(Xây dựng) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, bên cạnh việc bị ảnh hưởng của đại dịch Covid–19 bùng phát, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại thành phố Đà Nẵng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn do giá bán các loại vật liệu xây dựng tăng cao. Do đó, các sở, ban, ngành của thành phố đã hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu “kép” này.
Đà Nẵng hỗ trợ tối đa, bù đắp khó khăn cho doanh nghiệp ngành Xây dựng. |
Doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn
Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng như: Sắt, thép, xi măng, cát, đá... liên tục tăng giá, khiến người dân xây dựng nhà ở, doanh nghiệp thi công các công trình gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình, nhất là nguồn vốn đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lùi thời gian hoặc tạm ngừng thi công công trình để chờ giảm giá vật liệu.
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện nay, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn do giá các loại vật liệu, giá nhân công, giá nhiên liệu đều tăng cao. Đặc biệt, nguồn lao động trong ngành xây dựng ngày càng khan hiếm; số lượng các dự án trong khu vực và địa bàn nhiều, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trả lương cao kéo theo ngày lương tăng cao cho các dự án địa phương, dự án ngân sách.
Cùng với đó, giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng từ đầu năm 2021 đến nay. Đa số các loại vật liệu xây dựng như xi măng, gạch, ngói, vật tư điện nước đều tăng giá từ 10 – 20%; đặc biệt giá thép tăng từ 30 – 40%. Theo đó, doanh nghiệp xây dựng phải bù lỗ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, dấu hiệu tăng giá vẫn chưa hạ nhiệt khi các nhà máy liên tục thông báo điều chỉnh tăng giá thép. Mặt khác, nguồn vật liệu khan hiếm, đặc biệt nguồn vật liệu khoáng sản thông thường như đất nền, cát, đá.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Sau hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, hiện nay các sở, ban, ngành của thành phố đang tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh.Trong đó, có các giải pháp chính:
Một là, yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, tính toán lại giá nhân công phù hợp với thực tế. Sở Tài chính bố trí kinh phí cho Sở Xây dựng thực hiện gói thầu lựa chọn đơn vị tư vấn về giá. Đồng thời, giao các địa phương tiếp tục rà soát về nguồn nguyên liệu vật liệu xây dựng đất đắp nền, cát, đá.
Hai là, xác định nhu cầu của nguồn nguyên liệu xây dựng trên địa bàn để báo cáo sở Xây dựng tổng hợp, trình UBND tỉnh, cập nhật kịp thời khung giá theo thực tế. Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường giá vật liệu xây dựng; điều chỉnh giá phù hợp theo thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hoạt động.
Ba là, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… một cách phù hợp, đúng quy định theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) đang xây dựng phương án về giảm tiền sử dụng hạ tầng cho doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao, khu công nghiệp. Ngoài ra, Ban quản lý đã làm việc trực tiếp và có công văn đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng tại các khu công nghiệp do tư nhân đầu tư chung sức cùng thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp để khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19. Cụ thể là bằng hình thức giảm 25% tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 cho các doanh nghiệp.
Đến nay, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (chủ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng và Khu công nghiệp Liên Chiểu) thống nhất hỗ trợ giảm 25% với điều kiện doanh nghiệp thanh toán đúng thời hạn trong hợp đồng; Công ty TNHH Massda Land (chủ đầu tư Khu công nghiệp Đà Nẵng) hỗ trợ doanh nghiệp giãn tiến độ nộp tiền đến ngày 31/12/2021… Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị đã đề xuất các phương án giảm tiền sử dụng hạ tầng cho doanh nghiệp đối với khu công nghệ cao, khu công nghiệp do Nhà nước đầu tư và khu công nghiệp do tư nhân đầu tư, trình UBND thành phố xem xét.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cho biết, để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trước mắt, Quỹ Đầu tư phát triển thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay của quỹ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi cho một số khách hàng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành để tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển nhằm khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Bên cạnh đó, Quỹ Đầu tư phát triển tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu danh mục cho vay mới ban hành tại Quyết định số 1568/QĐ-UBND của UBND thành phố về danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025; lãi suất cho vay mới theo Quyết định số 41/QĐ-HĐQL ngày 1-7-2021 của UBND thành phố.
Bài: Đà Nẵng hỗ trợ tối đa, bù đắp khó khăn cho doanh nghiệp ngành Xây dựng tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Nguyễn Nam
Theo