Thứ sáu 26/04/2024 03:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Nhiều bất cập trong việc sử dụng diện tích tầng 1 nhà tái định cư

11:45 | 24/07/2020

(Xây dựng) - Xây dựng khu tái định cư luôn là vấn đề được Nhà nước quan tâm không chỉ nhằm bố trí chỗ ở và ổn định cuộc sống cho những người bị thu hồi đất, bị giải tỏa nhà ở mà còn nhằm đảm bảo nhanh chóng giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch giúp các dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch được nhanh chóng triển khai. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều dự án nhà ở tái định cư được sử dụng không đúng mục đích, nhiều phần diện tích bỏ hoang gây lãng phí, nhếch nhác ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đô thị.

ha noi nhieu bat cap trong viec su dung dien tich tang 1 nha tai dinh cu
Phần diện tích cho thuê vi phạm bị cưỡng chế tháo dỡ tại mặt sau tòa nhà CT2-X1, CT1-X2 (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội).

Nhiều diện tích bỏ không, sử dụng sai mục đích

Theo quy định, nhà ở tái định cư là nhà ở để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, bị giải tỏa nhà ở theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp được hỗ trợ nhà ở tái định cư, gồm: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có sổ đỏ hoặc đủ điều kiện cấp sổ thì bồi thường bằng đất hoặc nhà ở tái định cư khi đáp ứng đủ yêu cầu;

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất trong hành lang an toàn thì được bố trí tái định cư;

Thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người (theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 47).

Luật đã quy định rất rõ về những đối tượng được hưởng chính sách nhà ở tái định cư. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, điển hình là Hà Nội, nhiều khu chung cư tái định cư đang được sử dụng trái mục đích. Nhất là diện tích tầng 1 được đơn vị quản lý cho thuê để kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của UBND Thành phố Hà Nội.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có 174 nhà chung cư tái định cư, đang bỏ trống 18.500m2 sàn tầng 1. Bên cạnh đó, tồn tại 28 điểm vi phạm trong hoạt động khai thác, cho thuê, tập trung nhiều nhất tại quận Hoàng Mai.

ha noi nhieu bat cap trong viec su dung dien tich tang 1 nha tai dinh cu
Tại Khu đô thị Đền Lừ 2, một số vị trí được bố trí làm văn phòng cũng trong tình trạng đóng cửa, bỏ không.

Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tầng 1 của 5 tòa nhà chung cư tái định cư từ A1 đến A5, Khu đô thị Đền Lừ 2 (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) nhiều diện tích đang bị bỏ trống. Lác đác chỉ vài vị trí được bố trí làm văn phòng, cửa hàng kinh doanh.

Tầng 1 của 2 tòa chung cư tái định cư CT2-X1, CT1-X2, Khu đô thị Bắc Linh Đàm với diện tích cả nghìn m2 cũng xảy ra tình trạng như trên. Trừ lối ra vào thang máy, tất cả các cửa phía trước, phía sau vào khu thương mại đều bị khóa chéo. Thậm chí, có những ô cửa đang bị chính quyền dán giấy niêm phong, sau khi cưỡng chế thu hồi. Do không được đưa vào sử dụng nên các công trình có dấu hiệu xuống cấp, gây nhếch nhác ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội được Thành phố Hà Nội giao quản lý 148 tòa nhà tái định cư. Trong đó, diện tích kinh doanh tầng 1 lên đến 56.937m2. Tuy nhiên, công ty đã tự ý bố trí cho 21 cá nhân, đơn vị vào sử dụng 4.038m2 để kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của UBND Thành phố Hà Nội. Toàn bộ số tiền cho thuê diện tích này là hơn 20 tỷ đồng đã không được nộp vào ngân sách nhà nước.

ha noi nhieu bat cap trong viec su dung dien tich tang 1 nha tai dinh cu
Nhiều diện tích tầng 1 bị “xẻ thịt” cho thuê để kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của UBND Thành phố Hà Nội.

Thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng

Trong khi không ít diện tích công cộng, kinh doanh dịch vụ tại các tòa chung cư tái định cư bị bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích thì nhiều người dân sinh sống ở chung cư gần chục năm vẫn chưa từng được sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng. Thậm chí, ngay cả khi UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát các diện tích công cộng, dịch vụ để bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng thì đến nay ở nhiều nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.

Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô. Thế nhưng nơi đây lại có hàng chục tòa nhà tái định cư không có phòng sinh hoạt cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Toàn (cư dân nhà 24T2) cho biết, cả cụm dân cư không có phòng họp, khiến công việc họp hành của cư dân rất khó khăn, bất tiện. Nhiều lần cư dân ở đây kiến nghị thành phố chỉ đạo xây dựng phòng sinh hoạt cộng đồng nhưng vẫn chưa có.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 174 tòa nhà tái định cư, được giao cho 3 đơn vị vận hành là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (quản lý 136 tòa); Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - Handico (20 tòa); Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở thuộc Sở Xây dựng (18 tòa). Trong số 174 chung cư tái định cư, có nhiều chung cư xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở 2005 được ban hành. Vì vậy, ngay từ thiết kế ban đầu, các chung cư này không được bố trí diện tích làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho cư dân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: Tái định cư không chỉ là phòng ở mà còn là không gian cộng đồng, kể cả cảnh quan dù ít cũng phải có. Nếu quan niệm như thế, các khu tái định cư phải có không gian công cộng, không gian sinh hoạt cộng đồng, cảnh quan. Chính vì vậy, ngay từ khâu thiết kế phải tính đến nó. Hiện nay, không ai quan tâm hoặc sử dụng không đúng mục đích, không theo quy hoạch thì chúng ta phải khắc phục tình trạng này. Để làm được điều đó, tôi nghĩ trước hết phải huy động nhiều nguồn lực, nhưng quan trọng nhất là cư dân tại chỗ. Ta phải trao quyền cho họ quản lý và huy động sức lao động của mọi người chỉ khi nào là của họ thì họ mới có trách nhiệm và cảm thấy gắn bó, cái thiết chế này gọi là tự quản cộng đồng.

Để hạn chế và chấm dứt tình trạng sử dụng nhà tái định cư sai mục đích đồng thời bố trí không gian sinh hoạt cộng đồng cho cư dân, vừa qua UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn 2285/UBND-STC về việc quản lý, sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước được bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng tại các chung cư tái định cư xây dựng bằng vốn ngân sách trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã (bao gồm cả UBND các xã, phường, thị trấn) các thủ tục về đất đai theo quy định đối với diện tích nhà tầng 1 thuộc sở hữu nhà nước tại chung cư tái định cư giao UBND xã, phường, thị trấn quản lý, bố trí sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng.

Trong khi đó, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận tài sản công là diện tích nhà tầng 1 thuộc sở hữu nhà nước tại chung cư tái định bố trí sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng, UBND xã, phường, thị trấn quản lý, sử dụng và kê khai, báo cáo theo chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước quy định.

UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý nhà sinh hoạt cộng đồng này theo đúng mục đích, không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Khánh Hòa – Việt Khoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load