Thứ năm 02/05/2024 16:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đèo Cả đảm bảo góp hơn 1.740 tỷ đồng vốn cho dự án Tân Phú - Bảo Lộc

15:00 | 19/04/2024

(Xây dựng) - Đó là khẳng định của Tập đoàn Đèo Cả tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về thu xếp tài chính cho Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, ngày 17/4.

Phương án khả thi về tài chính

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) có chiều dài khoảng 66 km, đi qua hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Theo chủ trương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng (tương đương 38% tổng mức đầu tư), nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu 1.605 tỷ đồng và huy động các nguồn vốn khác khoảng 9.095 tỷ đồng.

Đèo Cả đảm bảo góp hơn 1.740 tỷ đồng vốn cho dự án Tân Phú - Bảo Lộc
Buổi làm việc giữa tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn Đèo Cả ngày 17/4.

Đến nay, do cập nhật lại đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của Nhà nước, nên cơ cấu tổng mức đầu tư dự án đã thay đổi so với chủ trương đầu tư được duyệt. Cụ thể, tổng mức đầu tư dự án khoảng 18.120 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) tham gia 6.500 tỷ đồng tương đương 35% (không đổi so với chủ trương đầu tư ban đầu), nhưng vốn do nhà đầu tư góp và huy động tăng lên khoảng 11.620 tỷ đồng (tăng 920 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư ban đầu).

Trong bối cảnh các nhà đầu tư trong liên danh do nhiều nguyên nhân đã không còn cam kết thu xếp vốn tham gia dự án, chỉ còn Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục quyết tâm thực hiện. Đèo Cả đã đề xuất các giải pháp khả thi về tài chính cho dự án.

Trong đó, đối với phương án không tăng vốn NSNN, để khả thi thì ngân hàng phải cho vay ưu đãi với tỉ lệ 80% nhu cầu vốn huy động, 20% do nhà đầu tư tự thu xếp. Tuy nhiên, nếu vốn NSNN tham gia với tỷ lệ thấp thì rất khó để các ngân hàng thu xếp vốn vay cho các nhà đầu tư. Trong trường hợp tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu bố trí thêm 2.570 tỷ đồng NSNN tham gia dự án (tăng tỷ lệ vốn NSNN lên 50%), thì nhà đầu tư có thể tự huy động được 9.073 tỷ đồng.

Ông Lê Quỳnh Mai – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, gần 4 năm qua, Nhà đầu tư đứng đầu liên danh là Tập đoàn Đèo Cả vẫn kiên định theo đuổi, tài trợ kinh phí lập đề xuất dự án (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) và tiếp tục triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời cam kết đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu 1.743 tỷ đồng để tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án.

Phần vốn khác (bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn huy động), Tập đoàn Đèo Cả đề xuất tỉnh Lâm Đồng trình Chính phủ điều chỉnh cơ cấu vốn ngân sách nhà nước tham gia lên 50% (theo luật PPP), hoặc Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Lâm Đồng (VDB) xác lập cam kết cho vay ưu đãi với tỉ lệ 80% nhu cầu vốn huy động, lãi suất, thời gian hoàn vốn, điều kiện giải ngân trước khi quyết định phê duyệt dự án Tân Phú - Bảo Lộc.

Ông Mai cho biết thêm, khi xác định nghiên cứu đầu tư bất kỳ dự án nào, Tập đoàn Đèo Cả đều thể hiện với tinh thần quyết tâm cao và kiên định theo đuổi đến cùng. Nếu được chọn là nhà đầu dự án thì Tập đoàn Đèo Cả sẽ góp đủ vốn chủ sở hữu theo yêu cầu.

Đã có nhiều dự án dù ký được hợp đồng, nhưng “tắc giải ngân vốn tín dụng” nên vẫn không triển khai được. Vì thế, đề nghị tỉnh Lâm Đồng làm việc với ngân hàng, xác lập cam kết tài trợ vốn cho dự án về hạn mức, lãi suất, thời gian cho vay… Với kinh nghiệm đã hoàn thành nhiều dự án, chúng tôi đã đề xuất các giải pháp thực hiện, mô hình huy động vốn khả thi nhất, đồng thời đưa ra các giải pháp tối ưu quy trình, tiết giảm chi phí… Minh chứng qua 2 dự án PPP vừa được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thành công là cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng”, ông Mai nói.

Triển khai để đồng bộ toàn tuyến

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương) là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Để đảm bảo vai trò kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn… cần phải triển khai đồng bộ và hoàn thành toàn truyến trong giai đoạn 2024 – 2027.

Đèo Cả đảm bảo góp hơn 1.740 tỷ đồng vốn cho dự án Tân Phú - Bảo Lộc
Tổng thể toàn tuyến Dầu Giây - Liên Khương.

Ông Lê Quỳnh Mai cho biết để đảm bảo được tính kết nối và hiệu quả về phương án tài chính thì phải triển khai đồng bộ toàn tuyến từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Liên Khương (Lâm Đồng). Đèo Cả chỉ tập trung thực hiện đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và mong muốn các địa phương đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho liên danh các nhà đầu tư triển khai dự án Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc – Liên Khương.

Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị tỉnh Lâm Đồng kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện dự án xuyên suốt với sự tham gia có Bộ Giao thông Vận tải, các nhà đầu tư đề xuất dự án. Đồng thời làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để xác định thời gian hoàn thành tuyến Dầu Giây - Tân Phú.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài hơn 60km nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai, có tổng mức đầu tư 8.776 tỉ đồng, do Bộ Giao thông Vận tải triển khai. Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài khoảng 74 km, có tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng thực hiện theo phương thức PPP, do UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Phương Trang đang hoàn thiện báo cáo cuối kỳ hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để trình thẩm định.

Khi kết nối toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Lạt chỉ còn khoảng 3 giờ thay vì hơn 6 giờ như hiện nay.

Thanh Xuân – Lê Cương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Zoomlion và Mining & Construction Vietnam 2024: Kết nối để thành công

    (Xây dựng) - Zoomlion Việt Nam là một trong những đơn vị đồng hành cùng Mining Việt Nam tại Triển lãm Mining & Construction Vietnam 2024 trong 3 ngày từ ngày 24 đến ngày 26/4 vừa qua.

  • Phước Thành Group – Lựa chọn tin cậy của nhà đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam

    (Xây dựng) - Phước Thành Group từ khi thành lập tới nay luôn đồng hành phát triển cùng đối tác, với các hoạt động kinh doanh hiệu quả cùng đội ngũ nhân viên tinh nhuệ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại. Phước Thành Group đã phát triển mạnh mẽ, tự tin khẳng định vị thế thương hiệu trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực xây dựng công nghiệp tại Việt Nam.

  • NSH Petro có Tổng Giám đốc mới

    (Xây dựng) – HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro, mã chứng khoán NSH-HOSE) vừa ban hành Nghị quyết HĐQT NSH Petro số 02.2504/2024/NQ-NSH, bổ nhiệm ông Ranjit Prithviraj Thambyrajah (quốc tịch Úc) giữ chức vụ Tổng Giám đốc NSH Petro kể từ ngày 26/04/2024.

  • FECON đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng, kỳ vọng bứt phá từ 80 dự án trong năm 2024

    (Xây dựng) - Mới đây, CTCP FECON (mã chứng khoán: FCN) đã đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Theo đó, năm 2024, doanh thu của FECON dự kiến đến từ 80 dự án nằm trong danh mục đang phát triển mới hoặc chờ kết quả đấu thầu. Bên cạnh đó là hai dự án Square City Phổ Yên và CCN Danh Thắng - Đoan Bái (Bắc Giang).

  • Saigonres tập trung nguồn lực phát triển các dự án tiềm năng

    (Xây dựng) – Tại Đại hội cổ đông thường niên, Tổng Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) đặt mục tiêu cho năm 2024 là tập trung mọi nguồn lực cho phát triển các dự án bất động sản tiềm năng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Hòa Bình…

  • Tập đoàn Đèo Cả đồng hành, hỗ trợ đối tác để cùng vươn xa

    (Xây dựng) – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng khẳng định đơn vị sẽ đồng hành, hỗ trợ các đối tác trong đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ, mô hình quản trị dự án, đầu tư thiết bị thi công - vật tư và hỗ trợ khi gặp khó khăn khách quan trong quá trình thực hiện dự án.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load