấp hạ cốt có cắm biển dự án Nhà máy xử lý nước thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai thì ông Lâm cho biết: “Sẽ điện về huyện Kỳ Sơn để kiểm tra lại và khẳng định rằng, dự án phải đảm bảo hoàn thiện thủ tục pháp lý rồi mới được triển khai”.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng Quyết định số 2055/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới là Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch của Thủ đô phê duyệt quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội năm 2030 và tầm nhìn 2050. Trong Quyết định này Thủ tướng giao cho UBND thành phố Hà Nội, phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ ngành liên quan tiến hành thẩm định quy hoạch cấp nước và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đã mấy năm trôi qua mặc dù Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết cấp nước Thủ đô Hà Nội nhưng tại sao UBND thành phố Hà Nội lại phê duyệt chủ trương đầu tư cho Nhà máy nước sạch Xuân Mai?

Cũng trong Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hòa Bình ngày 24/1/2019, theo đó thì tên dự án đổi tên thành Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – Hợp phần công trình thu, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, bể chứa trung gian và tuyến ống truyền tải nước sạch. Xin hỏi trong quy hoạch cấp nước của tỉnh Hòa Bình được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tên nhà máy này không và cấp nước cho vùng nào của tỉnh Hòa Bình?

Quay lại ý kiến của ông Bí thư Huyện ủy huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Thiệp: “Dù nhà máy đặt tại địa bàn huyện, nhưng nguồn nước lại được cấp toàn bộ cho Thủ đô Hà Nội, người dân huyện Kỳ Sơn cũng không được dùng nước sạch từ nhà máy này. Vừa qua phía huyện có đề xuất, nhà máy nằm trên địa bàn nếu được thì cung cấp nước sạch cho huyện Kỳ Sơn, nhưng không được chấp thuận. Hiện trên địa bàn huyện chỉ có Nhà máy nước nhỏ của Nhà máy nước sạch Hòa Bình đặt tại đây để phụ vụ cho thị trấn, còn các xã thì bà con tự lo thôi”.

Nếu đúng như lời của ông Bí thư Huyện ủy nói, toàn bộ nhà máy là cấp nước cho Thủ đô Hà Nội thì tại sao UBND tỉnh Hòa Bình lại trao Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 37/ UBND ngày 23/5/2018 cho Công ty Cổ phần nước Aqua One rồi lại ra Quyết định điều chỉnh? Nếu đúng như vậy, người dân có thể đặt câu hỏi một bộ phận nào đó của UBND tỉnh Hòa Bình và UBND thành phố Hà Nội thông qua những việc làm “khuất tất” nêu trên đã cố tình vi phạm Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ với động cơ cho ra đời Nhà máy nước sạch Xuân Mai mà chưa có trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

Mặt khác, trong khi quy hoạch hệ thống đường ống dẫn nước Hà Nội chưa được đặt ra, việc đấu nối giữa các nhà máy nước chưa được thực hiện, chưa tạo thành những mạch vòng để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn cung cấp nước thì việc xây dựng một Nhà máy nước sạch Xuân Mai với công suất 600.000 m3/ngày đêm là vô cùng lãng phí và không biết tiêu thụ về đâu. Trong khi địa bàn cấp nước của nhà máy này được giao trong Quyết định đầu tư có nhiều địa danh trùng lặp với Nhà máy nước sạch Sông Đà?

Tất cả những vấn đề nêu trên, UBND thành phố Hà Nội cần sớm trả lời để công luận rõ. Mặt khác cũng cần nói rõ cho Công ty Cổ phần Aqua One thấy cần phải làm đầy đủ các thủ tục đầu tư trước khi đầu tư xây dưng, nếu không sẽ gây ra tình trạng rất lãng phí trong đầu tư, bởi vì nhà máy này sẽ không được bù giá như Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Thông tin về Nhà máy nước mặt Xuân Mai:

Chủ đầu tư: Công ty TNHH nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai

Địa điểm: Khu công nghiệp Mông Hóa, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Diện tích: 52,4ha. Trong đó, công trình thu và trạm bơm: khoảng 3,4ha; nhà máy xử lý nước: khoảng 45,5ha; bể chứa trung gian: khoảng 3,5ha.

Nguồn nước: Sử dụng nguồn nước mặt sông Đà. Thời gian – Công suất: Nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với công suất: 600.000 m3/ngày đêm; Tổng công suất dự kiến: 900.000 m3/ngày đêm.

Nhà thầu chính: Liên danh tổng thầu Aone Deutschland và Strabag (CHLB Đức)

Đối tác tài chính: Quỹ đầu tư liên doanh Vietnam Oman Invesments (VOI); Ngân hàng Vietinbank; Ngân hàng liên doanh IndovinaBank.

Ngọc Hân – Thành Luân

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bắc Ninh: Bác khiếu nại bồi thường đất do không đủ cơ sở

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Bắc Ninh bác bỏ khiếu nại của một công dân về việc bồi thường đất ở khi thực hiện dự án xây dựng các tuyến đường tỉnh. Đồng thời yêu cầu các bên liên quan tuân thủ phương án bồi thường đã được phê duyệt.

  • Thanh Trì (Hà Nội): Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn “ung dung” tồn tại

    (Xây dựng) – Hiện nay, trên địa bàn xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội đang tồn tại nhiều vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, san lấp và sử dụng đất sai mục đích. Dù những vi phạm đã được xác định rõ, nhưng dường như chính quyền địa phương đang thiếu quyết liệt trong công tác xử lý.

  • Hoàng Mai (Hà Nội): Đề nghị xử lý dứt điểm sai phạm tại Khu tập thể Trương Định

    (Xây dựng) - Ông Hoàng Ngọc Tuấn, công dân phường Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có đơn phản ánh về việc chủ nhà C2 tầng 2 Khu tập thể Trương Định có hành vi vi phạm trật tự xây dựng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình nhà ở của gia đình. Sự việc diễn ra đã lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

  • Cần xem xét thấu đáo quyết định thu hồi đất đối với 2 dự án tại thị xã Sa Pa

    (Xây dựng) - Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai xem xét một cách thấu đáo và minh bạch hơn nữa đối với quyết định thu hồi đất của 02 dự án mà Công ty này đã được giao đất từ cách đây hơn 2 thập kỷ.

  • Nguy cơ vỡ trận dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

    (Xây dựng) - Sau hơn 3 tháng phát hành hồ sơ mời thầu, hai gói thầu xây lắp thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ QL56 đến nút giao Vũng Vằn) do Ban Quản lý dự án (QLDA) chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư đã buộc phải hủy thầu khiến dự án cấp bách này có nguy cơ rơi vào cảnh vỡ trận.

  • Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định): Liệu có “khuất tất” trong lựa chọn nhà thầu?

    (Xây dựng) – Là một doanh nghiệp còn non trẻ (được thành lập từ năm 2022), không có trụ sở văn phòng, không có biển hiệu Công ty… thế nhưng Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thái Bình ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) vẫn được UBND xã Hoài Sơn lựa chọn làm đơn vị chấm thầu cho dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Trận tập kích Trụ sở Ngụy quyền xã Hoài Sơn năm 1961 (giai đoạn 1). Từ đây, việc chấm thầu của đơn vị này đã gây nhiều nghi vấn, bức xúc cho các nhà thầu.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load