Thứ năm 15/08/2024 01:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm kêu gọi đầu tư của thành phố Đà Nẵng

15:53 | 15/07/2024

(Xây dựng) - Tính đến tháng 5/2024, Hàn Quốc là quốc gia xếp thứ 5 về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng với 278 dự án và số vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 371 triệu USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đà Nẵng. Đà Nẵng hiện đang kỳ vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực thế mạnh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc.

Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm kêu gọi đầu tư của thành phố Đà Nẵng
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến Đà Nẵng nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin. (Ảnh: CTTĐT TP Đà Nẵng)

Theo đó, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều chương trình kêu gọi trực tiếp đối với các nhà đầu tư của Hàn Quốc. Nhiều đoàn công tác của Đà Nẵng đã thông tin đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc về một số lĩnh vực như thực trạng phát triển ngành công nghệ thông tin của thành phố; lộ trình triển khai chương trình thành phố thông minh; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại thành phố trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đã có 30 biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai thành phố, thành phố Daegu (Hàn Quốc) và thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) được ký kết liên quan đến phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh và nâng cao chất lượng đời sống của người dân (như giáo dục thông minh, phòng chống cháy rừng, bản sao số trong quản lý đô thị thông minh…

Ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc, tập trung vào các ngành: Điện tử, cơ điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng sang Hàn Quốc ước đạt 45 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 65 triệu USD. Trong năm 2023, Đà Nẵng đã đón hơn hơn 935.000 lượt du khách Hàn Quốc, chiếm gần 50% tổng số lượt du khách quốc tế đến thành phố. Về đầu tư, tính đến tháng 3-2024, trên địa bàn thành phố có 278 dự án đầu tư từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 381 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất và dịch vụ.

Về số vốn đầu tư, Hàn Quốc xếp thứ 5 trong 45 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Đà Nẵng. Một số dự án nổi bật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc như: Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina của Công ty Dentium tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng; Trung tâm nghiên cứu giải pháp phát triển linh kiện xe hơi của Tập đoàn LG; Trung tâm thương mại Lotte Đà Nẵng...

Trong thời gian đến, thành phố Đà Nẵng tập trung thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc mở rộng hoạt động hợp tác, đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao bên cạnh du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành điện tử, cơ điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Để phát triển lĩnh vực này, Đà Nẵng tập trung các giải pháp: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng; các chính sách ưu đãi đầu tư; hợp tác quốc tế. Đặc biệt, vào sáng 26/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, với 452/459 đại biểu tán thành (đạt 93%), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là 5 năm. Trong đó Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; phát triển khoảng 5.000 nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng.

Về định hướng phát triển thành phố trong thời gian đến Đà Nẵng chú trọng phát triển năm lĩnh vực mũi nhọn như du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Nguyễn Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load