Thứ hai 29/04/2024 12:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Công trình cải tạo Panorama Mã Pì Lèng có đảm bảo tính an toàn?

15:30 | 20/11/2020

(Xây dựng) - Liên quan đến việc xử lý tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) xây dựng trái phép ngay trên hẻm vực Tu Sản, đoạn đèo Mã Pì Lèng nối Mèo Vạc với Đồng Văn. Vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã lấy ý kiến các chuyên gia và thống nhất quan điểm, sẽ không phá dỡ toàn bộ công trình Panorama, nhưng đó sẽ chỉ là điểm dừng chân, không có lưu trú. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đơn vị nào sẽ thẩm định bản vẽ thi công, đánh giá mức độ an toàn của công trình?

cong trinh cai tao panorama ma pi leng co dam bao tinh an toan
Công trình Panorama đến nay đã được chủ đầu tư tiến hành cải tạo, sửa chữa một số hạng mục theo phương án đã dược phê duyệt.

Cần đưa ra thiết kế bản vẽ thi công

Báo cáo về việc cải tạo công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng, đại diện UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Đến nay, chủ đầu tư công trình đã tiến hành cải tạo, sửa chữa hoàn thiện các hạng mục theo phương án đã dược phê duyệt, cụ thể: Hoàn thành việc cải tạo hệ thống mái dốc, lợp ngói; cải tạo kiến trúc công trình hòa hợp với cảnh quan tự nhiên, thân thiện môi trường, phù hợp với nét đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây.

Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo công trình từ cos 0.00 trở xuống các sàn thép được liên kết với nhau khó thực hiện việc giảm bớt diện tích theo phương án được duyệt, vì vậy đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư chưa triển khai.

Bên cạnh đó, đại diện UBND huyện Mèo Vạc cũng thông tin: Chi phí thực hiện phương án tháo dỡ, cải tạo công trình lớn trong khi nguồn lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, việc huy động các nguồn vốn của chủ đầu tư còn khó khăn.

Do công trình xây dựng tại sườn núi dốc khó khăn trong việc thi công, tập kết vật liệu, nước và nhân lực thi công nên một số hạng mục cải tạo công trình còn chậm tiến độ, như: tháo dỡ một phần hệ mái đua bằng thép tại các vị trí cos 0.00, -2.50, -5.00.

Mới đây, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Hà Giang cũng đã khảo sát thực tế, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện phương án cải tạo, sửa chữa công trình xây dựng Panaroma khu vực Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.

Qua công tác kiểm tra, ông Nguyễn Thành Nam – Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang cho biết: Công trình Panorama mới được phê duyệt phương án kiến trúc, đây mới là cơ sở để đưa ra thiết kế bản vẽ thi công, phục vụ cho công tác cải tạo. Phải có bản vẽ thi công thì mới có cơ sở định lượng về kích thước, sau đó cần thẩm định bản vẽ rồi mới cải tạo được.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư thi công công trình này khi chưa có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, công trình này phục vụ du khách thăm quan nhưng ở một vị trí rất nguy hiểm nên trước khi cải tạo thì cần có sự kiểm định, đánh giá mức độ an toàn, chịu lực của công trình. Chủ đầu tư cần thuê đơn vị tư vấn độc lập để làm bước này. Vậy có 2 việc chúng ta cần phải thực hiện, một là kiểm định phục vụ việc cải tạo, 2 là lập thiết kế bản vẽ thi công. Thiết kế thi công phải được thẩm định đảm bảo phù hợp với phương án kiến trúc được phê duyệt, đồng thời phù hợp với quy hoạch tại khu vực Mã Pì Lèng.

“Nếu chúng ta cứ căn cứ theo phương án kiến trúc này thì chủ đầu tư không thể biết mà thi công cải tạo theo đúng phương án. Bên cạnh yếu tố mang tính kỹ thuật thì yếu tố mang tính pháp lý cho công trình tồn tại còn liên quan đến nhiều ngành như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Vì vậy, chủ đầu tư cần sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý cho công trình” – Ông Nam nhấn mạnh.

Ông Lâm Tiến Mạnh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang mong rằng: Sở Xây dựng, UBND huyện Mèo Vạc phối hợp, chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện đúng như phương án đã được phê duyệt. Đặc biệt là ý kiến tham gia của Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Lâm Tiến Mạnh cũng đề nghị huyện thường xuyên kiểm tra việc thu phí đối với khách tham quan khi vào công trình này, theo đúng tiêu chí của tỉnh là điểm dừng chân ngắm cảnh. Việc thu phí ở đây hiện đang trái quy định của pháp luật.

Đồng thời, huyện tiếp tục chỉ đạo kiểm tra thực hiện nghiêm việc không cho phép lưu trú tại công trình này. Và vấn đề an toàn giao thông cũng cần phải quan tâm, tránh việc xảy ra sự cố đáng tiếc trong mùa lễ hội.

Ông Nguyễn Quang Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang cho biết: Tháng 3/2020, UBND tỉnh Hà Giang có chủ trì hội nghị xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia, cơ quan quản lý, đã thống nhất chọn ra 1 phương án để xử lý công trình sao cho phù hợp, hài hòa. Căn cứ vào đó, đơn vị tư vấn đã chỉnh sửa các thiết kế cơ sở cơ bản đáp ứng các yêu cầu tại hội nghị. Sở Xây dựng đã xem xét, thẩm định, báo cáo UBND tỉnh đồng ý, giao cho UBND huyện Mèo Vạc chỉ đạo chủ đầu tư cũng như đơn vị tư vấn hoàn thiện, chỉnh sửa theo đúng phương án mà hội nghị đề ra.

Ông Hưng cho biết thêm: Hiện nay, thiết kế cơ sở đã có rồi tuy nhiên, Sở cũng đang hướng dẫn huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư triển khai lập bản vẽ thiết kế thi công. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang triển khai. Chúng ta không nên vội vàng, phải làm chắc từng bước một. Sau khi bản vẽ thi công hoàn chỉnh, Sở Xây dựng thẩm định và sẽ yêu cầu huyện cũng như chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn độc lập để kiểm tra kết cấu công trình, đảm bảo an toàn cho công trình và cộng đồng

cong trinh cai tao panorama ma pi leng co dam bao tinh an toan
Cách công trình Panorama không xa, một ngôi nhà khác cũng đang được triển khai xây dựng.

Khảo sát thực tế trên đèo Mã Pì Lèng, không chỉ có Panorama mà còn nhiều ngôi nhà dân ngang nhiên xuất hiện trên cung đường đèo này từ 1 năm nay. Các ngôi nhà cắm các cọc bê tông thẳng vào sườn núi và đổ các sàn nhà. Tầng trên cùng bám vào mặt đường ô tô. Điều này khiến dư luận băn khoăn đặt ra câu hỏi, nếu không xử lý triệt để những sai phạm tại công trình Panorama thì đây có thể là “tấm gương xấu” để người ta học theo, gây ảnh hưởng đến tài sản chung của quốc gia.

Công trình phải được kiểm định mức độ an toàn

Theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 33 Luật Di sản văn hóa năm 2013: UBND địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với các cơ quan cấp trên trực tiếp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, chủ sở hữu di tích áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ đối với di tích quốc gia đặc biệt phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030, đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 7/4/2017, khu vực có nhà hàng Panaroma Mã Pì Lèng nằm trong vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh. Tại khu vực này, hạn chế xây dựng mới, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử hiện có. Nâng cấp, cải tạo hạ tầng các điểm dân cư nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch sinh thái, homestay, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên.

Đồng thời, tại Mục b, Khoản 6, Điều 1 Quyết định này cũng nêu rõ: Không xem xét các dự án có tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới môi trường cảnh quan tự nhiên. Đặc biệt đối với các khu vực cảnh quan đặc biệt sông Nho Quế và Mã Pì Lèng.

Mặc dù công trình Panorama được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, nhưng lại nằm trong lòng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Đối chiếu với các quy định trên, có thể thấy công trình Panorama Mã Pì Lèng phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát, đảm bảo kết cấu an toàn công trình.

Không riêng gì ở Hà Giang, những năm qua, đã có hàng loạt vụ xâm phạm di sản như ở Tràng An (Ninh Bình), hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt)…Tuy nhiên, hành vi xâm phạm trái phép đó dường như không có thiên hướng giảm, ngược lại ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại di tích, với tính chất nghiêm trọng hơn....cho thấy sự thờ ơ của địa phương, Bộ, ngành liên quan với công tác bảo tồn di sản, thắng cảnh.

Đối với công trình Mã Pì Lèng, một di sản thiên nhiên hùng vĩ của Tây Bắc, xây dựng công trình không phép rõ ràng đã ảnh hưởng, xâm phạm không gian di sản thiên nhiên nhưng 2 năm sau khi xây dựng, báo chí phản ánh, UBND tỉnh mới lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm là quá muộn.

Các chuyên gia cho rằng: Hầu hết những công trình xây dựng xâm phạm di sản, thắng cảnh quốc gia đã qua mặt các cơ quan quản lý của địa phương để ngang nhiên tồn tại. Nếu các cơ quan quản lý địa phương làm đúng chức năng của mình sẽ không xảy ra tình trạng này.

Về mặt quản lý, Nhà nước giao trách nhiệm cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại phân cho Cục Di sản văn hóa cho nên hiện nay về xử lý trách nhiệm Cục Di sản văn hóa phải rà soát lại tất cả các địa phương xem tỉnh nào làm sai, huyện nào làm sai để xử lý.

Nếu di sản mà đã mất hoặc bị xâm hại thì không thể lấy lại được. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến truyền thống văn hóa của một dân tộc. Đồng thời, chúng ta đã có luật thì phải thực hiện đúng theo luật nên ai vi phạm quy định của luật ban hành thì phải xử lý nghiêm minh, truy trách nhiệm đến cùng,… vì việc xâm phạm Di sản, di tích văn hóa là rất nghiêm trọng.

Những di sản, di tích văn hóa là nền tảng văn hóa của một đất nước dù có sửa chữa, trùng tu lại cũng ảnh hưởng ít nhiều nên trên cơ sở phải bảo vệ, duy tu và phát triển một cách cẩn thận, không được xâm phạm, làm biến dạng di sản cũng như di tích.

Nếu nhận thấy thể chế, quản lý, khai thác, bảo tồn chưa rõ ràng, chưa làm rõ trách nhiệm của các cấp… thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần vào cuộc ngay, làm rõ quy định cụ thể về các sai phạm liên quan đến di sản để bổ sung vào Nghị định, vào Luật.

Từ việc vi phạm trong xây dựng công trình Panorama dẫn đến mất rất nhiều công sức của các Bộ ngành, chính quyền địa phương. Đây là bài học mà UBND tỉnh Hà Giang, các Sở ngành liên quan, UBND huyện Mèo Vạc và các phòng ban liên quan cần tăng cường quản lý trong hoạt động xây dựng để không xảy ra vi phạm như đã nêu; đồng thời ngăn chặn một cách kịp thời một số công trình lân cận đang có nguy cơ xây dựng và phá vỡ cảnh quan.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load